Tại sao Thế hệ vàng tuyển Anh những năm 2000 không thể vươn tới đỉnh cao? (P1)

Tác giả Elflaco - Thứ Sáu 20/11/2020 17:00(GMT+7)

Zalo

Vào thời điểm Anh hủy diệt người Đức tại Munich năm 2001, có vẻ như rất nhiều người tin rằng, thập kỷ phía trước sẽ là một “Tam sư” sẵn sàng cho cho danh hiệu lớn đầu tiên kể từ thế hệ 1966. Rốt cuộc, đó lại là một thập kỷ của sự nuối tiếc.

 
Tuyển Anh của Gareth Southgate đã khép lại vòng đấu bảng UEFA Nations League với thắng lợi tưng bừng: 4-0 Iceland. Dù vậy, thành tích chung cuộc của “Tam sư” lại dưới mức kỳ vọng, xếp thứ 3 bảng 2 League A, đương nhiên không có suất đá “Finals Four” tranh chức vô địch.

Nhưng chẳng phải bao năm qua, tuyển Anh vẫn luôn chấp chới giữa kỳ vọng và thực tế hay sao. Trước lứa cầu thủ này, từng có một thế hệ vàng “Tam sư” thậm chí còn được đánh giá cao hơn, kỳ vọng lớn hơn nhưng rốt cuộc chẳng thể vươn tới đỉnh cao: Tuyển Anh của những năm 2000…
 
********
 
Tại sao Thế hệ vàng Tam Sư không thể vươn tới đỉnh cao hình ảnh
 
Vòng loại World Cup 2002, khu vực châu Âu – bảng 9, Đức “gác” trước Anh 6 điểm (nhưng chơi hơn 1 trận), cơ hội giành ngôi đầu bảng và suất vào thẳng VCK là rất sáng. HLV tuyển Đức thời điểm đó, Rudi Voller có niềm tin mạnh mẽ vào khả năng đó. Bằng chứng là ông đã chủ động sắp lịch đá giao hữu của “Die Mannschaft” trong tháng diễn ra các trận play-off tranh vé vớt World Cup, gặp 2 đại diện của châu Á: Hàn Quốc và Thái Lan.
 
“Tôi hy vọng và cũng tự tin rằng, chúng tôi sẽ có vé vào thẳng VCK”, Voller cho biết. “Nếu Anh phải đá play-off, tất nhiên, tôi sẽ chúc họ may mắn”.
 
Đức và Voller có lý do để tự tin, trước trận lượt về tiếp Anh tại sân nhà Olympiastadion ở Munich. Bởi lượt đi, “Die Mannschaft” đã thắng 1-0 ngay tại Wembley. Trận đấu gần nhất, Đức thắng đẹp Hungary 5-2. Báo chí Đức lúc ấy thì như… ở trên mây với hàng loạt những bài viết ngợi ca đội nhà. “Thế hệ vàng Sebastian”, đó là cách báo chí Đức tung hô một “Die Mannschaft” đang chơi thứ bóng đá tuyệt đẹp với phong độ tuyệt luân của tiền vệ nhạc trưởng Sebastian Deisler.
 
Dữ kiện lịch sử cũng ủng hộ người Đức. Cho tới thời điểm ấy, Đức chỉ thua duy nhất 1 trận tại vòng loại World Cup, 0-1 trước Bồ Đào Nha năm 1985, một thất bại vốn cũng chẳng ảnh hưởng gì tới suất dự VCK 1986 của họ. Tuyển Anh, ngược lại, chuẩn bị cho trận đại chiến ở Munich với… thất bại 0-2 trước Hà Lan.
 
“Anh thiên về thủ và họ, trong quan điểm của tôi, không phải là một tập thể có khả năng ghi nhiều bàn thắng”, trung vệ Đức thuộc biên chế CLB Leverkusen – Jens Nowotny nhận định trước trận đấu.
 
Nowotny sớm có câu trả lời cho riêng mình. Tại Olympiastadion, Đức vươn lên dẫn 1-0 ngay từ phút thứ 6 với pha lập công của Carsten Jancker, để rồi sau đó đội chủ nhà trở thành “nạn nhân” của 1 trong những màn trình diễn xuất sắc nhất, khó tin nhất của “Tam sư” từ trước tới nay. Ngày 1/9/2001, Thế hệ Vàng tuyển Anh chính thức ra đời!
 
David Beckham, Michael Owen, Rio Ferdinand, Gary Neville, Steven Gerrard, Ashley Cole, Paul Scholes. Tất cả họ đã cùng nhau “xé toang” tuyển Đức ngay tại Munich. Owen lập hat-trick, Gerrard có 1 cú sút xa siêu hạng khiến Oliver Kahn đổ người trong vô vọng và Emile Heskey ghi bàn ấn định thắng lợi 5-1 từ đường chọc khe ngọt lịm của Scholes. 4 trong 5 bàn thắng của “Tam sư” có dấu giày của Becks.
 
“Thật khó diễn tả thành lời cảm giác của tôi khi ghi bàn thứ 5”, Heskey hồi tưởng lại, với Four Four Two (FFT). “Đó là trận đấu mà cho đến tận những ngày này, các CĐV mà tôi gặp trên đường phố vẫn muốn nói về nó. Người Đức đã thắng tại Wembley nhưng chúng tôi đã trả lại họ, cả vốn lẫn lời ở Munich. Chúng tôi đến đó, chiến đấu và ra về với chiến thắng 5-1. Thật điên rồ!”.
 
“Đó, không nghi ngờ gì nữa, là chiến thắng đánh dấu sự ra đời của Thế hệ vàng Tam sư”, Heskey, cựu tiền đạo Leicester, Liverpool và tuyển Anh khẳng định. “Đó cũng là quãng thời gian mà Man United vừa giành cú ăn ba, với hạt nhân là những cầu thủ bản địa. Tuyển Anh lúc ấy sở hữu những ngôi sao xuất sắc, những tên tuổi lớn thực sự”.
 
Sau đó, “Thế hệ vàng Tam sư” còn mạnh mẽ hơn với sự xuất hiện của Frank Lampard, John Terry và Wayne Rooney. Nhưng chỉ với chiến tích tại Munich, tuyển Anh đã khiến cả Thế giới phải chú ý và nói về họ.
 
“Tôi chưa từng thấy một phiên bản Tam sư nào xuất sắc hơn thế hệ hiện tại của họ”, Franz Beckenbauer – thành viên của tuyển Tây Đức thua Anh trong trận chung kết World Cup 1966 bình luận. “Các chàng trai của Sven (Sven-Goran Eriksson) có thể làm nên chuyện lớn ở Nhật-Hàn. Tôi nhìn thấy phẩm chất của những nhà vô địch ở tập thể này” – Arsene Wenger.
 
“Thế hệ này đem đến cảm giác - hy vọng lớn lao, điều đã không tồn tại trong rất nhiều năm dài trước đó”, Henry Winter – chủ biên The Times nói với FFT. “Bởi Đức luôn là thước đo đối với bóng đá Anh”.
 
Lượt trận hạ màn vòng loại World Cup 2002, Beckham đá phạt tung lưới Hy Lạp ở phút 90+3, tại Old Trafford, ấn định tỉ số hòa 2-2. Đức, vẫn tổn thương nặng nề sau trận thua “Tam sư”, bị Phần Lan cầm hòa không bàn thắng ngay trên sân nhà. Cùng 17 điểm nhưng hơn về hiệu số đối đầu trực tiếp, Anh có suất vào thẳng VCK còn Đức phải đá play-off (vượt qua Ukraine). Dĩ nhiên chuyến “du đấu” châu Á mà Voller lên lịch từ trước đó, buộc phải hủy bỏ.
 
********
 
Tháng 1/2001, Sven-Goran Eriksson, trở thành HLV người nước ngoài đầu tiên trong lịch sử tuyển Anh. Thời điểm ấy, Anh vừa trải qua một VCK EURO thảm họa khi bị loại ngay từ vòng bảng. Tại vòng loại World Cup 2002, Anh thua Đức 0-1 và hòa Phần Lan 0-0 sau 2 lượt đầu thời HLV tiền nhiệm Kevin Keegan.
 
Dù là HLV tài danh bậc nhất vào thời điểm ấy, với những danh hiệu lớn ở Benfica, Sampdoria, AS Roma và đặc biệt Lazio, nhưng Eriksson tiếp quản công việc ở “Tam sư” với rất nhiều sự hoài nghi. Suy cho cùng, đó là điều chẳng thể tránh khỏi bởi Sven là người Thụy Điển và thành công của của ông mới chỉ giới hạn ở cấp độ CLB.
 
Nhưng Sven không mất nhiều thời gian để giúp Anh lột xác, cải thiện ý thức và tư duy chiến thuật ở các cầu thủ, đem đến niềm tin lớn cho các học trò rằng họ hoàn toàn có thể chơi thứ bóng đá tấn công chất lượng cao. Một sự khác biệt hoàn toàn so với Keegan, người thậm chí còn bị bắt gặp… đang ngủ gật trong một buổi họp chiến thuật của “Tam sư”.
 
Gerrard và Neville dính chấn thương, lỗi hẹn với VCK World Cup 2002. Nhưng Beckham kịp bình phục sau chấn thương cổ chân để cùng đội tới Nhật-Hàn. Becks chính là người đá thành công quả phạt đền giúp Anh đánh bại Argentina 1-0 ở vòng bảng, cũng là khoảnh khắc mà “số 7” xua tan bóng ma đã đeo đẳng anh suốt 4 năm, từ World Cup 1998.
 
“Chúng tôi rơi vào bảng tử thần. Và thắng Argentina là mục tiêu tối thượng”, hậu vệ Danny Mills, người thay thế Neville trở thành lựa chọn số 1 bên hành lang phải tuyển Anh tại VCK 2002 nhớ lại. “Argentina là ứng viên vô địch bậc nhất của giải. Áp lực là vô cùng khủng khiếp sau những gì đã xảy ra ở trận chiến 4 năm trước, giữa David và Diego Simeone. Nhưng chúng tôi đã chuẩn bị một kế hoạch chi tiết để đánh bại họ”.
 
“Chúng tôi thắng 1-0 với bàn duy nhất của Becks. Các cầu thủ Argentina từ chối đổi áo đấu khi trận đấu kết thúc. Còn trong phòng thay đồ của “Tam sư”, sự phấn khích tuôn trào. Rất nhiều người trong số chúng tôi từng góp mặt trong trận thua Argentina 4 năm trước, trên đất Pháp. Ngay cả Sol (Campbell) có tiếng kiệm lời cũng la hét và nhảy múa. Cảm giác thật tuyệt” – Mills.
 
Anh kết thúc vòng bảng với vị trí thứ 2, cùng 7 điểm như Thụy Điển. Ở vòng 1/8, “Tam sư”thắng dễ Đan Mạch 3-0 với 3 bàn thắng được ghi ngay trong hiệp một của Ferdinand, Owen và Heskey. Đối thủ của Anh ở tứ kết là Brazil!
 
“Nếu đánh bại Brazil, chúng ta ngại gì mà không… vô địch World Cup. Và nếu đăng quang giải này, mình có khi còn được phong tước Hiệp sĩ chứ chẳng đùa. Tôi và có lẽ rất nhiều đồng đội khác đã mơ về viễn cảnh tuyệt đẹp ấy”, Mills thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với FFT. “Nhưng đời thì không như là mơ. Trận đấu với Brazil đã không diễn ra theo cách mà chúng tôi chuẩn bị và kỳ vọng”.
 
Owen, nén đau (chấn thương gân khoeo) thi đấu và chính là anh là người đưa “Tam sư” vượt lên dẫn 1-0 ở phút 23. Phú bù giờ cuối cùng hiệp một, Rivaldo gỡ hòa 1-1 cho Brazil. Hiệp hai trôi đi được 5 phút, Ronaldinho biến thủ thành kỳ cựu David Seaman trở thành “gã hề” với pha đá phạt với quỹ đạo bóng và điểm rơi khó tin tung lưới tuyển Anh, nâng tỉ số lên 2-1. Chỉ 7 phút sau siêu phẩm, Ronaldinho nhận thẻ đỏ trực tiếp!
 
“Ngay cả với 10 người, họ vẫn vượt trội chúng tôi ở khả năng kiểm soát bóng”, Mills nhớ lại. “Nhiệt độ ở Nhật hôm ấy rất nóng, phải 38-39 độ và chúng tôi hoàn toàn kiệt sức. Sau trận, tôi là 1 trong 2 cầu thủ của “Tam sư” được lựa chọn ngẫu nhiên để kiểm tra doping. Trong phòng chờ xét nghiệm có tôi, Rio, Cafu và Ronaldinho. Nhìn cái cảnh Ronaldinho cười đùa toe toét, nói thật là lúc đó tôi chỉ muốn đấm cho cậu ta một phát”.
 
Đối với Heskey, trận thua Brazil ở Shizuoka như một lời nhắc nhở rằng, dù tuyển Anh có sở hữu một thế hệ cầu thủ tài năng đến đâu, thì việc vươn tới đỉnh cao ở giai đoạn đó, là điều bất khả.
 
“Chúng tôi có “Thế hệ Vàng Tam sư” nhưng cùng thời điểm ấy, Pháp đã có “Thế hệ vàng” của họ. Với Henry, Anelka, Trezeguet, Gallas, Silvestre, Sagnol sánh bước cùng những Zidane, Vieira, Petit, Desailly, Barthez hay Lizarazu. Còn Brazil của năm 2002? Rivaldo, Ronaldo, Ronaldinho, những cầu thủ siêu hạng!”.
 
(còn nữa)
 
What happened to England's "Golden Generation"? How the country's most talented squad never came good (Four Four Two)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào "Bộ 6 siêu đẳng" của ông đi nào, Gareth Southgate!

Trong một bài phân tích do đích thân mình viết gần đây cho The Athletic, cựu tiền đạo huyền thoại Alan Shearer đã đề xuất một ý tưởng xây dựng đội hình cho HLV trưởng của Tam Sư là Gareth Southgate, ông tin rằng nó sẽ hình thành một “bộ 6 siêu đẳng” trên tiền tuyến của tuyển Anh và giúp họ thăng hoa.

Giải mã thành công của Inter dưới thời Inzaghi theo góc độ chiến thuật

Inter Milan là á quân Champions League 2023 và đang chơi thứ bóng đá tuyệt vời để thống trị Serie A Italia. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các khía cạnh chính về mặt chiến thuật của HLV Simone Inzaghi, hi vọng có thể giúp các bạn hiểu được tại sao tập thể này tạo ra hiệu suất vượt trội đến thế.

X
top-arrow