Cả châu Âu đang khốn khổ vì chuyện tiền nong, nhưng PSG là trường hợp ngoại lệ.
Paris Saint-Germain PSG
Những hậu quả phát sinh từ tình trạng quản lý tài chính yếu kém của các ông lớn ở châu Âu đã càng trở nên trầm trọng hơn do tác động tàn khốc của đại dịch COVID-19, và “đã nghèo còn gặp cái eo” – có rất nhiều vấn đề khiến họ phải chi tiền trong hoàn cảnh đáng lẽ phải “thắt lưng buộc bụng”.
Nhưng Paris Saint-Germain là một trường hợp ngoại lệ. Không một CLB nào khác đang “tuyển quân” với một sự hào hứng – hoặc tham vọng – như Les Parisiens cho đến thời điểm hiện tại của mùa hè này.
Nhà đương kim vô địch Euro 2020, Gianluigi Donnarumma, đã chính thức trở thành một tân binh của PSG theo dạng chuyển nhượng tự do vào tuần trước. Các nhà vô địch Champions League, Sergio Ramos và Georginio Wijnaldum, cũng đã cập bến PSG với mức phí chuyển nhượng là 0 đồng.
Ba tân binh trên đã không khiến Les Parisiens phải tốn tiền mua người, nhưng theo tính toán, đã có 28 triệu bảng được thêm vào hóa đơn trả lương hàng năm của CLB này chỉ trong vòng một tháng.
Bên cạnh đó, hậu vệ cánh Achraf Hakimi đã gia nhập PSG từ Inter Milan với mức phí chuyển nhượng khoảng 60 triệu bảng. Anh cũng sẽ được hưởng một mức lương có thể khiến bất kỳ kế toán nào phải rùng mình.
Kể từ mùa hè năm 2017, khi PSG bổ sung Neymar và Kylian Mbappé vào dàn cầu thủ nòng cốt của họ, đây là kỳ chuyển nhượng mà đội chủ sân Parc des Princes “tuyển quân” rầm rộ nhất. Mục tiêu của họ không gì khác chính là “chiếc ngai vàng” Champions League 2021/2022.
Tuy nhiên, những động thái đó đã làm dấy lên câu hỏi nhờ đâu mà PSG có thể bạo chi như vậy khi mà rất nhiều ông lớn ở châu Âu đang phải cực kỳ thắt lưng buộc bụng?
PHÉP MÀU NÀO GIÚP PSG VẪN RỦNG RỈNH NGÂN SÁCH?
“Đại dịch này đã thực sự mang đến cơ hội cho một số CLB thuộc về những ông chủ giàu sụ có thể chi tiêu mạnh tay nhờ các quy định được nới lỏng,” tiến sĩ Daniel Plumley, một chuyên gia tài chính thể thao và là giảng viên tại đại học Sheffield Hallam University, phân tích. “Họ biết mình có thể tận dụng cơ hội đó để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Một CLB như PSG có đủ sức mạnh tài chính để làm điều đó.”
Trong một mùa hè mà Barcelona phải cố tìm cách “giảm tải” gánh nặng tài chính khổng lồ của mình, PSG đã tiếp tục có một ngân sách rủng rỉnh nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Qatar Sports Investments (QSI), chủ sở hữu của CLB này từ năm 2011.
Luật công bằng tài chính của UEFA (FFP) đã “phả hơi nóng vào gáy” cả PSG và Man City trong thời gian gần đây, nhưng với động thái “nới lỏng” các quy định được đưa ra vào mùa hè năm ngoái – được coi là cần thiết trong bối cảnh cả làng túc cầu lao đao vì đại dịch – đã tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho những gã nhà giàu khoe “cơ bắp” của mình.
Cụ thể, “các biện pháp khẩn cấp” đó chính là sự thừa nhận rằng một đại dịch toàn cầu sẽ mang đến những tổn thất không thể tránh khỏi, và quy định giới hạn lỗ tối đa 30 triệu Euro trong khoảng thời gian 3 năm sẽ tạm thời được bãi bỏ.
Năm tài chính 2020 đã không phải nằm dưới sự kiểm soát của FFP, mà sẽ được chuyển sang năm 2021. Hai năm này sau đó sẽ được tính là một thời kỳ tài chính duy nhất. Các khoản lỗ trên ngưỡng 30 triệu Euro sẽ không bị trừng phạt, miễn là rõ ràng khoản thâm hụt đó là do COVID-19 gây ra.
Và trên lý thuyết, sự nới lỏng này đã trở thành “điểm tựa” để PSG và Man City có thể “thăng hoa” vào mùa hè năm nay.
Các đối thủ khác thì lại chẳng thể trông cậy vào sự hỗ trợ của những chủ sở hữu giàu sụ, do đó, họ trở nên suy yếu đi rất nhiều bởi đã quá lâu không được hưởng nguồn doanh thu từ những ngày diễn ra trận đấu
Trong khoảng thời gian còn lại của kỳ chuyển nhượng mùa hè này, không chỉ PSG, mà Man City cũng có thể phô trương sức mạnh tương tự. Nguồn tin từ The Athletic từng chia sẻ rằng đội chủ sân Etihad sẵn sàng chi ra 200 triệu bảng để có được sự phục vụ của Harry Kane và Jack Grealish.
Trên thực tế, dù cho PSG hiện đang dựa dẫm vào sự hỗ trợ tài chính từ các chủ sở hữu ở Qatar, thì tổng doanh thu của họ vẫn là rất lớn.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Deloitte, được công bố vào tháng 1, PSG chính là CLB giàu thứ bảy thế giới, họ nằm giữa Man City và Chelsea trên bảng xếp hạng.
Các con số chính thức của PSG đã được công bố thông qua kỳ kiểm toán hàng năm của Ligue de Football Professionnel. Theo đó, CLB này đã mất đi 124 triệu Euro vào mùa giải 2019/2020 khi mà tổng thu nhập trước thuế của họ đã giảm đi 101 triệu Euro. Còn hóa đơn tiền lương hàng năm của Les Parisiens là 414 triệu Euro (354 triệu bảng), gần ngang bằng với Manchester City (351 triệu bảng).
Những khoản thua lỗ của PSG đã bị che mờ bởi 5 CLB Premier League (Villa, Chelsea, Leicester City, Everton và Manchester City), nhưng ít nhất họ đã có thể tạo ra được lợi nhuận trong các mùa giải 2017/2018 và 2018/2019. Hai mùa giải đó đã mang lại cho CLB này lợi nhuận trước thuế là 72 triệu Euro, con số này đủ để làm nhẹ bớt các khoản lỗ của họ trong mùa giải sau đó.
Người ta kỳ vọng rằng PSG sẽ không bị FFP sờ gáy vào mùa giải 2021/2022, ngay cả khi đã tuyển quân rầm rộ trong mùa hè này. Đừng quên, 3 trong số 4 tân binh của họ cho đến lúc này là những thương vụ chuyển nhượng 0 đồng, và phí chuyển nhượng của Hakimi sẽ được phân bổ đều trong bản hợp đồng 5 năm mà anh đã ký kết với PSG. Điều này đồng nghĩa với việc Les Parisiens chỉ phải trả 12 triệu bảng mỗi năm cho thương vụ Hakimi cho đến năm 2026, bên cạnh tổng số tiền lương của 4 tân binh, lên tới 35 triệu bảng mỗi năm.
Paris Saint-Germain có thể trả Inter số tiền chuyển nhượng trong 5 năm. Ảnh: Paris Saint-Germain
Khoản tiền 8 triệu bảng thu được từ việc bán Mitchel Bakker cho Bayer Leverkusen vào tuần trước sẽ bù đắp phần nào số tiền đó, có thể PSG sẽ có thêm những khoản thu khác khi Alphonse Areola và Layvin Kurzawa cũng đang có khả năng cao sẽ được bán đi.
Thu nhập của PSG, cũng giống như các CLB Ligue 1 khác, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của những bản hợp đồng truyền hình dài hạn của giải VĐQG Pháp, nhưng tiền thưởng từ Champions League, với việc PSG đang có một hệ số UEFA ngày càng tăng sau khi lọt vào trận chung kết và bán kết trong hai mùa giải qua, sẽ giúp bù đắp cho các thiệt hại.
Những người đa nghi vẫn sẽ cảm thấy khả năng bạo chi của PSG là một chuyện rất khó hiểu.
Bản hợp đồng tài trợ từng gây tranh cãi lớn với Tổng Cục Du Lịch Qatar, một “nước cờ” đã giúp PSG lách khỏi “lưỡi đao” FFP vào năm 2018, đã không còn nữa và đã để lại một lỗ hổng đáng kể trong bảng cân đối kế toán kể từ năm 2019. Không thể phủ nhận các bản hợp đồng tài trợ với Accor Live Limitless và sự hợp tác với thương hiệu Nike’s Jordan, nhưng khả năng tiếp tục tiêu tiền mạnh tay của PSG trong mùa hè này chắc chắn chủ yếu nhờ vào sự hậu thuẫn từ Qatar.
Chính vì vậy, câu hỏi lớn hơn có lẽ sẽ là: Điều gì sẽ đến với Luật công bằng tài chính trong thời gian tới?
TƯƠNG LAI NÀO CHO LUẬT CÔNG BẰNG TÀI CHÍNH?
Các quy định đã được soạn thảo lần đầu tiên bởi UEFA vào năm 2009, với những mục đích cao cả. Chúng được thiết kế để ngăn các CLB chi tiêu nhiều hơn số tiền mà họ kiếm được trong những “cuộc đua vũ trang” diễn ra hàng năm, nhưng những thất bại pháp lý trước PSG và Man City gần đây đã phơi bày các lỗ hổng trong bộ luật này.
UEFA đã đưa ra tuyên bố cấm Man City tham gia đấu trường châu Âu trong 2 năm vì đã vi phạm các quy định của FFP, nhưng vào tháng 7 năm ngoái, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) đã không cho phép họ làm điều đó.
Họ đã “không thể tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho chuyện Manchester City đã ngụy tạo nguồn tiền từ chủ sở hữu dưới dạng các bản hợp đồng tài trợ”, đồng thời giảm đi 2/3 số tiền phạt 30 triệu Euro. Giống như PSG vào năm 2014, Man City đã phải nhận cáo buộc thổi phồng giá trị của một bản hợp đồng tài trợ, nhằm mục đích lừa dối “cơ quan kiểm soát tài chính CLB” của UEFA. Tuy nhiên, cả hai CLB này đều đã không phải nhận “sát thương” đáng kể nào cả.
Trong thất bại gần đây nhất ở một cuộc kiện tụng lên CAS, UEFA đã nhấn mạnh những mục đích của FFP, khẳng định rằng nó đã “đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các CLB và giúp họ trở nên bền vững hơn về mặt tài chính”. Quan trọng nhất, UEFA đã bổ sung nó và Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) “vẫn cam kết tôn trọng các nguyên tắc của nó.”
Ảnh: Getty Images
“Tôi không nghĩ FFP đã chết,” Plumley nhận định. “UEFA sẽ không từ bỏ nó. Nó thậm chí có thể sẽ được cải tiến và cách tân trong tương lai.”
UEFA đã chấp nhận rằng FFP cần phải thay đổi, đặc biệt là trong thời đại của COVID-19. Trong những tuần trước khi cơn địa chấn Super League xảy ra vào cuối mùa giải trước, giám đốc bộ phận nghiên cứu và ổn định tài chính của UEFA, Andrea Traverso, đã khẳng định: “Các luật lệ phải luôn phát triển.
Chúng cần phải thích ứng với bối cảnh thực tế mà các CLB đang phải hoạt động trong đó. Quy tắc hòa vốn, cách mà nó hoạt động vào lúc này, được thiết kế theo khuynh hướng chủ yếu dựa trên việc nhìn về quá khứ. Nhưng đại dịch đang đại diện cho một sự thay đổi đột ngột đến mức việc nhìn về quá khứ là hoàn toàn vô nghĩa.
Chính vì vậy, có lẽ các luật lệ nên tập trung mạnh mẽ hơn vào hiện tại và tương lai. Chúng chắc chắn nên tập trung hơn vào những thách thức cấp độ cao của các quỹ lương và thị trường chuyển nhượng. Nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp cho chuyện này không hề dễ dàng đâu.”
Một FFP “giao diện mới” có thể sẽ được nghiên cứu vào cuối năm nay, và một trong những nhân vật trung tâm trong các cuộc đàm phán sẽ là Nasser Al-Khelaifi, chủ tịch của PSG và đồng thời cũng là tân chủ tịch của Hiệp hội các CLB châu Âu ECA.
Al-Khelaifi có thể không tự mình soạn thảo bất kỳ quy tắc mới nào, nhưng ông sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn trong các cuộc thảo luận.
Nếu FFP không thể ngăn chặn sự trỗi dậy của “những gã nhà giàu mới nổi” ở châu Âu như đã xảy ra trong thập kỷ trước, khiến bóng đá trở thành một cuộc chơi của tiền bạc, thì đừng kỳ vọng PSG sẽ bị kiềm hãm vào lúc này.
Đứng đầu Bundesliga và bất bại, Bayern Munich dường như đã tiến bộ hơn so với thời Thomas Tuchel. Tuy nhiên, tại Champions League lại là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược và đáng xấu hổ sau khi đoàn quân của Vincent Kompany phải nhận một thất bại tồi tệ trước Aston Villa (0-1) và một trận thua thảm hại trước Barcelona của Hansi Flick (1-4).
Bukayo Saka, Ethan Nwaneri, và Myles Lewis-Skelly chia sẻ nhiều nét tương đồng. Dễ nhận ra nhất, cả ba đều là sản phẩm của học viện Arsenal và hiện đang là thành viên đội hình chính dưới sự dẫn dắt của Mikel Arteta. Họ cũng đều thuận chân trái, đa năng, quyết tâm và đầy tài năng.
Mùa giải trước, Manchester United đã kết thúc cuộc đua Premier League ở vị trí thứ 8. Kể từ khi giải đấu này được thành lập vào năm 1992, đây chính là vị trí thấp nhất mà họ từng đứng trên bảng xếp hạng.
Sau tất cả, triều đại của Erik ten Hag tại Manchester United cuối cùng cũng đi đến hồi kết. Thất bại cay đắng 1-2 trước West Ham tại vòng 9 Premier League là giọt nước tràn ly khiến mối quan hệ giữa chiến lược gia người Hà Lan và giới chủ INEOS không thể cứu vãn.
Trong những năm gần đây, quả thật chẳng có mấy điều được coi là niềm vui dành cho người hâm mộ Barcelona. Nhưng với những gì các cầu thủ của Hansi Flick đã thể hiện ở đầu mùa này, liệu ánh hào quang ngày nào của cái tên Barcelona có thể trở lại trên bản đồ bóng đá thế giới?