Thành công của Đan Mạch: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, và…

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Tư 07/07/2021 18:19(GMT+7)

Từ bờ vực bị loại sớm ngay vòng bảng, Đan Mạch trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành hiện tượng thú vị ở Euro 2020, được hy vọng sẽ viết tiếp câu chuyện cổ tích thần kỳ của mình như chức vô địch gần ba thập kỷ trước.

Ảnh: Getty Images
Thiên thời địa lợi nhân hòa, cộng hưởng với nỗ lực và may mắn, cũng như những định hướng bóng đá đa dạng được kết hợp hài hòa với nhau, đó có lẽ là lời giải đáp hợp lý và trực diện nhất cho thành công bất ngờ nhưng xứng đáng của “Chú lính chì dũng cảm”.  
 
Jan Laursen cũng đã ở đó, trên khán đài sân vận động Parken ở Copenhagen, trong buổi chiều Đan Mạch thua ngược 1-2 trước Bỉ. Nhưng tất nhiên, tại thời điểm này, kết quả dường như chỉ là thứ yếu, bất chấp có là trong một trận đấu chính thức quan trọng ở một giải đấu cấp độ quốc tế được tổ chức ngay trên quê nhà. 
 
Đối với phần đông khán giả có mặt trên sân cũng như khắp cả đất nước, trận đấu trở thành cơ hội để họ đồng lòng sát cánh, với những nghĩa cử động viên và tri ân không chỉ dành cho Christian Eriksen, tiền vệ nhạc trưởng mới trải qua cơn nguy kịch về sức khỏe, mà còn cả tập thể đội bóng vì tinh thần can đảm đối diện với biến cố kinh hoàng của người đồng đội số 10 và góp công cứu sống anh ở trận ra quân gặp Phần Lan năm ngày trước đó.
 
Đối với riêng cá nhân Laursen, cảm giác trong ông ở Parken hôm đấy gói gọn trong sự xúc động và niềm tự hào mãnh liệt: về Eriksen, về những người đồng đội của anh cũng như ban huấn luyện hay bộ ngũ y tế của đội tuyển, và về cái cách Đan Mạch nhập cuộc trận đấu.
 
Bên cạnh tâm trí rối bời được cảm thông sâu sắc, “những chú lính chì dũng cảm” vốn dĩ không chịu áp lực kỳ vọng quá nhiều khi tiếp đón Bỉ - đội bóng của những ngôi sao lớn với sức mạnh và đẳng cấp vượt trội, đội tuyển quốc gia số một thế giới ở vào thời điểm bấy giờ.
 
Và rồi xuyên suốt 90 phút không ngừng nghỉ kể từ sau tiếng còi khai cuộc trận đấu, Đan Mạch đã thực sự hành hạ khổ sở đối thủ vốn được đánh giá cao hơn mình. “Kể cả cuối cùng có phải nhận thất bại, chúng tôi cũng không hối tiếc khi đã chiến đấu kiên cường, với một màn trình diễn đậm chất tấn công của mình. Chúng tôi không chấp nhận sự an bài nào hết, sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro mạo hiểm vì niềm tin và lý tưởng của mình”, Laursen bồi hồi nhớ lại.
 
Laursen có nhiều lý do để tự hào về Đan Mạch của mình hơn bất cứ ai. Ông đã và vẫn đang cống hiến ngót nghét hai thập kỷ qua cho Nordsjaelland, một đội bóng địa phương ở Farum, thị trấn cách khoảng 30 phút đồng hồ lái xe về hướng bắc của thủ đô Copenhagen. Khởi nghiệp cầu thủ nơi đây, sau đó trở lại đảm nhiệm chức vụ giám đốc thể thao suốt 15 năm, và giờ ở tuổi 50, ông trở thành chủ tịch của CLB.
 
Có thể nói, không CLB nào có đóng góp cho đội tuyển Đan Mạch hiện tại nhiều như Nordsjaelland, và không có nhà lãnh đạo bóng đá nào đạt được tầm ảnh hưởng lớn như Laursen. Chính Kasper Hjulmand, HLV trưởng đương nhiệm của Đan Mạch, đã được Laursen phát hiện và trọng vọng tài năng cầm quân.
 
Ông đã mất đến hơn ba năm theo đuổi và cuối cùng cũng thuyết phục thành công vị chiến lược gia sinh năm 1972 trở về dẫn dắt Nordsjaelland, để rồi giúp CLB đăng quang ngôi vô địch Đan Mạch đầu tiên trong lịch sử vào năm 2012 và tạo bế phóng tiền đề cho sự nghiệp cầm quân trên ĐTQG sau này.
 
Không chỉ có vậy, Morten Wieghorst, một trong những trợ lý cho Hjulmand trên đội tuyển Đan Mạch, cũng đã từng làm việc ở Nordsjaelland. Trong khi đó, Christian Norkjaer, giám đốc đội tuyển với vai trò quản lý hành chính và phát triển chiến lược, cũng là cánh tay phải đắc lực của Laursen trong suốt sáu năm hợp tác.
 
Ngoài ra đáng chú ý hơn cả, ba tuyển thủ Đan Mạch bao gồm Mathias Jensen, Andreas Skov Olsen và ngôi sao mới nổi Mikkel Damsgaard đều trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Nordsjaelland. Chưa dừng lại ở đây, những Anders Christiansen và Jens Stryger Larsen cũng từng có thời gian khoác áo đội bóng xứ đảo Zealand này.
 
Laursen không ngộ nhận, ông tất nhiên có lý khi khẳng định Nordsjaelland của mình có công lớn viết nên câu chuyện cổ tích của Đan Mạch trong mùa hè này. Chiến thắng 2-1 trước Cộng hòa Czech mới đây đã đưa đội tuyển đất nước Bắc Âu tiến vào vòng bán kết một giải đấu lớn lần đầu tiên sau gần ba thập kỷ. 29 năm trước, họ thậm chí đã gây sốc với chức vô địch Euro 1992 trên đất Thụy Điển láng giềng.
 
“Tôi nghĩ đây giống như Noma vậy. Đầu tiên thì ai cũng nghĩ nó là một ý tưởng điên rồ nhưng một khi đã tin tưởng và kiên định với những gì mình theo đuổi, nó dần được tất cả mọi người công nhận và mến mộ.” – Laursen cho biết qua phép so sánh, ví von với Noma – chuỗi hệ thống nhà hàng danh tiếng của Đan Mạch chuyên phục vụ các món ăn mới lạ và đôi khi khác người, từng bốn lần được bình chọn là nhà hàng ngon nhất thế giới.

Đan Mạch đã sớm gặp thử thách khi mất đi Christian Eriksen. Ảnh: Getty Images
 
Đan Mạch cũng đã và đang như vậy, kiên định bất chấp và lầm lũi đi lên từ những hoài nghi, để rồi dần chiếm được tình cảm và sự tôn trọng từ mọi ánh nhìn. Thu nhỏ quy mô lại, đó là hình ảnh của chính Nordsjaelland với mô hình và triết lý bóng đá của mình. Họ định hình bản sắc chiến thắng cho CLB với niềm tin vững vàng và sự dung dưỡng tâm huyết vào thế hệ trẻ, bên cạnh các mối quan hệ hợp tác quốc tế được thiết lập. Đơn cử tiêu biểu như với Right to Dream (Quyền mộng mơ), một học viện bóng đá của Ai Cập và Ghana đã mua lại CLB sáu năm trước.
 
Giờ đây, Đan Mạch, sau hai trận đầu tiên đứng bên bờ vực thảm họa, chỉ còn hai trận cuối cùng ngăn cách họ với vinh quang vô tiền khoáng hậu. Một hành trình kỳ diệu khó tin vẫn đang được dõi theo và chiêm ngưỡng, nhưng Laursen dường như đã biết trước tất cả. Sự phục hưng của bóng đá Đan Mạch là minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn trong cách làm bóng đá của Nordsjaelland – một “trường đại học” trên quan điểm của ông, nơi tuyệt vời nhất cho các thanh thiếu niên đến nhập môn và làm bàn đạp bước ra thế giới. Nó tựa như Damsgaard vậy – chàng “sinh viên” ưu tú nhất từng tốt nghiệp tại đây và hiện đang đầu quân cho CLB Sampdoria của Ý.

Song, hãnh diện là thế, Laursen cũng đủ thực tế để hiểu rằng những gì mình làm chưa thể thay đổi cả nền bóng đá Đan Mạch. Nordsjaelland của ông, sau cùng, vẫn chỉ đang là một kẻ ngoài cuộc lẻ loi. Một đội bóng non trẻ, hơn nhiều so với đa số các đối thủ quốc nội, kéo theo phong cách bóng đá có phần vô tư và ngây thơ thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh, không đề cao yếu tố chiến thuật và cả thể chất, cũng như không thực sự chú trọng nhiều vào các miếng đánh cố định.
 
Không, Laursen chỉ đơn giản hy vọng Nordsjaelland có thể dẫn tới một sự đột phá trong tư duy làm bóng đá của người Đan Mạch, còn bản sắc thú vị của CLB xứ đảo Zealand khó lòng có thể làm bộ mặt đại diện cho cả nền bóng đá nếu mong muốn ĐTQG của nó vươn mình mạnh mẽ trên trường quốc tế. Thành công trỗi dậy bất ngờ của Đan Mạch nội ở kỳ Euro 2020 này là sự tổng hòa từ nhiều yếu tố khác nhau.
 
Công bằng mà nói, nó còn bao gồm cả may mắn. Đan Mạch được chơi cả ba trận vòng bảng trên sân nhà, ngoại trừ Bỉ ra thì còn lại là hai đối thủ rất vừa sức – Nga và Phần Lan. Thầy trò Hjulmand chỉ thắng được đúng trận cuối, nhưng cục diện bảng đấu khiến họ thậm chí leo lên xếp nhì bảng để đoạt vé đi tiếp với vỏn vẹn ba điểm, thấp hơn cả một số đội hạng ba có thành tích tốt nhất. Và rồi, con đường thẳng tiến bán kết của Đan Mạch là hai chướng ngại vật Xứ Wales và Cộng hòa Czech, những cái tên không thuộc hàng ông lớn Châu Âu và cũng tương đối đồng cân đồng lạng.
 
Ngay cả việc di dời thời điểm tổ chức Euro 2020 cũng giúp Đan Mạch được hưởng lợi ít nhiều. Giả như giải đấu diễn ra đúng theo dự kiến thay vì bị hoãn lại do đại dịch Covid-19 hồi hè năm ngoái, Hjulmand đã không có cơ hội tiếp quản vị trí ghế nóng khi người tiền nhiệm Age Hareide vẫn còn thời hạn hợp đồng. Đó là một phiên bản Đan Mạch phần nào chặt chẽ hơn đến độ cứng nhắc và chiếu lệ, chưa được lan tỏa ảnh hưởng bởi – theo lối diễn giải khoa trương bóng bẩy của Laursen – “bộ não bóng đá thiên tài” của nhà cầm quân hiện tại.
 
Bộ khung đội hình và phong cách thi đấu cũng đã có thể khác đi khá nhiều. Việc Euro 2020 bị hoãn lại một năm tạo điều kiện cho Hjulmand có đủ thời gian để truyền tải triết lý bóng đá cá nhân, xây dựng một Đan Mạch của riêng mình – một Đan Mạch mềm mại, uyển chuyển, giàu tính tấn công hơn là phiên bản chắc chắn và thực dụng của Hareide. 
 
Không chỉ có vậy, một năm cũng đủ dài để lứa thế hệ tài năng trẻ của những Damsgaard, Kasper Dolberg, Joakim Maehle hay Jonas Wind trau dồi kinh nghiệm trận mạc và kịp thời lớn khôn, trưởng thành lên đáng kể, ở vào một tâm thế sẵn sàng hơn cho giải đấu danh giá nhất lục địa già.
 
Tuy nhiên như vẫn thường nói, chẳng có may mắn nào là tình cờ, ngẫu nhiên hay thiếu xứng đáng hết cả. Đơn giản ở Đan Mạch là thiên thời, địa lợi và đặc biệt nhân hòa, với sự xuất hiện đúng lúc của “người được chọn” Hjulmand cũng như các lứa thế hệ trẻ đã được dự báo tiềm năng vụt sáng từ lâu.
 
Chia sẻ từ Soren Berg, cựu cầu thủ hiện đang là trưởng ban phân tích dữ liệu cho Midtjylland, một CLB hàng đầu khác của đất nước: “Đan Mạch đã đầu tư mạnh tay vào công tác đào tạo trong những năm qua. Từ lâu lắm rồi, chúng tôi luôn làm tốt ở độ tuổi U21, và nhóm đầu tiên được hưởng lợi là lứa sinh năm 1994-1995. Giờ đây, họ đang chính là nòng cốt của đội tuyển quốc gia.”

Kasper Hjulmand đang giúp Đan Mạch đi trên hành trình tuyệt vời. Ảnh: AP
 
Trong khi đó, những sao mai gia nhập lò Nordsjaelland được tiếp xúc với một nền giáo dục được thiết kế để dạy chúng về cái gọi là “tinh thần trách nhiệm”. Laursen cho biết với bất cứ cầu thủ tuổi thiếu niên nào thể hiện được tố chất, CLB không bao giờ phải lưỡng lự cân nhắc về việc trao cơ hội cho cậu ấy. Ông nói: “Có những điều mà bạn chỉ có thể học được khi thực sự thi đấu. Bạn không thể học hỏi được gì nếu chỉ ngồi ghế dự bị và xem người khác chơi bóng.”
 
Nordsjaelland coi mình như tiên phong và chuẩn mực cho công cuộc đào tạo trẻ ở Đan Mạch, nhưng kỳ thực dường như họ cũng không hẳn độc nhất vô nhị đến vậy. “Tư duy độc lập đã là bản sắc văn hóa, là đặc điểm nhận dạng truyền thống của con người Đan Mạch. Việc có rất nhiều cá tính lớn hay những thủ lĩnh trong phòng thay đồ không phải điều ngẫu nhiên.” – Rasmus Ankersen, chủ tịch Midtjylland.
 
Thoạt nhìn, Nordsjaelland và Midtjylland đều là những địa phương trẻ trung đã trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên trở lại đây, lật đổ vị thế thống trị lâu đời của hai gã khổng lồ giàu truyền thống nhất đất nước, Brondby và Copenhagen. Tuy nhiên sự thật, họ tựa như hai mặt của một đồng xu, định hướng triết lý và trường phái bóng đá đối lập nhau, nhưng đều mang tính chất đột phá ngang cơ để gặt hái thành công theo thời gian.
 
Trong khi Nordsjaelland đặt trọng tâm vào công tác đào tạo trẻ, Midtjylland đã tự tạo lối đi riêng qua việc áp dụng dữ liệu và phân tích. Bên cạnh đó, Nordsjaelland chơi thứ bóng đá kiểm soát và tấn công tổng lực, mang âm hưởng từ những thần tượng của Hjulmand – Pep Guardiola và Johan Cruyff, còn Midtjylland, theo như lời Ankersen, là một đội bóng đậm chất Đan Mạch hơn – tốc độ, mạnh mẽ, pressing tầm cao nghẹt thở và hiểm họa từ những tình huống cố định.
 
Dẫu vậy như đã nói, song song với những khác biệt căn bản thì về cốt lõi, cả hai đội bóng đều được thúc đẩy và dẫn lối bởi khát khao đổi mới tân tiến. Hiệu quả tức thì, Nordsjaelland và Midtjylland đã và vẫn đang đi đầu trong công cuộc phát triển bóng đá Đan Mạch, nhất ở giải vô địch quốc gia Superliga mà theo đánh giá của Laursen là “cực kỳ cạnh tranh khốc liệt” ngày nay.

Đan Mạch liệu có viết nên cái kết đẹp cho câu chuyện của mình? Ảnh: Getty Images
 
“Nó có thể không phải nằm trong top 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu, thậm chí đứng ngoài top 10 luôn đi, nhưng tôi nghĩ giới mộ điệu đều phải kinh ngạc và công nhận sự phát triển trông thấy của nó”, Laursen tự tin khẳng định. Ông không “nổ”, thực tế thì Đan Mạch hiện đang tiệm cận sát nút Hà Lan trên bảng xếp hạng về chất lượng các giải đấu quốc nội Châu Âu.
 
Tất nhiên, người hưởng lợi lớn nhất từ đây chỉ có thể là Hjulmand và đội tuyển quốc gia của ông. Không chỉ bê nguyên mô hình của đội bóng cũ Nordsjaelland mà vận dụng một cách máy móc, vị HLV 49 tuổi còn biết kết hợp hài hòa với triết lý tưởng như tương phản của đối thủ Midtjylland.
 
Thay lời xác nhận, Soren Berg tiết lộ về người đồng nghiệp: “Có thể chẳng có mối quan hệ chính thức nào giữa chúng tôi cả, nhưng Đan Mạch là một đất nước nhỏ bé mà, mọi người ở đây cứ thế biết nhau hết. Tôi đã gặp ông ấy cách đây vài tháng trước và cởi mở chia sẻ về những gì mình đang làm.”
 
Sự phát triển và nở rộ tài năng ở giải quốc nội Đan Mạch đi kèm đồng thời với những con mắt ngắm nghía thèm thuồng từ các đại gia Châu Âu, nhưng hiển nhiên chẳng người Đan Mạch nào phải buồn rầu khi không thể giữ chân nhân tài ở lại quê hương. Họ mong muốn điều ngược lại là đằng khác, để các cầu thủ có thể nâng tầm trình độ và đẳng cấp hay bản lĩnh, tất cả vì tương lai của đội tuyển quốc gia và cả nền bóng đá. 
 
Đan Mạch trở thành một thị trường xuất khẩu tài năng nổi tiếng, thể hiện ở việc chỉ vỏn vẹn bốn tuyển thủ tham dự Euro 2020 hiện vẫn còn đang chơi bóng ở quê nhà. Trong khi đó với phần lớn còn lại, tất cả đều đang đầu quân cho các CLB thuộc top 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, và được ra sân thi đấu thường xuyên chứ không chỉ biết mài đũng quần trên băng ghế dự bị.
 
Thiên thời địa lợi nhân hòa, cộng hưởng với nỗ lực và may mắn, cũng như những định hướng bóng đá đa dạng được kết hợp hài hòa với nhau, đó có lẽ là lời giải đáp hợp lý và trực diện nhất cho thành công bất ngờ tới giờ của Đan Mạch ở Euro 2020. 
 
Đơn giản là thế, chẳng có điều thần kỳ hay bí mật nào được bật mí hết cả. Nhưng chính bởi như vậy, có lẽ chiến thắng của Đan Mạch càng thêm đẹp và đượm đầy ý nghĩa hơn – nó không thuộc về bất cứ cá nhân riêng lẻ hay một CLB, tổ chức hay tập thể nào; nó thuộc về tất cả mọi người dân Đan Mạch.
 
 
Hải Đường

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.