Sevilla: Vũ khúc cuồng say vùng Andalucia

Tác giả Ole - Thứ Bảy 23/07/2016 20:20(GMT+7)

Một bài hát cổ xưa của người Tây Ban Nha từng viết rằng: “Quien no ha visto Sevilla, no ha visto maravilla”, tạm dịch là: “Ai chưa từng tận mắt thấy Sevilla, xem như chưa từng được thấy kỳ quan trên đời”. Chỉ riêng một câu nói ấy thôi có lẽ cũng là quá đủ để người ta cảm thấy tò mò trước sự mê đắm đến nồng nàn của thành phố thủ phủ vùng Andalucia đầy diệu kỳ này. Và tất nhiên, đối với một mảnh đất sở hữu vô vàn điều bất tận như vậy, sẽ chẳng có gì bất ngờ khi bóng đá cũng trở thành một phần của cuộc sống nơi đây, hệt như những vũ khúc Flamenco cuồng say trong ánh nắng Địa Trung Hải.
 
THẤY CẢ THẾ GIỚI Ở ANDALUCIA

Tại châu Âu, thật khó để tìm kiếm được một vùng đất nào hội tụ đầy đủ những nét văn hóa độc đáo giống như xứ Andalucia. Là một trong 17 vùng tự trị thuộc đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp, tuy nhiên Andalucia lại là miền bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các loại hình tôn giáo khác nhau, từ Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Tân giáo cho đến đạo Do Thái… Trong quá khứ, đây cũng chính là nơi từng tồn tại những đô thị hùng mạnh nhất của người Ả Rập trên bán đảo Iberia, trước khi người Tây Ban Nha thống nhất được trọn vẹn lãnh thổ vào thế kỷ XV. Trải qua nhiều giai đoạn phải chung sống với những dân tộc Hồi giáo, không có gì quá bất ngờ khi xứ Andalucia ngày nay được thừa hưởng một nền văn hóa “nửa Cận Đông, nửa La-tinh” cực kỳ riêng biệt. 
 
Mặc dù vậy, cũng chính sự hòa hợp tưởng chừng như đầy mâu thuẫn ấy lại trở thành yếu tố hết sức quan trọng để hình thành nên một Sevilla say đắm lòng người. Dưới ánh nắng chói chang của miền Andalucia, thành phố Sevilla hiện lên như thể một chứng nhân lịch sử xuyên qua mọi thăng trầm. Từ những con phố nhỏ, ngoằn nghèo, chật hẹp đan xe nhau cho đến những nhà thờ cổ xây dựng theo lối kiến trúc Hồi Giáo, rồi những quán “tapas” (uống rượu kết hợp ăn nhẹ) nhỏ hẹp nằm rải rác, được những vũ công Flamenco gieo nhịp sống mỗi ngày… tất cả đều tạo nên một bầu không khí vô cùng đặc trưng, chẳng thể lẫn với bất kỳ vùng miền nào khác trên đất nước Tây Ban Nha.
Vũ công Flamenco gieo nhịp sống trên đường phố Sevilla
Không hề đồ sộ và nguy nga như Madrid, cũng chẳng ồn ào và náo nhiệt bằng Barcelona, cuộc sống của người dân Sevilla đơn giản chỉ là sự hòa hợp đầy cá tính theo một cách rất riêng. Giữa những con đường quanh quẩn bên bờ sông Guadalquivir, trong cái nắng chiều có thể lên đến 40 độ vào mùa Hè, bất kỳ ai, cho dù là người Iberia, người nhập cư gốc Bắc Phi, người đến từ Trung Đông hay những người Di-gan không rõ nguồn gốc đi chăng nữa, tất cả đều có thể dễ dàng ngồi lại với nhau, cùng thưởng thức vài cốc rượu vang và bàn tán không ngớt về những câu chuyện bất tận của cuộc đời. Ở một nơi như thế, người ta sống thật dễ. Và cũng thật chậm.
 
Bất chấp thế giới đang thay đổi theo từng ngày nhưng thành phố Sevilla thì vẫn có chút gì đấy hết sức đủng đỉnh và tự tại. Dường như là ở nơi này, một mảnh đất từng trải qua rất nhiều nỗi thăng trầm trong quá khứ, người ta chẳng cần phải làm gì khác thì cũng đã được nhìn thấy cả thế giới rồi. Chính bởi vậy mà họ cũng chẳng có lý do gì để sống một cách vội vã cả… 

NHÀ VÔ ĐỊCH CHÂU ÂU VÀ CHỦ NGHĨA “THÍCH XÊ DỊCH”

Nhắc đến Sevilla, là phải nhắc đến những chiếc cúp vô địch Europa League. Không phải một CLB quá giàu truyền thống ở đất nước Tây Ban Nha giống như Real, Barca, Atletico hay Valencia, tuy nhiên Sevilla lại được xem là một trong những niềm tự hào vĩ đại của La Liga trên đấu trường châu lục. Đã ba mùa giải liên tiếp gần đây, đội bóng chủ sân Sanchez Pizjuan bảo vệ thành công ngai vàng Europa League. Trước đó, Sevilla cũng từng giành được danh hiệu này vào các mùa bóng 2005/2006 và 2006/2007, khi mà giải đấu vẫn còn được biết đến dưới tên gọi UEFA Cup, qua đó trở thành nhà vô địch số một của sân chơi hạng hai châu Âu (tổng cộng 5 lần đăng quang). 
 
Cần phải nhấn mạnh rằng, Sevilla là một đội bóng thường xuyên phải trải qua những biến động đáng kể về mặt lực lượng sau mỗi kỳ chuyển nhượng. Điểm lại trong quá khứ, CLB xứ Andalucia từng phải chấp nhận bán đi không biết bao nhiêu thế hệ cầu thủ tài năng kiệt xuất của mình, từ Sergio Ramos, Dani Alves, Adriano, Seydou Keita, Christian Poulsen, Martin Caceres, Alberto Moreno... ở hàng phòng ngự cho đến những Julio Baptista, Enzo Maresca, Luis Fabiano, Jesus Navas, Ivan Rakitic, Alvaro Negredo hay Carlos Bacca trên hàng công. Mới đây nhất, ngôi sao mới nổi người Ba Lan, Grzegorz Krychowiak cũng vừa quyết định chuyển sang khoác áo PSG theo chân HLV Unai Emery, vị kiến trúc sư đã giúp cho Sevilla duy trì thành tích vô địch Europa League liên tiếp trong ba mùa vừa rồi. Mặc dù vậy, xét trên một phương diện nào đó, các Sevillista có lẽ cũng chẳng cảm thấy quá lo lắng. Bởi sau đôi chút nỗi buồn vui lẫn lộn, người hâm mộ vẫn hoàn toàn yên tâm vào chính sách mua bán và đào tạo nhân tài vô cùng hiệu quả của GĐTT Monchi.
Sergio Ramos - một cầu thủ cũ của Sevilla
Một vòng quay cầu thủ đều đặn trong nhiều năm chính là điều dễ dàng nhận thấy nhất tại sân Sanchez Pizjuan bây giờ. Chẳng cần phải sở hữu nền tảng tài chính vượt trội đồng thời thường xuyên chấp nhận “bán máu” để sinh tồn, thế nhưng Sevilla luôn bước vào mùa giải mới bằng một bộ khung lực lượng khá đồng đều. Bên cạnh đó, thay vì mạo hiểm đua tranh cùng Real, Barca ở đấu trường quốc nội hoặc ham mê giấc mộng Champions League có phần hơi viển vông, đội bóng đá xứ Andalucia thường chấp nhận lựa chọn những mục tiêu thực sự phù hợp hơn dành cho mình, tiêu biểu như mặt trận Europa League hay Copa del Rey chẳng hạn. Hệ quả, từ những chính sách hợp lý và khoa học dưới “triều đại” Monchi, Sevilla đã dần vươn mình mạnh mẽ để trở thành một đội bóng thành công bậc nhất tại Tây Ban Nha trong giai đoạn từ đầu thiên niên kỷ mới đến giờ.
 
Mùa Hè năm 2002, sau khi đội bóng xứ Andalucia giành quyền trở lại La Liga (vô địch Segunda Division), cũng chính là thời điểm Monchi bắt tay xây dựng một kỷ nguyên mới tại sân Sanchez Pizjuan. Lần lượt những tài năng trẻ hoặc những ngôi sao dự bị của các CLB danh tiếng thường lựa chọn Sevilla làm điểm đến, để rồi tại nơi này, họ được trưởng thành, hoàn thiện bản thân bằng những danh hiệu và sau đó ra đi trong niềm hân hoan. Không giống như nhiều đội bóng trung bình khá ở châu Âu luôn muốn giữ chân trụ cột bằng mọi cách, Sevilla chấp nhận vai trò một “trạm trung chuyển” theo đúng nghĩa. Anh có thể là bất kỳ ai trên đời, nhưng tại Sanchez Pizjuan, mọi cầu thủ đều có thể thay thế. Đây cũng chính là nguyên tắc làm việc then chốt của GĐTT Monchi, người đang sở hữu một đội ngũ tuyển trạch viên chuyên nghiệp và hiệu quả bậc nhất thế giới. Được biết, bên cạnh 5 chức vô địch UEFA/Europa League, Sevilla còn đoạt được 2 danh hiệu Cúp Nhà vua (2007, 2010), 1 Siêu cúp Tây Ban Nha (2007) và 1 Siêu cúp châu Âu (2006) kể từ đầu thế kỷ XXI đến bây giờ, quả là một chuyên gia đấu cúp thực thụ.
Sevilla ăn mừng chức vô địch Siêu cup Châu Âu 2006
TÂM HỒN SEVILLA TRONG NHỮNG VŨ KHÚC CUỒNG SAY

Người Andalucia đã sống giữa một nền văn hóa đa dạng suốt ngần ấy thế kỷ. Ở một thành phố vốn tràn ngập dân Gypsy (cách khác để gọi người Di-gan) như Sevilla, dường như người ta cũng không còn quá quan tâm đến việc ai đi, ai ở. Mỗi ngày, cứ vào thời điểm mà ánh mặt trời lặn đang lặn dần, những người Sevilla “không cần biết nguồn gốc” lại cùng nhau đi thưởng thức “Corrida” (đầu bò tót) như một thói quen khó bỏ, bất chấp mọi lời phán xét của thế giới bên ngoài. Để rồi, trong những vũ khúc Flamenco cuồng say, bên cạnh những đĩa Tapas ngon lành, cho dù là ở trung tâm thành phố hay khu ổ chuột Triana đi chăng nữa, cái hồn của Sevilla vẫn luôn được phản ánh một cách tinh tế và sâu lắng nhất.
 
Mùa Hè năm nay, sau sự ra đi của các nhân tố trụ cột là Krychowiak và Ever Banega, sân Sanchez Pizjuan nhiều khả năng sẽ còn phải chứng kiến thêm rất nhiều cuộc chia tay ngoài ý muốn nữa. Thế nhưng, điều này có lẽ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với đội bóng xứ Andalucia. Chẳng cần phải níu kéo bất kỳ ai để theo đuổi hạnh phúc, Sevilla đơn giản chỉ là một tập thể của những con người bình dân sẵn sàng cống hiến tất cả vì niềm vui chung, như một cách trọn vẹn để cuộc sống trở nên yên bình và dễ chịu nhất. Ai muốn “xê dịch” thì cứ việc. Còn Sevilla, vẫn sẽ là nơi được chìm đắm mãi mãi trong những vũ khúc mê say của vùng đất Andalucia, một nơi luôn trù phú những niềm đam mê không bao giờ vụt tắt…

OLE (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.