Thua hai trận liên tiếp, chuyện gì đã xảy ra với AC Milan? (P2)

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 31/01/2021 20:43(GMT+7)

Trong cuộc đối đầu với Inter, trận đấu đã diễn ra với một diễn biến khác. Quyết định sử dụng đội hình tương tự trước 3-5-2 mà Antonio Conte triển khai đã hoạt động hiệu quả trong hiệp một, và Milan dường như đã kiểm soát được trận đấu.

INTER ĐÃ CƯỚP ĐI QUYỀN KIỂM SOÁT TRẬN ĐẤU NHƯ THẾ NÀO?


Nerazzurri không quá quyết liệt trong khâu pressing của họ, chủ yếu điều chỉnh theo chiến thuật di chuyển của đối phương, giống như đấu pháp mà họ đã sử dụng trong chiến thắng trước Juventus. Điều này có nghĩa là họ sẽ không tổ chức pressing tầm cao mà chỉ thực hiện ở khu vực giữa sân và cố gắng đánh bại Milan ở đó.
Cách chọn vị trí ban đầu của các cầu thủ Inter ở khu vực giữa sân, không liên quan gì đến pressing tầm cao.
Trái ngược với đối thủ, Milan đẩy đội hình lên rất cao và tập trung vào việc gây khó khăn cho chiến thuật triển khai bóng từ hàng thủ của Inter. Brahim Díaz được giao nhiệm vụ “chăm sóc” Marcelo Brozović, cầu thủ quan trọng nhất của Inter trong việc phát triển bóng. Trước chiến thuật pressing tầm cao của Milan và việc Brozović bị “chăm sóc” cực kỳ chặt chẽ, Inter đã nhanh chóng phải thay đổi đấu pháp và bắt đầu sử dụng phương án lên bóng thông qua 2 cánh. Sau khi bị dẫn trước 1-0, Nerrazzuri đã điều chỉnh lại khâu pressing của họ và bắt đầu dâng cao. Họ cố gắng giành lại quyền kiểm soát bóng càng nhanh càng tốt và đoạt bóng ở các khu vực trên cao. Theo lý thuyết thì những hành động này sẽ cho phép Milan có được nhiều cơ hội tạo ra các pha phản công nguy hiểm, và nó đã thực sự mang đến cho họ thêm nhiều cơ hội hơn để xuyên phá đối phương, nhưng khâu phòng ngự của Inter đã hoạt động đủ tốt, họ đã rất nhanh chóng tái tổ chức và xây dựng lại cấu trúc phòng ngự trong những tình huống này.
Milan thực hiện pressing tầm cao.
Inter đẩy các cầu thủ của mình lên cao hơn khi tổ chức pressing trong hiệp hai. 
Đẩy đội hình lên cao cũng là đấu pháp của Inter khi họ kiểm soát bóng. Các tiền vệ của Inter là những người rất thiên về tấn công và tập trung vào việc di chuyển không bóng, chiếm lĩnh các khu vực trọng yếu ở 1/3 cuối sân đối phương, và thường xuyên thực hiện những tình huống xâm nhập vào bên trong vòng cấm để tận dụng các quả tạt của đồng đội. Ivan Perišić đã hoạt động rất tích cực ở cánh trái, gây rối loạn hàng thủ của Milan, còn Matteo Darmian và Nicolò Barella thường xuyên phối hợp với nhau ở cánh phải. Romelu Lukaku sẽ tham gia cùng họ trong những nỗ lực xuyên phá Hernández, tạo ra các khoảng trống thông qua việc di chuyển rất nhiều, và liên kết lối chơi. 
Inter đã có được những cơ hội của họ trước khung thành Milan trong hiệp một, nhưng sự thiếu chính xác và các hành động phòng ngự xuất sắc của Rossoneri đã khiến họ không thể ghi bàn. Alessio Romagnoli, cùng sự hỗ trợ của Kessié, đã làm rất tốt nhiệm vụ ngăn chặn Lukaku tạo ra bất kỳ tình huống nguy hiểm nào trong hiệp một. 
Rafael Leão là cầu thủ đã làm xáo trộn hàng thủ của Inter nhiều nhất và thường xuyên phối hợp với hậu vệ trái trong những nỗ lực xuyên phá đối phương.
Mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi khi Ibrahimović phải nhận thẻ đỏ ở phút 12 của hiệp 2. Nerrazzuri đã tận dụng lợi thế này để đẩy Milan về phía sau và dâng cao đội hình của mình hơn nữa, qua đó cố gắng tạo ra nhiều cơ hội nhất có thể. Cục diện này đã hạn chế một cách trầm trọng khả năng tấn công của Milan. Ngay cả khi họ thoát được lớp pressing đầu tiên của đối phương, thì sự kém cỏi trong việc kiểm soát bóng và xoay sở trước những áp lực dồn dập tiếp theo sẽ dẫn đến hệ quả là Rossoneri chẳng thể tạo ra được điều gì cả. 
Mặc dù đã lâm vào một tình cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng việc kéo đội hình xuống thật thấp và tổ chức phòng ngự với hầu hết các cầu thủ của mình ở phía sau quả bóng sẽ là một chiến thuật hợp lý khi Milan đang có lợi thế dẫn trước một bàn thắng. Tuy nhiên, họ chẳng có kế hoạch nào để thoát khỏi những áp lực dồn dập mà đối phương tạo ra, điều này đã dẫn đến nhiều sai lầm cá nhân hơn, cũng như những động thái không chính xác. Họ bắt đầu rạn nứt và phải nhận đến 19 cú sút về phía khung thành của mình trong hiệp 2, trong khi không thể đe dọa khung thành của Inter dù chỉ một lần. Inter đã cực kỳ quyết tâm trong việc tận dụng tối đa lợi thế mà họ có được trước đối phương.
SỰ PHỤ THUỘC VÀO MỘT VÀI CÁ NHÂN 
Sự vắng mặt của Hakan Çalhanoğlu là một trong những khó khăn lớn nhất mà Milan phải đương đầu. Ngôi sao người Thổ Nhĩ Kỳ là cầu thủ chủ chốt trong việc tạo ra sự liên kết giữa hàng tiền vệ và các cầu thủ tấn công khác của Rossoneri, cũng như giúp ích rất nhiều trong các hành động tấn công của họ kể từ khi anh gia nhập câu lạc bộ này, và tầm quan trọng của anh đã trở nên cực kỳ rõ ràng trong 2 trận đấu gần nhất của họ.
Sự vắng mặt của Çalhanoğlu ở vị trí tiền vệ tấn công đã khiến những nỗ lực triển khai bóng của Milan không thể thành công và giảm đi sự hiệu quả của họ ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương một cách đáng kể. Khả năng chọn vị trí và sự hiện diện cực kỳ chất lượng của tiền vệ người Thổ Nhĩ Kỳ ở các khu vực thuộc trung lộ hóa ra là không thể thay thế và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi chiến thuật triển khai bóng mà Milan lựa chọn. Rossoneri không chỉ gặp khó khăn trong việc mở ra các phương án chuyền bóng và vượt qua pressing của đối phương, mà cả những pha phản công của họ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực rất nặng nề khi không có Çalhanoğlu.
Cấu trúc phòng ngự của Inter, và Milan chẳng có được một sự hiện diện chất lượng, sở hữu khả năng chọn vị trí tốt ở vùng không gian giữa 2 tuyến. Çalhanoğlu sẽ giúp ích rất nhiều trong những tình huống như thế này. 
Điều này sẽ làm dấy lên luồng ý kiến cho rằng Milan đang quá phụ thuộc vào một số cá nhân nhất định, khiến cho họ không thể xoay sở tốt trước những đội bóng chuyên pressing khi các cá nhân đó vắng mặt. 
Những phương án thay thế được sử dụng là Soualiho Meïté và Díaz rõ ràng đều đã hoạt động không hiệu quả trong khâu tấn công, điều này khiến Milan và các cổ động viên của họ càng cảm thấy nhớ Çalhanoğlu hơn nữa. 
Với việc không có cả Çalhanoğlu và Ibrahimović trước Inter, Milan đã cực kỳ chật vật trong việc tạo ra sự kết nối giữa các tuyến và khiến cho những nỗ lực triển khai tấn công thông qua trung lộ của họ trở nên hoàn toàn vô hại. Dĩ nhiên, việc phải chơi thiếu người là một sự thiệt thòi lớn, nhưng khả năng tái tổ chức yếu kém mà Rossoneri thể hiện có thể là một lời cảnh báo cho tương lai của họ. 
Chấn thương của Ismaël Bennacer vào tháng 12 cũng là một sự thiệt hại lớn đối với Rossoneri và điều này chắc chắn đã ảnh hưởng tiêu cực một cách rất nặng nề đến tuyến giữa của họ. Những hành động của cầu thủ người Algeria ở các khu vực trung lộ thường giúp đội có được sự vượt trội trước đối phương và chắc chắn sẽ cực kỳ hữu ích trước những chiến thuật pressing của Inter và Atalanta. 
Pioli gần đây đã phải đối mặt với sự thiếu vắng của một vài cầu thủ quan trọng và điều đáng lo ngại hơn nữa là đi cùng với tình trạng đó, phong độ của Milan cũng đã giảm sút, đây là một dấu hiệu về sự thiếu linh hoạt, điều này có thể sẽ khiến họ gặp thêm nhiều rắc rối khác cho đến cuối mùa giải. 

KẾT LUẬN
Milan không hẳn là một đội bóng “sợ” các đối thủ chuyên pressing, nhưng họ rõ ràng đã tỏ ra cực kỳ chật vật khi thiếu đi sự phục vụ của một vài cầu thủ nhất định. Đây là một “báo động đỏ” dành cho Rossoneri và đồng thời là một cú đánh mạnh vào tham vọng vô địch của đội bóng này, vì điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến phong độ của họ và khiến họ dần bắt đầu mất đà. Sự phụ thuộc của Milan vào một số cầu thủ nhất định trong đội sẽ khiến họ bất lực trước những đối thủ cố gắng đẩy họ về phía sau khi những cá nhân đó vắng mặt, bởi vì Rossoneri sẽ rất chật vật trong việc tạo ra sự kết nối giữa các tuyến vả xử lý những áp lực của đối phương, qua đó dẫn đến các sai lầm của cả cá nhân và tập thể. 
Tương lai của Rossoneri giờ đây đang phụ thuộc vào sự hiện diện của những cầu thủ chủ chốt của họ trên sân đấu, còn nếu không, họ sẽ có nguy cơ đánh mất tất cả những gì mà mình đã xây dựng cho đến hiện tại.
Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “Pressing problems: Coincidence or not for Milan against teams who pin them back? – scout report” của tác giả  Lorihanna Shushkova, đăng tải trên Total Football Analysis.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chelsea FC hay là "Cole Palmer FC"?

Thất bại 0-5 trước Arsenal chỉ là một trong những trận đấu cho thấy Chelsea đang phải sống dựa vào Cole Palmer đến thế nào, sự phụ thuộc này là điều bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy và không thể chối cãi.

Hiệu suất dứt điểm kém cỏi có thể Liverpool lỡ hẹn với chức vô địch Premier League

Sau khi giành Carabao Cup vào cuối tháng Hai, một bộ phận fan Liverpool đã mơ về cú ăn bốn. Vào thời điểm ấy, đó là một giấc mơ có-cơ-sở. Tuy nhiên, thất bại trước Man United ở FA Cup, cộng thêm việc vừa thua Atalanta 0-3 trên sân nhà trận lượt đi tứ kết Europa League, đội bóng áo Đỏ Merseyside có lẽ chỉ còn duy nhất 1 mục tiêu trong mùa giải cuối cùng triều đại Jurgen Klopp: giành chức vô địch Premier League.