Về mặt kết quả, U23 Việt Nam có trận đấu ra quân tại vòng chung kết U23 châu Á 2020 không tệ. Kết quả hòa với 1 điểm và không để thủng lưới là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên thực tế là màn trình diễn của thầy trò HLV Park Hang-seo là chưa tốt về mặt chuyên môn.
Về mặt kết quả, U23 Việt Nam có trận đấu ra quân tại vòng chung kết U23 châu Á 2020 không tệ. Kết quả hòa với 1 điểm và không để thủng lưới là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên thực tế là màn trình diễn của thầy trò HLV Park Hang-seo là chưa tốt về mặt chuyên môn.
U23 CHÂU Á KHÔNG PHẢI SEA GAMES
Nòng cốt của đội hình U23 Việt Nam tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2020 chủ yếu là các cầu thủ vừa tham dự SEA Games 2019. Ở SEA Games, đoàn quân của HLV Park Hang-seo vẫn có những phút khó khăn, tuy nhiên tấm huy chương vàng vẫn hoàn toàn xứng đáng nếu nhìn vào tổng thể màn trình diễn, đặc biệt là trong trận chung kết.
Tuy nhiên có những khác biệt thực sự quan trọng ở đây: Thứ nhất, chúng ta không còn Văn Hậu, Hùng Dũng và Trọng Hoàng trong đội hình. Sự già rơ trước tuổi của Văn Hậu, khả năng càn lướt của Trọng Hoàng cùng sự tỉnh táo, bền bỉ và trình độ liên kết lối chơi cực tốt của Hùng Dũng giúp bức tranh U22 Việt Nam ở SEA Games 2019 gần như hoàn thiện. Cả 3 cầu thủ này đều đang là những trụ cột ở đội tuyển quốc gia và sự xuất hiện của họ tăng thêm rất nhiều chất lượng cho đội hình, chẳng phải vô cớ mà ông Park đã rất muốn Văn Hậu tiếp tục trở về hội quân để tham dự vòng chung kết U23 châu Á năm nay.
Điều thứ 2, giữa trình độ giữa khu vực Đông Nam Á và toàn châu Á vẫn có sự khác biệt. Tại kỳ SEA Games vừa qua, Lào, Brunei hay Campuchia vẫn chưa phải đối thủ xứng tầm của chúng ta chứ chưa nói đến tầm châu lục còn Indonesia và Singapore đã không còn mạnh như xưa dù quả thực thầy trò HLV Park Hang-seo đã khá vất vả trong cuộc chạm trán 2 đối thủ này ở vòng bảng.
Trong trận đấu với U23 UAE vừa qua, HLV Park Hang-seo vẫn giữ truyền thống trong các cuộc chạm trán với các đối thủ, đặc biệt là đối thủ Tây Á, khi chủ động cho đội hình thi đấu với một khối tầm trung. Tuy nhiên Hoàng Đức và Đức Chiến không thể làm chủ được khu trung tuyến để tạo thành mối liên kết giữa hàng phòng ngự và tấn công trong khi Quang Hải chưa tạo ra khác biệt như đẳng cấp mà anh đã từng thể hiện. Ngoài ra ở trận đấu đó, ông không có trong tay hậu vệ phải số một trong đội hình là Tấn Tài vì bị treo giò và sự thử nghiệm Việt Anh đá thay vị trí của cầu thủ đang khoác áo Bình Dương đã không mang lại hiệu quả.
Quả thật đội tuyển U23 UAE đã có một vài cơ hội đáng tiếc không thể tận dụng thành công, đặc biệt là trong hiệp 1, mà trong cuộc họp báo sau trận, HLV Maciej Skorza đã bày tỏ sự tiếc nuối. Người ta vẫn nói đường dài mới biết ngựa hay, tuy nhiên trận hòa vừa qua thực sự chỉ ra những vấn đề của U23 Việt Nam.
VƯỢT QUA CÁI BÓNG Ở THƯỜNG CHÂU
Trong đội hình của U23 Việt Nam lúc này còn 7 cái tên sót lại từ giải đấu tại Trung Quốc 2 năm trước: Tiến Dũng, Đức Chinh, Thái Quý, Quang Hải, Thành Chung, Tiến Dụng và Đình Trọng. Hiện tại, Quang Hải, Đức Chinh vẫn là những trụ cột của U23 Việt Nam, Thành Chung đã có sự trưởng thành hơn nhiều so với 2 năm về trước còn Tiến Dũng sau một khoảng thời gian chịu nhiều áp lực về phong độ đã có một trận đấu tốt trước U23 UAE.
Với Đình Trọng anh đã có một màn tái xuất tương đối thành công sau khoảng thời gian hơn nửa năm ngồi ngoài vì chấn thương và kể từ khi trung vệ CLB Hà Nội có mặt trên sân, hàng phòng ngự U23 Việt Nam đã vững vàng hơn hẳn. Trong khi đó, Thái Quý và Tiến Dũng có lẽ vẫn là những quân bài chiến thuật tùy thuộc những thời điểm, tình thế cụ thể sẽ được HLV Park Hang-seo sử dụng.
|
Đình Trọng có màn tái xuất tương đối tốt |
2 năm trước, đội bóng chúng ta vẫn còn là một ẩn số, bản thân HLV Park Hang-seo cũng là một ẩn số với giải đấu (dù ông là một người có tiếng ở Hàn Quốc nhưng quả thực thành tích của ông trong vài năm trước khi đến làm việc ở Việt Nam khiến người ta phải nghi ngờ). Nhưng bằng tổng hòa của nhiều yếu tố: tính bất ngờ, trạng thái hưng phấn cùng sự quyết tâm cao độ, những cá nhân xuất sắc, một lối chơi phù hợp đã giúp U23 Việt Nam dù thua trận mở màn trước U23 Hàn Quốc nhưng vẫn đi một mạch vào tới trận chung kết và chiến đấu ngoan cường đến tận phút cuối cùng.
Hình ảnh Duy Mạnh cúi người cắm lá quốc kỳ trên đống tuyết ở Thường Châu gợi thật nhiều cảm xúc, đó là sự tự hào dân tộc cũng như một niềm tin vào tương lai. Thành tích á quân vòng chung kết U23 châu Á 2018 đã mở ra một trang mới cho bóng đá Việt Nam cũng như cuộc đời nhiều cầu thủ, tuy nhiên vô hình chung nó (cùng những thành công nối tiếp sau đó) đã tạo ra áp lực cho những lứa sau. Người ta thường nói leo lên đỉnh cao đã khó nhưng trụ lại ở đó thì càng khó hơn. Ngôi á quân dẫu chưa phải đỉnh cao về mặt lý thuyết, nhưng với bóng đá Việt Nam đó thực sự là một cột mốc trong những trang biên niên sử. 7 cầu thủ còn sót lại của đội hình 2 năm trước có lẽ là hiểu rõ áp lực duy trì hình ảnh và thành tích hơn ai cả.
Ai cũng biết ở các giải trẻ, thành tích của các đội không phải thứ lúc nào cũng có thể duy trì bởi lứa cầu thủ có thể thay đổi theo từng năm. U23 Nhật Bản là nhà vô địch của vòng chung kết U23 châu Á 2016, sau đó họ dừng bước ở tứ kết giải đấu năm 2018 và năm nay đã bị loại ngay từ vòng bảng là một ví dụ điển hình. Do đó, điều cần làm của thầy trò HLV Park Hang-seo lúc này là vượt qua cái bóng của giải đấu 2 năm trước, hay nói đúng hơn là quên hẳn nó đi.
Tất nhiên, chúng ta sẽ vẫn mong Quang Hải cùng các đồng đội lặp lại thành tích như năm 2018, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là những màn trình diễn đủ để người hâm mộ thấy rằng lứa cầu thủ này vẫn đĩnh đạc, vẫn đầy ngạo nghễ và kiêu hãnh, vẫn có đủ chuyên môn để là tương lai của bóng đá Việt Nam trong rất nhiều năm tới. Nếu được như thế, âu đó cũng là một thứ đáng để tự hào và ăn mừng không thua kém gì việc được đeo những tấm huy chương trên cổ.
CG