Tây Ban Nha rời World Cup 2022: Chiến bại tất yếu

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Năm 08/12/2022 10:31(GMT+7)

Zalo

Theo thuyết âm mưu mà nhiều người từng nói, rằng ĐT Tây Ban Nha cố tình để thua Nhật Bản để tránh Croatia và quan trọng hơn là tránh nhánh đấu khó với sự góp mặt của Brazil. Và sau cuộc đối đầu với Morocco tại vòng 1/16, thầy trò Luis Enrique còn “thành công” tránh thêm được cả Bồ Đào Nha, để rồi qua đó đáp chuyến bay sớm trở về nước, kết thúc chuyến hành trình gần một tháng vui ít buồn nhiều trên đất Qatar.

dl
 

Vào lúc này, có lẽ những cầu thủ Nhật Bản không phải là những người đáng thương nhất trên chấm đá penalty. Những chiến binh “Samurai xanh” ít nhất cũng thực hiện thành công 1 tình huống sau 4 lần bước lên chấm đá phạt, đạt tỉ lệ 25%, chứ không thất bại toàn tập như ĐT Tây Ban Nha. Lần lượt Pablo Sarabia, Carlos Soler và Sergio Busquets, đã đá văng cơ hội đi tiếp của La Roja bằng 3 tình huống sút trượt liên tiếp. 

Tây Ban Nha rời World Cup 2022 Chiến bại tất yếu 1
Yếu bóng vía trên chấm 11m, Tây Ban Nha cay đắng rời World Cup trong tủi nhục.

 

Trong 3 cái tên kể trên, Busquets là người giàu kinh nghiệm thi đấu nhất. Nhưng ngược lại, kinh nghiệm sút penalty của đội trưởng Tây Ban Nha thì gần như không có. Nên nhớ rằng kể từ khi được đôn lên đội 1 của Barcelona ở mùa giải 2008/2009, Busquets chưa từng thực hiện bất cứ pha đá phạt 11m nào trong các trận đấu chính thức (không tính các trận đấu phải giải quyết thắng thua trên chấm đá phạt đền), dù ở cấp độ đội tuyển hay CLB. Vậy nên không hiểu lý do gì HLV Luis Enrique lại đặt niềm tin vào lão tướng 34 tuổi này? 

Tuy nhiên, ngay cả những chuyên gia trên chấm 11m như Sarabia và Soler còn hỏng ăn thì trường hợp của Busquets chẳng nhất thiết phải tranh cãi nữa. Cụ thể, trong quá khứ Sarabia đã thực hiện tổng cộng 16 pha đá penalty, đạt tỉ lệ thành công lên đến 100%. Với Soler, thông số này lần lượt là 19 và 89%. Quá hoàn hảo trên lý thuyết, nhưng lại quá tệ khi bước vào thực chiến.

Điều này cũng trái ngược hoàn toàn với tuyên bố hùng hồn của HLV Luis Enrique trong cuộc họp báo diễn ra trước trận đấu với Morocco: “Trong hơn một năm qua, ở nhiều lần hội quân, tôi đã nhắc nhở các cầu thủ rằng hãy thực hiện ít nhất 1.000 quả đá 11m ở cấp CLB. Họ không thể chỉ tập đá phạt đền khi lên tuyển”. Và sau khi chứng kiến thảm họa sút penalty của Tây Ban Nha trên sân Education City, vị thuyền trưởng 52 tuổi được khuyên rằng ông cần thường xuyên có hình thức “kiểm tra bài cũ” các học trò nhiều hơn. Đó là trong trường hợp Luis Enrique vẫn còn tại vị sau khi World Cup 2022 khép lại. 

Sự đối nghịch ấy còn được thể hiện trực tiếp xuyên suốt 120 phút bóng lăn. Đã có nhiều thời điểm, Luis Enrique đứng ngồi không yên, liên tiếp ra sát đường pitch để thúc giục các học trò đẩy cao nhịp độ tấn công, hòng tìm kiếm bàn thắng mở tỉ số. Nhưng đáp lại những lời chỉ đạo quyết liệt ấy, chỉ là thêm những màn trình diễn vô hồn trên sân cỏ. 

Hình ảnh minh chứng rõ ràng nhất cho sự bạc nhược trên hàng công của La Roja đến từ chính cậu con rể tương lai của Luis Enrique, Ferran Torres. Suốt 74 phút có mặt trên sân, cầu thủ thuộc biên chế Barcelona “nổi bật” ở cả 4 thông số với: 0 lần dứt điểm, 0 lần qua người thành công, 0 đường chuyền mang tính chất quyết định, 0 pha tranh chấp bóng thành công.

Tây Ban Nha rời World Cup 2022 Chiến bại tất yếu 2
Màn trình diễn tệ hại của Ferran Torres là hình ảnh đại diện của Tây Ban Nha trước Morocco.

Cùng cảnh ngộ với Ferran Torres còn có Marco Asensio. “Hoàng tử bé” thành Madrid trong vai trò “số 9 ảo”, nhận nhiệm vụ làm kết nối hàng công nhưng chỉ chạm bóng vỏn vẹn 24 lần – thấp nhất trong 11 cầu thủ đá chính của Tây Ban Nha. Đồng thời, Asensio cũng chỉ có duy nhất 1 pha dứt điểm sau 62 thi đấu. Và đó cũng chính là cơ hội đáng kể nhất của đội bóng xứ sở đấu bò trong hiệp 1.

Ở bên hành lang cánh trái, Dani Olmo cũng “tắt điện” toàn tập trước sự chắc chắn và toàn diện của Achraf Hakimi. Ngoại trừ tình huống đá phạt bị thủ thành Yassine Bounou cản phá ở đầu hiệp 2, hình ảnh mà người ta chứng kiến nhiều nhất chính là sự thất thế của Olmo trong các pha tranh chấp tay đôi với hàng phòng ngự Morocco.

Điều tương tự cũng đến với những vệ tinh chơi sáng tạo xung quanh như Gavi và Pedri, trong một ngày mà bộ đôi này cũng thất thế trước phong độ chói sáng của Sofyan Amrabat. Tiền vệ 26 tuổi bên phía Marocco thi đấu như một động cơ không biết mệt mỏi với quãng đường di chuyển lên đến 14,68km. Anh sở hữu 9 tình huống thi hồi bóng, thắng 7/7 trong các pha tranh chấp tay đôi, thắng 4/4 trong các pha tắc bóng, đồng thời có 1 pha cứu nguy trước khung thành. Kể từ khi World Cup 2022 khởi tranh, chưa có bất cứ một tiền vệ phòng ngự nào sở hữu thông số ấn tượng hơn Amrabat.

Không chỉ Amrabat, cả tập thể Marocco đã có một trận đấu để đời. Từ cách họ phòng ngự, cách họ giữ cự ly đội hình, duy trì thế trận, cho đến cách họ phản công. Nếu may mắn hơn, các chân sút của Marocco đã có thể kết liễu trận đấu ngay trong quãng thời gian bù giờ.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một lần nữa Tây Ban Nha lại khiến những người hâm mộ của họ thất vọng. Vẫn là lối đá kiểm soát bóng vô hồn, thiếu hiệu quả. Trước Nhật Bản đã vậy, giờ đến cuộc đấu sinh tử với Morocco thậm chí còn tệ hơn. Tổng cộng 1.019 đường chuyền, kiểm soát bóng tới 77%, tỉ lệ chuyền bóng chính xác lên đến 90%, nhưng tất cả đều là vô nghĩa. Thậm chí sau 120 phút bóng lăn, các chân sút của La Roja chỉ tung ra duy nhất 1 pha dứt điểm trúng đích. Đó không giống cách thi đấu của một đội bóng cửa trên, sẵn sàng áp đặt lối chơi lên đối thủ. Mà đơn giản, Morocco đã chấp nhận nhường thế trận, bởi đại diện Bắc Phi có niềm tin lớn lao rằng Tây Ban Nha sẽ không thể gây ra áp lực đủ lớn trước hàng phòng ngự nhiều lớp và kỷ luật này. 

Tây Ban Nha rời World Cup 2022 Chiến bại tất yếu 3
Từ hi vọng đến thất vọng, Tây Ban Nha xứng đáng về nước sớm!

 

Giống như những gì HLV Regragui chia sẻ sau trận đấu: "Kế hoạch là toàn đội sẽ nhường quyền kiểm soát bóng cho Tây Ban Nha. Chúng tôi hoàn toàn không sợ điều đó. Có quá nhiều đường chuyền được họ thực hiện trong 120 phút. Nhưng chúng tôi biết mình vẫn có cơ hội thắng”.

Ngay cả khi Alvaro Morata và Nico Williams được tung vào sân ở hiệp thi đấu thứ hai, thế trận tấn công của đại diện Châu Âu dù có đôi chút khởi sắc, nhưng vẫn không đủ để đánh gục hàng phòng ngự được chỉ huy bởi thủ thành Yassine Bounou. 

Xét cho cùng, HLV Luis Enrique mang đến Qatar năm nay một hàng tấn công có quá nhiều những cầu thủ tương đồng về phong cách chơi. Từ các cầu thủ đá chính thường xuyên như Ferran Torres, Asensio, Dani Olmo, cho đến những nhân tố dự bị như Ansu Fati, Sarabia. Đơn giản là không có sự khác biệt!

Thứ họ cần là một trung phong như Fernando Torres – người có thể kết thúc gọn gàng một tình huống tấn công, sau hàng tá những đường chuyền qua lại mang phong cách Tiki-Taka đã lỗi thời. Morata đã có một kỳ World Cup không đến nỗi nào với 3 bàn thắng sau 214 phút có mặt trên sân, tuy vậy chân sút thuộc biên chế Atletico Madrid chẳng thể so sánh bậc đàn anh về đẳng cấp. Hơn nữa, khi chứng kiến những gì diễn ra trên sân Education City, sự lạc lõng của Morata giữa vòng vây từ 3 đến 4 hậu vệ đối phương là điều dễ dàng nhận thấy. Lúc này trong tay Luis Enrique có gì để “chia lửa” với Morata? Câu trả lời là con số không tròn trĩnh! 

Sau tất cả, Luis Enrique và các học trò chỉ có thể tự trách chính mình. Bóng đá không đơn giản là cuộc chơi của chuyền bóng và kiểm soát bóng. Những người bản lĩnh hơn đã xứng đáng được đi tiếp. Xin chúc mừng Marocco!

     

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow