Với những gì Arsenal đang thể hiện, vô địch Premier League là điều quá xa vời

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 20/01/2024 15:22(GMT+7)

Arsenal đã có một Giáng Sinh hạnh phúc, nhưng còn “năm mới tốt lành” thì sao? Nói chung thì không được vui cho lắm.

 

Vào ngày 23 tháng 12, họ đến Anfield, ghi bàn ở phút thứ 4 và kiếm được 1 điểm từ trận đấu được cho là khó khăn nhất trong lịch trình của họ. Trận hòa 1-1 với Liverpool đã đảm bảo rằng The Gunners sẽ đứng đầu bảng xếp hạng (BXH) Premier League vào dịp Giáng Sinh, và đây là một chuyện rất đáng mừng, vì có đến 10 trong số 14 đội trước đó chiếm được ngôi đầu bảng vào ngày 25 tháng 1 đã kết thúc mùa giải với chức vô địch. 

Trận hoà Liverpool diễn ra sau chiến thắng 2-0 trên sân nhà trước Brighton với một thế trận hoàn toàn áp đảo đối thủ. Với việc Manchester City đang vừa có phong độ bất ổn, vừa đá ít hơn họ 1 trận vì phải chơi ở Club World Cup, Arsenal đã dẫn trước nhà đương kim vô địch – và đã có 3 lần vô địch liên tiếp giải đấu hạng cao nhất bóng đá Anh – tận 6 điểm. Hơn thế nữa, The Gunners đã không để cho Liverpool – đứng thứ 2 với khoảng cách 1 điểm – có thể thu lợi từ một trận đấu mà đội chủ nhà được đánh giá cao hơn.

Quá rõ ràng, Arsenal đích thực là một ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch Premier League 2023-24. Thời điểm ấy, họ chính là đội có hiệu số bàn thắng bại kỳ vọng (gọi tắt: Hiệu số xG) tốt nhất giải đấu và cũng là đội kiếm được nhiều điểm số nhất.

Nhưng rồi mọi lợi thế đều sụp đổ. Arsenal đã phải nhận 2 trận thua liên tiếp trước West Ham và Fulham. Giờ thì họ kém Liverpool đến 5 điểm, có khoảng cách điểm số gần với vị trí thứ 5 hơn là vị trí đầu bảng, và thậm chí còn bị cả Manchester City và Aston Villa vượt mặt với cách biệt 3 điểm. Trong 5 trận đấu gần nhất, đoàn quân của Mikel Arteta chỉ giành được vỏn vẹn 4 điểm.

Vậy, chuyện gì đang xảy ra với Arsenal? Phải chăng đã quá muộn để họ có thể xoay chuyển tình thế?

CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI “ỨNG CỬ VIÊN NẶNG KÝ CHO CHỨC VÔ ĐỊCH PREMIER LEAGUE” ARSENAL?

Trước tiên, hãy nhìn lại một chút về mùa giải trước. Một trong những yếu tố then chốt khiến Arsenal thất bại trong cuộc đua vô địch Premier League 2022-23 chính là lịch trình thi đấu cực kỳ khó khăn của họ ở giai đoạn cuối mùa giải. 

Sau chiến thắng 4-1 vào ngày 1 tháng 4 trước Leeds, The Gunners đã dẫn trước Manchester City đến 8 điểm. Một phần là vì Man City đang chơi ít hơn họ 1 trận, nhưng phần lớn nguyên nhân là việc Arsenal vẫn chưa phải đá 3 trận đấu được đánh giá là khó nhằn nhất trong lịch trình của họ: 3 chuyến làm khách trước Man City, Liverpool và Newcastle. Tính cả cuộc đối đầu Brighton trên sân nhà, thì họ sẽ phải chạm trán 4 trong số những đội bóng mạnh nhất giải đấu trong 9 trận cuối mùa của mình.

Có lẽ Arsenal sẽ không sụp đổ nếu lịch thi đấu của họ dễ thở hơn.

Câu chuyện trên thì có liên quan gì đến mùa giải này? Mùa trước, Arsenal đã đánh bại West Ham tại Emirates với tỷ số 2-1 và hạ gục Fulham 3-0 trên sân khách. Thu về 6 điểm từ 2 trận, ghi 5 bàn và chỉ phải nhận 1 bàn thua. Mùa này, họ thua West Ham 0-2 và thua Fulham 2-1: Không thu được điểm nào từ 2 trong số những trận đấu được xem là “dễ thở” nhất trong lịch trình của mình, chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bàn và nhận tới 4 bàn thua.

Để có thể bắt kịp Liverpool và Man City, đây là những trận đấu mà họ nhất định phải giành trọn 3 điểm, chứ không phải để chúng làm cho rớt hạng.

VẬY, TẠI SAO ARSENAL LẠI THUA NHỮNG TRẬN ĐẤU MÀ HỌ ĐÁNG LẼ PHẢI THẮNG? 

Dưới đây là bản đồ những cú dứt điểm đã được thực hiện trong trận đấu giữa Arsenal và West Ham, vòng tròn càng lớn thì giá trị “bàn thắng kỳ vọng” (xG) càng cao, và những cú dứt điểm thành bàn có màu xanh lá cây:

 

Nó cho thấy thực ra Arsenal đã áp đảo đối thủ đến mức nào trong trận thua này. Tổng xG của West Ham còn bao gồm cả quả penalty ở phút 95 của Saïd Benrahma – tuy không được thể hiện trong bản đồ trên – khi mà về mặt kỹ thuật thì trận đấu gần như đã kết thúc. Nếu không có quả phạt đền đó, thì tổng xG của West Ham trong trận này sẽ tụt xuống chỉ còn 0,63. 

Chắc hẳn không ít người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Arsenal lại có một thế trận áp đảo đến vậy. Về cơ bản, West Ham đã ghi bàn nhờ 2 trong số 3 đợt tổ chức tấn công không bị đứt đoạn mà họ có được trong toàn bộ trận đấu này. Biểu đồ bên dưới, do Stats Perform cung cấp, thể hiện mức độ đe dọa từ những đợt kiểm soát bóng không bị đứt đoạn của 2 đội, được tính toán bằng cách sử dụng một chỉ số gọi là “giá trị kỳ vọng” của từng đợt, xác định khả năng ghi bàn của đội đang cầm bóng trong vòng 10 giây tiếp theo tại bất kỳ thời điểm nào:

  

 

Hãy nhìn vào toàn bộ phần màu đỏ dành cho Arsenal! Họ không chỉ chuyền bóng luẩn quẩn vô mục đích quanh khu vực giữa sân. Họ đã thực hiện được tận 20 cú dứt điểm không bị chặn bởi các cầu thủ phòng ngự, đây chính là con số nhiều nhất của The Gunners trong những trận đấu mà họ không thể ghi bàn tính từ năm 2015. Và 77 lần chạm bóng trong vòng cấm đối thủ của Arsenal vào hôm ấy chính là con số cao nhất trong những trận đấu mà họ không thể ghi bàn trong 15 mùa giải qua!

Nếu may mắn hơn, Arsenal sẽ ghi được vài bàn thắng, còn West Ham thì không ghi được bàn nào, và sẽ chẳng có ai nghĩ ngợi nhiều về ý nghĩa của trận đấu này cả. Tuy nhiên, thế trận trong thất bại trước Fulham là một câu chuyện hoàn toàn khác:

  

 

Nó thậm chí còn khá kịch tính nếu xét từ góc độ những cơ hội mà 2 đội đã tạo ra, và chuyện đáng lo ngại nhất là Arsenal chẳng thể kiểm soát trận đấu trong bất kỳ khoảng thời gian nào cả. Hai đội đã liên tục “ăn miếng trả miếng” với nhau:

 

Tuy là 2 trận thua liên tiếp, nhưng xét kỹ lưỡng và công bằng thì Arsenal chỉ chơi tệ 1 trận, trận còn lại là do đen đủi, dẫn tới 1 kết quả kỳ quặc. Cộng 2 trận đấu này lại, Arsenal đã tạo ra 4,41 bàn thắng kỳ vọng và nhận 1,86 bàn thua kỳ vọng không tính penalty. Chủ yếu, những pha nảy bóng bất thường đã biến chúng thành 1 bàn thắng cho Arsenal và 4 bàn cho các đối thủ của họ.

NHƯNG ARSENAL ĐÃ ĐỂ THUA NHIỀU HƠN 2 TRẬN – ĐÓ CŨNG LÀ MỘT VẤN ĐỀ, PHẢI CHỨ?

Nếu chúng ta nhìn xa hơn về quá khứ, cụ thể là trận thua Aston Villa, thì tình hình của Arsenal sẽ trông càng tệ hơn. Dưới đây là BXH về hiệu suất kiếm điểm trung bình mỗi trận của 20 đội tại Premier League tính từ 5 vòng đấu trước:

 

5 trận đấu là một kích cỡ mẫu lớn hơn nhiều so với 2 trận và hiệu suất kiếm điểm của The Gunners trong giai đoạn 5 trận này ngang hàng với Burnley, Sheffield United và Manchester United – 3 đội bóng thuộc diện “tệ hại” tại Premier League mùa này.

Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó cũng tương tự như câu chuyện đã được nêu trong phần đầu của bài phân tích này. Dưới đây là bảng xếp hạng hiệu số xG (không tính các quả penalty) của 20 đội trong giai đoạn 5 trận trên:

 

Trong 5 trận đấu vừa qua, The Gunners đã tạo ra 8,88 xG nhưng chỉ ghi được 4 bàn thắng thực tế. Còn các đối thủ của họ thì đã biến 4,08 xG thành 6 bàn thắng.

Nói cách khác, trong 15 trận đầu, hiệu số xG trung bình mỗi 90 phút (không tính các quả penalty) mà Arsenal tạo ra là +0,84 và đạt hiệu suất kiếm điểm trung bình là 2,4 mỗi trận. Còn trong 5 trận gần nhất, tuy hiệu số xG trung bình mỗi trận của họ đã tăng lên thành +0,96 mỗi trận, nhưng hiệu suất kiếm điểm thì tụt xuống chỉ còn 0,8 mỗi trận.

Tóm lại: Nguyên nhân chính khiến đoàn quân của Mikel Arteta lâm vào tình trạng được gọi là “khủng hoảng” hiện nay chính là tính may rủi trong môn thể thao này.

TUY NHIÊN, CHẲNG PHẢI LIVERPOOL VÀ MANCHESTER CITY CŨNG ĐANG VƯỢT MẶT ARSENAL CẢ TRÊN BẢNG XẾP HẠNG HIỆU SỐ BÀN THẮNG BẠI KỲ VỌNG SAO? 

Đúng vậy, một lý do khác làm cho tình trạng chật vật hiện tại của Arsenal tạo nên cảm giác cực nghiêm trọng chính là phong độ bùng nổ của Liverpool và Man City trong cùng giai đoạn 5 trận đã đề cập. 

Tại thời điểm này của mùa giải, 3 đội bóng này đang được ghi nhận thống kê hiệu số xG trung bình mỗi 90 phút gần như y chang nhau. Liverpool dẫn đầu với con số +0,91, Man City là +0,90, còn Arsenal là +0,87. Nhưng mô hình này chẳng hề chính xác tuyệt đối để khẳng định rằng cách biệt 0,04 kia chẳng hề có chút sai số nào, vậy nên chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng Liverpool Man City và Arsenal ngang ngửa nhau trong khía cạnh này.

Tuy nhiên, họ đã tạo nên  con số của mình theo những cách khác nhau. Dưới đây là biểu đồ so sánh 2 chỉ số “bàn thắng kỳ vọng – không tính penalty” (trục hoành) và “bàn thua kỳ vọng” (trục tung) của toàn bộ 20 đội bóng tại Premier League 2023-24: 

 

Liverpool hiện đang là đội mạnh nhất giải đấu trong khâu tấn công. Man City vẫn là đội cân bằng nhất trong bộ ba này, còn Arsenal là đội phòng ngự tốt nhất giải. 

Tính cả các tình huống mở lẫn các tình huống cố định, The Gunners đang là đội có ít “bàn thua kỳ vọng” nhất Premier League 2023-24. Nếu chỉ cần phòng ngự thật tốt là có thể nắm được những chức vô địch thì tức là Arsenal và các fan của họ vẫn còn lý do để lạc quan. Tuy nhiên, lập luận đó thường áp dụng cho các giải đấu có vòng loại trực tiếp, nơi mà những đội bóng mạnh nhất sẽ trực tiếp đối đầu nhau trong các trận đấu để xác định nhà vô địch. Nhưng liệu nó có còn áp dụng được không khi mà bạn bắt buộc phải đấu với tất cả đối thủ 2 lần, trên sân nhà và sân khách, và chức vô địch sẽ được định đoạt bằng điểm số mà các đội trong giải đã tích luỹ được?

Một cây viết có tiếng chuyên về Arsenal là Scott Willis gần đây đã xem xét chủ đề này và đưa ra một câu trả lời rất đơn giản, tinh tế:

“Nếu chúng ta lấy đội bóng có hàng phòng ngự tốt nhất từ trước đến nay là Chelsea của mùa giải 2004-05 (chỉ để thủng lưới 15 lần) và kết hợp nó với một hàng công ở mức trung bình (ghi tầm 51 bàn), thì dự kiến đội bóng đó sẽ kiếm được khoảng 74 điểm trong một mùa giải. Đúng là con số này khá tốt, nhưng ‘tốt’ ở đây là khi nó thuộc về một đội bóng có mục tiêu chính là đua Top 4, chứ không phải một ứng cử viên vô địch. 

Còn nếu chúng ta lấy đội bóng có khả năng tấn công tốt nhất từ trước đến nay là Manchester City (ghi 108 bàn) và kết hợp nó với một hệ thống phòng ngự trung bình (thủng lưới tầm 51 bàn), thì dự kiến đội bóng đó sẽ giành được khoảng 89 điểm trong một mùa giải. Con số này không đảm bảo rằng chức vô địch chắc chắn sẽ thuộc về họ, nhưng rõ ràng nó sẽ đưa họ tiến đến chức vô địch gần hơn nhiều so với đội bóng phòng ngự tốt nhất kia.”

Ở cấp độ cá nhân, cho đến thời điểm hiện tại của Premier League mùa này thì đang có 3 cầu thủ được ghi nhận hiệu suất bàn thắng kỳ vọng và kiến tạo kỳ vọng (xA) trung bình mỗi 90 phút  từ 0,9 trở lên. Một trong số họ đang chơi cho Manchester City (Erling Haaland), và 2 người còn lại chơi cho Liverpool (Darwin Núñez và Mohamed Salah). Đây là những con số thuộc diện đẳng cấp thế giới. 

Người đứng đầu tại Arsenal về thống kê này là Leandro Trossard với con số 0,61, xếp thứ 20 tại giải đấu. Nhưng anh chỉ mới có 6 trận được đá chính ở mùa giải này. Người đứng thứ hai là Gabriel Jesus với con số 0,6, nhưng thành tích phá lưới thực tế của anh trong 7 mùa giải qua ở Premier League đã kém hơn con số kỳ vọng tận 14 bàn.  

 

Sau hàng loạt đóng góp đáng ca ngợi và sự tiến bộ đều đặn qua từng mùa giải của mình, Bukayo Saka vẫn chưa thể bứt phá lên đẳng cấp “quái vật” trong việc “sắm vai” một nguồn đầu ra (dứt điểm, tạo cơ hội) cho các đợt tấn công, điều mà chúng ta thường mong đợi từ những cầu thủ chạy cánh xuất sắc nhất thế giới tại những đội bóng xuất sắc nhất thế giới. Còn ở cánh bên kia, Gabriel Martinelli dường như đã bị cản trở bởi cách chơi thận trọng, ưu tiên phòng ngự của các đối thủ tại đây. Tần suất chạm bóng trong khu vực 1/3 cuối sân đối thủ và bên trong vòng cấm của anh đã tăng lên so với mùa giải trước, nhưng hiệu suất xG+xA không tính penalty trung bình mỗi 90 phút của anh thì lại sụt giảm đáng kể, từ 0,59 xuống 0,38. Đơn giản là vì anh đang bị nhiều cầu thủ phòng ngự cản đường hơn. 

Từ mùa giải trước, Man City đã chuyển sang một lối đá cẩn trọng hơn nhiều, và nó đã thành công mỹ mãn vì sự hiện diện của hai gã quái vật trong việc công phá các “thành trì” là Kevin De Bruyne và Erling Haaland đồng nghĩa rằng họ không cần mạo hiểm đẩy quá nhiều quân số lên mặt trận tấn công.   

Trong phần lớn mùa giải này, giải pháp của Arsenal là những tình huống cố định được tổ chức và thực hiện xuất sắc. Họ đang đứng đầu giải đấu về thành tích ghi bàn từ các tình huống bóng ch.ết với con số 11, nhưng đừng lầm tưởng rằng The Gunners vô đối trong việc thực hiện bóng ch.ết dựa trên con số đó. Tổng chỉ số xG từ các tình huống cố định của họ hiện tại là 7,28, xếp thứ 5 giải đấu và 78 cú dứt điểm mà Arsenal tạo ra được từ chúng là con số đứng thứ 4 giải đấu. Nếu không thể chuyển hoá những tình huống cố định này thành các bàn thắng và buộc đối thủ lộ sơ hở, Arsenal sẽ chật vật hơn nhiều trong nhiệm vụ tìm kiếm chiến thắng.  

The Gunners đã ghi bàn từ các tình huống cố định trong 9 trận đấu, và họ đã thu được 25 điểm từ các trận đấu đó – đạt hiệu suất trung bình 2,8 điểm mỗi trận. Trong 11 trận còn lại, họ chỉ kiếm được 15 điểm – trung bình 1,4 điểm mỗi trận, gần bằng hiệu suất kiếm điểm của Wolverhampton và Chelsea mùa này. 

Mặt khác, đoàn quân của Arteta chỉ tạo ra được 25,17 xG từ các tình huống mở - thành tích đứng thứ 7 giải đấu, xếp dưới Brighton và trên Brenford. Bạn có nghĩ rằng khả năng tấn công như vậy sẽ giúp họ giành chức vô địch?

VẬY ARSENAL CÓ CÒN CHÚT CƠ SỞ NÀO ĐỂ HY VỌNG KHÔNG? HAY ĐÃ HOÀN TOÀN VÔ VỌNG RỒI?  

Tuy mùa giải vẫn còn dài, nhưng vài trận đấu gần đây đã cho thấy ranh giới giữa 2 vị thế “ứng cử viên vô địch” và “kẻ ngoài cuộc” mong manh đến thế nào khi bạn phải cạnh tranh với 2 trong số 5 đội bóng mạnh nhất thế giới (theo xếp hạng của Club Elo và Opta). Theo tính toán của Twenty First Group, thì tỷ lệ vô địch của Arsenal mùa này đã có những biến động như sau từ ngày 1 tháng 12:

 

Thị trường cá cược cũng đã hạ thấp đáng kể cơ hội vô địch của Arsenal:

 

Lý do chính dẫn tới sự thay đổi này: the Gunners quá đen đủi. Lý do thứ hai: Sự cân bằng trong 2 nhiệm vụ công và thủ của Arsenal tuy có thể tạo nên một mức sàn tiềm năng cao hơn, nhưng mức trần lại thấp hơn những đối thủ trực tiếp của họ trong cuộc đua vô địch. Và còn một lý do nữa: Cả Liverpool và Manchester City đều thực sự quá mạnh. 

Vì vậy, dưới sự dẫn dắt của Mikel Arteta, Arsenal đang phải đối mặt với một thực tế đầy khắc nghiệt trong kỷ nguyên bóng đá hiện nay ở Anh. Đúng là The Gunners đã tiến bộ hơn nhiều so với sự bạc nhược trước đây. Họ còn cơ hội vô địch Champions League, nhưng rất có thể họ vẫn chưa đủ mạnh để chinh phục Premier League.   

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.