Schalke 04 xuống hạng: Sự sụp đổ của một vương triều

Tác giả Fussballgott - Thứ Bảy 24/04/2021 14:44(GMT+7)

Việc Schalke ‘ly khai’ khỏi Bundesliga được dự báo từ trước. Số phận của họ được định đoạt ở Bielefeld nhưng quá trình xuống dốc đã diễn ra trong quãng thời gian dài.

 
Với 160 nghìn hội viên, Schalke chính là CLB lớn thứ nhì nước Đức; họ có bảy lần lên ngôi vô địch Đức và là một trong những CLB Đức được biết đến nhiều nhất trên toàn thế giới.
 
Chỉ mới vào năm 2018, họ còn là ông vua của phần còn lại với vị trí thứ hai chung cuộc. Năm 2011, họ tiến đến bán kết Champions League. Nhưng Schalke không chỉ được đánh giá cao vì thành tích đỉnh cao, lò Knappenschmiede của họ đã sản sinh ra những Manuel Neuer, Leroy Sane, Julian Draxler, Mesut Oezil và nâng cánh Leon Goretzka trong những năm gần đây.
 
 
Nhưng giờ thì lần đầu tiên sau 33 năm, Königblauen lại hạ mình xuống chơi ở hạng đấu thứ hai của nước Đức.
 
Cỗ quan tài đưa Schalke đến địa ngục đóng chiếc đinh sau cùng ở Bielefeld nhưng đó đơn thuần là sự cái kết không thể tránh khỏi. Trong 15 tháng không khác gì địa ngục, tính từ tháng 1 năm 2020, Schalke chỉ thắng đúng 2 trận ở Bundesliga. Suýt chút nữa, họ đã lập kỷ lục không thắng suốt 31 trận của Tasmania Berlin mùa giải 1965-1966: đội bóng tệ nhất lịch sử Bundesliga!
 
Họ đã thoát khỏi thành tích tồi tệ đó hết sức bất ngờ bằng chiến thắng 4-0 trước TSG Hoffenheim. Cho đến nay đó mới chỉ là trận thắng thứ hai của họ trong mùa giải này, với 21 thất bại, thủng lưới 76 lần và chỉ ghi vỏn vẹn 18 bàn. Họ còn 4 trận trước mắt để kéo dài chuỗi trận tồi tệ thêm.
 
Nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Hành trình xuống hạng của họ còn dài hơn con đường Schalke Meile mang tính biểu tượng, dẫn từ trung tâm Gelsenkirchen xuyên qua khu lao động nghèo Schalke tiến về sân vận động Veltins Arena có sức chứa tới 62 nghìn chỗ ngồi.
 
Không có vương triều nào sụp đổ sau một đêm, cũng như Schalke không rơi xuống đáy vực cùng món nợ 217 triệu euro trong thời gian ngắn. Sự sụp đổ của họ là câu chuyện dài tiếp nối bởi hàng tá tấn bi hài kịch, hệ quả bởi chuỗi sai lầm trong quản trị thể thao, tầm nhìn chuyên môn non nớt và quyền lực tập trung vào cá nhân.
 
‘Hết sai lầm này tới sai lầm khác – từ A đến Z’, một nhân vật nội bộ nhận xét. ‘Một thảm họa’.
 
Vậy đâu là điểm bắt đầu?
 
Hệ thống của Tönnies
 
Cách 30 km về hướng đông của Gelsenkirchen là bản doanh của đại kình địch Borussia Dortmund, ở đó, những CĐV Bắc Lüdenscheid có một bài hát nổi tiếng mang tên ‘Am Tag als der FC Schalke starb’ có nghĩa là ‘Vào cái ngày mà Schalke xuống mồ’.
 
(Lüdenscheid là thành phố nhỏ cạnh Dortmund, CĐV Schalke không muốn nhắc tới nên gọi Dortmund là bắc Lüdenscheid, cũng mang ý chế giễu, ngược lại họ bị kình địch gọi là Tây Herne)
 
 
Cái ngày định mệnh đó có thể là hôm thứ tư vừa rồi với thất bại trước Arminia Bielefeld khiến Schalke chính thức xuống hạng sau 30 năm. Kịch tính còn được cộng hưởng vì các ultras Borussia Dortmund bắn pháo hoa ăn mừng còn những CĐV Schalke quá khích đuổi đánh chính cầu thủ của mình.
 
Tuy nhiên đối với Kornelia Toporzysek, một người dành cả cuộc đời để cổ vũ Schalke, một luật sư và một cựu thành viên của hội đồng danh dự CLB, Schalke đã xuống mồ từ ngày 7 tháng 8 năm 2019, ngày mà cách thành viên trong hội đồng quản trị quyết định không truy cứu Clemens Tönnies về hành vi phân biệt chủng tộc.
 
Trong những ngày đầu tuần đó, Tönnies trên danh nghĩa chủ tịch CLB tham dự một hội thảo kinh tế diễn ra ở Paderborn, nơi ông vận động mọi người xây dựng các nhà máy điện ở châu Phi, đã phát biểu: “người châu Phi sẽ dừng việc sinh con cái ngay khi trời tối”.
 
Tönnies đã xin lỗi nhưng bất chấp lời kêu gọi từ chức từ CĐV Schalke, hội đồng danh dự, một dạng như ủy ban đánh giá đạo đức nội bộ của CLB, đã cho phép nhà tỷ phú tạm rời chức trong 3 tháng.
 
“Đối với tôi, đó là thời điểm bước ngoặt”, cô nói với DW. “Herr Tönnies cho thấy ông đặt lợi ích và danh tiếng lên trên CLB. Ông ấy không muốn bị xem là kẻ phân biệt chủng tộc và CLB đã bị khuất phục bởi những yêu cầu của ông ấy để làm dịu tình hình”.
 
Kết quả xử lý của CLB với sai phạm của Tönnies xuất phát từ cái mà Toporzysek gọi là ‘Hệ thống Tönnies’, trong đó toàn bộ cấu trúc quản lý Schalke được điều chỉnh để phục vụ tầm nhìn của Tönnies, điều đã khiến cho Schalke sụp đổ nghiêm trọng và nhận cái kết xuống hạng.
 
Sự hiện diện của Tönnies ở Schalke là chủ đề gây tranh cãi mạnh mẽ. Trong hơn hai thập niên, cái tên Schalke gắn chặt với Clemens Tönnies, một trong những người giàu nhất nước Đức với tài sản ước tính lên đến 1.4 tỉ euro nhờ kinh doanh thịt đông lạnh.  Tönnies đã thuộc về Schalke (và ngược lại) từ năm 1994 khi ông tham gia hội đồng giám sát trước khi trở thành chủ tịch 7 năm sau đó.
 
Dưới sự điều hành của Tönnies, Schalke vươn lên trở thành một trong những CLB hàng đầu nước Đức và châu Âu với 4 lần về nhì Bundesliga, giành 3 cúp quốc gia Đức, lọt vào tứ kết Champions League 2008 và bán kết năm 2011.
 
 
Quan trọng hơn, bằng mối quan hệ kinh doanh rộng lớn của mình, Tönnies đã mang lại hợp đồng tài trợ giá trị béo bở từ tập đoàn dầu khí Nga, Gazprom, trên ngực áo Schalke từ tháng 1 năm 2007. Đồng thời ông cũng đứng đằng sau sự phát triển của Berger Feld cũng như những cơ sở vật chất tối tân của CLB.
 
Toprzysek nói: “Tất nhiên Tönnies đã làm được nhiều điều cho CLB; ông ấy không phải hiện thân cho quỷ dữ. Ông ấy là một nhà lãnh đạo, một doanh nhân điển hình để lãnh đạo và đưa quyết định”.
 
Một nguồn tin khác cho biết thêm: “Ông ấy luôn thân thiện và gần gũi, bạn luôn cảm giác có thể nói chuyện với ông ấy về bất cứ điều gì. Ông ấy là kiểu người dễ bắt gặp trong các các hội hè địa phương và nâng ly với tất cả mọi người”.
 
Nhưng đồng thời, một góc cạnh cũng tồn tại trong Tönnies. “Mọi người đều biết rằng ở Schalke chỉ có một người đàn ông quyền lực duy nhất và đó là Clemens Tönnies”, Toporzysek tin rằng cấu trúc tại CLB là “gia trưởng” và “chuyên quyền”.
 
“Tönnies lấp đầy các vị trí quan trọng trong CLB bằng những người có lòng trung với ông ấy cũng như CLB”, nữ luật sư cho biết.
 
Một nguồn tin khác đồng tình: “Tất cả những ai gần ngài ấy đều sẽ như vậy. Mọi người đều phụ thuộc vào ngài ấy. Ngài ấy là Clemens Tönnies cơ mà, một người giàu có và không bao giờ nói không”.
 
Uwe Kemmer, một thành viên hội đồng giám sát trong 9 năm cho đến tháng mười hai năm ngoái cũng xác nhận: “Clemens Tönnies là alpha của những alpha. Có một lòng trung thành nhất định với ông ấy”.
 
Nhưng ông khẳng định: “Không phải tất cả chúng tôi chỉ ngồi đó và làm theo những gì được sai bảo. Chúng tôi tồn tại những ý kiến bất đồng nhưng chúng tôi phải kìm nén ý kiến của mình về Schalke vì Clemens Tönnies nghĩ khác”.
 
Tuy nhiên, dần dần sự áp đảo của Tönnies trong công việc điều hành Schalke dần trở thành một vấn đề lớn.
 
Christian Heidel và kế hoạch ‘Chuyển đổi mô hình’
 
Từ năm 2010 cho đến 2016, Schalke gần như trả được phân nửa số nợ do thường xuyên góp mặt ở Champions League và Europa League; cũng như từ những vụ chuyển nhượng Neuer, Draxler và Sane.
 
Nhưng Toennnies muốn nhiều hơn thế. Một vị trí dự Champions League thường niên là không đủ, tham vọng không chỉ dừng lại ở việc trả nợ. Schalke cảm thấy khó chịu với thành công Borussia Dortmund, đặc biệt trong triều đại Juergen Klopp. Ở bước đi đầu tiên của kế hoạch cân bằng quyền lực ở vùng Ruhr, GĐTT Horst Heldt nỗ lực chiêu mộ Thomas Tuchel từ Mainz nhưng thất bại.
 
 
Heldt phải trả giá bằng chính chiếc ghế của mình. Người được chọn là Christian Heidel, người đã trao cơ hội cho chính Klopp và Tuchel tại Mainz. Heidel lúc này đang có mâu thuẫn sâu sắc với Tuchel, đã chọn Markus Weinzierl, cựu HLV Augsburg, làm HLV trưởng.
 
Trong vòng 2 năm rưỡi, Heidel đặt bút ký hợp đồng với bốn trong năm bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Schalke, bao gồm Breel Embolo (26,5 triệu euro), Nabil Bentaleb (19 triệu euro), Sebastian Rudy (16 triệu euro) và Yevhen Konoplyanka (12,5 triệu euro), đồng thời cho phép những Sead Kolasinac, Eric Maxim Choupo-Moting, Max Meyer và Goretzka ra đi dưới dạng tự do.
 
Kemmer cho rằng “Chúng tôi đã đốt rất nhiều tiền dưới thời Heidel. (Lẽ ra) bạn phải đưa ra quyết định cùng nhau với tư cách tập thể, bao gồm ý kiến của HLV nhưng Heidel muốn tự mình làm hết. Ông ta đã đốt hơn 150 triệu euro”.
 
Vào cuối mùa giải đầu tiên dưới thời Heidel, Schalke đứng thứ 10 và lần đầu tiên mất suất dự cúp châu Âu sau 10 năm. Vào ngày cuối cùng của mùa giải tại Ingolstadt, các ultras của Schalke đã giương cao biểu ngữ chế nhạo CLB: ‘Cảm ơn trên dưới đội bóng vì  đã theo chân cổ vũ chúng tôi với số lượng lớn đến như vậy”.

Domenico Tedesco: ‘Các anh đều thấy tôi giống Mourinho hơn, có phải không?’
 
Heidel thay thế Weinzierl bằng Dominic Tedesco, nhà cầm quân trẻ tuổi người Đức gốc Ý, vừa tạo nên chiến tích giải cứu Erzgebirge Aue khỏi rớt khỏi hạng hai.
 
Dưới sự dẫn dắt của Tedesco, Schalke vươn lên vị trí thứ hai chỉ sau một mùa giải, trong đó có trận hòa 4-4 không thể nào quên trước kình địch Dortmund, trong thế bị dẫn trước tới 4-0. Sau đó, họ lại tiếp tục đánh bại Dortmund ở trận lượt về. Tedesco còn được những ultras cuồng nhiệt nhất mời lên khán đài để cùng ăn mừng.
 
 
“Tedesco là người thân thiện và quan tâm đến mọi người”, một nguồn tin cho biết, “anh ấy có quan hệ tốt với mọi cầu thủ và mọi người chiến đấu vì anh ấy”. Các phóng viên thời điểm đó còn nhớ như in cảm giác thú vị khi phỏng vấn Tedesco vì anh luôn lắng nghe chăm chú các câu câu hỏi, cũng như trả lời một cách chi tiết và cởi mở.
 
Mặc dù cán đích ở vị trí thứ hai nhưng vẫn có những chỉ trích nhắm vào thứ bóng đá bảo thủ của Tedesco. Ngay cả anh cũng gián tiếp thừa nhận trong phỏng vấn chính thức trên trang chủ: “Nếu so sánh với Mourinho và Guardiola, các anh đều cảm thấy tôi giống Mourinho hơn, có đúng không?”.
 
Nhưng Tedesco cũng là người nghiện công việc và cầu toàn. Anh đã cố gắng điều chỉnh phong cách của mình trong mùa giải tiếp theo nhưng không thành công. Schalke thua cả 5 trận mở màn và những rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong phòng thay đồ - những rạn nứt mà một HLV trẻ như Tedesco không thể một mình giải quyết.
 
Kemmer nhắc lại: “Tôi đã hy vọng Tedesco sẽ là Klopp của chúng tôi trong vài năm tới, nhưng cậu ấy một HLV trẻ luôn đòi hỏi quá nhiều từ bản thân. Trong những ngày cuối cùng, cậu ấy gần như kiệt sức. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó khi nhìn vào mắt Tedesco”.
 
Kemmer kể lại chuyến hành quân đến Manchester tháng 3 năm 2019, nơi Schalke bị City vùi dập với tỉ số 7-0. “Tôi ngồi ngay sau cậu ấy trên máy bay và cậu ấy gần như ngồi xuống là lấy máy tính ra chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Cậu ấy không để cho mình thư giãn”.
 
Kemmer tin rằng Tedesco cần hỗ trợ, một người cũng có thể giúp cho Heidel chuyển nhượng và lập kế hoạch đội một. “Nhưng khi chúng tôi đề xuất với Heidel, ông ấy cảm thấy bị xúc phạm. Đó là nguyên nhân tại sao Heidel từ chức. Ông ấy không thể thực hiện thành công bước nhảy vọt từ Mainz sang Schalke”.
 
Heidel đã từ chức từ trước trận thua Man City còn Tedesco cũng ra đi không lâu sau đó. Schalke cán đích ở vị trí thứ 14. Sự chuyển đổi mô hình đạt được rất ít, nhưng điều tồi tệ hơn kéo đến ngay sau đó: Covid-19!
 
Schalke và đại thảm họa sóng thần: coronavirus
 
Thứ sáu ngày 17 tháng 1 năm 2020, Schalke của David Wagner đánh bại Borussia Moenchengladbach để vươn lên vị trí thứ năm trên bảng xếp hạng Bundesliga. Ít ai ngờ được rằng phải tới 357 ngày sau họ mới lại được hưởng hương vị chiến thắng tại giải đấu cao nhất nước Đức.
 
 
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bundesliga 19-20 phải hoãn lại vào đầu tháng ba, tạm ngưng chuỗi 7 trận không thắng của Schalke. Có niềm tin rằng họ sẽ hưởng lợi bởi quãng nghỉ bất đắc dĩ vì cầu thủ có thể hồi phục chấn thương trước khi tiếp tục hành trình tại Europa League. Nhưng sau khi mở màn phần còn lại bằng thảm bại 0-4 trước Borussia Dortmund, họ tiếp tục không giành nổi một chiến thắng nào trong 12 trận tiếp theo.
 
Việc không thể giành suất dự cúp châu Âu ba trong bốn mùa giải trước đó khiến doanh thu của CLB bị tụt giảm nghiêm trọng và Schalke phải bước vào một lộ trình mới với ngân sách và mục tiêu bị cắt giảm cho phù hợp với thực tiễn.
 
Giám đốc marketing vào thời điểm đó Alexander Jobst co biết: “chúng tôi không thể tiếp tục những gì chúng tôi đã làm. Schalke đã sa sút thảm hại trong những tháng gần đây. Chúng tôi đã không tận dụng hết lợi thế, mắc nhiều sai lầm và chúng tôi phải chấp nhận xin lỗi”.
 
“Thảm hại” vẫn là cách nói giảm trong trường hợp của Schalke. Khi Bundesliga buộc phải dừng lại, có thông tin cho rằng 13 trong số 36 CLB thuộc hai giải đấu hàng đầu nước Đức sẽ đứng trước hiểm họa tài chính mang tính sống còn, đứng đầu trong số đó: Schalke.
 
“Mọi thứ ập đến cùng  một lúc. Không có tiền từ Champions League, rồi virus corona, mất 2 đến 3 triệu euro doanh thu mỗi trận đấu sân nhà vì không có khán giả, số tiền ném qua cửa sổ dưới thời Heidel. Đó là một cơn đại sóng thần”, Kemmer cho biết.
 
Giống như nhiều CLB, Schalke đã thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm tiền, bao gồm đề nghị CĐV sở hữu vé mùa không đòi lại tiền, hoặc ít nhất hoãn quá trình hoàn tiền cho những trận đấu họ không thể đến sân. Nhưng Schalke đã đi một bước còn xa hơn, có thể nói đi quá giới hạn chịu đựng của CĐV, là yêu cầu người hâm mộ chứng minh mình gặp khó khăn tài chính để nhận lại tiền vé cho những trận đấu họ không thể đến sân. Trong một diễn biến khác, 24 tài xế phục vụ các đội bóng ở học viện bị cho cắt hợp đồng. Đa phần họ là những CĐV Schalke đã lớn tuổi và có hợp đồng bán thời gian với mức lương vỏn vẹn chỉ 450 euro mỗi tháng.
 
Mọi thứ còn tồi tệ hơn khi một năm sau bê bối phân biệt chủng tộc, Clemes Tönnies  lại trở thành tâm điểm bởi bê bối làm bùng phát virus corona trong nhà máy chế biến thịt đông lạnh.
 
Đối với Schalke, một CLB luôn tự hào về những di sản thuộc tầng lớp lao động và các giá trị gia đình, đây hoàn toàn là một thảm họa PR. Ultras Gelsenkirchen tuyên bố CLB ‘phá sản về khía cạnh đạo đức’.
 
Kemmer nói: “Các biện pháp tiết kiệm tiền hoàn toàn không tương thích với Schalke. Nó rất không đếm xỉa gì đến những vấn đề thực tế mà CĐV Schalke phải đối mặt, là hệ lụy của văn hóa lãnh đạo tồi tệ bên trong CLB”.
 
Toporzysek tin rằng BLĐ đã vô cảm, quên mất ý nghĩa thực sự của CLB Schalke đối với CĐV.
 
“Các thành viên chúng tôi có một tình cảm gắn bó mật thiết với CLB. Chúng tôi không phải là khách hàng; chúng tôi chính là CLB! Chắc chắn mọi người đều biết CLB đã tụt dốc đến mức nào, nhưng dường như không một cảnh báo nào được đưa ra, không một đài quan sát cũng như không một lời báo động”.

Năm huấn luyện viên và bầy vịt què lãnh đạo
 
Trong trận đấu cuối cùng của mùa giải trước, Schalke để thua Freiburg 0-4 ngay trên sân nhà, đồng thời kéo chuỗi trận không thắng lên con số 16. Hàng trăm kéo nhau biểu tình bên ngoài văn phòng CLB tại Gelsenkirchen. Tönnies  đã từ chức nhưng David Wagner, với bản hợp đồng 3 năm, vẫn giữ ghế của mình sang đến mùa tiếp theo. “Một sai lầm lớn”, Kemmer nhấn mạnh.
 
 
Wagner vẫn nhận được sự tin tưởng từ vị giám đốc thể thao mới đến Jochen Schneider, người hứa hẹn sẽ hiện đại hóa các phòng ban ở Schalke. Ông đưa vào hàng loạt chuyên gia trị liệu, nhà tâm lý học và các nhân viên phục vụ nói chung, những người lẽ ra phải được mang về từ sớm để để san sẻ bớt áp lực của Tedesco ngày nào.
 
Nhưng quyết định giữ lại Wagner cho thấy sai lầm nhanh chóng. Wagner bi sa thải ở phần đầu mùa giải sau hai thất bại trước Bayern Munich (thua 0-8) và Werder Bremen (thua 1-3). Một cựu HLV Augsburg khác đến thay thế là Manuel Baum, người trải qua 11 trận không thắng trước khi rời đi nhường ghế lại cho Hubb Stevens (tạm quyền) và Christian Gross (chính thức).
 
Gross đã không làm công tác huấn luyện trong suốt 9 năm, nhưng chính ông đem về chiến thắng đầu tiên sau gần một năm. Tuy nhiên, khi để thua tiếp sáu trong tám trận tiếp theo, Gross, Schneider và toàn bộ ban huấn luyện bị sa thải. Một Dimitrios Grammozis thiếu kinh nghiệm bỗng nhiên trở thành huấn luyện trưởng thứ năm của Schalke trong mùa giải.
 
Đối với  Kemmer, người đã từ bỏ vị trí trong ban giám sát vào tháng 12 vì phản đối sự lười biếng của các cộng sự tin rằng chính việc thiếu vắng Tönnies  đã dẫn đến quyết định sa thải Schneider đến muộn vài tháng. “Tôi cho rằng chúng tôi cần sự hỗ trợ hoặc thay thế Schneider từ mùa thu, nhưng hội đồng quản trị thậm chí còn chẳng thèm thảo luận gì về chủ đề này”.
 
“Kỳ chuyển nhượng mùa đông cũng là một thảm họa vì chúng tôi rõ ràng đang trên con đường đi xuống. Chúng tôi cần lập kế  hoạch cho giải hạng hai với một giám đốc thể thao mới và một ban huấn luyện mới. BLĐ không có khả năng hành động; họ không muốn hành động. Họ là một hội đồng của những con vịt què”.
 
‘Chúng ta là ai? Chúng ta hành động vì điều gì?’
 
Vào tháng ba, khi việc xuống chơi hạng dưới dần trở thành điều không thể tránh khỏi, các cơ quan truyền thông địa phương đưa tin rằng nhóm 14 người có ảnh hưởng bậc nhất CLB đã liên hệ với Ralf Rangnick, đề nghị ông đảm nhiệm vị trí giám đốc thể thao và tái xây dựng lại CLB .
 
 
Nhưng Ralf Rangnick, cựu HLV Schalke trong hai giai đoạn (2004-05 và 2011) đã tự loại mình ra khỏi vòng nghi ngờ, phát biểu: “Với vô số những bất ổn bên trong CLB, tôi không thấy mình có thể đảm nhiệm bất kỳ trách nhiệm chuyên môn nào cho Schalke”.
 
Thay vào đó, công việc hồi sinh Schalke được giao cho Peter Knäbel, cựu giám đốc thể thao 54 tuổi của Hamburg SV, người được nhớ tới nhiều nhất bởi để quên chiếc ba lô chứa toàn thông tin hợp đồng nhạy cảm của Der Dino ở công viên hồi năm 2015. Knäbel được những người gắn bó với CLB nhớ tên nhưng công việc của ông ở các cấp độ trẻ Schalke hoàn toàn không được đánh giá cao.
 
Những thay đổi ở tầm vĩ mô hơn cũng được nhắc tới. Với việc Schalke báo lỗ tới 52 triệu euro trong năm 2020, công trình xây dựng cơ sở huấn luyện Berger Feld phải đình chỉ vô thời hạn. Giám đốc tài chính mới cam kết: “Sẽ không bao giờ đánh cược vào tương lai của Schalke. Chúng tôi sẽ chỉ tiêu số tiền chúng tôi có, không phải là số tiền mà chúng tôi hy vọng có”.
 
Và cuối cùng, họ là một trong những con voi cuối cùng còn lại của nước Đức, một trong bốn CLB Bundesliga chưa tách bộ phận bóng đá chuyên nghiệp ra thành một công ty hữu hạn, về mặt lý thuyết sẽ khiến Schalke trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
 
Quy trình, được gọi là ‘Ausgliederung’, quy định rằng CLB mẹ được giữ lại 50% quyền biểu quyết trong bất kỳ thể chế công ty nào, cộng với 1% cổ phần, theo quy tắc ‘50+1’.
 
Nhưng rất nhiều người trong số 160 nghìn thành viên của Schalke tự hào về địa vị đặc biệt của họ, một CLB bóng đá thuần túy 100%, hay còn gọi là ‘eingetragener Verein (e.V.)’. Bất kỳ thay đổi nào cũng phải được thông qua bởi ¾ số phiếu tại đại hội đồng thường niên diễn ra vào tháng 6 tới, nơi CLB phải đứng trước quyết định: một tương lai không còn Clemens Tönnies  và hệ thống quản lý mà ông ta gầy dựng.
 
Schalke 04 trước trận bán kết vs MU Champions League 2011
Uwe Kemmer cho rằng: “Schalke cần trở lại với cội nguồn. Chúng tôi phải khiêm tốn hơn, xác định bản sắc CLB rõ ràng hơn và tập trung vào giới trẻ. Nhưng chúng tôi cũng cần có những doanh nhân với tầm nhìn xa, những người sẵn sàng đặt chân lên bàn đạp ga”.
 
Kornelia Toporzysek nói thêm: “Chúng tôi cần những người trung thực và đáng tin cậy nhưng cũng giỏi việc chuyên môn và kinh tế. Chúng tôi cần ngồi lại với nhau và tự hỏi bản thân chúng ta là ai? Chúng ta đại diện cho điều gì? Và chúng ta muốn trở thành cái gì?”.
 
Sau thất bại trước Bielefeld, đã đến Schalke cần phải trả lời những câu hỏi đó.
 
Theo Matt Ford | DW
 
https://www.dw.com/en/schalke-relegated-from-the-bundesliga-the-inside-story-of-a-royal-case-of-the-blues/a-57184763-1
 
 
 
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.

Chelsea bay cao: Dấu ấn Enzo Maresca

Loạt trận thi đấu vòng 14 giải ngoại hạng Anh rạng sáng nay chứng kiến đội đầu bảng Liverpool đã đánh mất chiến thắng vào những phút cuối cùng trên sân của Newcastle, điều này giúp cho những kẻ bám đuổi phía sau có thể thu hẹp được khoảng cách với đoàn quân của Arne Slot.