PHÂN TÍCH: Tại sao Chelsea của Frank Lampard lại "mong manh dễ vỡ" đến vậy? (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 26/01/2021 15:41(GMT+7)

Một bài phân tích toàn diện về những sai lầm lặp đi lặp lại mà Chelsea đã mắc phải và những vấn đề nghiêm trọng trong đội ngũ vốn rất dày dạn kinh nghiệm của Frank Lampard.

Sau một sự khởi đầu mùa giải rất sáng sủa, Chelsea đã sa sút phong độ một cách trầm trọng. Huấn luyện viên trưởng Frank Lampard đã thừa nhận sự lo lắng của ông sau thất bại toàn diện mà The Blues phải nhận trước Leicester City, một trận đấu mà họ đã hoàn toàn bị đối phương áp đảo, kém hơn rõ rệt cả về sức chiến đấu và tư duy, sau đó bị tụt xuống vị trí thứ 9 khi vòng đấu kết thúc. Giờ đây, hệ quả tồi tệ nhất đã đến: Nhà cầm quân người Anh bị sa thải – một cái kết đáng buồn dành cho “câu chuyện tình” giữa Lampard và Chelsea, bất chấp việc ông vừa đưa được đội bóng của mình lọt vào vòng 5 FA Cup.
Vậy, rốt cuộc thì chuyện gì đã xảy ra với Chelsea của Frank Lampard?
THÀNH TÍCH PHÒNG NGỰ CỦA CHELSEA Ở MÙA GIẢI NÀY KHÔNG TỆ
Lampard đã thể hiện rõ mong muốn nâng cấp hàng thủ của ông trong kỳ chuyển nhượng mùa hè. Những đội bóng để lọt lưới nhiều hơn con số 56 bàn thua của Chelsea vào mùa giải trước đều nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng, còn đoàn quân của Lampard đã được “giải cứu” nhờ những nỗ lực của hàng công, với thành tích đứng thứ ba về số bàn thắng ghi được tại Premier League 2019/2020.
Chelsea thiếu cân bằng một cách trầm trọng và hiệu số bàn thắng bại của họ (15) thua xa so với của các nhà vô địch – hiệu số bàn thắng bại của Liverpool là 52 và của Manchester City là 62 – đó chính là lý do vì sao họ chỉ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ tư. 
Kể từ khi ký hợp đồng với Thiago Silva, Edouard Mendy và Ben Chilwell, còn Reece James trở thành sự lựa chọn số một cho vị trí hậu vệ phải, Chelsea đã có số trận giữ sạch lưới nhiều thứ ba (7 trận) ở Premier League mùa giải này, và có tổng cộng 23 bàn thua – nhiều hơn Liverpool 1 bàn, hơn Arsenal 4 bàn, và ít hơn Manchester United 1 bàn. Đó không hề là một thành tích tồi.
HỆ THỐNG CHIẾN THUẬT CỦA LAMPARD 
Bất chấp sự cải thiện về mặt thống kê nói trên, Chelsea vẫn tỏ ra rất “mong manh dễ vỡ” trước những pha phản công, và điều này có liên quan rất lớn đến hệ thống chiến thuật của Lampard. Thứ bóng đá mà Chelsea triển khai thiên về tấn công, sự linh hoạt và tràn đầy năng lượng, đẩy các cầu thủ lên phía trên với quân số đông đảo để gây áp lực thật mạnh mẽ và pressing với cường độ cao ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương.
Dưới đây là cách mà Chelsea hoạt động ở mùa giải trước, với đội hình 4-3-3 biến đổi thành 2-4-4, khoảng cách giữa các cầu thủ được thiết kế để kéo các hậu vệ đối phương cách xa nhau và mở ra khoảng trống cho một tiền đạo.
Sự áp đảo quân số này mang đến những cơ hội và các bàn thắng được ghi, nhưng bên cạnh đó, nó cũng khiến cho Chelsea lâm vào một tình trạng cực kỳ nguy hiểm nếu quyền kiểm soát bóng bị đối phương đoạt mất.
Chiến thuật đó vẫn được sử dụng ở mùa giải này, nhưng đội chủ sân Stamford Bridge đã – phần lớn – quản lý các trận đấu một cách tốt hơn, thay đổi nhịp độ để nắm quyền kiểm soát trận đấu và chấp nhận rằng phong cách tấn công táo bạo trên không thể được áp dụng mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, trong những trận đấu gần đây, sự nhận thức thực tế đó dường như đã mất đi. Chiến thắng 1-0 trước Fullham đã diễn ra với một nhịp độ cao đến chóng mặt, đến mức mà trong phần lớn thời gian của trận đấu, cứ như thể các cầu thủ Chelsea đã bị “mắc kẹt” trong việc đẩy thật nhanh mọi thứ lên phía trước. Không có gì ngạc nhiên khi những cơ hội của họ xuất hiện một cách rất thất thường – không có bất kỳ ai làm chậm nhịp độ xuống và phối hợp với một người đồng đội đang overlap hoặc underlap, tất cả mọi thứ đã được thực hiện nhanh nhất có thể. Không vội vàng, giảm tốc độ xuống có thể chính là chìa khóa dành cho họ.
Trận thua 2-1 trước Wolves là một ví dụ khác cho thấy sự liều lĩnh một cách không chút cân nhắc kể trên đã hủy hoại Chelsea của Lampard. Trong tình huống dưới, Chilwell đang chuẩn bị tạt bóng vào vòng cấm ở phút 95 của trận đấu. Chelsea đang có một hàng công 4 người, cùng với đó là một tiền vệ đang di chuyển ở phía sau.
Quả tạt đã bị vô hiệu hóa bởi một hậu vệ của Wolves bên trong vòng cấm, sau đó anh ta tiếp tục loại bỏ 6 cầu thủ Chelsea với một đường chuyền về phía trước.
Đội hình của Chelsea vào thời điểm này đang bị dàn trải trên khắp mặt sân. Sau khi chuyển trạng thái sang đội hình tấn công trước đó, cả đội cần phải nhanh chóng quay lại với một cấu trúc phòng ngự vững chắc để đối phó với bất kỳ pha phản công nào, các tình huống phản công là món vũ khí chính và – về cơ bản – duy nhất của Wolves.
Một đường chuyền khác đã rất dễ dàng đến với Pedro Neto đang có được khoảng trống cực kỳ lý tưởng, và N’Golo Kante là tiền vệ duy nhất không dâng cao trên sân, anh đã phải cáng đáng toàn bộ khu trung tuyến và chạy về cùng 2 trung vệ.
CHELSEA RẤT TỆ TRONG KHÂU CHUYỂN ĐỔI TRẠNG THÁI TỪ CÔNG SANG THỦ
Chelsea đã tấn công với một hậu vệ cánh trái dâng cao và các tiền đạo được bố trí sẵn. Để có thể ngăn chặn một pha phản công trong trường hợp để mất quyền kiểm soát bóng, phần còn lại của đội nên chọn vị trí theo các vòng tròn có tâm trắng (trong hình thứ nhất). Thay vào đó, các cầu thủ The Blues đã ở trong một trạng thái vô tổ chức và co cụm, mở ra khoảng trống cho các cầu thủ Wolves khai thác và ghi bàn.

Neto dẫn bóng đến rìa vòng cấm và dứt điểm thành bàn khi Kurt Zouma cố gắng truy cản. Chelsea đáng lẽ ra không nên để Wolves dễ dàng xuyên phá họ đến vậy. 
CHELSEA RẤT DỄ BỊ XUYÊN PHÁ
Có một cách khác để nhìn nhận bàn thắng của Wolves là Chelsea đã bị trừng phạt chỉ đơn giản vì nỗi thèm khát 3 điểm trọn vẹn. Những kẻ mang tham vọng vô địch không muốn hòa, họ muốn giành trọn 3 điểm – và vào một ngày khác đẹp trời hơn, có lẽ mong muốn của Chelsea sẽ được đền đáp.
Có quá nhiều ví dụ về việc các đối thủ có thể xuyên phá Chelsea vì một tình huống không may hoặc ngẫu nhiên mà họ gặp phải. Các chiến thuật tấn công của Lampard, kết hợp với những sai lầm cá nhân, đang mở ra cho các đối thủ một con đường dẫn đến khung thành của họ. 
Dưới đây là một tình huống triển khai pressing của Chelsea trước Manchester City, các cầu thủ đưa bản thân hiện diện ở những vị trí trên cao của sân nhưng không một ai đủ gần với một đối thủ để có thể gây ra bất kỳ khó khăn nào cho họ. Nhìn thì có vẻ rất tốt, nhưng nó đã không được thực hiện một cách chính xác với mục đích đề ra – Man City có một vài cầu thủ được tự do và khoảng trống để sử dụng.
Bóng được đưa ra cánh trái cho Oleksandr Zinchenko, khiến 6 cầu thủ Chelsea bị bỏ lại ở phía sau đợt triển khai tấn công của Man City. Họ phải bắt đầu đuổi theo đối phương.
Zinchenko dâng cao ở cánh. Zouma quyết định lao lên từ hàng thủ để tiến hành áp sát, qua đó bỏ trống vị trí của mình, và đây chính là nơi mà Phil Foden đã di chuyển vào.
Bóng được đưa vào khoảng trống đó khi Thiago Silva nỗ lực bọc lót cho Zouma. Các cầu thủ Chelsea đã hoàn toàn bị cuốn vào việc đuổi theo bóng khi Man City triển khai tấn công, và vào thời điểm Kevin De Bruyne tung ra một quả tạt tầm thấp đến cột gần cho Foden ghi bàn, hàng thủ Chelsea đã ở trong một tình trạng rất vô tổ chức. Trong ảnh dưới, đáng lẽ hàng thủ 4 người của The Blues phải hình thành một đường thẳng.
Zouma đã không được sử dụng trong trận đấu tiếp theo của Chelsea tại Premier League – cuộc đối đầu với Fullham.
Có một tình huống khác thậm chí còn tệ hơn nữa trong trận thua Man City, một sai lầm tương tự như trong trận thua Wolves đã xuất hiện. Một lần nữa, việc tập trung quá mức vào khâu tấn công đã khiến Chelsea hoàn toàn bị xuyên phá rất dễ dàng khi đối phương đoạt được bóng và tổ chức phản công.
Đây là một tình huống phòng ngự cực kỳ tệ, Kante đã phải cố gắng đuổi theo Raheem Sterling ở phần sân hoàn toàn trống trải của Chelsea.
Sterling đã bỏ xa Kante khi tiền vệ người Pháp cố gắng truy cản, và Kevin De Bruyne đã tận dụng lợi thế khi các cầu thủ đang hoảng hốt của Chelsea bị kéo về phía người đồng đội để ghi bàn.
còn nữa...
Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “Why Chelsea are defensively vulnerable and how Frank Lampard can fix it” của ký giả JJ Bull, đăng tải trên Telegraph.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Canh bạc tài năng trẻ của Barcelona

Hansi Flick kể rằng ông đã thề nhất định sẽ có ngày bản thân trở thành HLV trưởng của Barcelona vào đêm ngày 21 tháng 3 năm 2006. Ông và 67.000 người khác đã có mặt ở Camp Nou để chứng kiến đội bóng của Frank Rijkaard đánh bại Getafe với tỷ số 3-1, trong khi đám đông cổ động viên đội nhà hát vang ca khúc “Happy Birthday” gửi tặng Ronaldinho, người đã bước sang tuổi 26 vào ngày hôm đó.

Inter Milan: Đi tìm công thức kết hợp Barella và Frattesi

Phong độ xuất sắc của Davide Frattesi trong màu áo ĐT Italia đang thực sự khiến HLV Simeone Inzaghi phải suy nghĩ về việc nhanh chóng tìm ra một giải pháp kết hợp cựu cầu thủ Sassuolo với Nicolo Barella ở hàng tiền vệ Inter Milan.

Lật đổ nhà vua Man City là nhiệm vụ khó khăn dành cho Arsenal

Một mùa giải mới tại Premier League lại bắt đầu và Manchester City tiếp tục cho thấy sức mạnh không thể ngăn cản với chuỗi 3 chiến thắng liên tiếp. Mang thân phận của một kẻ bám đuổi với mong muốn lật đổ nhà vua, rõ ràng nhiệm vụ đó với Arsenal là vô cùng khó khăn.

Niềm tin sau cơn bão

Các tuyển thủ Việt Nam sẽ biến nỗi buồn do siêu bão số 3 vừa gây ra trên quê hương thành sức mạnh để quyết tâm giành chiến thắng trước ĐT Thái Lan ở trận giao hữu tổ chức trên sân Mỹ Đình vào ngày 10/9 tới. 

ĐT Việt Nam và “duyên nợ” với các đội bóng châu Âu

Từ những trang báo bạc màu, từ màn mình TV đen trắng, châu Âu đã luôn là đỉnh cao, là ước mơ của mọi đứa trẻ trót yêu quả bóng tròn trên thế giới này. Và Việt Nam - nền bóng đá nằm ngoài Top 100 FIFA (hạng 115) vẫn đã đang nung nấu giấc mơ ấy: cho lần đầu tiên ĐTQG giáp mặt đối thủ châu Âu ở một giải đấu chính thức.