Từ chuyện Serge Gnabry: Ngẫm lại tình cảnh của Bayern Munich

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Sáu 08/04/2022 18:10(GMT+7)

Zalo

Trong quá khứ, Bayern Munich từng sai lầm khi để Toni Kroos ra đi vì không đánh giá đúng tài năng của tiền vệ người Đức. Rất có thể điều này sẽ lặp lại tương tự với trường hợp của Serge Gnabry.

 
Từ chuyện Serge Gnabry: Ngẫm lại tình cảnh của Bayern Munich
 
“Xin lỗi! Nhưng chúng tôi không thể trả cậu mức đãi ngộ 10 triệu euro/mùa vì cậu không phải cầu thủ đẳng cấp thế giới”, cựu giám đốc điều hành Karl-Heinz Rummenigge đã nói thẳng với Toni Kroos như vậy trong một cuộc gặp cách đây 8 năm. Và đó không chỉ là nhận định cá nhân của Karl-Heinz Rummenigge, mà còn là quyết định của giới thượng tầng Bayern Munich. 
 
Uli Hoeness – cựu chủ tịch của Hùm xám khi ấy cũng đồng quan điểm, bất chấp việc Toni Kroos vừa trở thành nhà vô địch World Cup, và cũng là “trái tim” trong sơ đồ chiến thuật mà tân HLV Pep Guardiola xây dựng trong năm đầu tiên của ông tại Allianz Arena. Không phải Thomas Muller, Bastian Schweinsteiger, Javi Martinez hay bất kể cái tên nào khác, chính Toni Kroos mới là cái tên ra sân nhiều nhất trên hàng tiền vệ ở mùa giải 2013/2014.
 
Nhưng sau tất cả những gì mà chàng trai 24 tuổi khi ấy cống hiến, BLĐ Bayern vẫn cho rằng Mario Gotze – người hùng của Die Mannschaft mới là cầu thủ đạt đẳng cấp thế giới. Còn Toni Kroos thì không. Đàm phán hợp đồng mới đổ bể, Toni Kroos được bán cho Real Madrid với mức giá chỉ vỏn vẹn 25 triệu euro. Phần còn lại chính là lịch sử…
 
Rất có thể 8 năm sau cái ngày để Toni Kroos cất bước ra đi, một quyết định sai lầm nữa sẽ lặp lại. Cụ thể ở đây vẫn lại là Karl-Heinz Rummenigge với trường hợp của Serge Gnabry.
 
Tiền vệ người Đức chỉ còn hợp đồng với Bayern đến hết mùa hè 2023. Nhưng có vẻ như BLĐ đội bóng không quá mặn mà trong việc giữ chân ngôi sao chạy cánh này, hay chí ít là cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán để lắng nghe những nguyện vọng của Gnabry. Thay vào đó, giới thượng tầng Bayern hiện chỉ tập trung gia hạn hợp đồng với các công thần như Manuel Neuer, Thomas Muller và Robert Lewandowski, sau khi ký liền ba hợp đồng mới trong năm 2021 với Joshua Kimmich, Leon Goretzka, gần nhất là trường hợp của Kingsley Coman – người vừa được nâng mức lương từ 12 triệu euro/mùa lên 19 triệu euro/mùa trong bản giao kèo mới có thời hạn đến năm 2027.
 
Theo Kicker, điều này khiến Gnabry cảm thấy bản thân không được tôn trọng, nhất là sau những gì anh đã cống hiến cho Bayern trong suốt 4 năm qua. Gnabry muốn một mức lương tương tự như Coman và Leroy Sane, vì rõ ràng cũng không có nhiều lí do để anh kiếm ít hơn hai người đồng đội của mình nếu nhìn vào những đóng góp trên sân cỏ. 
 
Từ chuyện Serge Gnabry: Ngẫm lại tình cảnh của Bayern Munich
Bayern Munich có thể sẽ tiếp nối sai lầm của Toni Kroos với trường hợp hiện tại là Gnabry.
Cụ thể, 3 trong số 4 mùa giải cống hiến cho Bayern, Gnabry luôn là cầu thủ đóng góp số bàn thắng nhiều thứ hai toàn đội, chỉ thua kém chân sút chủ lực Lewandowski, bất chấp Gnabry không phải là một tiền đạo thực thụ. Mùa giải trước, dù thường xuyên gặp vấn đề về chấn thương và chỉ đá chính 25 trận đấu, Gnabry cũng có cho riêng mình 11 pha lập công. Hay như mùa này, sau 2.236 phút góp mặt trên sân, anh đã 14 lần sút tung lưới đối thủ, đồng thời có 8 pha kiến tạo thành bàn. 
Tính ra, cầu sao mai của Arsenal mất trung bình 101 phút để đóng góp trực tiếp vào 1 bàn thắng cho Bayern ở mùa giải 2021/2022, thành tích ngang ngửa đàn anh Thomas Muller – người đã có 12 bàn thắng và 18 pha kiến tạo sau 3.018 phút thi đấu. Nếu xét trên hàng tiền vệ, chỉ có Leroy Sane làm tốt hơn Gnabry về khoản này với 14 bàn thắng và 15 pha kiến tạo sau 2.678 phút, đạt hiệu suất 92,3 phút cho đầu ra 1 bàn thắng của Bayern.  
 
Leroy Sane là mẫu cầu thủ chạy cánh khá toàn diện từ kỹ năng đi bóng, lối chơi tốc độ cũng như khả năng chuyền bóng ngày một hoàn thiện. Nhưng nếu chỉ lấy việc ghi bàn làm thước đo, cựu cầu thủ của Manchester City chưa thể so sánh với Gnabry. 
 
Trong chúng ta chắc hẳn chưa ai quên được ở mùa giải 2019/2020, Gnabry đã đóng góp 9 bàn thắng trong hành trình đăng quang chức vô địch Champions League lần thứ 5 trong lịch sử đội bóng. Tiêu biểu phải kể đến cú poker trước Tottenham ở vòng bảng, cú đúp trước Chelsea tại vòng 1/16. Để rồi cũng chính tiền vệ có kiểu ăn mừng “quấy bột” này tiếp tục ghi bàn trước Barcelona ở Tứ kết, trước khi nhấn chìm Lyon bằng một cú đúp khác ở trận Bán kết. Đó cũng là mùa giải xuất sắc nhất của Gnabry kể từ khi trở lại nước Đức với 23 bàn thắng và 14 pha kiến tạo thành bàn sau 46 lần ra sân ở mọi đấu trường.
 
Từ chuyện Serge Gnabry: Ngẫm lại tình cảnh của Bayern Munich
Champions League 2019/2020 là giải đấu chứng kiến sự bùng nổ của Gnabry với 9 bàn thắng.
 
Và nên nhớ rằng Bayern chỉ mất vỏn vẹn 8 triệu euro để có được “báu vật bị phong ấn” này. Sẽ là sai lầm nếu nói Arsenal không biết trân quý tài năng của Gnabry, bởi lẽ họ từng làm mọi cách để giữ chân cầu thủ sinh năm 1995 ở lại Emirates lâu nhất có thể. Tuy nhiên, đó là giai đoạn Gnabry cần được thi đấu đều đặn để lấy lại sự tự tin, sau quãng thời gian được mô tả như địa ngục khi thi đấu theo dạng cho mượn tại West Brom – nơi HLV Tony Polis từng mạnh miệng đánh giá – Gnabry không đủ tài năng để chơi tại giải hạng Nhất nước Anh.
 
Arsenal biết được những thỏa thuận đi đêm giữa Bayern và Werder Bremen, cũng biết việc đội bóng áo xanh trắng sẽ đứng ra chiêu mộ Gnabry, trước khi bán lại cho Bayern 1 năm sau đó. Nhưng cuối cùng Arsene Wenger vẫn phải bất lực chứng kiến một trong những sản phẩm tài năng nhất từng phát triển từ Hale End ra đi với mức giá rẻ mạt. Ở thời điểm hiện tại, giá trị của Gnabry được chuyên trang Transfermarkt định giá là 70 triệu euro. Số tiền ấy thậm chí đã có thể cao hơn nếu hợp đồng của Gnabry không đáo hạn vào mùa hè 2023.
Về mặt tài chính, ngay cả khi chấp nhận bán Gnabry ở mùa hè tới đây, Bayern cũng không quá thiệt thòi. Ngược lại, khoản tiền thu được từ thương vụ này đủ để họ tái đầu tư ở những cầu thủ tiềm năng khác. Tiêu biểu phải kể đến Christopher Nkunku (RB Leipzig), Gravenberch (Ajax) và đặc biệt là Raphinha (Leeds United).
 
Nhưng nếu xét về vấn đề chất lượng đội hình, rất khó để đội chủ sân Allianz Arena tìm được một mảnh ghép tài năng, đồng thời vẫn có thể vươn mình lên hàng siêu sao như Gnabry. Mới đây, dù chỉ vào sân ở băng ghế dự bị trong trận đấu gặp Freiburg, thế nhưng ngay ở pha chạm bóng đầu tiên của mình, Gnabry đã ghi bàn giúp Bayern tái lập khoảng cách dẫn bàn, sau một pha xử lý bóng cực kỳ gọn gàng trong vòng cấm từ đường tạt bóng từ Lucas Hernandez. Và cũng chính Gnabry là người có pha kiến tạo cho Marcel Sabitzer lập công ấn định chiến thắng 4-1 ở phút bù giờ.
 
Khách quan mà nói, việc gia hạn hợp đồng với các công thần là vấn đề nhức nhối với BLĐ Bayern trong vài năm trở lại đây, không riêng gì trường hợp của Gnabry. Mọi chuyện bắt đầu từ sai lầm trong thương vụ chuyển nhượng mua Lucas Hernandez ở mùa hè 2019. Người đứng sau thương vụ này chính là bộ đôi Karl-Heinz Rummenigge và Hasan Salihamidzic. Bằng một cách nào đó, họ chấp nhận “xé rào” chi ra 80 triệu euro – số tiền bằng đúng khoản phá vỡ hợp đồng của Lucas Hernandez với Atletico Madrid – để chiêu mộ hậu vệ người Pháp ngay từ tháng 3/2019, thay vì cố gắng đàm phán với CLB chủ quản để giảm mức phí. 
 
Nói về điều này, Stefan Effenberg – huyền thoại một thời của Bayern, giận dữ chia sẻ: “Họ đã phá hoại những giá trị trân quý tại Bayern. Chỉ có một người chiến thắng trong thương vụ này, nếu chúng ta nhìn vào khoản phí chuyển nhượng. Đó là Atletico Madrid.”. Nhưng nếu Stefan Effenberg biết về mức lương 18 triệu euro mà Bayern trả cho nhà vô địch World Cup 2018, chỉ kém ba công thân Neuer, Muller và Lewandowski, chắc chắn ông sẽ tức giận gấp bội. 
 
Từ chuyện Serge Gnabry: Ngẫm lại tình cảnh của Bayern Munich
Thương vụ mua Lucas Hernandez vào mùa hè 2019 khiến Bayern chịu ảnh hưởng đến tận bây giờ.
 
Bởi lẽ bất cứ cầu thủ Bayern nào được đề nghị ký vào bản hợp đồng mới, đều lấy thước đo là mức thu nhập của Lucas Hernandez làm căn cứ. Chẳng có lý do gì để David Alaba hưởng lương thấp hơn Lucas Hernandez nếu nhìn vào mức độ đóng góp của cầu thủ này sau cả thập kỷ cống hiến cho đội bóng. Kết quả? Hậu vệ người Áo đã chuyển sang Real Madrid theo dạng chuyển nhượng tự do, sau khi đàm phán hợp đồng với Bayern thất bại. Tương tự tới đây sẽ là trường hợp của Niklas Sule. Trong khi ở chiều ngược lại, cả Kimmich, Goretzka lẫn Coman, đều gia hạn hợp đồng với mức lương ngang ngửa Lucas Hernandez. 
 
Theo thống kê, quỹ lương của Bayern đã tăng từ 195 triệu euro ở mùa giải 2018/2019 (thời điểm Lucas Hernandez chưa chuyển đến) lên 235 triệu euro ở mùa giải 2021/2022, hơn gấp đôi đội có quỹ lương cao thứ 2 tại Bundesliga là Dortmund (102 triệu euro). Đó chắn chắn là vấn đề khiến giới thượng tầng của Bayern đau đầu khi mà tình hình tài chính của nhiều đội bóng lớn ở Châu Âu chưa thể phục hồi vì đại dịch Covid-19.
 
Có người được ưu tiên gia hạn, đồng nghĩa có người sẽ phải ra đi để giúp đội bóng cân bằng tài chính. Gnabry có thể là một trong trường hợp kể trên. Và nếu phải ra đi vì một vấn đề nằm ngoài chuyên môn, đó sẽ là điều tiếc nuối lớn dành cho một cầu thủ từng được Bayern nâng tầm và cũng chính anh đã và đang nâng tầm Bayern.
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào "Bộ 6 siêu đẳng" của ông đi nào, Gareth Southgate!

Trong một bài phân tích do đích thân mình viết gần đây cho The Athletic, cựu tiền đạo huyền thoại Alan Shearer đã đề xuất một ý tưởng xây dựng đội hình cho HLV trưởng của Tam Sư là Gareth Southgate, ông tin rằng nó sẽ hình thành một “bộ 6 siêu đẳng” trên tiền tuyến của tuyển Anh và giúp họ thăng hoa.

Giải mã thành công của Inter dưới thời Inzaghi theo góc độ chiến thuật

Inter Milan là á quân Champions League 2023 và đang chơi thứ bóng đá tuyệt vời để thống trị Serie A Italia. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các khía cạnh chính về mặt chiến thuật của HLV Simone Inzaghi, hi vọng có thể giúp các bạn hiểu được tại sao tập thể này tạo ra hiệu suất vượt trội đến thế.

X
top-arrow