Giống như sau trận hòa West Ham, không có gì phải hổ thẹn khi chấp nhận việc khởi động lại là điều cần thiết và thay đổi chiến thuật ngay cả khi vẫn tồn tại nỗi sợ nếu làm vậy, khả năng phòng ngự của Spurs sẽ lại bị tổn thương.
Suốt hiệp 2 cuộc chạm trán trên sân Molineux tối Chủ nhật vừa qua, câu nói nổi tiếng của bình luận viên Barry Davies lại hiện lên trong đầu của người viết (tác giả Charlie Eccleshare). “Và Italy bị loại vì họ không chịu học hỏi”, Davies bình luận ở World Cup 2002 sau khi Italy thua Hàn Quốc 1-2, trận đấu mà họ lựa chọn lối chơi phòng ngự khá cực đoan.
Kịch bản tương tự lại diễn ra với Tottenham trong trận đấu với Wolverhampton Wanderers. Sau khi Tanguy Ndombele ghi bàn ở ngay phút đầu tiên, Spurs đã cố gắng bảo vệ lợi thế dẫn trước và rồi sau đó nhận bàn gỡ hòa muộn trong hiệp 2 như một điều không thể tránh khỏi. Kịch bản này giống như cuộc chạm trán Crystal Palace hồi đầu tháng và trước đó là những trận hòa Newcastle và West Ham trên sân nhà.
Cộng thêm thất bại Liverpool 2 tuần trước, Spurs đã đánh rơi 9 điểm vì các bàn thua trong 10 phút cuối ở mùa giải này, nhiều hơn bất cứ đội bóng Premier League nào. Dường như đó không phải sự trùng hợp.
Trong trận đấu trên sân Molineux, ngoài bàn thắng mở tỷ số, Tottenham không thực hiện cú dứt điểm chính xác nào sau 21 phút đầu tiên. Trong 69 phút tiếp theo, họ chỉ thực hiện thêm tổng cộng đúng 1 cú dứt điểm trúng khung thành (cú đá phạt của Eric Dier). Tính rộng ra, Spurs chỉ thực hiện 22 cú dứt điểm ở hiệp 2 của 7 trận đấu gần nhất tại Premier League.
Nhiều vấn đề của họ dường như bắt nguồn từ trận hòa 3-3 trước West Ham. Sau đó, Mourinho chuyển sang cách tiếp cận mang nặng tính phòng ngự hơn và đó là 1 trong những lý do giúp Spurs chỉ để thủng lưới 1 bàn trong 6 trận đấu tiếp theo ở Premier League. Đó là sự thay đổi tuyệt vời, một phần nhờ việc Tottenham thiết lập nên hàng phòng ngự 6 người khi 2 tiền vệ trung tâm Pierre-Emile Hojbjerg và Moussa Sissoko lùi xuống đá bên cạnh Dier và Toby Alderweireld.
Chiến thuật phòng ngự này rất hiệu quả, tuy nhiên kể từ đó Spurs không còn là đội bóng tấn công như trước. Họ ghi 15 bàn trong 5 trận đầu tiên ở Premier League và 10 trận tiếp theo đội bóng thành London chỉ có 11 lần sút tung lưới đối thủ. Đó là sự sa sút đáng kể.
Ngay sau trận đấu với West Ham, người hâm mộ hiểu họ cần thi đấu thật chắc chắn để giành chiến thắng - như sau đó họ đã làm được trước Burnley, Brighton và West Brom. Và không có lời phàn nàn nào từ đa số người hâm mộ khi chiến thuật đó giúp Spurs giành 7 điểm từ các trận đấu với Manchester City, Chelsea và Arsenal. Nhiều người cũng thông cảm sau thất bại đáng tiếc của họ trên sân Anfield, trận đấu mà thầy trò HLV Jose Mourinho thi đấu táo bạo hơn nhiều người nghĩ.
Nhưng liệu cách tiếp cận đặt an toàn lên trên hết có thực sự cần thiết trong cuộc chạm trán Crystal Palace? Câu hỏi tương tự đặt ra với trận đấu Wolves, đội bóng mà hàng công đang thiếu hỏa lực khi không có sự phục vụ của Raul Jimenez. Trong 2 trận đấu đó, trận hòa Palace dễ thông cảm hơn bởi cách đoàn quân HLV Roy Hodgson vực dậy trong hiệp 2.
Tuy nhiên trước Wolves, cảm cảm giác một đội bóng với Harry Kane, Son Heung-min, Tanguy Ndombele và sau đó là Steven Bergwijn đáng lẽ phải làm được nhiều điều hơn là lùi sâu và hứng chịu áp lực của một đội đã thua 3 trong 4 trận trước đó.
Một câu hỏi quan trọng là Spurs thi đấu đúng theo kế hoạch hay họ buộc phải đá như vậy do đối thủ. Sau trận đấu với Palace, Mourinho nói việc cả đội chơi lùi sâu không phải là chỉ thị của ông. Sau trận đấu với Wolves, ông lại khẳng định điều tương tự: “Chúng tôi kiểm soát trận đấu, chúng tôi có 89 phút để ghi thêm bàn nhưng không làm được. Vấn đề không phải việc ghi thêm bàn, không phải là nguy hiểm hay tham vọng”.
Khi được hỏi liệu ông có chỉ đạo cầu thủ lùi sâu và bảo vệ lợi thế dẫn trước, chiến lược gia người Bồ Đào Nha tuyên bố: “Hãy hỏi các câu thủ xem trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp, tôi đã nói gì với họ”. Ông lặp lại thông điệp tương tự trong cuộc phỏng vấn với Spurts TV: “Tôi muốn các cầu thủ kể cho các anh nghe xem tôi đã bảo với họ điều gì trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp”.
Như lời Mourinho nói thì việc các cầu thủ Tottenham lùi sâu bảo vệ thành quả không phải ý định của ông và họ đã không thực hiện theo chỉ đạo của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha. Việc thay Sergio Reguilon bằng Bergwijn có thể là bằng chứng cho điều này, trong khi đó việc đưa Davinson Sanchez và Harry Winks vào sân ít nhất là nỗ lực để Spurs phòng thủ cao hơn một chút và có phạm vi chuyền bóng tốt hơn ở trung tuyến.
Cho dù ý định là gì, cách Spurs thi đấu ở trận đấu vừa qua thực sự dấy lên nhiều lo ngại. Họ chỉ kiếm được 2 điểm trong 4 trận đấu gần nhất.
Tuy vậy, cục diện của bảng xếp hạng lúc này là họ chỉ kém top 4 đúng 1 điểm và kém đội đầu bảng Liverpool 6 điểm. Nếu giành chiến thắng trước Fulham và Leeds trong tuần này, có thể từ vị trí thứ 5 họ sẽ lọt vào nhóm tham dự Champions League.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, Tottenham cần bớt thi đấu thận trọng như họ đã thể hiện sau trận hòa West Ham. Họ đã từng đạt được hiệu quả với cách chơi ấy, nhưng dường như mọi thứ đang đi chệch hướng. Các đối thủ không còn quá e sợ khả năng tấn công của Tottenham, nhất là nếu giống như trận đấu vừa qua của họ: cầu thủ tấn công ấn tượng nhất là Ndombele được ra khỏi sân sau 70 phút. Sau khi bị gỡ hòa ở phút 86, họ đã phải cố gắng ghi bàn mà không có tiền vệ người Pháp lẫn Son, người cũng đã được rút ra.
Giống như sau trận hòa West Ham, không có gì phải hổ thẹn khi chấp nhận việc khởi động lại là điều cần thiết và thay đổi chiến thuật ngay cả khi vẫn tồn tại nỗi sợ nếu làm vậy, khả năng phòng ngự của Spurs sẽ lại bị tổn thương. Nếu cứ tiếp tục mất điểm như hiện nay thì chấp nhận rủi ro một chút là điều cần thiết với thầy trò HLV Jose Mourinho.
Dịch từ bài viết của tác giả Charlie Eccleshare trên The Athletic.