Những phản ứng công khai được đưa ra sau các cáo buộc đã cho thấy sự nhất quán với yếu tố thứ hai bị phơi bày qua các email: Cái cách mà Man City đã chống đối và bất hợp tác với UEFA, cũng như FFP – đôi khi thật sự rất đáng sợ.
Phần 2:
Những phản ứng công khai được đưa ra sau các cáo buộc đã cho thấy sự nhất quán với yếu tố thứ hai bị phơi bày qua các email: Cái cách mà Man City đã chống đối và bất hợp tác với UEFA, cũng như FFP – đôi khi thật sự rất đáng sợ. FFP được áp dụng với tất cả các câu lạc bộ hàng đầu trên khắp châu Âu đang thi đấu ở Champions League và Europa League, nhằm khuyến khích những chiến lược phát triển bóng đá dài hạn và làm giảm đi tình trạng lạm phát tiền lương cầu thủ, với những quy định cực kì chi tiết và một hệ thống báo cáo rất tinh vi được phát triển bởi UEFA bằng hệ thống blue-chip.
Chủ tịch của Manchester City, ông Khaldoon al-Mubarak, chưa bao giờ ủng hộ FFP, vì cho rằng nó đang kìm hãm đi sự tự do của Mansour trong việc tái xây dựng lại Man City bằng cách rót tiền mạnh tay vào đội bóng này, nhưng các email đã cho thấy, sự chống đối còn đi xa hơn cả thế. Có vẻ như ban lãnh đạo đội bóng này đã gần như xem đây hoàn toàn là “chuyện cá nhân”, họ nhìn nhận rằng toàn bộ hệ thống FFP này là một động thái “bảo vệ” nhằm ngăn chặn sự mạnh mẽ của Mansour trong việc nâng tầm Man City vươn lên một vị thế có thể thách thức các siêu câu lạc bộ có bề dày lịch sử. Có lẽ, bằng chứng đã củng cố cho cái quan điểm đó của thượng tầng đội chủ sân Etihad, chính là sự ủng hộ mạnh mẽ của Bayern Munich và các câu lạc bộ bóng đá ở Đức đối với FFP, nhưng đừng quên, sự bền vững tài chính đã luôn được nỗ lực duy trì tại Bundesliga, giải đấu mà hầu hết các câu lạc bộ rốt cuộc vẫn đang được kiểm soát bởi các cổ động viên. Họ, và nhiều câu lạc bộ khác ở châu Âu, đều cảm thấy xa lạ với cái đường lối làm việc vung tiền để xây dựng con đường vươn đến sự thành công của các nhà đầu tư Vùng Vịnh.
Man City đã cảm thấy rằng cái đường lối mà họ đang đi theo để có thể mau chóng gia nhập giới “thượng đẳng” của bóng đá châu Âu – qua việc chinh phục Champions League – đang bị cản trở bởi FFP, và đã liên tục đe dọa sẽ tiến hành một cuộc chiến pháp lý với UEFA. Trong một trong các email bị rò rỉ, ông Simon Cliff, luật sư của đội chủ sân Etihad, đã đề cập đến việc Mubarak đã tuyên bố với Gianni Infantino, khi ấy đang là tổng thư ký của UEFA, rằng ông ta sẽ không đời nào chấp nhận cái án phạt tài chính cho việc để vượt quá mức lỗ 45 triệu Euro vào năm 2012 và 2013. Simon đã khẳng định rằng: “Ông ấy thà chi ra 30 triệu Euro cho 50 luật sư giỏi nhất thế giới để ‘chiến’ với UEFA trong 10 năm tới, chứ tuyệt đối không chấp nhận đóng phạt.”
Vào năm 2014, IC xác định được rằng Man City đã để lỗ tổng cộng 180 triệu Euro trong khoảng thời gian 2 năm đó, vượt rất xa so với con số được cho phép là 45 triệu Euro, và vào tháng 5 năm đó, hai bên đã đạt được một thỏa thuận giải quyết mà một số người tại UEFA tin rằng là “quá khoan dung”. Một ngày trước đó, cựu chủ tịch của IC, Jean-Luc Dehaene, một cựu thủ tướng kiệt xuất của nước Bỉ và chính trị gia cấp cao của EU, đã qua đời ở tuổi 73, bỏ lại người vợ 49 tuổi và 4 người con. Spiegel đã trích dẫn lại câu nói đầy phấn khích của Simon Cliff trong một email nội bộ về tin tức này, như sau: “Một thằng đi rồi, còn 6 thằng nữa thôi.”
Kể từ khi bị phơi bày ra ánh sáng, đã không một cá nhân nào của Man City đứng ra xin lỗi về đoạn email đó, họ cho rằng vì đó là những email đã bị hack, nên dù cho nội dung của nó có xấu xa đến mức nào đi nữa, thì cũng sẽ không được công nhận.
Yếu tố thứ ba được tiết lộ qua những tài liệu bị rò rỉ vốn không phải là một phần trong cuộc điều tra của IC, vì được nhận định như một phần của những gì đã được dàn xếp vào năm 2014 đề cập ở trên, nhưng nó cho thấy Man City đã đặt ra một số “kế toán sáng tạo” (Creative Accounting) để thuyết phục UEFA rằng, họ đã tuân thủ theo các quy tắc “hòa vốn” mới. Thế nhưng, hầu hết trong số đó đã bị phát giác và từ chối thẳng bởi IC, sau khi được gửi đến PwC, một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, để xem xét một cách chi tiết.
Sau vụ rò rỉ thông tin mật, Manchester City đã từ chối trả lời Spiegel, phần còn lại của giới truyền thông và UEFA, mãi cho đến khi IC, mặc dù ban đầu có hơi do dự, nhưng cuối cùng đã quyết định rằng mọi chuyện phải được làm cho ra lẽ. Phía Man City đã lên án việc sử dụng các email vì chúng là “những tài liệu không chính thống bị hack và bị ăn cắp”, cũng như cáo buộc rằng “có một âm mưu đã được lên kế hoạch nhằm mục đích tấn công vào danh tiếng của câu lạc bộ.”
Spiegel đã cho ẩn danh nguồn cung cấp thông tin của họ với cái tên “John”, và trích dẫn lại lời khẳng định của anh về việc 70 triệu tài liệu của các ông lớn trong thế giới bóng đá mà mình đang giữ trong tay không hề được thu thập qua việc hack, mà là nhờ vào việc anh có những “mối quan hệ và nguồn tin tốt”. Trong vòng vài tuần, nhân vật này đã được xác định chính là Pinto, một người hiện đang bị tạm giam tại một nhà tù ở Lisbon trong quá trình chờ xét xử, sau khi bị buộc tội hack các thông tin mật và rất nhiều hành vi phạm pháp khác, mặc dù hiện tại chỉ là liên quan đến các câu lạc bộ bóng đá và tổ chức ở Bồ Đào Nha, chứ không phải Man City hay UEFA.
Pinto đã thừa nhận với Spiegel vào tháng 12 rằng đúng là trong máy tính cá nhân của anh có phần mềm hack, và “một số việc mà tôi từng làm có thể bị xem là bất hợp pháp”, nhưng anh phủ nhận việc mình đã phạm các tội hình sự, với việc khẳng định rằng: “Tôi không xem mình là một hacker đâu.”
Nhưng đối với rất nhiều người, hoặc các tổ chức như Manchester City, những “nạn nhân” của vụ rò rỉ và hack thông tin này, hậu quả mà phải họ gánh chịu là hết sức cay đắng. Tuy nhiên, bất chấp những biện minh hay sự phẫn nộ của họ, nếu các tài liệu đã cho thấy sự tồn tại của những hành vi sai phạm, thì các cơ quan quản lý hoặc có thẩm quyền chắc chắn phải có nghĩa vụ tiến hành điều tra sự thật.
Giờ đây, sau khi xem xét các bằng chứng và tiến hành một phiên điều trần vào tháng trước, AC đã đưa ra quyết định giống như IC, thượng tầng Man City đã bị dính đòn chí mạng bởi chính những tài liệu nội bộ của họ. Bất chấp sự giận dữ và hiếu chiến trong cách phản ứng của đội chủ sân Etihad, câu lạc bộ này đã không thể đưa ra những lời giải thích thuyết phục và thực tế là họ đã lừa dối cơ quan quản lý bóng đá châu Âu với các bản đệ trình tài chính của mình, bất chấp việc chính những khoản tiền khủng lồ mà họ chi ra cũng đã góp phần rất lớn trong việc tạo nên sự rực rỡ, hào nhoáng của bóng đá châu Âu.
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “How 'leaked' emails and invoices led to Manchester City's ban from Europe” của tác giả David Conn, đăng tải trên ESPN.