Trở về Trang chủ

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ?

Thứ Sáu 29/07/2022 17:00
Aa

Làm thế nào mà một CLB như Barcelona lại có thể hoạt động rầm rộ trên thị trường chuyển nhượng mùa hè 2022 này, hết hỏi mua cầu thủ này đến hỏi mua cầu thủ khác, trong khi “tài sản được giá nhất và có thể bán được nhất” trong đội hình hiện tại là Frenkie de Jong thì có vẻ vẫn sẽ tiếp tục ở lại Camp Nou? Những câu hỏi đại loại như vậy không chỉ khiến người hâm mộ bóng đá nói chung, mà cả những người trong giới nói riêng cũng phải thắc mắc.

Barcelona
 

Barcelona đã chiêu mộ Franck Kessie và Andreas Christensen dưới dạng chuyển nhượng tự do, đã chiêu mộ Raphinha và Robert Lewandowski với mức phí lần lượt 58 và 45 triệu euro (chưa tính phụ phí theo các nguồn tin). Mới nhất, họ chiêu mộ Jules Kounde từ Sevilla. Không dừng lại ở đó, họ vẫn còn nhắm đến những mục tiêu khác để gia cố hàng thủ và mùa chuyển nhượng hè vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc với đội bóng của Xavi. 

Cách đây chưa lâu, HLV của Bayern Munich, ông Julian Nagelsmann nói đại ý: “Barca là CLB duy nhất không có tiền nhưng vẫn mua được cầu thủ mà họ muốn. Tôi không hiểu được là bằng cách nào. Thật kỳ quặc, thật điên rồ!” Nhiều người cũng có cùng thắc mắc tương tự, mà nói như Fabrizio Romano thì anh ta cũng không biết được câu trả lời, thậm chí cả những người làm nghề đại diện cầu thủ cũng không rõ. 

Mới tháng trước, chủ tịch Joan Laporta ví CLB của ông giống như một bệnh nhân “gần như đã tử vong về mặt tài chính”. Trong khi phó chủ tịch phụ trách tài chính của CLB này là Eduard Romeu thì tuyên bố “cần khoảng 500 triệu euro để cứu Barca”. 

Với những gì đã từng được công bố, nền tài chính Barca thảm hại thế nào không còn là vấn đề gây sửng sốt. Song, chính những động thái trên thị trường chuyển nhượng của họ khiến tất cả phải vò đầu bứt tai. 

Chung quy lại, như ký giả Sid Lowe chuyên mảng bóng đá Tây Ban Nha đã viết trên ESPN, những câu hỏi chủ đạo vẫn là: Làm thế nào một CLB được báo cáo nợ tới 1,2 tỷ euro như Barca lại có thể làm được những điều đó? Làm thế nào một CLB với mức trần lương được LaLiga xác định ở mốc -144 triệu euro (mặc dù “trần lương” và con số “âm” kia đặt cạnh nhau nghe cứ sai sai) như Barca lại có thể theo đuổi nhiều cầu thủ và ký hợp đồng với họ? 

Câu trả lời ngắn gọn – như Sid Lowe có nêu – là “Barca không thể”. Cụ thể, tất cả những bản hợp đồng đã được Barça công bố tính đến thời điểm này trong mùa hè, về mặt pháp lý, vẫn chưa được đăng ký thành công lên ban tổ chức LaLiga cho mùa giải mới. Vì Barça hiện vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí về Luật Công bằng Tài chính của riêng giải đấu. Nói đơn giản là vì quỹ lương của Barça hiện tại đang không nằm trong giới hạn cho phép của LaLiga do các khoản thâm hụt ngân sách trầm trọng. 

“Barca có được các tài sản là những tân binh”, không đồng nghĩa rằng “họ được quyền sử dụng các tài sản ấy”. Điều đó có nghĩa mua cầu thủ về là một chuyện, đăng ký được cầu thủ đó vào đội hình cho các trận đấu chính thức hay không lại là chuyện khác. Thế nên, câu trả lời ngắn gọn “Barca không thể” ban đầu không hẳn còn là câu trả lời thực sự nữa, ngay cả khi nó đúng với bối cảnh hiện tại. 

Vả lại – cũng như Sid Lowe viết – một CLB theo đuổi nhiều mục tiêu trên thị trường chuyển nhượng không có nghĩa là họ sẽ mua được hết và mua về hết. Cũng như việc đi mua sắm, bất kể túi tiền đang có là bao nhiêu, bạn đến sạp nào cũng ngắm nghía, cũng hỏi giá các món đồ, nhưng đâu phải cái gì bạn hỏi cũng sẽ được bạn mua. Với vị thế của Barca hiện tại, họ đặt ra nhiều mục tiêu khác nhau. Mỗi mục tiêu lại liên quan nhau và phải được chạy song song. 

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 1
 

Đầu tiên, Xavi nói riêng và Barca nói chung muốn nâng cấp đội hình để đội bóng lấy lại được thế cạnh tranh ở bình diện châu Âu. Sức mạnh đội hình về cơ bản không chỉ trở thành bàn đạp để cụ thể hóa tham vọng về mặt thành tích trên sân cỏ, mà còn phản ánh sức hút ở khía cạnh truyền thông, marketing. Thông thường, sức mạnh đội hình sẽ phản ánh được sức mạnh của nền tài chính CLB đó. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với mọi trường hợp, ở đây là với Barca. Và sức mạnh đội hình cũng không phải là bảo chứng cho thành công hay mục tiêu hướng tới, đặc biệt với bóng đá – một môn thể thao luôn chứa đựng nhiều biến số. 

Tiếp đến, để đội hình trông có “sức mạnh”, những cầu thủ chất lượng hoặc phù hợp cần được mang về, nghĩa là nền tài chính phải có khả năng để chi tiêu. Với một CLB nợ bạc tỷ như Barca, họ cần phải giải quyết các bài toán được đặt ra về ngân sách. 

Và cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất, như đã nói, ngay cả khi có ngân sách chuyển nhượng, việc đáp ứng các quy định tài chính khác của riêng ban tổ chức LaLiga để có thể ký hợp đồng và đăng ký thành công cầu thủ vào đội hình cho mùa giải mới lại được đặt ra. Quỹ lương đội hình hiện tại của Barca đã đội trần quá mức ngay cả khi chưa đăng ký các cầu thủ mới, do đó họ cần phải “dọn” bớt quỹ lương hiện tại, hay chính xác là tiễn bớt các cầu thủ cũ hoặc tiếp tục giảm lương họ để đủ chỗ cho các tân binh. 

Bây giờ hãy cùng đi vào từng ngỏ ngách các vấn đề.

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 2

Vừa qua, tài khoản Twitter chuyên phân tích tình hình tài chính các CLB bóng đá châu Âu là Swiss Ramble đã làm rõ các vấn đề về tài chính của Barca tính đến đợt công bố báo cáo sổ sách gần nhất là mùa giải 2020/21. 

Cụ thể, sau nhiều năm làm ăn có lời, CLB xứ Catalunya đã trải qua 2 năm liên tiếp toàn lỗ. Năm 2020, Barca lỗ 133 triệu euro trước thuế và năm 2021 là lỗ ở mức gây sốc 555 triệu euro trước thế. Con số 555 triệu euro là mức lỗ lớn nhất của một CLB tại châu Âu, thậm chí là mức thua lỗ cao nhất của một CLB bóng đá trong lịch sử. 

Điều này khiến tổng nợ của Barcelona (gồm các khoản vay ngân hàng, phí chuyển nhượng, tiền lương, nợ thuế và nợ vay khác) đã tăng hơn gấp 3 lần chỉ trong vòng 5 năm qua. Tổng nợ của Barca giờ ở mức 1 tỷ 150 triệu euro – cao thứ ba châu Âu, chỉ sau Chelsea (1 tỷ 934 triệu euro, chủ yếu là các khoản vay từ Roman Abramovich) cùng Tottenham (1 tỷ 349 triệu euro, chủ yếu là các khoản vay để xây sân vận động mới), và đã nhiều hơn Atletico Madrid (943 triệu euro), Real Madrid (890 triệu euro) cùng Man United (881 triệu euro). 

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 3
Xếp hạng các CLB có tổng nợ cao nhất châu Âu. Ảnh: Swiss Ramble

Tổng nợ tăng lên khiến Barca phải trả tiền lãi mệt nghỉ, khi nó đã tăng vọt chỉ từ 1 triệu euro vào năm 2018 lên thành 41 triệu euro vào năm 2021 – cao nhất châu Âu, hơn con số 30 triệu euro của Atletico Madrid, 23 triệu euro của Man United, 21 triệu euro của Tottenham và 20 triệu euro của Inter Milan.

Thực tế, hầu hết các CLB lớn của châu Âu đều có các khoản nợ phải trả, dù ít dù nhiều (từ nợ tài chính, nợ chuyển nhượng cho đến các khoản nợ khác). Nhưng vì sao Barca lại nợ nhiều đến vậy? CLB chủ sân Camp Nou dưới thời ban lãnh đạo trước đây luôn tự tin vào khả năng kiếm tiền của CLB, do đó, họ sẵn sàng vay nóng để mua cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng.

Cựu CEO của Barca là Ferran Reverter từng nói trước giới truyền thông rằng ban lãnh đạo cũ của ông Josep Bartomeu đã từng có những thời điểm ký hợp đồng với các cầu thủ mà không biết rõ họ có đủ tiền hay không. Chẳng hạn, với thương vụ Antoine Griezmann, ngay trong đêm chiêu mộ tiền đạo người Pháp, bộ sậu Bartomeu đã vay nóng 85 triệu euro để trang trải chi phí chuyển nhượng.

Thực tế, chi phí chuyển nhượng trong vòng 5 năm qua tính đến năm 2021 của Barca vào khoảng gần 1,2 tỷ euro – hơn cả Man City hay Chelsea và chỉ thấp hơn mỗi Juventus vài chục triệu euro.

Trong việc mua bán cầu thủ, chúng ta cũng cần phải hiểu rõ là giống như tất cả các CLB bóng đá khác, Barca ký hợp đồng với cầu thủ bằng cách trả phí chuyển nhượng thành nhiều giai đoạn. Nếu như trong một thập kỷ qua, năm 2020 là năm chứng kiến Barca phải trả nợ chuyển nhượng cao nhất với 323 triệu euro, thì họ đã cố gắng giảm mức này xuống còn 231 triệu euro vào năm 2021. Song, 231 triệu euro vẫn là mức nợ chuyển nhượng cao thứ hai tại châu Âu – chỉ sau 265 triệu euro của Juventus. 

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 4
Các CLB có tổng nợ chuyển nhượng cao nhất châu Âu. Ảnh: Swiss Ramble

Gánh trên vai các khoản nợ như vậy, Barca lại không được hưởng lợi từ nguồn vốn tài trợ của chủ sở hữu (vốn vay hay cổ phần) để giúp nhẹ gánh, bởi mô hình “hội viên”, trong khi nhiều CLB khác được chống lưng bởi các ông chủ tư nhân hoặc nhà nước. Ví dụ, trong 10 năm qua, Inter Milan nhận được gần 1 tỷ euro từ giới chủ, AC Milan là hơn 900 triệu euro, Chelsea và Man City thì dưới mức 800 triệu euro. 

Từ những con số đã nêu, rõ ràng nền tài chính Barca rất bi đát tính đến hết mùa giải 2020/21. Song, nếu đào sâu vào các con số, vẫn còn đó những tia hy vọng và dấu hiệu phần nào lạc quan. 

May cho Barca là sau khi ông Joan Laporta đắc cử chức chủ tịch CLB, ông và bộ sậu của mình đã thỏa thuận thành công với các chủ nợ để cơ cấu lại khoản nợ tài chính thông qua một khoản vay 595 triệu euro trong vòng 10 năm với lãi suất 1,98%.

Để hiểu động thái trên có ý nghĩa thế nào thì trước tiên, chúng ta cần phải làm rõ cấu trúc khoản nợ của Barca. Trong tổng nợ 1 tỷ 150 triệu euro của Barca, có đến 596 triệu euro là nợ ngắn hạn và 554 triệu euro còn lại là nợ dài hạn. Nghĩa là trước thỏa thuận nói trên, Barca phải tìm cách trả khoản nợ sắp đáo hạn 596 triệu euro trong 12 tháng – mức nợ ngắn hạn cao nhất châu Âu (hơn mức nợ 534 triệu euro của Atletico Madrid). 

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 5
Cấu trúc các khoản nợ của các CLB châu Âu. Ảnh: Swiss Ramble

Kiếm được 596 triệu euro trong vòng 1 năm gần như là điều bất khả thi nếu chỉ dựa vào các hoạt động kinh doanh thông thường đối với một CLB bóng đá. Vì vậy, động thái cơ cấu lại khoản nợ từ Joan Laporta nói như dân tài chính là Barça đã làm công việc “đảo nợ”, biến nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn thông qua cách vay thêm để trả mức nợ sắp đáo hạn kia. Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên ESPN, đích thân Joan Laporta cũng đã khẳng định điều này, liên quan tới khoản vay từ Goldman Sachs. 

Đây là một hoạt động không hề hiếm trong giới tài chính cũng như kinh doanh, dù rõ ràng đó vẫn là một trong những biện pháp cuối cùng. Tuy nhiên, nếu có tín hiệu tốt nào ở đây thì là việc ngân hàng/công ty tài chính vẫn dám cho Barca vay hơn nửa tỷ euro để trả nợ ngắn hạn, tức là họ vẫn nhìn thấy hoặc tin vào khả năng kiếm tiền trong tương lai của Barca. 

Cũng sau khi Joan Laporta lên nắm quyền, ông đã thuê ngoài một đơn vị kiểm toán để đánh giá lại toàn bộ sổ sách của CLB. Một cuộc “thẩm định chuyên sâu” hay “Due Diligence” sau đó cho ra kết quả báo cáo. Kết quả báo cáo đó cho thấy thêm rằng mức lỗ 555 triệu euro trước thuế trong năm 2021 của Barça bị tác động đáng kể bởi khoản “chi phí phát sinh một lần” (hay duy nhất) là 271 triệu euro. Chi phí này bao gồm 161 triệu euro do ghi giảm giá trị cầu thủ, 26 triệu euro do ghi giảm các giá trị khác và 84 triệu euro phát sinh từ quỹ dự phòng (dùng cho kiện tụng, các án thuế,…). Gọi những khoản này là phát sinh một lần vì chúng sẽ không lặp lại trong tương lai, mà chỉ tồn tại riêng trong năm tài khóa 2021 mà thôi.

  • Trong kế toán, “impairment” là “lỗ do tài sản bị giảm giá trị”, còn “writing down” là “ghi giảm” hay “bút toán giảm”. Một tài sản của công ty có thể bị suy giảm giá trị, xuất phát từ nhiều lý do như bối cảnh kinh tế/pháp lý hoặc một sự cố không lường trước được. Với tài sản là cầu thủ, việc giá trị cầu thủ suy giảm có thể do phong độ kém hay chấn thương,… dẫn tới giá trị trên thị trường của anh ta không còn như ban đầu. Vì vậy, qua từng năm, khi cập nhật lại sổ sách, phải tiến hành “bút toán giảm” giá trị tài sản ấy, việc này gọi là “lỗ do đánh giá lại tài sản”.

Tuy vậy, với việc giá trị của nhiều cầu thủ suy giảm nghiêm trọng như trong trường hợp của Barca, nó cũng mang lại cho CLB này 2 lợi thế tài chính trong tương lai: (1) là khấu hao cầu thủ sẽ giảm xuống và (2) là giao dịch bán đi cầu thủ ấy trong tương lai có thể sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn trong sổ sách. 

  • Cũng trong kế toán và với trường hợp bóng đá, nếu giá trị còn lại của cầu thủ suy giảm, khi được hạch toán sẽ khiến cho khoản lỗ của năm đó tăng lên, nhưng chi phí khấu hao cho các năm tới cũng với khối tài sản ấy sẽ giảm. Ví dụ: Một cầu thủ A được mua về với giá 100 triệu euro thông qua bản hợp đồng thời hạn 5 năm, thì mỗi năm khấu hao của A là 20 triệu euro. Qua từng năm trong hợp đồng, giá trị còn lại của A được ghi sẽ lần lượt là 80 triệu, 60 triệu, 40 triệu, 20 triệu và 0 euro. Nếu sau năm đầu tiên, giá trị A trên thị trường bị suy giảm và chỉ còn khoảng 60 triệu euro, thì thay vì ghi trong sổ sách mức giá trị còn lại của A là 80 triệu euro dựa trên mức khấu hao, thì giờ phải ghi 60 triệu euro. Từ các năm tiếp theo, với giá trị mới của A là 60 triệu euro, mức khấu hao thay vì 20 triệu euro như ban đầu thì giảm xuống chỉ còn 15 triệu euro (lấy 60 triệu euro chia cho 4 năm còn lại trong hợp đồng). 

Cũng từ đó mà chúng ta sẽ thường thấy các CLB hay gia hạn hợp đồng kèm theo tăng lương hợp lý cho các cầu thủ. Động thái này vừa giúp cầu thủ được thỏa mãn, vừa giúp mức khấu hao qua các năm tiếp theo của hợp đồng mới giảm xuống nếu so với hợp đồng cũ. Về mặt tài chính kế toán, sổ sách các CLB những năm tiếp theo cũng sẽ trông “đẹp” hơn.

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 6
 

Trở lại với câu chuyện của Barca, kết quả cuộc thẩm định chuyên sâu cũng cho thấy thêm rằng đại dịch đã khiến doanh thu CLB giảm 219 triệu euro. Mặc dù đã cắt giảm được một số khoản chi phí như cắt giảm tiền lương 60 triệu euro, hay đỡ được khoản chi phí 66 triệu euro vận hành SVĐ cùng các cửa hàng quần áo/đồ lưu niệm và chi phí khác (do đóng cửa), nhưng Barca vẫn lỗ ròng khoảng 92 đến 93 triệu euro vì tác động của Covid-19 (lấy 219 trừ 60 trừ 66).  

Bởi vậy, mặc dù theo báo cáo tài chính thông thường được công bố, Barca thua lỗ tới 555 triệu euro trong năm 2021, nhưng “mức lỗ cơ sở” của CLB này, khi không tính đến các khoản 271 triệu euro chi phí phát sinh một lần và 92 triệu euro tác động bởi Covid, “chỉ” là 193 triệu euro, dù đây vẫn là con số khủng khiếp. 

  • “Mức lỗ cơ sở” đặt ra trong trường hợp của Barça hay chính xác hơn là “lợi nhuận cơ sở” nói chung (underlying profit) là một tính toán được thực hiện bởi nội bộ một công ty để từ đó có sự phản ánh chính xác hơn về lợi nhuận công ty. Lợi nhuận cơ sở tập trung vào các sự kiện chu kì kế toán thông thường và thường loại trừ các khoản phí một lần hay chi phí không thường xuyên – với Barca chúng ta sẽ hiểu vì sao lại không tính đến khoản chi phí phát sinh một lần hay khoản thâm hụt vì đại dịch, vì chúng được xem là chịu ảnh hưởng của sự kiện bất thường và không mang tính lặp lại. Lợi nhuận cơ sở khác với lợi nhuận kế toán bắt buộc được ghi trên báo cáo tài chính hay các tài liệu bắt buộc. Về lí thuyết, việc loại bỏ các chi phí bất thường, chẳng hạn như phí thiệt hại do thiên tai, sẽ giúp các nhà đầu tư dễ dàng hiểu được lợi nhuận của công ty từ hoạt động kinh doanh thông thường hàng ngày thay đổi như thế nào. 
Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 7
Lợi nhuận cơ sở (Mức lỗ cơ sở) của Barcelona mùa giải 2020/21. Ảnh: Swiss Ramble
Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 8

Nếu khoản vay để trả nợ ngắn hạn cùng những con số được đào sâu thêm về nền tài chính Barca như đã nêu giúp mang lại vài tín hiệu đỡ u ám hơn về CLB này, hay cụ thể là mang đến một cái nhìn chính xác về “cái nghèo” của họ, thì vấn đề lớn nhất với Blaugrana chính là mức trần lương được áp bởi Cơ quan Kiểm soát Tài chính LaLiga. 

Năm 2013, LaLiga thành lập một phòng ban chuyên trách kiểm soát kinh tế - tài chính của giải đấu. Ở đó, các chuyên gia xem xét và thẩm định nền tài chính của từng CLB ở LaLiga và giải hạng hai Segunda Division. Những quy định nghiêm ngặt về hạn mức chi tiêu được giải đấu đặt ra, dưới sự gật đầu của 42 CLB chuyên nghiệp tại Tây Ban Nha.

Thông qua một ứng dụng có tên “LaLiga Manager”, các CLB lẫn LaLiga có thể biết rõ liệu việc đăng ký một tân binh vào đội hình cho mùa giải có được phép hay không, nói cách khác là những chi phí dành cho tân binh đó có nằm trong hạn mức chi tiêu của CLB hay không. Các CLB sẽ nhận được câu trả lời là “Có” hoặc “Không” khi tiến hành đăng ký cầu thủ mới qua ứng dụng này.

Đấy là cơ chế mà ông chủ tịch Javier Tebas của LaLiga luôn lấy làm tự hào, bởi nó hướng tới việc đảm bảo trả lương và giải quyết các khoản nợ của các CLB, giúp các CLB tránh rơi vào tình trạng khánh kiệt như những thập niên cũ.

Sid Lowe trong bài viết trên tờ ESPN lý giải đơn giản và dễ hiểu như sau: Mức trần lương tại LaLiga hay “limite salarial” trong tiếng Tây Ban Nha tương đương với Luật Công bằng Tài chính (FFP) mà UEFA đặt ra. Sau khi phân tích sổ sách kế toán của một CLB, LaLiga sẽ công bố mức “limite salarial”, tức số tiền được phép chi tiêu của một CLB cho các hoạt động về cơ bản bao gồm trả phí chuyển nhượng, khấu hao và tiền lương ở đội một. 

Mức trần lương cũng giống như số tiền được phép tiêu xài của một CLB, dựa trên công thức lấy doanh thu trừ đi các khoản chi phí ngoài thể thao và trừ đi nợ phải trả. Hiện chưa có bất kỳ nguồn tin nào biết chính xác mức trần lương LaLiga đặt ra cho các CLB hoặc từng CLB là bao nhiêu. Theo Sid Lowe, các CLB tại LaLiga được khuyến nghị rằng quỹ lương không nên chiếm nhiều hơn 60% mức thu nhập. 

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 9
 

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Luật Công bằng Tài chính của LaLiga và FFP của UEFA nằm ở chỗ: Quy định của LaLiga mang tính chất dự toán về ngân sách sử dụng của đội bóng trong mùa giải mới (quỹ lương cho phép sẽ là mức doanh thu ước đoán đạt được trừ đi chi phí phát sinh) thay vì lần về quá khứ như FFP. 

Điều này có nghĩa rằng quỹ lương của các CLB tại LaLiga được tính và áp xuống từ trước khi các CLB tiến hành việc chiêu mộ tân binh. Thay vì bị trừng phạt về sau nếu vi phạm các quy định về tài chính như trong FFP, nếu một CLB tại LaLiga không đáp ứng được các tiêu chí tài chính ngay từ đầu, họ sẽ không thể ký hợp đồng/đăng ký một tân binh nào đó. 

Một CLB sẽ có những cách khác nhau để giảm bớt chi phí trước mắt, chẳng hạn tìm cách biến nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn, hay dàn trải chi phí – như trong thương vụ trao đổi cầu thủ Arthur và Miralem Pjanic giữa Barca với Juventus trước đây. Song, đó chỉ là cách lẩn tránh vấn đề trước mắt chứ không thể kéo dài mãi mãi.

Nếu một CLB vượt quá giới hạn trần lương được đặt ra dành cho họ, CLB ấy về nguyên tắc sẽ chỉ được phép chi tiêu theo công thức 1:4, tức chỉ được chi tiêu 25% tổng số tiền kiếm được, 75% còn lại được dùng để chi trả các khoản nợ đang gánh. Nói như chủ tịch Javier Tebas của LaLiga thì: “Nếu Barca bán một cầu thủ với giá 100 triệu euro, họ chỉ có thể dùng 25 triệu euro số tiền thu được tái đầu tư trên thị trường chuyển nhượng. Nếu Barca muốn mang về một cầu thủ tiêu tốn mức lương 25 triệu euro/mùa, họ buộc phải kiếm được 100 triệu euro từ việc bán đi cầu thủ hoặc giảm lương.”

Còn nếu cầu thủ được bán đi vốn ngốn từ hơn 5% quỹ lương, bấy giờ mức chi tiêu sẽ được phép theo công thức 1:2, tức 50% khoản thu về được dùng để tái đầu tư. 

Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của đại dịch những năm qua, LaLiga đã nới lỏng mức trần lương dành cho các CLB. Đầu tiên, quy tắc 1:4 được hạ xuống thành 1:3 cho kỳ chuyển nhượng hè 2022 này. Và thứ hai, một CLB được phép thêm vào một tỷ lệ phần trăm nhất định của mức thua lỗ trong công thức tính trần lương: 15% với mùa 2022/23, 20% với mùa 2023/24 và 2024/25, và 22,5% với mùa 2025/26 và 2026/27. Như vậy, cho dù Luật Công bằng Tài chính của LaLiga rất nghiêm khắc về mặt nguyên tắc, nhưng giải đấu cũng đã nới lỏng phần nào kể từ mùa hè 2022 này. 

Chỉ là với tình hình của Barca, dù cánh tay LaLiga chìa ra cứu có được nối dài thêm, thì mức trần lương tính đến kỳ chuyển nhượng mùa đông 2021/22 của họ thậm chí ở mức âm: -144 triệu euro, số âm duy nhất trong cả giải đấu (trong khi mức trần lương của Real Madrid tính đến cùng thời điểm lên tới 739 triệu euro, một phần còn được cộng dồn trước đây). Sở dĩ lại ở mức âm như vậy là vì năm 2021 Barca đã công bố mức thua lỗ tới 555 triệu euro. Mức trần lương này còn thấp hơn cả mức trần lương được đặt ra hồi kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021 của CLB là 98 triệu euro. 

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 10
Trần lương các CLB LaLiga tính đến kỳ chuyển nhượng mùa đông 2021/22. Ảnh: Swiss Ramble

Ở một chiều kích ngược lại và mang tính tương quan, sở dĩ Barca lại có mức thua lỗ lớn trong năm 2021 là bởi họ cũng chỉ tạo ra được mức lợi nhuận có 4 triệu euro từ việc bán đi cầu thủ. Động thái trên thị trường chuyển nhượng tạo ra nguồn lợi nhuận ít ỏi như vậy đẩy Barca vào cảnh thiệt đơn thiệt kép trong câu chuyện đáp ứng mức trần lương của LaLiga: vừa thu lời ít từ bán cầu thủ, lẫn chẳng giải phóng được thêm bao nhiêu cho quỹ lương đang phải gánh. 

Tuy nhiên, mức trần lương của một CLB tại LaLiga biến động liên tục dựa trên số tiền kiếm được và số tiền chi ra. Và con số -144 triệu euro nói trên chỉ là con số từ lần được công bố gần nhất và không phải của thực tế hiện tại. Mức trần lương mới nhất sẽ được cập nhật trong mùa hè này. 

Việc trần lương đang âm như Barça đồng nghĩa rằng họ phải đưa con số ấy về 0 trước khi có số dương lớn trở lại, hay nói cách khác là không được phép chi thêm đồng nào để trả lương cầu thủ. Đấy là hệ quả của không chỉ hoạt động kinh doanh thua lỗ – đặc biệt là trong các năm 2020 và 2021 – mà còn xuất phát từ quỹ lương siêu to khổng lồ Barca đang phải gánh.

Quỹ lương của Barca theo đợt công bố báo cáo tài chính gần nhất là mùa 2020/21 ở mức 432 triệu euro (không tính các đội thể thao khác của CLB). Lưu ý rằng, quỹ lương này vốn dĩ đã giảm nếu so với đỉnh điểm trong lịch sử là 501 triệu euro vào năm 2019. Ấy vậy mà con số 432 triệu euro đó vẫn cao thứ hai châu Âu, chỉ sau 503 triệu euro của PSG.

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 11
Quỹ lương các CLB châu Âu mùa giải 2020/21. Ảnh: Swiss Ramble

Từ đây, chúng ta hiểu thêm vì sao Barça lại có những động thái từ việc chấp nhận để Lionel Messi ra đi dưới dạng chuyển nhượng tự do vào mùa hè 2021, hay để Philippe Coutinho đến Aston Villa nhằm cắt giảm 20 triệu euro quỹ lương, cho Atletico Madrid mượn Griezmann, cho Besiktas mượn Pjanic hay mới nhất là cho Tottenham mượn Clement Lenglet.

Ngoài ra, một giải pháp khác cũng được ban lãnh đạo Barça áp dụng, đó là gia hạn hợp đồng cầu thủ (như với Samuel Umtiti) để giảm khấu hao, đàm phán giảm lương (như với Sergio Busquets, Gerard Pique, Jordi Alba, Sergi Roberto), đàm phán giảm lương bằng hợp đồng mới (như với Ousmane Dembele), đàm phán trả chậm lương (như với Frenkie de Jong), hoặc ký hợp đồng với cầu thủ nhận lương thấp trong năm đầu tiên (như với Pierre-Emerick Aubameyang). 

Tất cả những động thái đó nhằm nỗ lực đăng ký cầu thủ mới lên LaLiga, ví dụ trường hợp của Ferran Torres hồi đầu năm 2022. Trong mùa hè 2022 này, bên cạnh việc đàm phán để tiếp tục cắt giảm lương của những cầu thủ hưởng lương cao nhưng còn giá trị sử dụng trong đội hình, Barca sẽ phải thanh lọc đội hình bằng việc bán đi cầu thủ (nhất là những cầu thủ lương cao). Hai hoạt động này cần diễn ra song song, thậm chí thay thế nhau. Mục đích không gì khác là giải phóng bớt quỹ lương. 

Ví dụ trong câu chuyện Frenkie de Jong: Barca hoặc bán đi tiền vệ người Hà Lan, hoặc thuyết phục anh giảm lương/từ bỏ khoản lương đang bị hoãn, dù rõ ràng điều này không hợp tình hợp lý dựa trên bối cảnh Barca vẫn đang tiếp tục mang về những tân binh.

Nói thì dễ, nhưng để thuyết phục thành công cầu thủ thì rất khó. Như Sid Lowe có phân tích, cầu thủ thường không có xu hướng chịu giảm lương hoặc rời nơi đang trả lương cao cho họ. Điều tồi tệ nhất khi dấn thân vào thị trường chuyển nhượng (cả mua và bán cầu thủ) không phải là việc bạn không có tiền/hoặc có rất ít tiền, mà là tất cả đều biết bạn không có tiền/hoặc rất ít tiền. 

Từ công thức tính mức trần lương như đã nói (doanh thu trừ đi các khoản chi phí ngoài thể thao và nợ phải trả), cho tới bao cách làm giàu khác trong đời sống, cách để Barca đưa trần lương trở về 0 rồi sau đó lên được mức dương chính là: vừa tiết kiệm (cắt giảm chi phí), vừa kiếm tiền nhiều hơn và… nhanh chóng hơn. Phải thật nhanh, bằng không những Kessie, Christensen, Raphinha, Robert Lewandowski và một ai đó khác sẽ chẳng thể có tên trong đội hình đăng ký mùa giải tới. 

Nói về khoản kiếm tiền thì Barca những năm trước đây vốn luôn tỏ ra cực kỳ tự tin, đến nỗi họ sẵn sàng vay nóng để mua cầu thủ mà không quá đắn đo, cho đến khi đại dịch khiến mọi toan tính và niềm tin đổ vỡ. Nếu Barca có thể đạt lại mức doanh thu như trước đại dịch, bấy giờ mức trần lương của họ cũng sẽ tăng lên. 

Cách đây 2 năm, mức trần lương của Barca do LaLiga đặt ra cao nhất Tây Ban Nha, với 671 triệu euro, thậm chí cao hơn của Real Madrid (641 triệu euro). Trước đó 1 năm nữa, vào năm 2019, Barca đạt mức doanh thu 841 triệu euro theo báo cáo của Money League từ Deloitte (còn theo báo cáo tài chính của Barca là tới 990 triệu euro) và cựu chủ tịch Bartomeu từng tuyên bố Barca sẽ trở thành CLB bóng đá đầu tiên trên thế giới chạm mốc doanh thu 1 tỷ euro. 

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 12
Xu hướng doanh thu của Barcelona. Ảnh: Swiss Ramble

Thực tế, Barca vẫn đang là CLB kiếm tiền giỏi. Mặc dù doanh thu đã giảm gần một phần ba trong 2 năm qua, mức doanh thu 582 triệu euro của Barca trong mùa 2020/21 vẫn là cao thứ tư trên thế giới (trước đó là cao nhất thế giới vào các năm 2019 và 2020). 

Rõ ràng, chính đại dịch đã giáng một đòn đau đớn vào tham vọng “mốc 1 tỷ euro” của Barca. Trong 2 năm qua, Barca tuyên bố họ đã mất đi gần nửa tỷ euro (447 triệu euro), bao gồm 203 triệu euro vào mùa 2019/20 và 244 triệu euro vào mùa 2020/21. Thiệt hại này chủ yếu đến từ các khoản mất mát tiền vé vào sân (248 triệu euro) và hoạt động thương mại (128 triệu euro).

Riêng trong mùa giải 2020/21, doanh thu từ việc bán vé vào sân của Barca đã giảm tới 110 triệu euro khi tất cả các trận đấu trên sân nhà Camp Nou đều không có khán giả. Trong khi ở mùa giải trước đó, Barca là CLB có nguồn doanh thu lớn nhất ở khoản này tại châu Âu, với 126 triệu euro. 

Tương tự, doanh thu từ các hoạt động thương mại của Barça đã sụt giảm nghiêm trọng nhất tại châu Âu vào mùa 2020/21, khiến họ tụt xuống vị trí thứ tư, xếp sau Man City (308 triệu euro), Real Madrid (322 triệu euro), PSG (337 triệu euro) và Bayern Munich (345 triệu euro). Dù bấy giờ, mức doanh thu ở khoản này của Barca là 277 triệu euro.

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 13
Các khoản lỗ của Barca do đại dịch Covid-19 gây nên. Ảnh: Swiss Ramble

Cách đây chưa lâu, Barca đã công bố hợp đồng tài trợ áo đấu mới với Spotify. Đáng nói, thỏa thuận tài trợ này không chỉ giới hạn với quyền đặt tên thương hiệu và logo trên áo đấu, mà còn đối với cả trang phục tập luyện và nhất là Spotify có quyền đặt tên SVĐ đối với Camp Nou. Theo như báo chí đưa tin thì thỏa thuận tài trợ này trị giá 70 triệu euro/năm, thực tế là thấp hơn những thỏa thuận cũ với Rakuten và Beko. 

Và cũng không khó hiểu khi vì sao Barca cùng Real Madrid hay Juventus vẫn nhất mực theo đuổi dự án Super League, vì cam kết bơm ngay 270 triệu euro cộng thêm 60 triệu euro nữa dành cho CLB này nếu họ tham gia giải đấu.

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 14

Nếu như việc thanh lọc quỹ lương và bán đi cầu thủ không dễ vì không phụ thuộc vào mỗi ý chí của Barca, thì các hoạt động gia tăng nguồn doanh thu cơ bản của một CLB bóng đá (tài trợ áo đấu, thương mại, tiền vé vào sân, bản quyền truyền hình,…) đều cần có thời gian. Thời gian lại là thứ xa xỉ với Barca lúc này, vì như đã nói, CLB xứ Catalunya đang phải hoàn thành nhiều mục tiêu song song một cách nhanh chóng. 

Với bối cảnh đó, chiến lược chính của Barca là dùng đến “palanca”, một từ tiếng Tây Ban Nha có thể hiểu là “đòn bẩy kinh tế”. Giữa tháng 6 vừa qua, một cuộc họp Đại Hội đồng bất thường của Barca đã được diễn ra sau khi nó được thông báo đến các hội viên (socio) trước đó. Mục đích triệu tập cuộc họp này của ban lãnh đạo CLB chủ sân Camp Nou là để lấy ý kiến và sự phê chuẩn của các hội viên được ủy quyền đối với 2 đề xuất cực kỳ quan trọng trong việc vực dậy nền tài chính CLB. Và cả 2 đề xuất này cuối cùng đều được bỏ phiếu thông qua.

Cụ thể, 2 đề xuất đó bao gồm: 

  1. Nhượng lại cổ phần thiểu số (49,95%) trong mảng Barca Licensing & Merchandising (BLM) – tức một nhánh/công ty con thuộc sỡ hữu của CLB vốn chịu trách nhiệm đàm phán giấy phép và bán hàng – cho một đối tác khác. 
  2. Nhượng lại 25% tổng thu nhập từ bản quyền truyền hình giải đấu LaLiga cho một hoặc nhiều nhà đầu tư và/hoặc nhận được nguồn tài chính dựa trên phần bản quyền truyền hình đó.

Chủ tịch Joan Laporta nói rằng 2 hoạt động trên chính là những “đòn bẩy kinh tế” hay “cơ chế tài chính” nhằm giúp Barca thu về một số tiền ước tính khoảng 600 triệu euro ngay lập tức. Với số tiền đạt được này, nền tài chính Barca sẽ được tái điều chỉnh, giúp mang đến sự an tâm khi vốn chủ sở hữu trở lại mức dương, cho phép CLB kết thúc năm tài chính 2021/22 có lợi nhuận và từ đó có các khoản đầu tư cần thiết để giúp đội bóng lấy lại khả năng cạnh tranh. 

Trong phần nghị sự của cuộc họp, chủ tịch Joan Laporta đã ví von tình hình Barca giống như một chiếc xe đua F1 “đã hết nhiên liệu với động cơ dừng hoạt động do thừa hưởng nền tài chính tồi tệ từ đời ban lãnh đạo trước”. 

Ông Laporta nói thêm: “Các biện pháp tài chính đầu tiên đã được áp dụng (tái cơ cấu nợ, giảm quỹ lương, tăng thu nhập), tức là chúng tôi bắt đầu đưa chiếc F1 lên, nhưng nó không thể chạy được. Vì vậy, CLB cần phải kích hoạt các đòn bẩy về BLM và bản quyền truyền hình LaLiga để điều chỉnh lại cơ cấu tài chính sớm hơn dự báo, hòng giúp vốn chủ sỡ hữu dương, thanh toán nợ một cách bền vững và từ đó thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để giúp các đội thể thao chuyên nghiệp của CLB lấy lại thế cạnh tranh”.

Cuối cùng, Laporta nhấn mạnh: “Nếu thông qua các đòn bẩy này, chiếc F1 có thể rời khỏi pit (nơi các xe đua được bảo dưỡng trong mỗi chặng đua), trở lại hàng xuất phát đầu để cạnh tranh và giành chiến thắng một lần nữa”.

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 15
 

Laporta mong muốn các đại biểu, tức những hội viên được ủy quyền sẽ giúp CLB “đưa chiếc F1 ấy rời khỏi pit”, bởi tình hình đã tới giới hạn và bằng không, Barca sẽ khó có thể cạnh tranh với các CLB có nền tài chính được chống lưng bởi các nhà nước, cũng như Barca sẽ khó có thể duy trì mô hình độc lập thuộc sở hữu chung của các hội viên. 

Phó chủ tịch bộ phận Marketing của Barca, ông Juli Guiu, đã trình bày trong cuộc họp rằng mảng BLM đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi là nguồn thu chính của CLB. Định giá toàn bộ mảng BLM này của Barca vào khoảng 700 triệu euro và CLB dự kiến sẽ thu về từ 200 đến 300 triệu euro một khi nhượng lại 49,95% cổ phần cho một đối tác khác. Ban lãnh đạo Barça khẳng định rằng đối tác mua lại số cổ phần này là một đơn vị mà CLB sẽ có thể liên minh để cùng phát triển, và trong thỏa thuận có kèm theo điều khoản cho phép CLB được quyền mua lại số cổ phần đã bán đi trong tương lai. Cũng theo Juli Guiu, có một đối tác đã đề nghị mua lại toàn bộ 100% mảng BLM, nhưng ban lãnh đạo đã từ chối, vì CLB vẫn muốn duy trì quyền kiểm soát đa số.

Trong khi đó, phó chủ tịch CLB, ông Eduard Romeu, giải thích rằng: “Mỗi năm, Barca kiếm được 165 triệu euro từ bản quyền truyền hình LaLiga. Phần tài sản ấy giả sử được bán đi, sẽ chiếm 5% tổng thu nhập của CLB, một tỷ lệ mà chúng tôi xem là ở mức vừa phải, có thể dung hòa và có thể mua lại được”. 

Do đó, CLB dự định sẽ huy động được khoảng 200 triệu euro cho mỗi 10% bản quyền truyền hình LaLiga bán đi, và thời hạn không quá 25 năm.

Cái gọi là “đòn bẩy tài chính” của Barca luôn là đồng tiền hai mặt. Một mặt, “palanca” thật sự sẽ giúp Barca nhanh chóng có được một khối doanh thu cực lớn, với tham vọng của họ là hơn 600 triệu euro tức thì chảy vào tài khoản. Nhưng mặt còn lại, đó là hành động “bán dài nuôi ngắn”, hay bán đi một phần tài sản có thể sinh lời trong tương lai để đổi lấy một khoản tiền cần gấp trước mắt. Bán đi một tài sản có thể sinh lời để giải quyết các vấn đề về thanh khoản trong ngắn hạn lúc nào cũng là điều không nên, hoặc là giải pháp cuối cùng. Dù thế nào đi chăng nữa, Barca không có nhiều sự lựa chọn vào lúc này, họ buộc phải có giải pháp và thông thường, tư hữu hóa tài sản là lối thoát.

Ngay sau khi cuộc họp Đại Hội đồng bất thường phê chuẩn cho phép ban lãnh đạo Barça thực hiện các “palanca”, CLB xứ Catalunya nhanh chóng chốt “đòn bẩy kinh tế đầu tiên”, vì ngày 1/7 là thời điểm khép lại năm tài khóa đã qua. 

Với việc kích hoạt đòn bẩy đầu tiên, Barça đã bán đi trước tiên 10% doanh thu bản quyền truyền hình LaLiga (không gồm bản quyền Champions League) với giá 207,5 triệu euro cho công ty tài chính của Mỹ là Sixth Street với thời hạn 25 năm. 

Mới đây thôi, Barca tiếp tục thông báo đã kích hoạt “đòn bẩy kinh tế thứ hai”. Theo đó, họ tiếp tục bán thêm 15% doanh thu bản quyền truyền hình LaLiga cũng cho Sixth Street với thời hạn 25 năm. Theo thông tin từ báo giới, số tiền tức thì lần này Barca nhận được vào khoảng 400 triệu euro. Như vậy, ngay lập tức, tài khoản Barça được bơm 607,5 triệu euro. Một lần nữa, hãy đánh giá mặt tiêu cực của hai đòn bẩy này. 

Dựa trên công bố phân chia giá trị tiền bản quyền truyền hình LaLiga mùa giải 2020/21 đối với các CLB, Barca được nhận 166 triệu euro/năm. Giả sử số tiền bản quyền truyền hình LaLiga nhận được qua các năm tiếp theo không đổi, thì việc cắt đi tổng cộng 25% doanh thu của khoản này để bán cho Sixth Street nghĩa là mỗi năm Barca quyết định “hiến” 41,5 triệu euro, vì thời hạn hợp đồng kéo dài 25 năm nên tổng cộng Barça sẽ từ bỏ khoảng 1,037 euro. Dễ so sánh, thay vì thu về 1,037 tỷ euro trong vòng 25 năm, Barca chỉ nhận được ngay tức thì 607,5 triệu euro (mức chênh lệch là khoảng 430 triệu euro).

Phó chủ tịch Eduard Romeu phụ trách tài chính của Barça từng nói rằng thỏa thuận giữa CLB với Sixth Street tốt hơn so với đề nghị của LaLiga và CVC trước đây. Năm ngoái, hầu hết các CLB LaLiga chấp nhận bán đi 8,2% giá trị bản quyền truyền hình giải đấu cho CVC với thời hạn 50 năm (thay vì 25 năm như của Sixth Street ký với Barca). Đồng thời, hợp đồng của CVC không có điều khoản cho phép các CLB LaLiga được quyền mua lại tài sản đã bán trong tương lai. Nếu Barca chịu ký với CVC thì họ sẽ nhận ngay 270 triệu euro từ việc bán đi 8,7% giá trị tiền bản quyền truyền hình LaLiga. Nghĩa là, thay vì thu về khoảng 680 triệu euro trong 50 năm, Barça sẽ nhận ngay 270 triệu euro (mức chênh lệch là 410 triệu euro). 

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 16
Phân tích việc bán bản quyền truyền hình của Barcelona. Ảnh: Swiss Ramble

Trong các thỏa thuận bán đi một phần tài sản nói trên của Barca với Sixth Street, CLB này đều có quyền mua lại chúng trong tương lai, nhưng không ai dám nói trước các đời ban lãnh đạo sau của Barca có ý định đó hoặc có đủ khả năng đó hay không. Bởi gần như giá trị các khối tài sản ấy sẽ tăng dần lên qua mỗi năm. Đơn cử, xu hướng giá trị bản quyền truyền hình LaLiga đều tăng lên qua mỗi năm, và khi nói như vậy cũng có nghĩa là con số 415 triệu trong 25 năm có khi còn lớn hơn nữa.

Cách đây vài tuần, chủ tịch Javier Tebas của LaLiga từng cho biết nếu Barca kiếm được khoảng 500 triệu euro, họ sẽ được phép ký hợp đồng và đăng ký các cầu thủ mới. Câu hỏi là liệu với gói hơn 600 triệu euro vừa nhận được, Barça đã có thể đăng ký mới cầu thủ hay chưa?

Theo cách tính của Sid Lowe trên ESPN, vì Barca đang có mức trần lương -144 triệu euro, kết hợp cùng quỹ lương ở mức 432 triệu euro, điều này có nghĩa là Barca cần phải tạo ra hoặc kiếm được hơn 576 triệu euro (lấy 144 triệu euro cộng với 432 triệu euro) để đưa cán cân trở về ít nhất là ở mức 0. Số tiền kiếm được càng nhiều sẽ giúp cán cân có mức dương tăng lên. Và khoản dư ra ấy sẽ là số tiền Barca được dùng cho việc mua/đăng ký cầu thủ mới. 

Thực tế, bên cạnh cách tính như Sid Lowe, vẫn còn một cách khác để đưa mức trần lương trở về 0 hoặc dương, đó là đơn thuần giảm quỹ lương xuống còn ở mức ít nhất là 288 triệu euro (tức lấy 432 triệu euro trừ cho 144 triệu euro) – một nhiệm vụ xem ra là khó khăn hơn nhiều so với việc gia tăng doanh thu.  

Song, như đã khẳng định, tính đến lúc này, những con số trên chỉ là những con số “cũ”; chúng ta vẫn chưa có báo cáo tài chính 2021/22 lẫn mức trần lương mới nhất mà LaLiga sẽ áp cho các CLB, công tác chuyển nhượng của Barca thì vẫn chưa kết thúc và cũng không rõ mức lương được thỏa thuận với các cầu thủ là bao nhiêu. Do đó, mọi thứ chỉ đang dừng ở mức giả định và suy đoán. 

Cũng theo Sid Lowe, mục tiêu trước mắt của Barça trong mùa hè này đối với quỹ lương đội bóng là giảm nó xuống còn ở mức khoảng 400 triệu euro. Từ đó, kết hợp với các khoản tiền kiếm được lập tức, CLB vẫn có thể đăng ký được các tân binh. Còn tham vọng lớn nhất là đưa quỹ lương về mức tương đương với trần lương mà LaLiga áp xuống. Bấy giờ, Barca sẽ được phép chi tiêu theo công thức 1:1, tức với mỗi euro kiếm được, bạn có thể dùng một euro ấy để tái đầu tư.

Vì sao Barcelona với tài chính thê thảm vẫn mua sắm rầm rộ 17
 

Lưu ý rằng Barça vẫn còn đó một đòn bẩy kinh tế nữa liên quan tới việc bán đi 49,95% cổ phần của mảng BLM (với định giá từ 200 đến 300 triệu euro) chưa được kích hoạt. Có vẻ Barca vẫn đang cân nhắc, với dấu hiệu miễn cưỡng bán thêm tài sản của mình. Để tránh việc đó, đội chủ sân Camp Nou sẽ phải tìm cách bán đi những cầu thủ trong đội hình, vừa gia tăng thu nhập, vừa giải phóng bớt quỹ lương. 

Tựu trung, Barca đúng là có nền tài chỉnh thê thảm. Nhưng điều đó không ngăn cản họ tiến hành những động thái rầm rộ trên thị trường chuyển nhượng, bởi các giải pháp tức thì đã và đang được thực thi. Những “đòn bẩy kinh tế” hay bán đi tài sản có thể sinh lời trong tương lai để đổi lấy khoản tiền lớn trước mắt chính là giải pháp. Cái thiệt thòi cho tương lai chắc chắn có, song Barca không còn sự lựa chọn và họ tin rẳng chỉ cần sức cạnh tranh của tập thể Xavi trở lại, khả năng tạo ra những nguồn doanh thu lớn như trước thời kỳ đại dịch cũng sẽ trở lại. 

Ít nhất thì nếu đặt trong câu chuyện về tiền ăn chia bản quyền truyền hình từ UEFA, niềm tin về công thức trên là đúng. Bởi lẽ, nếu như trong năm 2019, Barça từng nhận được tới 118 triệu euro từ UEFA với hành trình ở cúp châu Âu, thì con số này đã giảm xuống chỉ còn 69 triệu euro vào năm 2022. Thành tích bết bát ở đấu trường châu lục cũng đồng nghĩa với việc tiền chảy vào túi ít hơn. 

Tất cả những gì Barca đang làm là một “canh bạc”, với mọi hy vọng đổ dồn vào chất lượng đội hình và thành bại cho mùa giải mới.

Tổng hợp, bổ sung từ bài viết “Barcelona finances, explained: Can the club really sign players while chasing more stars this summer?” của Sid Lowe trên ESPN và phân tích tài chính của Swiss Ramble trên Twitter.

Có thể bạn quan tâm

Mới nhất

top-arrow
X