"Sóng gió" hậu trường Liverpool: The Reds sa sút trầm trọng là do đâu?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 09/02/2023 16:54(GMT+7)

Zalo

Có thể nói, với sự ra đi của những nhân vật quan trọng phía sau hậu trường, Liverpool giờ đây không chỉ là một đội bóng đang ở trong giai đoạn chuyển giao, mà còn là cả một CLB đang ở trong giai đoạn chuyển giao.   

329878055_948133723236364_871307427479548407_n
 

“CLB này đã tạo ra một hệ thống giúp tôi có thể nắm bắt tất cả thông tin về những cầu thủ giỏi nhất,” Jurgen Klopp khẳng định tại phòng họp thứ sáu của khách sạn Hope Street, đây cũng chính là nơi mà ông đã ký vào bản hợp đồng trở thành HLV trưởng của Liverpool vào năm 2015. 

Thời điểm ấy là sắp tròn 3 năm kể từ khi nhà cầm quân người Đức nắm quyền tại The Reds, nhưng đoàn quân của Klopp vẫn chưa thể giành được bất kỳ một danh hiệu nào, với những lần gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường bao gồm các trận chung kết League Cup và Europa League vào năm 2016, sau đó là Champions League vào năm 2018. 

Tuy nhiên, Klopp không hề nao núng. Ông có niềm tin rất vững chắc rằng, Liverpool đang có được những con người và một hệ thống cực kỳ chất lượng phía sau hậu trường, qua đó đảm bảo rằng sớm muộn gì cũng sẽ đến lúc CLB này đạt được hết thành công này đến thành công khác. 

Sự điềm tĩnh và tự tin của Klopp về sau đã được chứng minh là hoàn toàn chính xác. Liverpool sẽ sớm đạt được phong độ thăng hoa chưa từng thấy, trở thành đội bóng Anh đầu tiên cùng lúc giành được cúp châu Âu, siêu cúp châu Âu, FIFA Club World Cup và chức vô địch quốc gia. 

Sóng gió hậu trường Liverpool The Reds sa sút trầm trọng là do đâu 1
Michael Edwards trong lễ ăn mừng chức vô địch Champions League của Liverpool năm 2019

Bên cạnh Manchester City, họ đã thực hiện những động thái “tái thiết kế” cần thiết để có thể lên ngôi vô địch bóng đá Anh. Ở đấu trường châu lục, họ là một đội bóng không ai muốn phải đụng độ. 

Liverpool đã hoạt động cực kỳ thông minh bên ngoài sân cỏ để châm ngòi cho sự thăng hoa đó; với những nhân vật chính bao gồm Klopp, chủ tịch của FSG Mike Gordon, và giám đốc thể thao Michael Edwards.

Nhưng giờ đây, “bộ ba nhà thông thái” đó chỉ còn lại vị HLV trưởng người Đức và khi phân tích những gì đã xảy ra tại Anfield – Liverpool đã thua 7 trận, kém top 4 tới 11 điểm, bị loại khỏi mọi đấu trường cúp quốc nội, và đang khủng hoảng bản sắc trầm trọng – thì việc xem xét kỹ cuộc “chảy máu chất xám” đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình cảnh hiện tại của CLB này. 

Bộ ba Klopp-Edwards-Gordon đã hoạt động một cách tuyệt vời cả trên phương diện chuyên môn lẫn cá nhân. Cả 3 đều có tính cách rất khác nhau, nhưng họ đã được liên kết với nhau bằng tinh thần hợp tác, trung thực, dưới một tầm nhìn chung về việc Liverpool nên trở thành một CLB, một đội bóng như thế nào, và làm sao để đạt được sức mạnh tranh đấu ngôi vương tại các đấu trường một cách bền vững. 

Klopp và Edwards sẽ ngẫu nhiên thảo luận với nhau về những cầu thủ có triển vọng, những nhân viên mới tiềm năng, về chuyện cải thiện cơ sở hạ tầng bóng đá và các vấn đề quan trọng khác trong bữa sáng hoặc bữa trưa tại trung tâm huấn luyện, trước khi tiến hành phân tích chi tiết hơn.   

Họ sẽ trình bày tầm nhìn của mình với Gordon, người đã cung cấp tiền bạc và bất kỳ sự hỗ trợ cần thiết nào khác, giống như khi ông can thiệp để nối lại đàm phán với Southampton nhằm chiêu mộ Virgil Van Dijk. 

Sóng gió hậu trường Liverpool The Reds sa sút trầm trọng là do đâu 2
 

Mối quan hệ hợp tác giữa Klopp, Edwards và Gordon là cực kỳ vững chãi, giúp thúc đẩy sự uy quyền, tính chắc chắn và hài hoà trong việc ra quyết định tại Liverpool. 

Hồi tháng 11 năm 2021, Edwards đã xác nhận rằng ông sẽ từ chức sau khi bản hợp đồng với The Reds kết thúc vào tháng 6 năm 2022, và tạm thời rút khỏi thế giới bóng đá để nghỉ ngơi một thời gian. 

Vào mùa giải này, Gordon đã rút khỏi công việc điều hành CLB hàng ngày để tập trung vào kế hoạch của Fenway Sports Group về tương lai của Liverpool. 

Hai trong số 3 người đàn ông quan trọng nhất trong việc đảm bảo cho sự thành công của CLB đã “bỏ rơi” Klopp, nhưng đây vẫn chỉ mới là “lớp ngoài cùng” của câu chuyện. 

Cuộc “chảy máu chất xám” tại hậu trường Liverpool đã tiếp tục trở nên trầm trọng hơn. Khi tin tức về việc Michael Edwards ra đi được công bố, The Reds đã khẳng định “sự tiếp nối và một giai đoạn chuyển giao được quản lý tốt” thông qua việc bổ nhiệm Julian Ward trở thành người kế nhiệm của Edwards. 

Nhưng vào tháng 11, Ward cũng đã thông báo rằng anh sẽ từ chức và rời Liverpool vào cuối mùa giải, chỉ sau 1 năm đảm nhận vị trí này. 

Một tin tức khác cũng rất đáng lo là Ian Graham, vị giám đốc bộ phận nghiên cứu được nhiều người đánh giá là nhân vật giỏi nhất trong lĩnh vực này, cũng sắp rời CLB chủ sân Anfield. 

Người ta đồn rằng cặp đôi này đã “cảm thấy bản thân không còn được trao quyền để có thể phát huy hết khả năng trong công việc của mình.”

Ngay trước ngày mùa giải khởi tranh, với bối cảnh sự xích mích ngày càng gia tăng trong bộ phận y tế của CLB giữa các nhà vật lý trị liệu và các nhà khoa học thể thao, bác sĩ Jim Moxon đã ra đi mà không có một lời giải thích nào. 

Vào năm 2020, Philipp Jacobsen đã thôi giữ chức vụ trưởng phòng hiệu năng và phục hồi y tế. Nhiệm vụ của ông là dẫn dắt bộ phận này và tạo ra một đường lối làm việc độc đáo, nhưng ông nhận thấy rằng chuyện này gần như là bất khả thi.     

Có rất nhiều người tại khu phức hợp huấn luyện cho rằng Andreas Kornmayer, trưởng bộ phận thể lực và sức khoẻ và là một trong những trợ thủ đáng tin cậy nhất của Klopp, có quá nhiều quyền lực, tầm ảnh hưởng và rất khó làm việc cùng.

Nhưng đối trọng với điều đó là thể lực tuyệt vời mà Kornmayer giúp cho các cầu thủ của Klopp có được trong các mùa giải trước và sự tôn trọng của họ.

Sóng gió hậu trường Liverpool The Reds sa sút trầm trọng là do đâu 3
Liverpool đang phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng

 

Tình trạng “tan đàn xẻ nghé” của bộ phận y tế tại Liverpool cũng thực sự nghiêm trọng, và thậm chí cuộc “chảy máu chất xám” vẫn chưa dừng lại ở đó. 

The Reds cũng đã mất đi sự phục vụ của một số nhân viên cừ khôi đóng vai trò cực quan trọng đối với một quy trình chặt chẽ, chất lượng cao, chẳng hạn như Harrison Kingston, người đã rời đi để trở thành giám đốc bộ phận phân tích hiệu suất của liên đoàn bóng đá Ma-rốc, và Mark Leyland, hiện đang là chuyên gia phân tích video của đội một Newcastle.  

Tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra liên tục này đã khiến cho Liverpool không chỉ trở thành một đội bóng đang ở trong giai đoạn chuyển giao, mà là cả một CLB đang ở trong giai đoạn chuyển giao. 

“Mọi người chủ yếu tập trung vào chuyện Liverpool đã không thực hiện tốt nhiệm vụ làm mới đội hình, nhưng trên thực tế chuyện đó cũng diễn ra với cả đội ngũ nhân sự phía sau hậu trường nữa,” một nhân viên của CLB chia sẻ. 

“Rất nhiều nhân vật chủ chốt đã rời đi, có một số người đã giành được quá nhiều quyền lực. Giờ đây, các quyết định được đưa ra không còn đi kèm với niềm tin lớn lao nữa.” 

Vậy, câu châm ngôn “tin tưởng vào quá trình” chẳng thể được áp dụng cho Liverpool của thời điểm hiện tại, phải chứ? 

Trong kỷ nguyên Klopp, The Reds đã rao giảng một lý lẽ rằng, những gì bạn nhìn thấy trên sân đấu là sản phẩm của những gì diễn ra bên ngoài nó. Do đó, phải chăng cuộc khủng hoảng bản sắc của hiện tại cũng đang nói lên rằng hậu trường của Liverpool đang ở trong tình trạng cực kỳ bất ổn? 

Khi việc ra quyết định được thực hiện tốt – với nền tảng là những thông số rõ ràng, dữ liệu thông minh, và nhận được sự đồng tình của tập thể – Liverpool là một đội bóng đứng giữa lằn ranh “xuất sắc nhất” và “xuất sắc thứ hai” châu Âu. 

Họ đã mua người với những phân tích cực kỳ chi li, cân nhắc độ tuổi, tiềm năng phát triển thêm, tính khả dụng, dự đoán thiên hướng về mặt tâm lý và tinh thần khi thực hiện các yêu cầu trong phong cách bóng đá của Klopp. 

Họ cũng rất giỏi trong việc bán người – chỉ đứng dưới Chelsea, CLB đã biến mình thành một cỗ máy kiếm lợi nhuận dưới thời Roman Abramovich.

Khả năng lập kế hoạch dài hạn khi ấy của The Reds xuất sắc đến mức học viện của CLB từng dành ra 3 tháng để chuyển đổi Trent Alexander-Arnold thành hậu vệ phải một cách nghiêm túc, với niềm tin mạnh mẽ rằng đây chính là con đường ngắn nhất để chàng trai này có thể đột phá lên đội một.   

Sóng gió hậu trường Liverpool The Reds sa sút trầm trọng là do đâu 4
Trent Alexander Arnold đã thi đấu rất trưởng thành dưới thời của Jurgen Klopp

Hệ thống này từng hoạt động hiệu quả đến mức nó đã được sao chép trên khắp lục địa. Sau đó, nó đột nhiên chững lại, sa sút hoặc tan tành, tuỳ vào lời kể của thành viên Liverpool FC mà bạn trò chuyện.

Tình huống hiện tại đã được nhen nhóm bởi một giai đoạn quan trọng từ năm 2019 đến 2021. Trước khi Liverpool được nâng cao chiếc cúp Champions League ở Madrid và sau khi họ giành được tới 97 điểm tại Premier League chỉ để đứng sau Manchester City trong cuộc đua vô địch, họ đã ưu tiên chính sách đảm bảo nguyên vẹn các nhân tố “xương sống” của mình. 

Mohamed Salah, Sadio Mane, Jordan Henderson và Joe Gomez đã được gia hạn hợp đồng vào năm 2018. Tiếp theo là Andy Robertson, Alexander-Arnold, Divock Origi, Joel Matip và James Milner vào mùa hè sau đó.  

“Các bản hợp đồng mới và động thái giữ chân những chàng trai này là một tín hiệu mạnh mẽ mà chúng tôi gửi đến thế giới,” Klopp tuyên bố. 

Vào thời điểm đó, chiến lược này có ý nghĩa rất lớn, bởi vì nhóm cầu thủ nòng cốt này, theo như nhà cầm quân người Đức đã khẳng định, đang ở trong một giai đoạn hoàn hảo của sự nghiệp để tiến xa hơn nữa. Liverpool chẳng lâm vào cảnh mất đi những cầu thủ chủ chốt, họ cũng chẳng tiêu xài tiền bạc hoang phí, và quan trọng nhất là họ đã thủ sẵn kế hoạch dần dần làm mới đội hình trong khi vẫn duy trì một đội ngũ có khả năng cạnh tranh các danh hiệu. 

Sóng gió hậu trường Liverpool The Reds sa sút trầm trọng là do đâu 5
Mohamed Salah đã được Liverpool gia hạn vào tháng 7 năm ngoái

Nhưng khi tua nhanh đến tháng 6 năm 2021, Liverpool vẫn xem việc giữ chân nhóm “xương sống” là nhiệm vụ hàng đầu. Những cầu thủ duy nhất được bổ sung vào đội với tư cách các cái tên thường xuyên đá chính vào thời điểm đó là Thiago và Diogo Jota, trong khi Harvey Elliott là một “viên kim cương thô”. 

Ibrahima Konate đã được chiêu mộ một tháng sau đó với tư cách khoản đầu tư lớn duy nhất của The Reds vào mùa hè ấy. 

Liverpool đã ở một vị thế mà các nhân tố “xương sống” sẽ có thêm 2 năm thi đấu không ngừng nghỉ - với cường độ cao nhất có thể - đối với cả đôi chân lẫn tâm trí của họ. “Độ tuổi bóng đá tuyệt vời” đang dần trôi qua. 

CLB không muốn ký hợp đồng dài hạn và tăng lương đáng kể cho các thành viên lớn tuổi trong đội, vậy nên họ đã để cho Gini Wijnaldum ra đi tự do. 

Tuy nhiên, Henderson, Fabinho, Alisson, Robertson và Van Dijk đã được ràng buộc vào những bản hợp đồng dài hạn và béo bở, đòi hỏi họ vẫn phải thi đấu cường độ cao ở độ tuổi tam tuần sau những mùa giải cày ải khủng khiếp.

Khen thưởng những cầu thủ quan trọng và bảo vệ giá trị của họ là việc hết sức bình thường và chính đáng, nhưng vấn đề là nội bộ Liverpool chẳng hề có sự nhất trí hoàn toàn về thời gian gia hạn và thời hạn của các bản hợp đồng.

Một vấn đề lớn khác là nhóm cầu thủ nòng cốt đã không được bổ sung hợp lý và việc cắt giảm đội hình – cộng với hoá đơn trả lương – cũng chẳng được thực hiện tốt. 

Đúng là những ảnh hưởng mà COVID-19 gây nên đối với khía cạnh kinh tế và TTCN đã đóng vai trò rất lớn trong chuyện này, nhưng nên nhớ rằng không ít những CLB có nguồn lực eo hẹp hơn đã điều hướng chuyện thu và chi tốt hơn Liverpool. 

Từng có một khả năng không hề nhỏ rằng nếu đại dịch không xảy ra, một vụ bán người “bom tấn” sẽ được Liverpool thực hiện và qua đó tài trợ cho một công cuộc trẻ hoá mạnh mẽ, tương tự như vụ chuyển nhượng đưa Philippe Coutinho tới Barcelona với mức phí 142 triệu bảng. 

Barca và Real Madrid đã thể hiện sự quan tâm đến Mane và Salah, nhưng CLB chủ sân Santiago Bernabeu cuối cùng lại chọn mua Eden Hazard, và cả hai CLB đều đã tự chuốc lấy những khó khăn về tài chính. 

Paris Saint-Germain tuy cũng có hứng thú với các ngôi sao của Liverpool, nhưng ưu tiên của họ là Kylian Mbappe và Lionel Messi.

Sóng gió hậu trường Liverpool The Reds sa sút trầm trọng là do đâu 6
Đã không thực hiện được những vụ bán người bom tấn để tái đầu tư, Liverpool còn gặp khó khăn trong việc thanh lý các cầu thủ không nằm trong kế hoạch. 

Trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2021, song song với việc khiến mọi người trầm trồ với những gì làm được trên sân cỏ, Liverpool cũng đã có những bước tiến đầy vững vàng vào… vùng nguy hiểm. Tình hình đã trở nên trầm trọng hơn kể từ đó. 

Tiền vệ đã thành danh duy nhất gia nhập CLB này kể từ tháng 8 năm 2018 là Thiago, một cầu thủ thường xuyên phải ngồi ngoài vì chấn thương, vào tháng 9 năm 2020. 

Dẫu cho tuyến thi đấu này của Liverpool đang phải gánh theo những cầu thủ nằm viện nhiều hơn ra sân như Naby Keita và Alex Oxlade-Chamberlain, những đôi chân mệt mỏi của Jordan Henderson và James Milne, cũng như những cầu thủ trẻ non nớt, nhưng họ đã hết lần này đến lần khác chẳng thèm đoái hoài tới việc nâng cấp nó. 

Liverpool cần phải đại phẫu hàng tiền vệ với việc Milner, Keita và Oxlade-Chamberlain sắp hết hạn hợp đồng, trong khi Fabinho và Henderson đang sa sút phong độ rõ rệt. 

Tuyến giữa của họ đang phải trông cậy vào một cầu thủ chỉ mới 18 tuổi là Stefan Bajcetic. Thật khó hiểu khi họ xem Arthur Melo, một cầu thủ có tiền sử chấn thương dày đặc, là một giải pháp cho trung tuyến đang xuống cấp trầm trọng của mình. 

Gần đây, Liverpool đã cho phép Sadio Mane ra đi tìm kiếm thử thách mới vào mùa hè năm ngoái và biến Salah thành cầu thủ được trả lương cao nhất lịch sử CLB. 

Từ lâu người ta đã xác định rằng việc tái tạo bộ ba tấn công đã giúp Liverpool thành công rực rỡ trên sân cỏ sẽ là một thách thức vô cùng lớn. 

Luiz đã thích nghi xuất sắc trước khi dính chấn thương đầu gối, trong khi Darwin Nunez đang gây ra rất nhiều tranh cãi. 

Tân binh người Hà Lan Cody Gakpo, ngôi sao vừa trải qua một kỳ World Cup đầy ấn tượng, vốn được “phác thảo” là một sự thay thế cho Firmino, nhưng hiện tại tuyển thủ Brazil 31 tuổi này lại đang ở trong quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng với CLB, một động thái đầy khó hiểu, có thể được coi là thiếu khôn ngoan, bên cạnh các kế hoạch giữ chân Milner. 

Sóng gió hậu trường Liverpool The Reds sa sút trầm trọng là do đâu 7
Nhiều nguồn tin cho rằng Gakpo và Nunez là những bản hợp đồng do ban huấn luyện cầm trịch. 

Trong năm qua, Liverpool đã chi đến 180 triệu bảng cho hàng công của mình trong một công cuộc đổi mới động lực đầy tốn kém mà họ hy vọng rằng sẽ mang đến lợi ích lâu dài. 

Một trong những điều gây tò mò nhất hiện tại là việc Salah chẳng còn là “lưỡi gươm” chủ chốt nữa và bị cô lập ở ngoài cánh, với dấu hiệu rõ rệt nhất chính là số lượng cú dứt điểm suy giảm trầm trọng của siêu sao người Ai Cập. Salah vẫn không ngừng là Salah, chỉ là hệ thống của Liverpool không còn cho phép anh “chơi như Salah” nữa. 

Dù là một đội ngũ gồm toàn những con người thông minh, nhưng một số quyết định mà Liverpool đưa ra thực sự rất khó hiểu. 

Thật khó để tin rằng đội bóng này chỉ mới ngày nào từng rất gần với giấc mơ “ăn bốn”. Giờ đây hàng thủ của họ đã để thủng lưới tới 28 bàn – nhiều hơn cả 2 mùa 2018-19 và 2021-22. Chưa hết, tỷ lệ chuyển hoá thành công các cơ hội ngon ăn của The Reds đang ở mức thấp nhất kể từ mùa 2015-16. 

Sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần là một phần nguyên nhân, nhưng nghiêm trọng nhất chính là quy mô của các vấn đề chấn thương – đặc biệt là chấn thương gân kheo. 

Liverpool cần phải mau chóng khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả của bộ phận y tế, cũng như dập tắt những “đám cháy” đang tồn tại đâu đó giữa các bộ phận huấn luyện, hiệu suất và tuyển dụng. 

Klopp từng có thể điềm tĩnh và “bình chân như vại” sau 3 năm chẳng giành được danh hiệu nào với The Reds, bởi ông tin rằng mình đang nhận được sự hỗ trợ từ những bộ não xuất sắc phía sau hậu trường CLB, và một cỗ máy chiến thắng đang dần được hoàn thiện nhờ một chiến lược hoạt động hiệu quả. Nhưng giờ đây Liverpool đã chẳng còn là một CLB như vậy nữa. 

Hy vọng rằng CLB này có thể tìm lại được hình ảnh trước đây của họ: Một tấm gương ở cả trong lẫn bên ngoài sân cỏ. 

Theo Melissa Reddy, Sky Sports.

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

X
top-arrow