Mùa hè 2021 sẽ là một trong những kì chuyển nhượng đáng nhớ nhất của thập kỷ, khi chứng kiến hai cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá hiện đại, Lionel Messi và Cristiano Ronaldo chuyển sang màu áo mới.
Bên cạnh đó, nó cũng chứng kiến những cuộc trở về nhà thú vị (Romelu Lukaku trở lại Chelsea, Ronaldo trở lại khoác áo Manchester United), hay việc những Kylian Mbappé và Harry Kane ở lại đội bóng chủ quản, dù đã nhận được những lời đề nghị với số tiền chuyển nhượng “điên rồ”.
Tuy mỗi đội bóng đều có những chiến lược mua sắm riêng, vẫn có những xu hướng chung, từ việc các đội đang chi tiêu ít đi, cho đến sự thắng thế của những đội bóng giàu có.
THỊ TRƯỜNG CHUYỂN NHƯỢNG KHI BỊ DỊCH BỆNH CHI PHỐI
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 đến nay, các CLB khắp châu Âu tiếp tục vật lộn để chống lại những tác động tài chính của đại dịch. Theo hãng kiểm toán Deloitte, con số 1,1 tỉ bảng mà các CLB Premier League chi ra là con số thấp nhất kể từ năm 2015, giảm 11% so với mùa hè năm ngoái và 9% so với năm 2019.
Đấy là con số của giải đấu luôn chi nhiều nhất trong những năm qua. Các giải đấu khác thậm chí còn tằn tiện hơn: Số tiền các CLB Serie A chi ra trong năm 2019 nhiều gấp đôi năm nay, trong khi đó ở La Liga, con số này ở năm 2019 nhiều gấp 5 lần.
Với riêng Premier League, không chỉ giảm chi tiêu, tỷ lệ cầu thủ đến dưới dạng chuyển nhượng tự do cũng tăng từ 20% lên 22%. Chỉ có 4 đội không có cầu thủ đến dưới dạng này, so với con số 8 ở mùa trước.
|
Những bản hợp đồng lớn của Premier League hè này |
Một cách khác để cảm nhận ảnh hưởng của dịch bệnh tới thị trường chuyển nhượng đó là việc nhìn vào các thương vụ bom tấn. Trong hai mùa hè bị ảnh hưởng bởi đại dịch cho đến nay, chúng ta chứng kiến bốn cầu thủ có mức phí chuyển nhượng trên 80 triệu euro: Kai Havertz và Romelu Lukaku đến Chelsea, Jack Grealish đến Manchester City và Jadon Sancho đến Manchester United. Nhưng chỉ riêng mùa hè 2019, con số này nhiều hơn gấp đôi: 8 thương vụ.
Các khung giá khác cũng cho kết quả tương tự. Chúng ta có 9 cầu thủ hè này và 15 cầu thủ hè năm ngoái có giá hơn 40 triệu euro trong khi năm 2019 con số là 24. Có 44 cầu thủ trong hai kỳ chuyển nhượng gần nhất có giá trên 30 triệu euro; chỉ riêng năm 2019 đã có 43 cầu thủ có giá như vậy.
Thị trường chuyển nhượng hè này trở nên hấp dẫn bởi sự ra đi của hai cầu thủ là thần tượng của cả một thế hệ người xem bóng đá, Lionel Messi và Cristano Ronaldo. Và cả hai đều ra đi bởi đội bóng chủ quản của họ gặp vấn đề về mặt tài chính. Barcelona với khoản nợ 1,3 tỉ euro, dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể vượt qua những trở ngại về mặt tài chính và cấu trúc lương. Trong khi đó, Juventus cần giải phóng tiền lương trả cho Ronaldo để xây dựng lại đội hình cũng như giảm các khoản nợ.
Có một câu hỏi đặt ra là vì sao dịch Covid-19 đã hoành hành nguyên một năm trước, nhưng các đội bóng vẫn chi nhiều hơn so với mùa hè năm nay? Có thể lý giải là bởi nhiều đội bóng không lường trước được ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch đối với tình hình tài chính của họ. Khác với sự suy thoái chung của một nền kinh tế khi các đội bóng có thể dự đoán, từ đó giảm bớt các thiệt hại, dịch bệnh khiến mọi thứ trở nên không chắc chắn, và khiến các CLB không thể lên kế hoạch từ trước.
Đó là lý do vì sao hai mùa giải gần đây chứng kiến những đội bóng có sẵn tiền (thông qua những ông chủ giàu có) như Manchester City, PSG hay Chelsea làm lũng đoạn thị trường chuyển nhượng, trong khi những thế lực truyền thống như Barcelona hay Inter Milan, sau khi chi mạnh ở hè năm ngoái đã phải cắt giảm mạnh ở kì chuyển nhượng năm nay.
CÁC ĐỘI BÓNG GIÀU CÓ ÁP ĐẢO CÁC THẾ LỰC TRUYỀN THỐNG
Năm 2017, PSG gây sốc khi phá vỡ hợp đồng trị giá 222 triệu euro để đưa Neymar từ Barcelona về với sân Parc des Princes. Đó là tuyên bố đanh thép từ đội bóng nhà giàu nước Pháp, cảnh báo các đội bóng giàu truyền thống khác rằng họ có thể mua bất kỳ ai.
Đến khi khả năng Messi và Ronaldo ra đi trở nên rõ ràng, chỉ có bốn CLB đủ năng lực trả lương cho họ: Chelsea, Manchester City, PSG và Manchester United. Trong số này, ba CLB đầu tiên không phụ thuộc nhiều vào bóng đá để có thu nhập; đội còn lại luôn dẫn đầu trong top những đội bóng kiếm được nhiều tiền nhất. Luật Công bằng Tài chính hiện đang bị hoãn lại, điều đó lại càng trở thành động lực để những đội bóng trên sẵn sàng bơm tiền mặt để mua lấy người họ muốn, trong bối cảnh các đội bóng giàu truyền thống như Real Madrid, Barcelona hay Liverpool đều phải thắt chặt hầu bao của mình lại.
|
PSG đại diện cho sự áp đảo của những đội bóng giàu có nhờ đầu tư tài chính của một cá nhân trên thị trường chuyển nhượng hè này. Ảnh: Paris Saint-Germain |
Chiến lược mua sắm của những đội bóng giàu có nhờ nguồn tiền của các ông chủ cho kỳ chuyển nhượng mùa hè này cho thấy họ chiếm ưu thế đến mức nào. Dù 60% số tiền Chelsea thu về là nhờ những cầu thủ từ học viện, họ vẫn tận dụng triệt để kho cầu thủ khổng lồ của mình, cụ thể là những người rất ít khi dùng tới như Tiemoue Bakayoko, Michy Batshuayi hay Kenedy… sẽ được cho mượn, sau đó bán khi đến thời điểm thích hợp. Manchester City dù tỏ ra thận trọng với trường hợp của Harry Kane nhưng họ sở hữu thương vụ đắt giá nhất khi mua Jack Grealish từ Aston Villa. Còn với trường hợp của PSG, chỉ riêng việc họ từ chối lời đề nghị trị giá lên tới 200 triệu euro của Real Madrid cho Kylian Mbappé, cho thấy tham vọng to lớn của họ cho chiến dịch Champions League.
Đó là lý do tại sao rất nhiều đội bóng giàu truyền thống lại muốn đăng ký tham dự Super League, và đó cũng là lý do PSG không bao giờ tham gia giải đấu này, cũng như việc Chelsea và Manchester City là hai đội bóng đầu tiên xin rút lui.
Có thể trong thời gian tới, những đội bóng lâu đời sẽ dần khẳng định lại bản thân thông qua việc mua sắm; việc để tài chính phụ thuộc vào những cá nhân đơn lẻ cũng chưa bao giờ an toàn, nhưng kì chuyển nhượng hè này đã cho thấy cán cân thay đổi rất lớn về mặt kinh tế, khi các đội bóng giàu có thắng thế hoàn toàn trên thị trường chuyển nhượng.
Tú Nguyễn