Dù thế hệ vàng này không giành vàng nhưng họ đã vượt qua nhiều năm buồn bã và cảm giác thất bại của Nga ở những giải đấu lớn. Tuy nhiên chắc chắn họ đã có thể giành được nhiều hơn thế. Đến nay, các khán giả vẫn nhắc về thế hệ năm ấy, thế hệ làm nên cơn địa chấn ở Euro 2008, với niềm vui. Sau tất cả, có lẽ đó là di sản nhiều hơn là những danh hiệu hay tấm huy chương.
Kim đồng hồ trôi, trận đấu được kéo vào hiệp phụ khi mỗi đội lúc này đều đang có 1 bàn thắng.
Phút 112, một quả tạt được thực hiện, bóng bay lơ lửng ngang qua khung thành trước khi rơi xuống. Một cái chân thò ra đúng lúc, đưa bóng về cột xa. Lưới rung lên và Dmitri Torbinski - chủ nhân pha lập công - chạy về phía người hâm mộ đang reo hò trong vui sướng. Bình luận viên Georgy Cherdantsev khi đó bật khóc và nói: “Tôi sẽ kết thúc tất cả ngay lập tức!”.
Đội tuyển Hà Lan - xếp thứ 8 trên thế giới và là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch - lúc này bị dẫn trước 1 bàn và có nguy cơ dừng bước trắng tay ở một giải đấu lớn nữa. Trong khi đó, đội tuyển Nga - đội bóng không được kỳ vọng nhiều - lại đang tạo ra địa chấn thực sự. 4 phút sau, Andrey Arshavin dứt điểm lạnh lùng qua giữa 2 chân của Edwin van der Sar, qua đó chính thức kết liễu đối thủ. “Do svidaniya, Do svidaniya!” (Tạm biệt, tạm biệt), Cherdantsev hét lên. Bàn thắng ấy đã khiến người bình luận viên kỳ cựu và nhân dân của một quốc gia rộng lớn chìm đắm trong sự phấn khích. Đó là năm 2008 và đội tuyển Nga lần đầu tiên giành quyền lọt vào vòng bán kết một giải đấu lớn kể từ khi Liên Xô tan rã.
Đây chính là đỉnh cao mà không cầu thủ nào trong thế hệ tài năng ấy có thể làm lại. Khi ấy, thành tích lọt vào bán kết hoàn toàn che mờ thất bại 0-3 đáng thất vọng trước Tây Ban Nha sau đó. Nói thế là bởi trước thềm giải đấu, có lẽ chẳng ai thèm nhắc tới Nga cả. Nhưng sau khi giải đấu khép lại, có lẽ chỉ nhà vô địch Tây Ban Nha mới thu hút nhiều sự chú ý và những lời tán dương hơn họ.
Nhưng giờ đây, sau hơn 1 thập kỷ kể từ buổi tối ngoạn mục của Arshavin và các đồng đội trước những người “Hà Lan bay”, chúng ta có thể đặt câu hỏi: liệu đó có phải là đỉnh cao hay không? Hoặc đội hình đầy tài năng ấy liệu có khả năng gặt hái nhiều điều hơn nữa không?
Để bắt đầu trả lời câu hỏi này, chúng ta cần lùi thời gian lại một chút. Dù đội bóng được dẫn dắt bởi Guus Hiddink khi ấy tạo cho chúng ta cảm giác về một sự xuất thần, nhưng thực tế quá trình phát triển của họ đã hình thành từ lâu. Dù chiến lược gia người Hà Lan đã đưa họ tới khoảnh khắc đỉnh cao của sự nghiệp nhưng sự nở rộ của thế hệ này đã bắt đầu từ trước đó.
Chúng ta hãy quay trở lại với Euro 2004. Điều khiến người Nga cảm thấy cay đắng với cái cách dừng bước ở giải đấu là thế hệ cầu thủ năm ấy có đủ tài năng để tiến xa và mang đến nhiều niềm tin cho người hâm mộ. Ngôi sao số 1 của tuyển Nga ở giải đấu được tổ chức tại Bồ Đào Nha năm ấy chính là Aleksandr Mostovoi - 1 thần tượng của các cổ động viên Celta Vigo.
Nhưng ở đội tuyển Nga, Mostovoi bất đồng với HLV Georgi Yartsev và sau đó bị đuổi khỏi đội ngay sau lượt đầu tiên. Đó dường như là một minh chứng cho những vấn đề sâu sắc ở đội bóng. Mostovoi là biểu tượng của thập kỷ trước. Tuy nhiên giờ là lúc hướng về phía trước với những cầu thủ và ý tưởng mới.
Và thế hệ ấy đã sẵn sàng để bắt đầu. Thực chất tiền vệ trẻ Andrey Arshavin đã ra mắt đội tuyển quốc gia vào năm 2002 nhưng đều không được chọn tham dự các vòng chung kết World Cup 2002 và Euro 2004. Anh nhanh chóng trở thành một trụ cột mới của Sbornaya (biệt danh tuyển Nga), bên cạnh những Pavlyuchenko, Zyryanov, Zhirkov, Bilyaletdinov, Anyukov, Torbinskiy và Akinfeev. Đến năm 2008, Nga gần như đã có một đội tuyển mới, tập thể không mang theo những ký ức về thất bại của quá khứ.
Ngoài ra, họ cũng có làn gió mới trên băng ghế huấn luyện. Suốt nhiều năm, các cầu thủ Nga sống dưới sự kỷ luật thép của các HLV thấm nhuần tư tưởng truyền thống của thể thao Liên Xô. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ 20, một sự phân tách về triết lý, văn hóa và thế hệ đã diễn ra giữa các HLV cũng như các đội bóng. Dù vậy, mọi thứ chỉ được định vị một cách đúng đắn sau thất bại đáng xấu hổ với tỷ số 1-7 trước Bồ Đào Nha ở vòng loại World Cup 2006.
Kết quả này đã chấm dứt triều đại của HLV Yartsev và Liên đoàn Bóng đá Nga nhận ra đã đến lúc phải phóng tầm mắt ra khỏi biên giới nước mình. Guus Hiddink - người đã gặt hái thành công cùng Hàn Quốc và Australia - là HLV ngoại quốc được giao phó nhiệm vụ dẫn dắt thế hệ cầu thủ tài năng lúc đó. Và ông chính là mảnh ghép cuối cùng.
Đội tuyển Nga này khác biệt với các đội tuyển trước ở chỗ họ chính là thế hệ đầu tiên hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của Liên Xô cũ và đại diện cho một sự hồi sinh mạnh mẽ hơn của niềm tự hào cũng như sự tự tin quốc gia. Những đội tuyển Nga ở thập niên 90 phần lớn bị sa lầy trong sự hỗn loạn của thời cuộc xảy ra thời điểm ấy và trở thành hình ảnh phản chiếu cho sự bất ổn của xã hội. Nhưng lứa cầu thủ mới này thuộc về thế kỷ mới và nước Nga mới, một đội tuyển sẵn sàng giành lại vị trí trong nhóm các cường quốc bóng đá thế giới.
Những màn trình diễn của họ trong năm 2008 là minh chứng hoàn hảo về sự trẻ hóa này. Bởi vậy, sự ngạo nghễ, kiên cường và màn trình diễn đầy say mê trước đội tuyển Hà Lan đã làm lu mờ những bàn luận về cải tiến chiến thuật hay những thiếu sót có thể nhìn thấy ngay sau thành công bất ngờ của họ. Ngay cả một bộ phim tài liệu trên truyền hình kỷ niệm thành tích của họ đã được đặt tên là “Zolotaya Bronza” (Đồng Vàng), như thể vị trí thứ 3 vừa là một thắng lợi toàn diện vừa là thành tích tốt nhất mà đội tuyển có thể hy vọng ở những giải đấu lớn.
Nhưng thực tế là ngoài ma thuật của Arshavin và sự xuất sắc của Hiddink, thì những khiếm khuyết có thể nhìn thấy rõ. Dù có những cầu thủ tấn công linh hoạt, nhanh nhẹn và có thể gây phấn khích nhưng hàng phòng ngự của Nga vẫn khá tĩnh. Berezutski và Ignashevich là những cái tên đáng tin cậy nhất trong đội nhưng những đội bóng chơi kỹ thuật hơn vẫn có thể khiến họ trông thật vụng về. Việc không có khả năng hoặc có thể không sẵn sàng phân tích điều này sau thành công bất ngờ chính là tiền đề cho những thất bại đáng thất vọng sau đó.
Không ngoa khi nói rằng Hiddink là chất xúc tác và kiến trúc sư cho những thay đổi lớn của đội tuyển Nga. Sau những thất bại với các đời HLV Nga được kính trọng trước, sự xuất hiện của chiến lược gia Hà Lan chính thức giúp Sbornaya tách biệt khỏi những thế hệ trước và tạo ra hình ảnh mới cho đội. Ông hiểu điều mà đội bóng này khao khát nhất: được tự do là chính mình.
Tuy nhiên ai cũng đều có sai sót, ngay cả những con người xuất sắc. Dù Hiddink đã “mở khóa” cho đội tuyển nhưng ông gần như khá thờ ơ với các trận đấu ở giải VĐQG. Số lần ông tới dự khán các trận đấu của giải VĐQG Nga khá ít ỏi và thường chỉ xuất hiện ở các trận đấu diễn ra tại thủ đô khi Moscow hoặc Zenit thi đấu.
Đặc biệt, sự thờ ơ của Hiddink với một Rubin Kazan xuất sắc khi đó là một điều đáng tiếc. Tuy vậy khi ấy nhà cầm quân người Hà Lan chẳng khác nào một anh hùng ở Nga, không ít người còn đặt tên cho con trai mình là Guus. Vì thế, bất cứ quan điểm nào cho rằng Hiddink thiếu kiến thức về một điều gì đó sẽ đều bị vùi dập và cười nhạo.
Sau Euro 2008, đội tuyển Nga khá tự tin về chiến dịch vòng loại World Cup 2010. Ngay cả những cổ động viên Nga hoài nghi nhất, những người từng đau đớn chứng kiến những thất bại trong phút chót, cũng rất tin tưởng. Tuy vậy, trạng thái này không kéo dài quá lâu. Sau khi vượt qua vòng 1 với vị trí thứ 2 xếp sau một tuyển Đức đang trỗi dậy, Nga vẫn cần phải đánh bại Slovenia sau 2 lượt trận để giành vé tới Nam Phi. Dù không ai coi thường Slovenia - đội bóng được tổ chức khá tốt - nhưng rõ ràng đây là tuyển Nga đã hạ gục Hà Lan 1 năm trước đó. Thật khó mà tưởng tượng họ sẽ bị đối thủ yếu hơn mình quật ngã.
Nhưng trong suốt trận lượt đi, suy nghĩ này được chứng minh là có cơ sở xảy ra. Nga đã ghi 2 bàn thắng khá ấn tượng vào lưới Slovenia trước sự chứng kiến của các khán giả nhà trên sân Luzhniki. Tuy nhiên, Slovenia đã níu kéo hy vọng bằng 1 bàn thắng trên sân khách ở những phút cuối cùng nhờ sự chậm chạp của hàng phòng ngự Nga.
Dù vậy, ở Nga không ai nghĩ về một thảm họa có thể xảy ra. Họ coi bàn thắng đó chỉ là một sơ suất của mình thay vì nhờ sự sáng tạo và có tổ chức của người Slovenia. Và một bậc thầy như Hiddink sử dụng sai lầm đó để thúc đẩy tinh thần đội bóng hơn nữa cho trận lượt về. Rõ ràng, Maribor không phải một điểm đến dễ dàng nhưng 1 trận hòa thôi cũng là đủ để Nga đoạt tấm vé chính thức.
Nhưng hóa ra, Maribor lại là nơi đặt dấu chấm hết, không chỉ là hành trình đến World Cup mà cả hành trình đáng kinh ngạc của lứa cầu thủ tuyển Nga này. Sau thất bại 0-1 trước Slovenia, Nga không còn như trước nữa. Hiddink rời đi, phong độ của Arshavin ở CLB và đội tuyển sa sút, những HLV ngoại quốc mới đến rồi lại đi. Và đáng buồn thay, thế hệ này lại quen với thất bại như những tiền bối của họ. Tất cả khép lại nhanh chóng như cách nó bắt đầu.
Vậy điều gì đã xảy ra ở Slovenia tối hôm đó? Thế hệ vàng này đã sụp đổ một cách nhanh chóng ra sao? Về mặt chiến thuật, những khiếm khuyết ở hàng phòng ngự không hề được cải thiện. Sự vắng mặt đáng tiếc trong đội hình trước Slovenia là Roman Sharonov - hậu vệ cánh phải đáng tin cậy và thi đấu chắc chắn của Rubin Kazan, mùa giải đó anh đã khóa chặt Lionel Messi trong cuộc chạm trán ở Champions League. Sự vắng mặt của Sharonov sau một quãng thời gian thể hiện phong độ xuất sắc là minh chứng cho thấy sự thờ ơ của Hiddink với giải VĐQG đã phải trả giá.
Ngoài chiến thuật ra, còn có những vấn đề mang tính lâu dài hơn tạo nên ảnh hưởng. Lịch sử buồn của bóng đá Nga trong những thời điểm cuối cùng của các trận đấu thực sự là thứ đeo đẳng. Tập thể này dù giàu tài năng hơn các tiền bối nhưng vẫn bị bóng ma của những khoảnh khắc tồi tệ trong quá khứ tàn phá tương lai họ. Ngay cả khi họ cảm thấy đã thoát khỏi những cái bóng của quá khứ thì chúng vẫn đi theo họ.
Và cuối cùng là sự tự mãn. Đối thủ lớn nhất của bất cứ vận động viên và các đội tuyển chính là sự dễ dãi với bản thân. Đó chính là một phần vấn đề đã xảy ra với người Nga ở Maribor. Ngay cả mối đe dọa từ bàn thua trên sân nhà ở lượt đi cũng không được họ coi là điều hệ trọng. Liên đoàn Bóng đá Nga tự tin vào thành công đến nỗi đã thảo luận về việc mời Hiddink gia hạn hợp đồng trước trận lượt về. Không thể phủ nhận rằng trong suốt 2 trận đấu với Slovenia, tuyển Nga có một tâm trạng bất ổn và điều đó cho thấy đội bóng này đã đi xuống.
Nếu nhìn vào danh sách đăng ký thi đấu của Nga ngày hôm đó sẽ thấy họ đủ năng lực để dễ dàng giành vé đi World Cup. Khi đó trước một tuyển Tây Ban Nha đang đầy sự hào hứng, tuyển Đức tìm lại được sức mạnh dưới làn gió cầu thủ mới và Hà Lan thì kỷ luật hơn dưới thời Bert van Marwijk thì rõ ràng cơ hội để Nga vô địch là quá khó. Đấy là chưa kể đến những ông lớn khác nữa. Dù vậy, việc đi đến vòng bán kết là điều có thể nằm trong tầm tay. Nếu củng cố hàng phòng ngự, chắc chắn họ có cơ hội để tạo nên một tiếng vang tiếp theo. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là “nếu” mà thôi.
Sau thất bại trong việc giành vé tham dự World Cup 2010, Nga tới Euro 2012 và World Cup 2014 lần lượt dưới sự dẫn dắt của Dick Advocaat và Fabio Capello. Tuy nhiên, những màn trình diễn của họ thì trở lại giống như thập niên 90. Cả 2 HLV đều không có được sự kết dính với đội bóng như Hiddink và các ngôi sao của kỷ nguyên lúc này đang bước vào xế chiều sự nghiệp. Tóm lại, thời đỉnh cao của tập thể ấy đã trôi qua và đến giờ vẫn chưa trở lại.
Khi Nga lọt vào tới tứ kết ở World Cup 2018 - kỳ World Cup đầu tiên mà họ là chủ nhà - gần như không còn cầu thủ nào sót lại từ Euro 2018 nữa ngoài Igor Akinfeev, Sergei Ignashevich và Yuri Zhirkov. Chúng ta sẽ chỉ có thể tưởng tượng nếu trong trận tứ kết với Croatia, họ vẫn còn những Arshavin, Zyryanov, Anyukov và Pavlyuchenko trong thời kỳ đỉnh cao thì mọi thứ sẽ ra sao.
Niềm vui của tối Basel năm ấy, buổi tối đối đầu Hà Lan, không phải là buổi ra mắt của một thế lực mới trong thế giới bóng đá. Tuy nhiên, nó cũng không chỉ đơn thuần là một kết quả may mắn. Đó là đỉnh cao của những năm tháng rèn luyện của tuổi trẻ, sự huấn luyện xuất sắc và sự tỏa sáng của một nhóm cầu thủ trẻ giàu khát khao vượt qua những nỗi thất vọng quá khứ.
Dù thế hệ vàng này không giành vàng nhưng họ đã vượt qua nhiều năm buồn bã và cảm giác thất bại của Nga ở những giải đấu lớn. Tuy nhiên chắc chắn họ đã có thể giành được nhiều hơn thế. Đến nay, các khán giả vẫn nhắc về thế hệ năm ấy, thế hệ làm nên cơn địa chấn ở Euro 2008, với niềm vui. Sau tất cả, có lẽ đó là di sản nhiều hơn là những danh hiệu hay tấm huy chương.
Lược dịch từ bài viết “Golden generation or missed opportunity: should Russia’s 2008 side have achieved more?” của tác giả John Torrie trên These Football Times.
CG