Từ nhà vô địch Premier League đến Championship: Leicester, vì đâu đến nỗi?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 30/05/2023 10:32(GMT+7)

Khi tiếng còi kết thúc hiệp 1 vang lên tại Craven Cottage hôm 8/5, một loạt tiếng la ó vang lên từ phía cuối sân, trong bối cảnh người hâm mộ Leicester vừa chứng kiến đội nhà tặng cho Fulham 3 bàn thắng. Những tưởng đó là bước ngoặt để Bầy cáo đứng dậy. Thay vào đó, thông tin Leicester xuống hạng chính thức được xác nhận vào Chủ nhật vừa rồi.

Ảnh: GOAL

7 năm trước, cũng chính những CĐV đó đã đứng chật cứng sân King Power để chờ đợi màn trình diễn của Andrea Bocelli - khúc dạo đầu hoàn hảo trước khi họ chạm tay vào chức vô địch Premier League. 

Cũng mới đây thôi, họ cũng được chứng kiến trận tứ kết Champions League, các trận đấu trong khuôn khổ Europa League cũng như thắng lợi trong trận chung kết FA Cup tại Wembley.

Giờ đây, Leicester từ chỗ chơi bóng trên sân Wanda Metropolitano (sân nhà của Atletico Madrid), giờ sẽ phải làm quen với những chuyến đi đến những đội bóng tỉnh lẻ như Plymouth Argyle. Sự sụp đổ của họ thật đáng kinh ngạc, bất chấp những kỳ vọng ở mùa giải này là không cao. Không ai nghĩ rằng họ sẽ xuống hạng.

Vì đâu nên nỗi?

CHUYỂN NHƯỢNG SAI LẦM

Truyện cổ tích thời hiện đại của Leicester được xây dựng dựa trên công tác chuyển nhượng tốt nhất châu Âu. Đội hình chính của họ có giá dưới 30 triệu bảng. Đó là điều không tưởng, vì tập thể đó có những những cái tên như N'Golo Kante, Jamie Vardy hay Riyad Mahrez.

Đứng sau thành công này là vị tuyển trạch viên tài ba Steve Walsh. Do đó, đã xuất hiện những lo ngại rằng Bầy cáo sẽ không thể lặp lại thành tích này, khi ông chuyển sang đầu quân cho Everton năm 2016. 

Tuy nhiên, ngay cả khi không có Walsh, Leicester vẫn tiếp tục tạo ra những nước đi thông minh. Thương vụ bán Harry Maguire giúp họ lãi gần 70 triệu bảng vào năm 2018, trong khi những cầu thủ như Youri Tielemans, James Maddison và Ricardo Pereira đều được mua với con số thấp hơn giá thị trường.

Leicester đã mất đi quá nhiều trụ cột từ chức vô địch năm ấy

Nhưng đến giai đoạn gần đây, thành công trên TTCN bắt đầu lẩn tránh Leicester. Thậm chí, TTCN hè năm 2021 là một thảm họa. Patson Daka, Boubakary Soumare, Jan Vestergaard và Ryan Bertrand là những nỗi thất vọng tràn trề.

Việc mua sắm của họ mùa này cũng gặp nhiều vấn đề. Sự xuất hiện của Wout Faes và Harry Souttar không giúp cho hàng thủ mỏng manh của họ trở nên chắc chắn hơn. Hậu vệ trẻ Victor Kristiansen vẫn chưa sẵn sàng cho Premier League, còn Tete tỏ ra thiếu ổn định.

Ở giải đấu cạnh tranh nhất thế giới, chỉ cần vài kỳ chuyển nhượng tồi tệ là bạn sẽ trượt dốc không phanh. Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Leicester.

VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH

Những thất bại trên TTCN diễn ra trong bối cảnh Leicester đang gặp khủng hoảng tài chính. Có nhiều lý do khiến họ cắt giảm chi tiêu. Đầu tiên, Leicester thuộc sở hữu của một công ty miễn thuế có trụ sở tại Thái Lan. Dễ hiểu khi công ty này gặp rất nhiều khó khăn do các sân bay đóng cửa trong đại dịch. 

Tiếp đến, lạm phát tự nhiên trong ngân sách là điều không thể tránh khỏi. Thi đấu ở Premier League càng lâu, càng khó tránh khỏi chuyện đưa ra những bản hợp đồng bị thổi phồng. Việc liên tục cán đích trong top 5 đồng nghĩa với việc cả đội đều muốn được nâng mức thưởng của mình lên.

 

Mặc dù vậy, không có gì gây thiệt hại tài chính lớn hơn cơ sở đào tạo hiện đại của đội bóng. Leicester bỏ ra tới hơn 100 triệu bảng cho ngôi nhà mới của họ, thậm chí bao gồm cả một sân golf.

Những yếu tố này dẫn đến việc Bầy cáo công bố khoản lỗ tài chính kỷ lục 92,5 triệu bảng vào tháng 3. Mặc dù con số đó chưa bao gồm mức phí 75 triệu bảng cho Wesley Fofana, nó vẫn giúp chúng ta hiểu tại sao Leicester chỉ ký hợp đồng với 2 cầu thủ vào mùa hè, bất chấp việc CLB đã hứa hẹn với người hâm mộ từ lâu về một cuộc đại tu đội hình.

NHỮNG BẢN HỢP ĐỒNG THIẾU SUY NGHĨ

Cuộc khủng hoảng tài chính của Leicester cũng một phần do họ tự gây ra. Đã có những bước đi sai lầm trong việc thương thảo hợp đồng, khi những cầu thủ có phong độ xuống dốc lại được gia hạn, thậm chí còn được tăng lương.

 

Jonny Evans được ký hợp đồng 2,5 năm vào tháng 12/2020, trước khi chủ yếu ngồi ngoài vì chấn thương. Một cái tên có mức lương cao khác là Bertrand cũng chỉ ra sân 12 lần cho Leicester sau hai mùa giải. Trong khi đó, một phi vụ thất bại khác là Vestergaard vẫn còn một năm hợp đồng.

Việc không bán Tielemans khi anh đang ở đỉnh cao phong độ sau hai mùa giải vừa qua là một sai lầm khác. Phong độ của cầu thủ người Bỉ đã sa sút đáng kể, sau khi ghi một bàn thắng khó tin trong trận chung kết FA Cup 2021.

LEICESTER CẦN MỘT THỦ MÔN MỚI

 

Quyết định không tìm một thủ môn phù hợp để thay thế Kasper Schmeichel là một sai lầm không thể bào chữa. Theo dõi Bầy cáo trong nửa đầu mùa giải, có thể thấy rõ Danny Ward không kiểm soát được hàng thủ phía trước. 

Vấn đề trong giao tiếp là một chuyện; khả năng cản phá của thủ thành này cũng là một dấu hỏi lớn. Lấy tỷ lệ bàn thua kỳ vọng của tuyển thủ xứ Wales trừ đi số bàn thua mùa này, ta được con số -5,5. Chỉ có 4 thủ môn có thành tích tệ hơn.

Daniel Iversen chơi tốt hơn khi được chọn ở thời điểm cuối mùa giải. Tuy nhiên, khả năng phân phối bóng của anh không đạt tiêu chuẩn Premier League. Sai lầm tai hại của Iversen trước Fulham cho thấy anh chưa sẵn sàng về mặt tinh thần cho những trận cầu đỉnh cao.

HÀNG THỦ DỞ TỆ

Không chỉ các thủ môn của Leicester có những thiếu sót mùa này. Hàng phòng ngự của họ nhìn chung cũng thuộc hàng tệ nhất Premier League. 

Đội chủ sân King Power từ lâu đã gặp vấn đề về khả năng chịu áp lực, khi mắc 8 lỗi dẫn đến bàn thua trong hai mùa giải vừa qua và lập kỷ lục về số quả phạt đền phải chịu. 

Các màn trình diễn cá nhân về cơ bản cũng không đủ tốt: Faes khởi đầu mạnh mẽ, nhưng sau đó lại thiếu ổn định. Các hậu vệ khác cũng đều trải qua thời điểm có phong độ tệ hại.

 

Nhưng Brendan Rodgers cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Đội bóng của ông để thủng lưới tới 20 bàn từ các tình huống cố định mùa trước. Dù mọi thứ đã được cải thiện đôi chút mùa này, người hâm mộ vẫn phải nín thở mỗi khi trọng tài chỉ vào chấm đá phạt góc. 

Việc Rodgers không sửa được lỗi này cho thấy công tác huấn luyện của ông có vấn đề. Vì các tình huống cố định là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi “có thể kiểm soát được” trong bóng đá.

CHẤN THƯƠNG 

Nghe có vẻ điên rồ, nhưng Pereira từng là một trong những hậu vệ phải hay nhất châu Âu, trước khi chấn thương dây chằng đầu gối cướp đi những năm tháng đỉnh cao của cầu thủ này. Đến khi anh dần trở lại phong độ tốt nhất của mình, Pereira lại đứt gân Achilles và trở thành người thừa của Leicester mùa này.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với James Justin. Anh thay thế Pereira một cách hoàn hảo và lẽ ra đã có mặt trong thành phần ĐT Anh tham dự EURO 2020, nếu không dính chấn thương dây chằng đầu gối vào tháng 2/2021. Kỳ lạ thay, giống người đồng đội của mình, sự trở lại của anh bị cản trở bởi chấn thương… Achilles trong suốt mùa giải này.

Hàng thủ đã rách rưới, hàng công cũng không kém cạnh. Kelechi Iheanacho có phong độ đáng kinh ngạc và những tưởng sẽ là động lực to lớn trong cuộc chiến trụ hạng của Leicester. Nhưng anh cũng nhanh chóng ngồi ngoài 3 trận liên tiếp vì rách cơ háng khi kiến tạo cho Vardy ghi bàn vào lưới Leeds.

 

SỰ QUAN TÂM CỦA CÁC CẦU THỦ

Đây là điều khiến người hâm mộ Leicester đau lòng nhất. Đội hình hiện tại đơn giản là không đủ tinh thần chiến đấu để duy trì vị thế của họ tại Premier League. Vẫn những con người đó, nhưng bầu không khí đã trở nên tồi tệ.

Tiếng la ó ở Craven Cottage không phải lần đầu tiên người hâm mộ thể hiện sự bất bình. “Thiếu khát khao” thậm chí là điều Maddison ám chỉ sau trận thua Fulham, khi anh cho rằng đội bóng “không đủ khát khao để giành chiến thắng.”

Câu hỏi mà người hâm mộ đặt ra sau bình luận này là: Tại sao lại không đủ khát khao? Đây là một trong những trận đấu quyết định mùa giải của Leicester. Nếu không thể thúc đẩy bản thân vì điều đó, thì họ đâu còn cơ hội nào để trụ hạng

 

Mặc dù Maddison đã cố gắng làm rõ phát biểu của mình sau trận đấu, có lẽ đúng là Bầy cáo không có động lực như những đối thủ tranh suất trụ hạng với họ. Về phần Maddison, anh chắc chắn sẽ ra đi, với Newcastle là điểm đến khả dĩ nhất.

Tielemans cũng sẽ ra đi dưới dạng chuyển nhượng tự do. Tương tự là Caglar Soyuncu, người đã ký hợp đồng với Atletico Madrid. Thật khó để một Daniel Amartey sắp hết hợp đồng nhận được thỏa thuận mới, trong khi những cái tên như Harvey Barnes, Faes và Soumare không thiếu đội bóng theo đuổi khi Leicester xuống hạng. 

Với những người muốn ra đi, họ hiểu rằng mình không cần phải cố gắng nhảy vào lửa vì nhau. Đây là một công thức không thể tốt hơn để một CLB xuống hạng. 

"CHÚNG TA SẼ ỔN THÔI"

Cuối cùng, sự kiêu ngạo đã xâm nhập vào tập thể đội chủ sân King Power. Họ tin rằng với tư cách là nhà cựu vô địch Premier League, nhà vô địch FA Cup và ứng cử viên cho suất dự Champions League, họ chắc chắn “quá giỏi để sa sút”.

Maddison từng thể hiện thái độ này vào tháng 3, khi anh trích dẫn một bài viết của nhà báo địa phương Rob Tanner. Cụ thể, Tanner cho rằng Leicester “hội tụ đủ yếu tố để xuống hạng”, sau thất bại 0-1 trước Southampton.

Ngay lập tức, Maddison đáp lại với nội dung: “Thứ rác rưởi. Hãy xem và phân tích trận đấu một cách đúng đắn và ngừng viết những dòng tiêu đề mà bạn biết rằng sẽ khiến người hâm mộ nghĩ ngợi tiêu cực. Cứ chơi như vậy và chúng ta sẽ ổn thôi.”

Trong 11 trận sau dòng tweet đó, Leicester chỉ giành được… 6 điểm. Có thể Maddison đã đúng khi cảm thấy khó chịu với bài báo, vì đội của anh đã không may mắn trong trận thua ngày hôm đó. Tuy nhiên, sự thoải mái của anh đã tạo ra phản ứng dây chuyền, góp phần tạo ra tình huống tai hại này.

Leicester sau đó tỏ ra chần chừ trong việc chấm dứt hợp đồng với của Rodgers. Trong khi đó, HLV tạm quyền Dean Smith cũng tỏ ra thoải mái trong các cuộc họp báo.

Chỉ sau thất bại trước Fulham, Maddison mới nhận ra vấn đề trước mắt. “Tôi rất lo lắng sau khi hiệp 1 khép lại. Mọi chuyện đã khá hơn trong hiệp 2. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy bị hạ gục hoàn toàn. Tôi hy vọng mình sẽ không gặp lại điều đó.”

 

Chỉ có điều, Maddison đã nhìn thấy thất bại toàn diện một lần nữa. Người hâm mộ Leicester xứng đáng nhận được nhiều hơn những gì họ đã phải trải qua mùa này. Thật đáng buồn, khi nhiều cầu thủ khiến họ phải chịu nỗi ô nhục khi xuống hạng sẽ nhanh chóng rời con tàu đắm vào mùa hè này.

Lược dịch bài viết “From champions to Championship: The fall of Leicester City as Premier League relegation is confirmed” của Matt O'Connor-Simpson (Goal)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.