Ở mùa giải trước, Premier League đã chứng kiến một mùa giải mà số lượng huấn luyện viên bị sa thải nhiều nhất từ trước tới nay.
Scott Parker, Thomas Tuchel, Graham Potter (Brighton), Bruno Lage, Steven Gerrard, Ralph Hasenhuttl, Frank Lampard, Jesse Marsch, Nathan Jones, Patrick Vieira, Antonio Conte, Brendan Rodgers, Graham Potter (Chelsea) và Javi Gracia đều đã rời bỏ vị trí của mình hoặc bị đội bóng sa thải vào mùa giải trước. Danh sách kể trên còn chưa tính đến HLV tạm quyền Cristian Stellini của Tottenham.
Việc nhiều huấn luyện phải ra đi trong một mùa giải có lẽ đã khá quen thuộc với Premier League trong những năm qua. Nhưng nó có thể sẽ là điều kỳ lạ nếu chúng ta ngược về mùa giải Premier League đầu tiên trong lịch sử - mùa giải 1992/93. Thời điểm ấy, Premier League chỉ có một huấn luyện viên Ian Porterfield của Chelsea bị sa thải. Tình hình ngày đó so với bây giờ cũng cho ra một sự đúc kết rằng bóng đá đỉnh cao ở thời nay rất thiếu sự kiên nhẫn với các huấn luyện viên. Dẫu vậy sự thiếu kiễn nhất đó cũng đặc tả bản chất những thứ mà một huấn luyện viên phải đối mặt ở thời điểm hiện tại.
Ian Porterfield (trái) là huấn luyện viên duy nhất bị sa thải ở giai đoạn đầu tiên của Premier League |
Ngày trước các huấn luyện viên tại Anh được coi là một nhà quản lý cấp cao với quyền hành mua hoặc bán cầu thủ của mội đội bóng đồng thời bày ra một chiến thuật để áp dụng cho cả đội thi đấu mỗi tuần. Nhưng thời nay, những công việc như mua bán cầu thủ phần lớn đã vượt khỏi tầm với của các huấn luyện viên. Vai trò của họ giờ đây chỉ còn xoay quanh chuẩn bị chiến thuật cho đội hình thi đấu sao cho phù hợp với từng trận.
Nhưng mọi thứ có vẻ hơi bất thường ở mùa giải này khi chỉ có 2 huấn luyện viên phải chia tay với đội bóng mình dẫn dắt. Sheffield United sa thải Paul Heckingbottom và tái bổ nhiệm Chris Wilder. Nottingham cũng nói lời chia tay với Steve Cooper để rồi sau đó bổ nhiệm Nuno Espirito Santo.
Một nửa mùa giải đã đi qua và đâu là lý do khiến các đội bóng ở Premier League mùa này tỏ ra kiên nhẫn tới vậy? Một sự kiên nhẫn khác biệt hoàn toàn so với mùa giải trước đó.
Thực tế là có một số thứ khá quan trọng mà chúng ta cần xem xét từ bối cảnh của mùa giải trước. Chelsea trong những ngày đầu kỷ nguyên của Todd Boehly có lẽ phải chịu trách nhiệm cho 3 lần ra đi của các huấn luyện viên. Họ sa thải Thomas Tuchel để mang về Graham Potter nghĩa là Brighton cũng đồng thời phải nói lời chia tay với vị thuyền trưởng của mình. Và hành trình kéo dài chưa được bao lâu thì Chelsea cũng ra quyết định sa thải Potter vào giai đoạn gần cuối mùa giải. Leeds và Southampton cũng có những lần bổ nhiệm huấn luyện viên mới không thành công trong mùa giải bởi hai huấn luyện viên Nathan Jones và Javi Garcia đều không thể trụ được quá lâu trước khi bị sa thải.
Dẫu vậy mấu chốt thực sự lại nằm ở phong độ của các đội bóng thăng hạng. Đầu tiên chúng ta sẽ cùng xét đến vị trí của các đội bóng khi họ ra quyết định chia tay với một huấn luyện viên kể từ năm 2012. Không ngạc nhiên cho lắm khi các đội bóng ở khu vực đáy bảng xếp hạng sẽ có nhiều khả năng đưa ra quyết định sa thải huấn luyện viên hơn so với nhóm dẫn đầu. Tuy nhiên tần suất sa thải cũng không hề giống nhau bởi số lượng nhiều chỉ tập trung ở 4 vị trí ở cuối bảng xếp hạng.
Các huấn luyện viên thường bị sa thải ở vị trí nào khi dẫn dắt đội bóng tại Premier League kể từ 2012
|
Nhìn vào biểu đồ kể trên thì có thể thấy các huấn luyện viên dẫn dắt đội bóng nằm ở vị trí thứ 17 trên bảng xếp hạng có số lần sa thải nhiều hơn tổng của 4 vị trí 12, 13, 14 và 15 cộng lại. Nói cách khác, 63% các huấn luyện viên bị sa thải chỉ khi đội bóng của họ có xếp hạng từ 17 trở xuống. Việc sa thải huấn luyện viên dường như là điều cần thiết với những đội bóng ở vị trí này để hy vọng về một suất trụ hạng tại Premier League.
Nhưng nét đặc trưng ở mùa giải này là 3 đội mới thăng hạng lại yếu một cách lạ thường. Chỉ có một lần trong kỷ nguyên Premier League mà cả 3 đội mới thăng hạng đều cùng nhau xuống hạng ở cuối mùa giải. Đó là ở mùa 1997/98 khi Barnsley, Bolton Wanderers và Crystal Palace đều xuống hạng khi cùng nhau thăng hạng ở đầu mùa. Ở mùa này, có khả năng điều đó sẽ xảy ra một lần nữa khi Sheffield và Burnley đang ở vị trí của các đội bóng xuống hạng còn Luton Town thì vẫn lên xuống xoay quanh vị trí thứ 17.
Chính vì phong độ tệ hại đến mức lạ thường của 3 đội bóng thăng hạng khiến các đội bóng đã trụ hạng thành công từ mùa giải trước bớt phần lo lắng và căng thẳng hơn về việc mình có thể xuống hạng. Việc Everton bị trừ 10 điểm do vi phạm luật công bằng tài chính cũng chỉ vô tình khiến họ phải vật lộn với cuộc chiến trụ hạng. Nếu không mất từng đó điểm thì giờ đây thầy trò Sean Dyche đã có thể thoải mái hướng tới việc trụ hạng ở một vị trí gần với top 10.
Những huấn luyện viên trưởng của đội bóng mới lên hạng thường ít có khả năng bị sa thải bởi họ đã từng tạo ra sự uy tín với đội bóng nhờ thành công giúp đội bóng thăng hạng ở mùa giải trước đó hoặc nếu có bị xuống hạng CLB vẫn có thể giữ những huấn luyện viên này lại để giúp đội bóng cạnh tranh cho tấm vé thăng hạn ở mùa sau. Đúng là Heckingbottom đã bị Sheffield sa thải nhưng chuyện Vincent Kompany hay Rob Edwards gặp phải tình thế tương tự cũng khá khó để xảy ra.
Chỉ có Paul Heckingbottom và Steve Cooper là 2 huấn luyện viên bị sa thải ở mùa này |
Cuộc cạnh tranh cho việc ở lại Premier League ở 3 đội thắng hạng năm nay hoàn toàn có sự trái ngược với mùa giải trước. Cả 3 đội bóng thăng hạng ở mùa trước là Fulham, Bournemouth và Nottingham Forest cạnh tranh rất sòng phẳng với những đội bóng đang chơi ở Premier League và khi đến cuối mùa họ đều đã giữ được một vị trí để chơi Premier League mùa giải tiếp theo. Chính vì thế chỉ khi tiến gần đến khu vực xuống hạng thì những đội bóng còn lại tại Premier League mới bắt đầu có xu hướng suy nghĩ đến việc sa thải huấn luyện viên để cải thiện tình hình.
Vậy phong độ của các đội bóng thăng hạng có thực sự ảnh hưởng đến việc sa thải huấn luyện viên trong một quãng thời gian dài hay không?
Việc xét xem số điểm của đội bóng thăng hạng có được sau 10 trận đầu tiên tại Premier League (khoảng thời gian đủ lâu để nhìn vào mức độ cạnh tranh của từng đội) và số huấn luyện viên đã phải ra đi mỗi mùa sẽ cho chúng ta một biểu đồ khá thú vị như ở bên dưới. Nhóm 3 đội bóng thăng hạng càng có khởi đầu tốt bao nhiêu thì số huấn luyện viên ở mùa giải ấy phải mất việc càng tăng nhiều.
Nhìn chung biểu đồ này không thực sự hoàn hảo bởi giai đoạn bùng phát dịch COVID số huấn luyện viên phải rời khỏi đội bóng đã rơi xuống mức khá thấp. Điều này chủ yếu là do thời điểm đó những sự bất mãn từ người hâm mộ ít được bộc lộ trực tiếp hơn với các huấn luyện viên. Ngoài ra việc bổ nhiệm các huấn luyện từ các quốc gia khác ngoài nước Anh vào tình hình lúc đó cũng không khả thi.
Nhưng thực tế mối tương quan giữa phong độ của nhóm 3 đội thăng hạng và việc các huấn luyện viên bị sa thải là tương đối thuyết phục. Các đội bóng ở mùa giải này không tự nhiên mà tỏ ra bình thản tới vậy với những chiến lược gia, họ đơn giản chỉ đang có ít lý do để sợ hãi mà thôi.
Theo Michael Cox (The Athletic)