Solskjaer vẫn chưa giải quyết được vấn đề đáng lo nhất của Man Utd

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 02/11/2020 17:32(GMT+7)

Một câu lạc bộ có tầm vóc như Man United cần phải thể hiện được nhiều điều hơn là chỉ biết chơi phản công. Trên thực tế, không một đội bóng mang tham vọng vô địch nào lại chỉ biết sử dụng duy nhất cách thi đấu này.

Thất bại trước Arsenal đã mang đến thêm một bằng chứng chỉ ra rằng Manchester United của Solskjaer chỉ biết chơi phòng ngự phản công. 

 
Lần gần nhất Manchester United khởi đầu mùa giải tại bóng đá Anh với một chuỗi thành tích tồi tệ trên sân nhà, họ đã đứng thứ 18 chung cuộc. Thế giới bóng đá đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 1973 và không một ai nghĩ rằng Quỷ Đỏ sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuống hạng ở mùa giải này, nhưng ngay cả khi ánh hào quang ấm áp của chiến thắng hoành tráng 5-0 trước RB Leipzig hôm thứ Tư vẫn còn đọng lại, thì mức kỳ vọng tại đấu trường quốc nội có lẽ đang được điều chỉnh lại. Khoảng cách giữa đội chủ sân Old Trafford và đội đầu bảng giờ đây đã là 9 điểm. 
 
Chắc chắn, câu hỏi mà tất cả mọi người đều đang thắc mắc về Man United là rất rõ ràng: Tại sao họ lại chơi cực kỳ hay vào hôm thứ Tư, nhưng lại tỏ ra vô cùng kém cỏi trong cả cuộc đối đầu với Chelsea vào cuối tuần trước và trận đấu với Arsenal mới đây. Câu trả lời có lẽ nằm ở việc Isaiah Berlin đã phân chia thế giới thành “những con cáo biết nhiều thứ và những con nhím chỉ biết một thứ.” Có thể khẳng định rằng, Manchester United của Solskjaer là những con nhím. Họ chỉ thực sự xuất sắc trong duy nhất một việc: Triển khai một đội hình chơi thấp, gồng mình chịu trận trước đối phương, và tìm kiếm cơ hội từ những pha phản công nhanh. 
 
Tất cả những kết quả tốt nhất của họ dưới thời Solskjaer đều được tạo nên theo cách đó và điều này nói lên một thực tế rằng, đặc biệt là khi họ chạm trán những đội bóng hàng đầu, bàn thắng đầu tiên được ghi trong trận đấu sẽ đóng một vai trò then chốt: Như Leipzig đã nhận thấy, nếu bạn bị Man United dẫn trước và đánh mất sự kỷ luật của mình, bạn có thể sẽ bị họ hủy diệt. Nhưng đây cũng là lý do đã khiến Quỷ Đỏ không giành được chiến thắng nào trên sân nhà sau 6 trận đấu tại Premier League và tại sao cuộc đụng độ Chelsea vào cuối tuần trước là một trận đấu đầy nhàm chán, khi cả hai đội đều triển khai đội hình đá thấp và chờ đợi một cách vô vọng những không gian lý tưởng phía sau hàng thủ đối phương lộ ra. 
 
Nhưng Arsenal hoàn toàn khác Chelsea, họ đã pressing rất tích cực, và do đó trận đấu cũng diễn ra với một nguồn năng lượng hoàn toàn khác, bóng chủ yếu lăn bên phần sân Man United, đặc biệt là trước khi hiệp một kết thúc. Nhưng bên cạnh đó là một sự khan hiếm tương tự về những hành động ngay trước khung thành. Vào cuối tuần trước, tình trạng này diễn ra vì lối chơi mà hai đội áp dụng; còn vào tuần này, nguyên nhân là bởi khâu sáng tạo vốn đã được xem là một vấn đề đáng lo ngại ở đội bóng của Mikel Arteta. 
 
Một lịch trình đã đưa họ trải qua những trận đấu tại Anfield, Etihad và Old Trafford cho đến hiện tại ở mùa giải này khiến cho chúng ta rất khó đưa ra một đánh giá chính xác tuyệt đối, nhưng có vẻ như Arsenal đã chơi hơi cầu kỳ, rất miễn cưỡng trong việc bất ngờ tung ra một đường chuyền mang tính đột phá. Nhưng sau 29 trận không thắng trên sân khách trong những cuộc đối đầu với các thành viên của Big Six, thái độ thận trọng là điều rất dễ hiểu. 
 
Tuy nhiên, trong khi Arsenal – với sự xuất sắc của Thomas Partey và Mohamed Elneny – đã áp đảo Man United ở khu trung tuyến đến mức đội chủ nhà chỉ có vỏn vẹn 3 lần chạm bóng bên trong vòng cấm Pháo Thủ trước khi hiệp 1 kết thúc, thì mối đe dọa từ hai tiền đạo của Quỷ Đỏ là Marcus Rashford và Mason Greenwood vẫn luôn hiện hữu. 
 
Có một khoảnh khắc thót tim diễn ra trong hiệp một, Rashford thực hiện một đường chuyền đầy tinh tế xé toang hàng phòng ngự Arsenal để Mason Greenwood dứt điểm, tình huống đó đóng vai trò như một lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của họ – và có lẽ chính những lời gợi ý đó đã khuyến khích Solskjaer tiếp tục duy trì lối chơi phòng ngự phản công.

Nhưng một câu lạc bộ có tầm vóc như Man United cần phải thể hiện được nhiều điều hơn là chỉ biết chơi phản công. Trên thực tế, không một đội bóng mang tham vọng vô địch nào lại chỉ biết sử dụng duy nhất cách thi đấu này. 
 
Tuy nhiên, ngay cả loài nhím cũng có thể biến mình thành những quả bóng theo nhiều cách khác nhau. Nhận thấy việc Man United hoàn toàn bị lấn lướt trong hiệp một khi thi đấu với sơ đồ kim cương, tương tự như cuộc đối đầu với Leipzig, đội chủ nhà đã chuyển sang sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 với Pogba chủ yếu hoạt động bên hành lang cánh phải. Sự điều chỉnh này đã làm giảm đi tầm ảnh hưởng của các hậu vệ cánh bên phía Arsenal và giúp thế trận của hiệp hai trở nên cân bằng hơn so với hiệp một.

Tuy nhiên, hai đội vẫn tỏ ra rất yếu kém về khả năng sáng tạo và luôn có cảm giác rằng, nếu có một bàn thắng đến thì nó sẽ xuất phát từ một sai lầm. Rốt cục, đã có hai sai lầm xuất hiện, và cả hai đều đến từ Paul Pogba: Đầu tiên là việc anh không chú ý đến pha di chuyển của cầu thủ mà đáng lẽ mình nên “chăm sóc” bên phía đối phương và sau đó là một pha phạm lỗi khiến Man United phải nhận một quả penalty. 
 
Pogba, như mọi khi, sẽ hứng chịu phần lớn sự chỉ trích. Điều đó rất dễ hiểu; tiền vệ người Pháp đã “tặng” cho đội khách 2 quả penalty trong 3 trận đấu trên sân nhà gần nhất của Man United và đến lúc này vẫn chưa một ai tìm ra được vị trí/ vai trò thi đấu phù hợp nhất dành cho anh. Nhưng vấn đề đáng lo ngại nhất của Quỷ Đỏ vào thời điểm này không phải là tiền vệ người Pháp.
 
Sự nghi ngờ về Solskjaer ngay từ đầu là liệu ông có đủ khả năng để giúp Manchester United tổ chức những tình huống tấn công chất lượng cao hay không – và đó chính là yếu tố đã giúp tạo dựng danh tiếng của những nhà cầm quân hàng đầu thế giới. Ngay cả các chiến thắng giành được trước những đội bóng tấn công táo bạo cũng chẳng thể xóa bỏ được sự nghi ngờ đó. 
 
Chỉ cần triển khai một đội hình đá thấp như Chelsea, hoặc pressing thông minh như Arsenal, và Man United sẽ trở nên vô hại. Đây là một vấn đề rất lớn. “Bọn nhím” không bao giờ nắm quyền kiểm soát cuộc chơi, và chúng hiếm khi giành được chức vô địch. 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Ole Gunnar Solskjær fails to solve Manchester United's prickly problem” của tác giả Jonathan Wilson, đăng tải trên The Guardian.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.