Sự thoái trào của hai gã khổng lồ tại đội tuyển Tây Ban Nha

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 20/06/2021 16:19(GMT+7)

Trong danh sách tham dự VCK Euro 2020 của đội tuyển Tây Ban Nha, Barcelona chỉ có 3 cầu thủ góp mặt, trong khi số lượng của Real Madrid là 0. Điều đó phần nào cho thấy sự thoái trào tầm ảnh hưởng của hai ông lớn bóng đá Tây Ban Nha tại đội tuyển quốc gia.

1. Đó là vào cuối tháng 8 năm 2011 và tiếng chuông điện thoại đang reo lên trong nhà của Xavi Hernandez ở Barcelona. Người gọi đến là Iker Casillas, đồng đội của Xavi ở đội tuyển Tây Ban Nha, và cũng là đội trưởng của đại kình địch Real Madrid trong các trận El Clasico với Barcelona. 
 
Casillas đã cố gọi cho Xavi vài ngày trước đó, nhưng tiền vệ này không muốn nói chuyện. Vì vậy, Iker đã gọi cho đồng đội của Xavi ở Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha – đồng thời cũng chính là đồng đội của anh trong màu áo ĐTQG, Carles Puyol, người đã can thiệp và thuyết phục người bạn đồng hương Catalunya của mình rằng có những vấn đề cần phải được giải quyết. 
 
“Chúng ta cần phải nói chuyện về việc này,” Casillas mở đầu cuộc trò chuyện. “Chuyện gì đang xảy ra với chúng ta vậy?”
 
“Chuyện gì đang xảy ra với chúng ta ư?” Xavi trả lời. “Chính các ông đã gây ra tất cả những điều này mà.” 
 
Cuộc gọi đó diễn ra ngay sau lượt trận thứ hai của cuộc đối đầu giữa Barcelona và Real Madrid ở  Siêu cúp Tây Ban Nha diễn ra tại Nou Camp. Trong trận đấu này, 11 cầu thủ đã phải nhận thẻ phạt và 3 cầu thủ bị đuổi khỏi sân sau một cuộc hỗn chiến tại đường biên. Bối cảnh đó đã được đưa vào một bộ phim tài liệu về sự nghiệp của thủ môn Casillas có tên là Colgar Las Alas, được phát sóng vào tháng 11 năm ngoái. 
 
“Chúng tôi đã bắt đầu cãi nhau qua điện thoại,” Xavi kể lại trong bộ phim. “Cả hai chúng tôi tranh nhau nói, chẳng ai thèm lắng nghe người kia.”

Sự kình địch, mâu thuẫn là một phần lịch sử giữa Real Madrid và Barcelona. Ảnh: Getty Images
 
Cả hai người đàn ông đều không có tâm trạng, hoặc một tính cách ôn nhu, để xin lỗi hoặc nhún nhường. Họ biết nhau rất rõ, họ gặp nhau lần đầu tiên khi sát cánh bên nhau trong đoàn quân Tây Ban Nha giành chức vô địch U20 World Cup vào năm 1999, sau đó cùng nhau lên ngôi tại Euro 2008 và World Cup 2010 với các đồng đội khác. Vì vậy, đây là vấn đề cá nhân. 
 
Sự xuất hiện của Jose Mourinho với tư cách là HLV trưởng của Real Madrid vào mùa hè năm 2010 đã làm gia tăng thêm sự căng thẳng giữa các cầu thủ của hai đội bóng đại kình địch này. Mỗi cuộc đụng độ giữa Barcelona và Real Madrid kể từ khi nhà cầm quân Bồ Đào Nha được bổ nhiệm đều chứng kiến sự thù địch càng lúc càng gay gắt hơn, đỉnh điểm là việc Mourinho thọc ngón tay vào mắt trợ lý HLV trưởng của Blaugrana, Tito Vilanova, trong trận tranh siêu cúp.
 
Giờ đây, khi cùng nhau trò chuyện, cả hai người đàn ông đều nhận ra rằng mọi thứ đã đi quá xa. 
 
“Cuối cùng, nó đã trở thành một cuộc nói chuyện giữa những người bạn,” Xavi tiếp tục. “Hình ảnh Madrid và Barcelona đối đầu, hình ảnh của ĐTQG Tây Ban Nha. Chúng tôi bảo rằng cả hai phải bình tĩnh lại – đây là bóng đá, đây là thể thao, rất nhiều đứa trẻ đang theo dõi, và trong những trận đấu gần nhất này, chúng tôi đã không tạo nên một hình ảnh đẹp đối với bất kỳ ai.”
 
“Tôi là đội trưởng của ĐTQG và phải làm những gì vai trò đó yêu cầu,” Casillas kể trong bộ phim tài liệu. “Vấn đề không phải chiến tranh.” 
 
2. Bóng đá không bao giờ là chiến tranh. Tuy nhiên, với sự phức tạp của lịch sử, văn hóa, chính trị Tây Ban Nha và lòng trung thành dành cho CLB, việc tập hợp và chỉnh đốn ĐTQG luôn tạo nên những ngọn lửa cảm xúc mãnh liệt. 
 
Giải đấu cấp ĐTQG đầu tiên mà “La Furia Roja” – cơn thịnh nộ màu đỏ –  tham dự là Olympic 1920, nơi mà Barcelona là CLB đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho đoàn quân Tây Ban Nha, với 4 người, bao gồm thủ môn huyền thoại Ricardo Zamora. Tại kỳ World Cup đầu tiên của Tây Ban Nha, vào năm 1934, Madrid là CLB đóng góp nhiều cầu thủ nhất với 5 người, bao gồm Zamora, người đã thực hiện một cuộc chuyển đổi đội bóng gây tranh cãi rầm rộ vào 4 năm trước đó. 
 
Tại Euro 1964, Barcelona là đội bóng có nhiều cầu thủ nhất với 4 người. Tiền vệ Chus Pereda của họ đã ghi bàn mở tỷ số khi Tây Ban Nha đánh bại Liên Xô 2-1 trong trận chung kết. Vinh quang lớn tiếp theo của Tây Ban Nha, tại Euro 2008, được khởi đầu với rất nhiều tranh cãi. HLV trưởng Luis Aragones đã loại bỏ người đội trưởng cống hiến lâu năm của La Furia Roja và là một huyền thoại của Real Madrid, Raul Gonzalez, và đặt niềm tin vào một thế hệ mới với biểu tượng là Xavi và Andres Iniesta của Barcelona, mặc dù những người khác như bộ đôi David Silva và David Villa của Valencia cũng quan trọng không kém đối với sự thành công của một đoàn quân bao gồm các cầu thủ từ 11 CLB. 
 
“Aragones không cho phép chuyện tình cảm dành cho CLB hay sự khác biệt giữa các cá nhân ảnh hưởng đến đội bóng,” Marcos Senna chia sẻ, anh là một trong 3 cầu thủ Villareal góp mặt trong trận thắng đội tuyển Đức 1-0 trong trận chung kết, với bàn thắng được ghi bởi tiền đạo Fernando Torres của Liverpool. 
 
“Luis đã quản lý đội bóng rất tốt, ở cấp độ cá nhân và thể thao, trong và ngoài sân cỏ,” Senna kể với The Athletic. “Tất nhiên là chuyện đó không hề dễ dàng, có một số tên tuổi lớn trong đội, các cầu thủ từ Barca và Madrid, cũng như tất cả các đội bóng khác – Villareal, Sevilla, Valencia – nhưng ông ấy đã tạo nên được rất nhiều sự tôn trọng từ chúng tôi, và đó là chìa khóa để một nhà cầm quân vươn đến được sự thành công.”
 
Người kế nhiệm của Aragones, Vincent del Bosque, đã giành được 5 chức vô địch La Liga với tư cách một cầu thủ của Real Madrid, sau đó ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng và dẫn dắt CLB này đoạt lấy vinh quang Champions League vào các năm 2000 và 2002. Nhưng ông đã khiến một số chuyên gia bình luận đứng về phía đội chủ sân Bernabeu tức giận khi đặt cược thậm chí còn lớn hơn vào các cầu thủ từ Barcelona của Pep Guardiola, những người đang thống trị La Liga và Champions League, khi bước vào World Cup 2010. 
 
Cuộc tranh luận chính của giới truyền thông trước giải đấu xoay quanh việc liệu tiền vệ tân binh Sergio Busquets, thuộc biên chế Barcelona, có xứng đáng được đưa thẳng vào đội hình đá chính hay không. Mặc dù vậy, tầm ảnh hưởng của Real Madrid vẫn rất mạnh mẽ – với Casillas, Sergio Ramos và Xabi Alonso. Hậu vệ trái Joan Capdevila của Villarreal là cầu thủ duy nhất không thuộc 2 đội bóng El Clasico trong đội hình đá chính ở trận chung kết – nhưng rất ít người phàn nàn về chuyện này sau vinh quang giành được nhờ việc đánh bại Hà Lan với tỷ số 1-0 trong hiệp phụ. 
 
Mùa hè năm đó cũng đã chứng kiến Mourinho được bổ nhiệm tại Madrid. 
 
Trận El Clasico đầu tiên của ông là thất bại bẽ mặt với tỷ số 0-5 trên sân khách vào tháng 11 năm đó. Ramos đã bị đuổi khỏi sân vào cuối trận sau khi đốn ngã Lionel Messi, tiếp đó đẩy người đồng đội ở ĐTQG, Puyol, ngã ra sân trong một cuộc hỗn chiến. 
 
Khởi đầu với việc kém xa Barcelona, Mourinho đã sẵn sàng sử dụng mọi “món vũ khí” khả thi để cố gắng giành lấy những lợi thế trước Blaugrana. Một trong số đó bao gồm tham gia vào cuộc tranh luận xoay quanh nền độc lập của Catalunya, điều mà ông biết rằng sẽ khiến nhiều người ở thủ đô Tây Ban Nha ủng hộ mình một cách mạnh mẽ theo bản năng. Tuy nhiên, hành động chọc vào mắt Vilanova là một bước đi quá trớn, dẫn đến việc Casillas phải nhấc điện thoại lên và gọi cho Xavi. 
 
Cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc kiểm soát để những căng thẳng ở bóng đá cấp CLB không ảnh hưởng đến sự hòa hợp trong ĐTQG chính là tính cách điềm tĩnh và những thông điệp hợp tình hợp lý của Del Bosque. 

Đội hình mạnh nhất của Tây Ban Nha ở Euro 2012, chỉ David Silva không thuộc cả Barca lẫn Real Madrid. Ảnh: AP
 
“Del Bosque là một người đàn ông trầm lặng và thực sự rất đặc biệt,” một nguồn tin liên quan đến đoàn quân Tây Ban Nha vào thời điểm đó chia sẻ. “Ông ấy yêu cầu họ ngồi lại với nhau và bảo, ‘Các cậu là thế hệ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá của Tây Ban Nha, các cậu có cơ hội tạo nên những chiến tích mang tính lịch sử và các cậu cần dừng những cuộc tranh cãi ngu ngốc lại để tập trung vào bóng đá’. Mối quan hệ tưởng như vô cùng mong manh dễ vỡ này thực sự đã mang lại những năm tháng thành công nhất về mặt kết quả.”
 
Các cầu thủ Madrid và Barcelona giờ đây đã có thể gạt bỏ mọi hiềm khích sang một bên khi họ khoác lên mình chiếc áo đấu của ĐTQG, và cả 2 CLB đã tiếp tục chiếm phần lớn trong đoàn quân mà Del Bosque mang đến Euro 2012. David Silva của Manchester City là cầu thủ đá chính duy nhất không thuộc 2 CLB El Clasico khi Tây Ban Nha vùi dập Italy với tỷ số 4-0 trong trận chung kết – đây được xem là một trong những màn trình diễn tuyệt vời nhất ở bóng đá cấp ĐTQG. 
 
Senna lúc này không góp mặt trong đội tuyển Tây Ban Nha, nhưng đã theo dõi sát sao các đồng đội cũ của mình, và anh nói rằng mình luôn rất ngạc nhiên về việc làm thế nào mà những cầu thủ từng đối đầu với nhau một cách cực kỳ gay gắt trong các trận đấu cấp CLB lại có thể rất hòa hợp trong màu áo ĐTQG. 
 
“Tôi đã xem các trận El Clasico và bạn sẽ thấy Sergio Ramos tranh cãi gay gắt với Pique, với Xavi, với Puyol, đến mức gần như sắp lao vào ẩu đả với nhau,” Senna nói. “Sau đó, họ cùng kề vai sát cánh bên nhau trong màu áo ĐTQG và tôi không thể nào tin nổi chuyện này, điều đó dường như là bất khả thi, nhưng rốt cuộc sự căng thẳng ở bóng đá cấp CLB lại chẳng gây ra chút ảnh hưởng nào cả.”
 
Sự hòa hợp đó hoàn toàn không phù hợp với mục đích của Mourinho. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha cảm thấy Casillas đã phản bội những gì mình đang cố gắng làm ở Real Madrid. Mối quan hệ giữa họ đã không bao giờ hồi phục, nhiều cổ động viên Madrid đã đứng về phía Mourinho thay vì một cầu thủ từng được họ rất tôn sùng. Những rắc rối ở Bernabeu đã tiếp tục ảnh hưởng đến ĐTQG, và sự nghiệp ở đội tuyển Tây Ban Nha của chiến binh trung thành nhất của Mourinho, Alvaro Arbeloa, đã bị Del Bosque đặt dấu chấm hết vào năm 2013. 
 
Trước thềm World Cup 2014, những chuyện xảy ra ở bóng đá cấp CLB đã có một tác động khác đến quá trình chuẩn bị của đội tuyển Tây Ban Nha. 
 
Phong độ của Casillas đã không bao giờ thực sự được khôi phục sau những rắc rối với Mourinho, và giờ đây David de Gea đang thể hiện tốt hơn nhiều so với anh.
 
Sức mạnh của cỗ máy truyền thông Madrid đã khiến cho Del Bosque, người cũng có một mối quan hệ cá nhân thân thiết với Casillas, gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thay đổi thủ môn. “Iker có rất nhiều quyền lực, và rất nhiều tổ chức truyền thông thân thiết đứng về phía mình,” một nguồn tin cho biết. “Ngay cả sau một mùa giải tồi tệ, anh ta đã làm tất cả mọi thứ có thể để cố giữ vị trí của mình.”
 
Vấn đề đó đã ngay lập tức được thể hiện rõ trong trận mở màn của Tây Ban Nha tại kỳ World Cup diễn ra ở Brazil, với 3 bàn thua đến từ những sai lầm của Casillas trong trận thua 1-5 trước Hà Lan. Một số chuyên gia bình luận ở thủ đô Tây Ban Nha thích hướng làn sóng chỉ trích vào Xavi, người đã có một đêm tồi tệ khác khi La Furia Roja để thua 0-2 trước Chile 5 ngày sau đó, và trở thành nhà đương kim vô địch đầu tiên bị loại chỉ sau 2 trận đấu. 
 
Tuy nhiên, vấn đề của Tây Ban Nha tại giải đấu đó chẳng liên quan gì đến mối quan hệ đại kình địch của hai CLB El Clasico cả, chỉ đơn giản là một thế hệ vàng đã hết thời. 
 
3. Trước thềm Euro 2016, vấn đề chủ nghĩa dân tộc Catalunya đã trở thành một câu chuyện gây tranh cãi xoay quanh mọi cuộc triệu tập của đội tuyển Tây Ban Nha khi các chính trị gia ủng hộ sự độc lập ở Barcelona xung đột với chủ nghĩa bảo thủ ở Madrid. 
 
Hậu vệ Gerard Pique đã ngày càng trở thành mục tiêu bị nhắm đến của các CĐV La Furia Roja và các chuyên gia bình luận do những quan điểm thẳng thắn của anh đối với vấn đề này.
 
Pique đã bị chính các CĐV Tây Ban Nha huýt sáo khi La Furia Roja chơi các trận đấu vòng quanh đất nước ở Leon, Oviedo và Alicante. Thậm chí, người ta còn nói rằng liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha đã chuyển trận giao hữu với Anh rời khỏi Bernabeu vì lo sợ Pique sẽ bị các CĐV Madrid khủng bố. 
 
Mặc dù Pique thường xuyên cố gắng giải thích rằng anh không kêu gọi Catalunya giành độc lập mà chỉ đơn giản là ủng hộ “quyền tự quyết định” của người Catalunya, hầu hết các tổ chức truyền thông đều đưa tin theo kiểu không thèm hiểu điều đó. 
 
“Nếu có ai đó từ Barcelona có những phát ngôn gây tranh cãi về thể thao và chính trị, cánh truyền thông ở Madrid sẽ thích làm dấy lên một vấn đề và tạo ra nhiều ồn ào hơn,” một nguồn tin chia sẻ. “Và báo chí Catalunya cũng sẽ làm như vậy nếu có ai đó từ Madrid có những phát ngôn gây tranh cãi. Mọi người đã xem xét các phát biểu của Pique theo một cách nhìn nhận khác và xuyên tạc lập trường của anh ấy, điều này khiến các CĐV thù ghét. Nhưng anh ấy luôn nhận được sự ủng hộ của các đồng đội và HLV trưởng… bởi vì đó là Pique. Bởi vì anh ấy rất xuất sắc. Nếu đó là một gã kém cỏi hơn, có thể anh ta sẽ gặp phải những vấn đề lớn hơn.”

Ramos và Pique gạt bỏ mâu thuẫn mỗi khi lên tuyển. Ảnh: Getty Images
 
Các CĐV khắp Tây Ban Nha đã hò reo khi Pique đánh đầu ghi bàn thắng quyết định vào cuối trận đấu mở màn của Tây Ban Nha ở Euro 2016 trước CH Czech. “Các CĐV đã nhận ra rằng đây là bóng đá, không phải một cuộc thi về lòng yêu nước,” anh nói sau trận đấu. Tuy nhiên, sự bình yên không kéo dài. Del Bosque đã không thể xây dựng một đội bóng mới, và một Tây Ban Nha rời rạc đã dễ dàng bị Italy đánh bại với tỷ số 2-0 ở vòng 16 đội. 
 
Vị HLV trưởng tiếp theo của ĐTQG này là Julen Lopetegui, người đã từng khoác áo cả hai CLB El Clasico khi còn là một cầu thủ. Trong 2 năm đầu tiên làm việc, Lopetegui đã xoay sở một cách khéo léo với từng vấn đề chính trị và xã hội mà ông gặp phải. Khi những câu từ yêu nước mới được đề xuất cho bài quốc ca không lời nổi tiếng của Tây Ban Nha, một động thái được thực hiện để kích động một phản ứng ở Catalunya, ông đã từ chối tham gia vào cuộc tranh cãi. Ông cũng thường xuyên ủng hộ lập luận của Pique rằng chẳng có mâu thuẫn nào giữa quan điểm của anh về chủ nghĩa dân tộc Catalunya trong khi đại diện cho Tây Ban Nha cả. 
 
Không có gì ngạc nhiên khi Real Madrid là đội bóng có nhiều cầu thủ nhất trong đoàn quân mà Lopetegui mang đến World Cup 2018 với 7 người, vì họ đã giành được đến 4 chức vô địch Champions League trong 5 mùa giải. 
 
Sau đó, chuyện lợi ích riêng của câu lạc bộ đã làm giảm đi các cơ hội của ĐTQG theo một cách chưa từng xảy ra trước đây. 
 
Lopetegui đã chấp nhận một lời đề nghị trước giải đấu để trở thành HLV trưởng của Real Madrid sau khi cuộc hành trình của Tây Ban Nha ở Nga kết thúc. Điều này dẫn đến việc chủ tịch của liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha Luis Rubiales đã sa thải ông vì cho rằng đây là một hành động “tạo phản” khi tin tức này được lan truyền vào thời điểm 2 ngày trước trận mở màn của họ. La Furia Roja sau đó đã vượt qua vòng bảng dưới sự dẫn dắt của vị HLV trưởng tạm quyền được bổ nhiệm một cách vội vàng, Fernando Hierro trước khi thua đội chủ nhà trong loạt sút luân lưu ở vòng 16 đội. 
 
Lopetegui chắc chẳn nhận thức được rằng việc chấp nhận lời đề nghị của Perez sẽ khiến ông gặp rắc rối ở bất cứ đâu bên ngoài Bernabeu. Tuy nhiên, chẳng có tình cảm riêng tư hay “lòng trung thành với CLB” nào khiến ông đưa ra quyết định đó cả, chỉ đơn giản là thực tế rằng ông đã được đề nghị một công việc và một thử thách hấp dẫn hơn – theo như một nguồn tin thân thiết với Lopetegui cho biết.
 
4. Khi Rubiales chọn Luis Enrique trở thành người thay thế Lopetegui, một số người đã đoán rằng vị cựu HLV trưởng của Barcelona sẽ hướng sự tập trung của mình trở lại đội chủ sân Camp Nou, đặc biệt là khi mối quan hệ của ông với Real Madrid đã trở nên cực kỳ chua chát sau thương vụ chuyển nhượng gây sốc từ đội chủ sân Bernabeu sang Barcelona vào năm 1996. 
 
Tuy nhiên, đội hình đầu tiên mà ông triệu tập vào tháng 8 năm 2018 bao gồm đến 6 cầu thủ Real Madrid, trong khi Barcelona chỉ có 2 cầu thủ, và chẳng hề có dấu hiệu nào của sự thiên vị khi triều đại của ông tiếp tục. Điều này cũng phản ánh khuynh hướng chung của nền bóng đá và tình hình kinh tế trong thực tế – những tài năng trẻ xuất sắc nhất của Tây Ban Nha đã không còn được sản sinh bởi La Masia hay bị Perez chớp lấy nhanh chóng. Thay vào đó, họ quyết định chuyển ra ngoài Tây Ban Nha để có được những cơ hội hấp dẫn hơn, chủ yếu là đến Premier League, nhưng cũng có những người cập bến Đức, Pháp và Italy. 
 
Trong những tháng tiếp theo, mạng lưới của Enrique đã được mở rộng hơn trong nỗ lực xây dựng một đội hình Tây Ban Nha đủ mạnh mẽ để giành lấy những chức vô địch khác. Khi Luis Enrique tạm từ chức vì các lý do gia đình, trợ lý cũ của ông, Robert Moreno, đã tiếp tục triển khai đường lối đó: Cuộc hành quân đến Na Uy trong chiến dịch vòng loại của Euro 2020, diễn ra vào tháng 10 năm 2018, là lần đầu tiên sau 99 năm của bóng đá cấp ĐTQG, trải qua 699 trận đấu chính thức, mà đội hình xuất trận của Tây Ban Nha bao gồm các cầu thủ đến từ 11 CLB khác nhau. 
 
Điều này đã đi ngược lại với một sách lược được ưa chuộng rộng rãi ở bóng đá cấp ĐTQG, nơi mà các nhà cầm quân luôn muốn tận dụng những sự gắn kết được tạo nên ở bóng đá cấp CLB và các mối quan hệ cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Nhưng Tây Ban Nha chỉ đơn giản là không có sự lựa chọn đó. “Tôi muốn có 7 cầu thủ đến từ cùng một đội bóng, chơi cùng nhau mỗi tuần, nhưng điều đó đã không thể diễn ra,” Moreno chia sẻ sau khi trận đấu ở Oslo kết thúc một cách đáng thất vọng với tỷ số hòa 1-1.

Đội hình ra sân của Tây Ban Nha trong trận đấu với Ba Lan vừa qua. Ảnh: Getty Images
 
Rất rõ ràng rằng, Real Madrid và Barcelona đã không còn là những CLB có thể dựa dẫm vào để tìm kiếm các cầu thủ có khả năng đóng vai trò nòng cốt cho ĐTQG.  
 
Đã khá lâu rồi, những cầu thủ trẻ người Tây Ban Nha đã phải rất chật vật trong việc tạo dựng chỗ đứng cho bản thân ở cả Camp Nou và Bernabeu. Có ba cầu thủ Real Madrid đã thi đấu cho Tây Ban Nha trong chiến thắng trước Đức ở trận chung kết U21 Euro vào năm 2019, nhưng họ đều đã dành mùa giải trước để thi đấu theo dạng cho mượn ở những đội bóng khác (Dani Ceballos tại Arsenal, Jesus Vallejo tại Granada và Borja Mayoral tại Roma) và đã không chơi đủ tốt để được xem xét triệu tập lên ĐTQG. 
 
Bên cạnh đó, có 3 thành viên của Tây Ban Nha tham dự kỳ Euro 2020 này đã từng trải qua hệ thống La Fabrica của Real Madrid – Alvaro Morata, Pablo Sarabia và Diego Llorente – nhưng tất cả đã rời khỏi đội chủ sân Bernabeu từ lâu để có thể được ra sân thường xuyên hơn. 
 
Tuy nhiên, chi tiết gây sốc nhất trong thông báo triệu tập cầu thủ hành quân đến kỳ Euro 2020 này chính là việc lần đầu tiên từ trước đến nay không có một cầu thủ Real Madrid nào góp mặt trong đoàn quân Tây Ban Nha tham dự một giải đấu. 
 
“Luis Enrique đã xúc phạm đội bóng quan trọng nhất trong lịch sử,” là một phản ứng rất dễ hiểu từ Eduardo Inda, giám đốc công ty truyền thông trực tuyến của OKDIARIO và là một “fan cứng” của Florentino Perez. “Việc khiến cho Real Madrid không có một đại diện nào là một động thái đáng chê trách cả về mặt đạo đức và thể thao.”
 
Một lần nữa, những kẻ mù quáng đã dẫn đến tình trạng hiểu sai câu chuyện – cũng có thể là cố tình hiểu sai – và chẳng có yếu tố “chính trị” nào đằng sau các cầu thủ được triệu tập, theo như một nguồn tin hiểu rõ về cả tình hình của ĐTQG và Real Madrid nhận định. 
 
“Sergio Ramos, Lucas Vazquez và Dani Carvajal đang dính chấn thương khi danh sách triệu tập được công bố,” nguồn tin này chia sẻ. “Isco và Asensio bị loại vì không có phong độ cao. Những quyết định này hoàn toàn không có sự ảnh hưởng của yếu tố chính trị. Trước đó, ông ấy (Enrique) đã luôn chọn các cầu thủ Madrid. Còn lần này thì chỉ đơn giản là vì 3 cầu thủ xuất sắc nhất của họ đều dính chấn thương.”
 
Những người tỏ ra bất mãn với Enrique ở thủ đô Tây Ban Nha chắc chắn cũng nhận thức rõ rằng đội bóng có nhiều cầu thủ góp mặt nhất trong đoàn quân La Furia Roja tham dự Euro 2020 chính là nhà đương kim vô địch Premier League, Manchester City, bao gồm Eric Garcia, Ferran Torres, Aymeric Laporte và Rodri. 
 
Barcelona có 3 cầu thủ góp mặt trong đoàn quân tham dự Euro 2020 là Busquets, Jordi Alba và tiền vệ 18 tuổi Pedri. Ngoài ra, có 4 thành viên khác mang “DNA của Barca” – Alcantara của Liverpool, Adama Traore của Wolves, Dani Olmo từ RB Leipzig và Garcia, người sẽ trở lại đội chủ sân Camp Nou từ Manchester City khi hợp đồng của anh hết hạn sau 2 tuần nữa. Nhưng chính sự thực dụng, thay vì bất kỳ tình cảm riêng tư dành cho một CLB nào, mới là thứ đóng vai trò nền tảng cho những suy nghĩ của Enrique. Ông là một nhà cầm quân “bướng bỉnh”, có ý tưởng rất rõ ràng về những gì mình muốn làm. Trong số 23 cầu thủ được chọn để tham dự Euro có đến 14 cầu thủ đang thi đấu bên ngoài La Liga – 10 cầu thủ dàn trải ở 7 CLB Premier League khác nhau, 4 cầu thủ còn lại đang chơi cho các CLB Leipzig, Paris Saint-Germain, Napoli và Juventus. 
 
“Ý tưởng và cách nhìn nhận cuộc chơi của Enrique đã được định hình và thể hiện từ thời còn làm việc cho Barcelona, cả trong tư cách cầu thủ và HLV,” một người đồng đội cũ nhận xét. “Luis có một sự pha trộn – cậu ấy gắn bó với Barca, nhưng cũng hiểu rõ ĐTQG từ thời còn là một cầu thủ.”
 
Đội hình xuất trận được sử dụng trong trận đấu đầu tiên của Tây Ban Nha trước đối thủ Thụy Điển, bao gồm các cầu thủ từ 7 CLB, cùng với đó là 3 cầu thủ từ các đội bóng khác nhau tham gia vào trận đấu từ băng ghế dự bị. Và gần như chắc chắn sẽ có thêm những thay đổi khác được Enrique thực hiện tại kỳ Euro này. 
 
“Luis Enrique đang cố gắng thay đổi ĐTQG và khai thác tốt nhất những cầu thủ mà ông ấy sở hữu,” một nguồn tin thân cận với ĐTQG Tây Ban Nha chia sẻ. “Ông ấy đang xây dựng một đội bóng mới, điều này không hề dễ dàng. Đó là một tập thể rất mới mẻ – chúng tôi vốn đã quen với việc có 5 hoặc 6 cầu thủ từ Madrid, và 5 hoặc 6 cầu thủ Barca, cùng với một vài người từ Atletico, và các nòng cốt của đội chỉ đến từ những CLB đó. Giờ đây, họ đến từ nhiều CLB khác nhau.”
 
Việc không thể triệu tập các cầu thủ đến từ những đội bóng La Liga đang thống trị Champions League, như những người tiền nhiệm Del Bosque và Lopetegui, rõ ràng sẽ khiến nhiệm vụ của Enrique trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
 
Tuy nhiên, những cảm xúc và căng thẳng xoay quanh đội bóng giờ đây không hề ở trong tình trạng có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào như trong quá khứ – cho dù là do những mưu đồ của Mourinho, hay quan điểm chính trị bị xuyên tạc của Pique. Có thể sẽ không cần bất kỳ cuộc điện thoại khó xử nào để giải quyết những vấn đề tiêu cực được tạo nên ở bóng đá cấp CLB trong tương lai gần, trong khi việc thiếu vắng những ngôi sao lớn từ một trong hai CLB El Clasico cũng đã làm giảm đi sự kỳ vọng vào giải đấu này của công chúng Tây Ban Nha. 
 
Tình hình này có thể sẽ có lợi cho đoàn quân Tây Ban Nha tại Euro 2020; họ có thể thực hiện công việc của mình mà không có sự chia rẽ nội bộ nào hoặc những áp lực từ bên ngoài tương tự như các tập thể trước đây phải đương đầu, vào những thập kỷ trước. 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.