Ở một vũ trụ song song nào khác, Arsenal “cắt lỗ” thành công khi bán được Nicolas Pepe cho một đội bóng giàu tiềm lực tài chính tại Saudi Pro League. Dĩ nhiên, giám đốc thể thao Edu Gaspar nhận về những lời tán thưởng từ giới chủ CLB.
Thế nhưng đó cũng chỉ là thế giới của những kẻ mộng mơ. Thực tế vốn khắc nghiệt hơn như vậy rất nhiều. Đúng là Nicolas Pepe vừa rời Arsenal để chuyển đến đầu quân cho Trabzonspor, tuy vậy trái với dự đoán ban đầu, Arsenal đã không thu được bất cứ khoản tiền nào từ việc để cầu thủ 28 tuổi chuyển đến thi đấu tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí để sớm thúc đẩy thương vụ này hoàn tất, BLĐ Pháo thủ chấp nhận hủy ngang hợp đồng với Pepe, đồng thời đền bù một khoản tiền được dự báo lên đến 10 triệu bảng.
Nicolas Pepe chính thức rời Arsenal để chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ đầu quân cho Trabzonspor. |
Rất rõ ràng, nếu xét trên phương diện làm kinh tế, Pepe là một thương vụ tồi tệ nhất lịch sử Arsenal. Đặt mình vào vị trí của đội chủ sân Emirates, họ đạt thỏa thuận chiêu mộ cầu thủ chạy cánh người Bờ Biển Ngà vào mùa hè 2019 với mức giá 72 triệu bảng. Trong đó, 20 triệu bảng trả ngay, 52 triệu bảng còn lại được trả đều trong 5 năm tiếp theo (tương ứng 10,4 triệu bảng/năm). Điều này có nghĩa là ngay cả khi Pepe đã rời đi theo dạng chuyển nhượng tự do, khoản nợ 10,4 triệu bảng cuối cùng mà Arsenal có nghĩa vụ phải thanh toán cho Lille trong mùa hè 2024 vẫn còn hiệu lực.
Cập bến nước Anh khi vừa bước sang tuổi 24 – khi rời đi Pepe vẫn chỉ mới 28 tuổi – không tiền sử chấn thương nặng, không có biểu hiện vi phạm kỷ luật đội bóng – thế nhưng Arsenal đã tìm đủ mọi cách nhưng vẫn chẳng thể thu về dù chỉ một đồng. Đến nỗi nhiều người hâm mộ phải bức xúc thốt lên rằng không biết chuyện quái quỷ gì đang xảy ra với công tác thanh lý cầu thủ của Arsenal thời kỳ hậu Arsene Wenger?
Thống kê cho thấy, Pepe là cầu thủ thứ 10 của Arsenal trong vòng 3 năm trở lại đây ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do khi vẫn còn hợp đồng. Danh sách 9 cái tên còn lại bao gồm: Sokratis Papastathopoulos, Shkodran Mustafi, Sead Kolasinac và Henrikh Mkhitaryan (năm 2020), Calum Chambers, Mesut Ozil và Willian (2021), Hector Bellerin và Pierre-Emerick Aubameyang (2022). Rất nhiều cái tên kể trên từng là trụ cột của đội bóng, cũng như từng tiêu tốn không ít ngân sách chuyển nhượng để thuyết phục họ cập bến Emirates.
Những ngôi sao như Mkhitaryan vs Ozil từng rời Arsenal theo dạng tự do khi vẫn còn hợp đồng. |
Như đã nói ở trên, công tác thanh lý cầu thủ của nửa đỏ thành London đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Nhưng trước đó chúng ta cần hiểu rằng công tác tuyển trạch và chuyển nhượng của họ mới là căn nguyên của mọi rắc rối. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm đằng sau những con số màu đỏ trên báo cáo tài chính?
Sven Mislintat – Giám đốc tuyển trạch của Arsenal từ tháng 12/2017 đến tháng 02/2019, được thống kê đã làm CLB tổn thất 103 triệu bảng khi đứng sau 8 thương vụ chuyển nhượng. Trong đó đáng kể nhất là trường hợp của Lucas Torreira (lỗ 23,5 triệu bảng). Dinos Mavropanos và Matteo Guendouzi là hai cái tên hiếm hoi mà Arsenal có lãi khi để họ ra đi. Tuy nhiên khoản lãi này cũng được cho là không đáng kể (5,5 triệu bảng).
Raul Sanllehi – Giám đốc bóng đá của Arsenal từ tháng 02/2018 đến tháng 08/2020, là “đạo diễn” chính cho thương vụ Pepe cập bến Emirates vào mùa hè 2019. Khi mùa giải 2019/2020 kết thúc, người cũ của Barcelona khiến các Gooners tức giận bởi những màn trình diễn trên sân cỏ của cầu thủ chạy cánh sinh năm 1995 không tương xứng với số tiền khổng lồ mà Arsenal phải trả cho Lille. Giữa tháng 8/2020, chỉ ít ngày sau khi Arsenal tuyên bố sẽ điều tra những khuất tất trong vụ chuyển nhượng của Pepe, Sanllehi nhận tráp sa thải. Cụ thể, đã có nhiều thông tin cho rằng Sanllehi nhận được một khoản tiền lớn từ các bên trung gian để thúc đẩy thương vụ này thành công. Thực tế giá trị của cầu thủ gốc Phi thấp hơn con số 72 triệu bảng rất nhiều.
Về cơ bản, các tân binh mà Sanllehi đưa về đa phần đều thất bại. Từ Pablo Mari, David Luiz, Denis Suarez, Cedric Soares, Dani Ceballos, Pepe, cho đến Kieran Tierney – người vừa cập bến Real Sociedad theo dạng cho mượn, sau một mùa hè không tìm được đối tác hỏi mua. Thành công lớn nhất của Sanllehi trong hơn 2 năm giữ chức tại Arsenal là chiêu mộ thành công William Saliba và Gabriel Martinelli, bất chấp người có công lớn trong việc phát hiện ra tài năng của họ là cựu tuyển trạch viên Francis Cagigao – đồng hương của Sanllehi.
Raul Sanllehi bị sa thải vì dính dáng đến những khuất tất trong thương vụ Nicolas Pepe. |
Suốt hơn 2 năm qua, Edu Gaspar đã phải căng mình để xử lý những tàn dư từ thời Mislintat và Sanllehi. Mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn khi biến cố Covid-19 ập đến, kéo theo hệ lụy khiến tình hình tài chính của các CLB bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này khiến cho nhiều đội bóng đối mặt với tình cảnh không thể bán đi cầu thủ. Nguyên nhân chính là do phía đối tác không thể đáp ứng được yêu cầu về lương bổng của các ngôi sao.
Chẳng có bất cứ đội bóng “dũng cảm” vừa chấp nhận mức lương lên đến 350.000 bảng/tuần của Ozil và Aubemeyang, vừa chấp nhận trả thêm cho Arsenal phí chuyển nhượng. Sau cùng, việc phải đàm phán chấm dứt hợp đồng được cho là cứu cánh duy nhất để giải phóng quỹ lương. Đó là tình trạng chung của bóng đá Châu Âu trong và sau đại dịch Covid-19. Real Madrid cũng từng phải giải phóng hợp đồng của James Rodriguez, Luka Jovic và Eden Hazard cũng vì lý do này.
Nhưng khi tình hình tài chính các CLB đang dần phục hồi mạnh mẽ, việc Arsenal phải “cắn răng” mất trắng Pepe được xem là một thất bại lớn. Nhìn sang Manchester City, họ vừa bán một tài năng trẻ mới đá chính 3 trận tại Premier League sau 2 mùa giải là Cole Palmer cho Chelsea với mức giá 45 triệu bảng.
Trong suốt 2 năm qua, Edu Gaspar đã phải đau đầu để giải quyết tàn dư từ chế độ cũ. |
Không chỉ Pepe, Arsenal bế tắc trong việc thanh lý Alex Runarsson, Tierney và Sambi Lokonga. Cả ba đều không còn nằm trong kế hoạch lâu dài của HLV Mikel Arteta. Tuy vậy, chờ mỏi mắt chẳng tìm được đối tác chấp nhận chi tiền, BLĐ Arsenal đành chấp nhận để họ ra đi theo dạng cho mượn. Nên nhớ rằng Tierney được chiêu mộ từ Celtic ở mùa hè 2019 với mức giá 25 triệu bảng, từng được định giá 35 triệu bảng sau mùa giải thứ hai khoác áo Arsenal (2021/2022).
Sự thật chứng minh tuyển thủ người Scotland có tài năng, có tố chất thủ lĩnh (từng được quy hoạch làm đội trưởng Arsenal trong tương lai), tuy nhiên những chấn thương đã cản trở đà thăng tiến của cầu thủ này. Mặt khác, Tierney không thể thích nghi được khi thi đấu dưới vai trò của một hậu vệ cánh trái bó vào trong như kiểu Oleksandr Zinchenko hay Jurrien Timber, một chiến thuật “đặc sản” của HLV Mikel Arteta trong vòng 2 năm trở lại đây. Newcastle và Aston Villa là 2 đội bóng từng dành sự quan tâm lớn cho Tierney, tuy nhiên họ chỉ muốn mượn chứ không sẵn sàng chi tiền mua đứt.
Trường hợp của Pepe cũng có một vài nét tương đồng với Tierney. Xét dưới góc độ bóng đá, cựu cầu thủ của Lille không hề tệ như nhiều người nghĩ. Chuyên viên Orbinho của Opta từng nhận xét rằng: “Cậu ấy là một trường hợp khá kỳ lạ. Khả năng đóng góp vào lối chơi chung của toàn đội là rất kém, nhưng đầu ra bàn thắng thì vẫn tốt. Pepe có thể không hợp với Arsenal, tuy nhiên nếu đặt cậu ấy vào một hệ thống thi đấu khác, khả năng cậu ấy tỏa sáng là có thể”.
Thống kê từ Opta chỉ ra rằng, Pepe chỉ mất 172 phút để đóng góp vào 1 bàn thắng tại Premier League. Con số này thậm chí còn cao hơn hẳn những danh thủ như Marc Overmars (174), Mesut Ozil (175) hay Fredrik Ljungberg (217). Ngay cả Bukayo Saka cũng mất đến 181 phút để đóng góp trực tiếp vào 1 bàn thắng. Thế nhưng bóng đá hiệu quả đâu chỉ quanh quẩn ở những thông số. Khi bóng đá hiện tại ngày càng coi trọng yếu tố chiến thuật, lối chơi đồng đội và việc một cầu thủ đảm nhận nhiều vai trò trong quá trình phát triển bóng dần trở thành điều kiện tiên quyết. Những cầu thủ mang nặng lối chơi cá nhân như Pepe cũng vì vậy mà trở nên lạc lõng. Đó chính là dòng chảy của bóng đá!