Triều Tiên là một quốc gia khép kín nên do đó nền bóng đá của họ cũng thực sự là điều bí ẩn với nhiều người.
Triều Tiên là một quốc gia khép kín nên do đó nền bóng đá của họ cũng thực sự là điều bí ẩn với nhiều người.
NHỮNG TRẬN ĐẤU KHÔNG KHÁN GIẢ
Chắc hẳn người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn chưa quên trận chung kết play-off liên khu vực khuôn khổ lượt về giữa CLB April 25 (hay 4.25) và CLB Hà Nội diễn ra trên sân vận động Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Nó đáng nhớ là bởi thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm khi đó đứng trước cơ hội lịch sử để góp mặt ở trận chung kết của một giải đấu châu lục cấp CLB (ở lượt đi tại Hàng Đẫy, trận đấu khép lại với tỷ số hòa 2-2). Nhưng đó chưa phải tất cả.
Trận đấu không hề có truyền hình trực tiếp, mọi cách tiếp cận thông tin diễn biến cuộc chạm trán gần như bị bít kín ngoại trừ những cập nhật từ trên Facebook cá nhân của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lê Bá Vinh. Đó chắc chắn là một trải nghiệm đặc biệt với rất nhiều người vì chẳng khác nào nghe tường thật bóng đá qua radio.
Chính bản thân đương kim chủ tịch FIFA Gianni Infantino sau khi dự khán trận đấu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ở vòng loại World Cup 2022 tổ chức trên sân vận động Kim Nhật Thành đã bày tỏ sự thất vọng vì không hề có cổ động viên nào trên khán đài ngoài những nhân vật có quyền lực. Bên cạnh đó ông còn rất ngạc nhiên về công tác truyền thông ở đây. Ông Infantino bày tỏ: “Chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi điều này [không có khán giả trên sân] cũng như một số vấn đề liên quan đến truyền hình trực tiếp, vấn đề về thị thực và nhập cảnh với các nhà báo quốc tế”.
Tuy nhiên đây vốn không phải một điều xa lạ của bóng đá Triều Tiên. Sự bí ẩn, như chính bản thân quốc gia, đã làm nên sự tò mò của nhiều người với nền bóng đá này. Ông Jerome Champagne - người từng là cố vấn của cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter - chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bleacher Report cho biết rằng trước kia, ngay cả FIFA cũng không biết làm thế nào để liên lạc với Liên đoàn bóng đá Triều Tiên để lấy thông tin về hệ thống giải đấu và các đội ở đây. Ông nói: “Ở đó chỉ có có một số fax và bạn phải gửi fax. Đôi khi bạn mới nhận được phản hồi mà thôi”.
|
Trận đấu không khán giả giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc trên SVĐ Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng |
Đó là một trong rất nhiều những điều gây tò mò về bóng đá nói riêng và cuộc sống ở Triều Tiên nói chung. Nhà văn James Montague đã có một vài chuyến đi đến Triều Tiên để tìm hiểu về nền bóng đá ở đây. Anh cho biết toàn bộ các đội bóng Triều Tiên đều gắn liền với các nhà máy, xí nghiệp hoặc cơ quan chính phủ. Đội bóng giàu truyền thống nhất nước là CLB April 25 (dựa theo ngày 25/4, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên).
Tuy nhiên, các trận đấu bóng ở trong nước thì là một điều bí ẩn, lịch thi đấu sẽ không được công khai mà sẽ chỉ được thông báo bên ngoài sân vận động trước ngày diễn ra. Trong suốt nhiều năm, ở Triều Tiên không có giải VĐQG cho cả nam lẫn nữ với cách thức vận hành như đa số các giải VĐQG trên thế giới mà thay vào đó là một loạt các giải đấu ngắn ngày thường được tổ chức vào những dịp đặc biệt trong năm như kỷ niệm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành hay ngày thành lập quân đội. Thứ hạng các đội bóng được tính dựa theo kết quả ở 6 giải đấu mà họ tham dự.
Đến năm 2017, giải VĐQG Triều Tiên mới được cải cách để tổ chức theo thể thức lượt đi, lượt về được như đa số các giải VĐQG khác.
MÔN THỂ THAO ĐƯỢC QUAN TÂM
Bóng đá Triều Tiên từng để lại những hình ảnh đẹp và thành tích tốt tại đấu trường quốc tế. Trong quá khứ, đội tuyển nam Triều Tiên gây tiếng vang khi tham dự vòng chung kết World Cup 1966. Khi đó, đội bóng Đông Á đã cầm hòa Chile và xuất sắc vượt qua Italia của những huyền thoại Giacinto Facchetti, Sandro Mazzola hay Gianni Rivera với tỷ số 1-0. Triều Tiên giành quyền vào tứ kết với vị trí nhì bảng 4 (xếp sau Liên Xô) và dừng bước trước Bồ Đào Nha với tỷ số thua 3-5. Điều đáng chú ý là Triều Tiên đã vươn lên dẫn trước 3-0 chỉ sau 25 phút trước khi bị Eusebio và Jose Augusto ghi liền 5 bàn sau đó.
Vòng chung kết World Cup 2010 cũng là một lần hình ảnh bóng đá Triều Tiên hiện ra với khán giả đại chúng mà đáng nhớ nhất chính là những giọt nước mắt gợi nhiều cảm xúc của Jong Tae-se. Về bóng đá nữ, thành tích thậm chí còn vang dội hơn nhiều. Họ từng 2 lần lên ngôi, 1 lần về nhì tại giải U17 và U20 World Cup. Đội tuyển quốc gia nữ Triều Tiên đã 3 lần vô địch Asian Cup, 3 lần giành huy chương vàng ASIAD và 3 lần lên ngôi tại giải vô địch Đông Á.
Bóng đá là một môn thể thao được ưa chuộng ở Triều Tiên, đặc biệt là sau khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo cao nhất. Đó gần như là kênh quảng bá hữu hiệu nhất cho hình ảnh đất nước và con người nơi đây.
Nhà văn James Montague tiết lộ trong chuyến đi đến Triều Tiên, tại một cửa hàng sách bán các đầu sách tiếng Anh duy nhất tại Bình Nhưỡng có một cuốn do chủ tịch Kim viết về thể thao có tựa đề: "Let Us Usher In a New Golden Age of Building a Sports Power in the Revolutionary Spirit of Paektu" (Tạm dịch: “Chúng ta hãy mở ra kỷ nguyên vàng mới về xây dựng sức mạnh thể thao trong tinh thần cách mạng của Paektu”), trong sách có trích dẫn một bức thư mà ông gửi tới những người tham dự Hội nghị Quốc gia về Thể thao lần thứ 7.
|
Jong Tae-se bật khóc ở World Cup 2010 |
Trong thư có đoạn: “Thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sức mạnh quốc gia, làm gia tăng uy tín và danh dự đất nước, truyền cảm hứng cho mọi người với niềm tự hào và phẩm giá đất nước cũng như truyền cho toàn xã hội khí phách cách mạng”.
Ông Antonio Razzi, một thượng nghị sĩ Italia đã từng tiếp xúc với ông Kim Jong-un, tin lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên hiện nay là một người thích bóng đá. Ông Razzi cho biết khi còn học ở Thụy Sĩ, ông Kim thường đến xem AC Milan thi đấu ở sân San Siro. Trước yêu cầu của ông Kim, vào năm 2013, Trường Bóng đá Quốc tế Bình Nhưỡng được thành lập. Theo đó, một cuộc tuyển chọn tài năng với quy mô khắp cả nước được tổ chức và sau đó những gương mặt trẻ triển vọng nhất sẽ được đưa vào trường này, sau đó đôn lên các cấp độ đội tuyển và có thể đưa ra nước ngoài. Mục tiêu của Trường Bóng đá Quốc tế Bình Nhưỡng lúc này chính là đào tạo ra các cầu thủ đủ khả năng giúp đội tuyển giành quyền tham dự World Cup 2022 tại Qatar.
Han Kwang-song có lẽ là một trong những gương mặt nổi bật nhất của bóng đá Triều Tiên thời điểm này. Han từng được các trinh sát của Manchester City và Fiorentina theo dõi trước khi anh được đưa về Cagliari. Ngày 9/4/2017, anh trở thành cầu thủ Triều Tiên ghi bàn ở Serie A. Với Han nói riêng và nhiều cầu thủ đồng hương khác nói chung, cơ hội để họ ra nước ngoài thi đấu còn nằm ở mối quan hệ hợp tác giữa học viện I.S.M tại Perugia, Italia với liên đoàn bóng đá Triều Tiên.
|
Han Kwang-song từng khoác áo và ghi bàn ở Serie A trong màu áo Cagliari |
Các học viên đến từ Triều Tiên sẽ sống với các đồng đội tại trường nội trú của học viện, đi học vào buổi sáng và tập luyện vào buổi chiều và có một giám sát viên từ Triều Tiên đến sống cùng. Chi phí cho mỗi học viên là khoảng 16.000 euro trong mùa giải kéo dài 9 tháng và do liên đoàn bóng đá Triều Tiên chi trả.
Ngoài Han Kwang-song (lúc này đang khoác áo Al-Duahil của Qatar), đội hình tuyển Triều Tiên thời điểm hiện tại còn một số cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài như Kim Song-gi (CLB Tochigi City của Nhật Bản), Pak Kwang-ryong (St. Polten của Áo), Choe Song-hyok (Arezzo của Italia, từng tập ở đội trẻ Fiorentina), Ri Yong-jik (Tokyo Verdy của Nhật Bản).
U23 VIỆT NAM: HÃY CHIẾN THẮNG U23 TRIỀU TIÊN TRƯỚC KHI NGHĨ TỚI NHỮNG ĐIỀU KHÁC
Trước khi nghĩ đến kết quả cuộc đối đầu giữa U23 Jordan và U23 UAE, nhiệm vụ của thầy trò HLV Park Hang-seo là cần phải thắng U23 Triều Tiên. Và dù đã bị loại nhưng chắc chắn đội bóng đến từ Đông Á không phải đối thủ dễ chơi của U23 Việt Nam.
Theo thống kê từ 11v11, đội tuyển Việt Nam và Triều Tiên từng gặp nhau tổng cộng 8 lần, lần gần nhất chính là trận giao hữu trên sân Mỹ Đình vào cuối năm 2018 trước thềm Asian Cup. Khi đó, 2 đội hòa nhau với tỷ số 1-1. Tuy nhiên bóng đá trẻ luôn tồn tại nhiều biến số bất ngờ.
|
U23 Triều Tiên thi đấu khá tốt ở VCK U23 châu Á 2020 |
Tại vòng chung kết U23 châu Á năm nay, đội tuyển U23 Triều Tiên thường chơi với một đội hình tầm trung với lối chơi kỷ luật, đơn giản và không cầu kỳ. Một điểm yếu của đội tuyển Triều Tiên là khả năng dứt điểm, đó chính là một trong những lý do khiến họ phải dừng bước sớm bởi cách triển khai lối chơi của họ không hề tệ.
Trong trận thua U23 Jordan, thầy trò HLV Ri Yu-il thậm chí còn kiểm soát bóng vượt trội đối thủ (58,4%). Thống kê từ Opta chỉ ra số liệu bàn thắng kỳ vọng của U23 Triều Tiên là 1,6 tuy nhiên lúc này số bàn thắng mà họ ghi được chỉ là 1. Trong khi đó, dù chưa phải nhận thất bại nhưng đội tuyển U23 Việt Nam đang trình diễn bộ mặt đáng lo lắng. Hàng phòng ngự tuy chưa để thủng lưới nhưng những dấu hiệu chuệch choạc đã lộ rõ, trong khi đó khả năng triển khai tấn công và ghi bàn thực sự là vấn đề.
|
U23 Việt Nam cần tập trung để giành chiến thắng trước U23 Triều Tiên trước khi nghĩ đến kết quả trận đấu giữa U23 UAE và U23 Jordan |
Có thể nói U23 Triều Tiên đã bị loại nhưng đội bóng chúng ta cần nhập cuộc với quyết tâm cao nhất bởi không thể trông chờ đối thủ coi đây chỉ là một trận đấu thủ tục. Nếu vượt qua khe cửa hẹp này, đoàn quân của HLV Park Hang-seo không thiếu những cơ hội đi sâu bởi thể thức loại trực tiếp ở vòng knockout sẽ phù hợp với lối chơi phòng ngự phản công, rình rập chờ thời cơ của chúng ta.
U23 Việt Nam đang đối diện một ngọn núi không dễ để chinh phục bởi đã không còn quyền tự định đoạt, tuy nhiên hãy làm tốt nhất nhiệm vụ mà chúng ta có thể tự mình giải quyết trước khi nghĩ tới những điều khác.
CG