Sau tất cả, Juventus có dám giữ Allegri ở lại?

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 25/09/2022 16:25(GMT+7)

Giống như bị lạc ở Chernobyl với một bộ đồ bảo hộ mỏng manh, Massimiliano Allegri đang chịu áp lực vô cùng lớn. Ngay cả khi bóng đá cấp CLB đang tạm nghỉ trong hai tuần, sự chú ý sẽ chỉ tạm lắng trước khi lại đổ dồn vào nhà cầm quân của Juventus.

 

Juventus đang rơi tự do thế nào? Sau hai thất bại trước PSG và Benfica, Bianconeri lần đầu tiên trong lịch sử để thua hai trận mở màn vòng bảng Champions League. Ở Serie A, mọi thứ trông cũng ảm đạm không kém với việc Juve chỉ có 10 trong tổng số 21 điểm có thể giành được. Họ bị Sampdoria, AS Roma, Fiorentina và Salernitana cầm hòa, trước khi gục ngã trước đội bóng mới lên hạng Monza.

Những ca chấn thương khiến Juve mất đi Federico Chiesa và Paul Pogba, hai cầu thủ có khả năng thay đổi trận đấu bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đây vẫn là CLB có ngân sách lớn nhất nước Ý, với một đội hình tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với những Sassuolo, Spezia, Sampdoria, Salernitana và Monza.

Trong khi đó, Fiorentina đã bán cầu thủ xuất sắc nhất của họ cho Juventus cách đây 9 tháng. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn giữa Dusan Vlahovic ở Tuscany và Turin là một luận điểm không thể tốt hơn để bắt đầu chỉ trích về cách tiếp cận trận đấu của Allegri.

Cần nhớ rằng chỉ riêng trong năm 2021, tuyển thủ người Serbia đã ghi 33 bàn ở Serie A, con số chỉ xếp sau Felice Borel (41 bàn năm 1933) và Gunnar Nordahl (36 bàn năm 1950) về số bàn thắng trong một năm dương lịch. Trước khi chuyển đi, anh còn được so sánh với Erling Haaland, cầu thủ duy nhất sinh sau năm 1999 ghi được ít nhất 40 bàn thắng ở 1 trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu.

 

Tuy nhiên, trong khi Haaland đã có 14 bàn chỉ sau 10 lần ra sân kể từ khi chuyển đến Anh mùa hè vừa qua, Vlahovic chỉ mới nổ súng 13 lần trên mọi đấu trường kể từ khi khoác áo Juve vào tháng Giêng năm ngoái. Anh trông chẳng khác gì chiếc smartphone ở vùng núi, ngày càng bị cô lập trên hàng công và gần như mất hút.

Điều đó dẫn chúng ta đến phong cách chơi có phần lạc hậu của Juventus. Theo thống kê từ WhoScored, không dưới 11 đội bóng của Serie A kiểm soát bóng nhiều hơn con số trung bình 49,1% của Juve. Đây là con số đáng hổ thẹn, trong bối cảnh họ chỉ gặp những đối thủ nhẹ kí từ đầu mùa. Phương pháp tiếp cận quá an toàn của Allegri đã được chỉ ra từ lâu, nhưng nó vẫn lặp lại từ tuần này qua tuần khác.

Cũng đừng dùng thẻ đỏ của Angel Di Maria trước Monza như một lời bào chữa, vì một lần nữa các số liệu thống kê không ủng hộ quan điểm đó. Trong 40 phút thi đấu mà cả hai đội đều chơi với 11 người, Monza mới là đội cầm bóng nhiều hơn (56,4%), dứt điểm nhiều hơn (7-6), chuyền chính xác hơn (85% -78%), thực hiện nhiều đường chuyền hơn (215-166) và có nhiều quả phạt góc hơn (3-1).

Đó là màn thể hiện của Monza, một CLB đang trải nghiệm bầu không khí Serie A lần đầu tiên. Đây cũng là đội mà trước khi gặp Juventus mới chỉ giành được 1 điểm sau 6 trận mở màn. Tuy nhiên, họ tỏ ra hoàn toàn vượt trội trước CLB lớn nhất của Ý, với cựu cầu thủ Juve Raffaele Palladino có trận ra mắt trên băng ghế chỉ đạo. Đúng vậy, Bianconeri đã thua một đội mới chỉ bổ nhiệm HLV vào thứ Ba tuần trước, một người đàn ông 38 tuổi có ba năm kinh nghiệm ở đội trẻ.

Cần thêm bằng chứng về sự thảm hại của Allegri? Hãy nghe những lời chia sẻ của HLV Bayern Munich, Julian Nagelsmann khi ông được hỏi về những khó khăn ban đầu của Matthijs de Ligt hồi tháng Bảy. “Tôi đã nói chuyện với cậu ấy sau buổi tập. Cậu ấy nói rằng đây là buổi tập khó nhằn nhất trong 4 năm qua,” Nagelsmann nói. “Đúng là mệt thật, nhưng không khó nhằn đến mức đấy. Tôi nghe nói rằng ở Ý, không dễ để các cầu thủ giữ được thể trạng hoàn hảo nhất.” 

Tuần trước, chính De Ligt đã so sánh công việc mà anh đang làm ở Bayern so với Juventus. “Cả hai cách tiếp cận trận đấu đều khó khăn,” anh nói với Kicker. “Nhưng ở Ý, nó thiên về chiến thuật và hệ thống, thay vì cường độ vận động. Thậm chí số lần chạy nước rút còn ít hơn Bundesliga.”

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Liverpool, nơi Arthur Melo mới chỉ có vỏn vẹn 13 phút ra sân kể từ khi chuyển đến Anfield vào ngày cuối cùng của kì chuyển nhượng. Thậm chí, cầu thủ người Brazil đã phải yêu cầu được chơi các trận đấu với đội U21, thực hiện khối lượng bài tập gấp đôi, cũng như cắt bớt ngày nghỉ trong kỳ nghỉ quốc tế sắp tới để lấy lại thể trạng.

Điều đáng lo ngại hơn là sự mong manh về tinh thần, cũng như yếu ớt về mặt thể chất có thể dễ dàng nhận ra ở những người đồng đội cũ của họ. Sau khi có một khởi đầu suôn sẻ, Juventus bỗng dưng chơi trùng xuống một cách khó hiểu. Các cầu thủ dần trở thành những con bù nhìn đứng nhìn đối phương dứt điểm vào khung thành đội nhà.

 

Theo WhoScored, chỉ có 8 đội bóng Serie A cho đối phương dứt điểm nhiều hơn con số trung bình 12,9 lần/trận của Juve, một con số quá lớn với một đội bóng cạnh tranh ngôi vô địch. Trong khi đó, trang web chính thức của Serie A cho thấy một câu chuyện tồi tệ khác ở đầu bên kia sân. Chỉ có 4 đội thực hiện ít pha dứt điểm trúng đích hơn con số 25 của Juve trong 7 vòng đầu tiên.

Sự uể oải trên sân của các cầu thủ một lần nữa được chỉ ra không thể rõ ràng hơn. Cụ thể, cầu thủ dẫn đầu về số km di chuyển của Juve là Manuel Locatelli với trung bình 10,541 km/trận, nhưng cũng chỉ giúp anh xếp thứ 36 ở Serie A. Không có cầu thủ Juventus nào khác có mặt trong top 50.

Tất cả những vấn đề đó đều hướng đến Allegri, người lẽ ra nên chỉ cho các cầu thủ chơi bóng bằng trí nhớ, giúp họ bước vào sân và biết phải làm gì. Thay vào đó, nhà cầm quân hiện tại của Juve lại chỉ cung cấp cho các cầu thủ ý tưởng chung về trận đấu, cũng như giải thích lối chơi cho từng người. Ông không biết rằng không phải cầu thủ nào cũng có khả năng ‘tự biên tự diễn’ trên sân.  

 

Quân thua thì phải chém tướng, nhưng một Bianconeri đang gặp vấn đề về tài chính không thể chia tay Allegri, người đang nhận tới 13 triệu euro/năm cho đến tháng 6/2025. Đó là lí do khi một người hâm mộ nói với Maurizio Arrivabene rằng ông nên sa thải Allegri, vị GĐĐH này liền đáp: "Vậy thì bạn sẽ trả tiền cho người đến tiếp theo nhé?”

“Thay đổi HLV là điều hoàn toàn điên rồ,” ông trả lời khi được hỏi về tương lai của Allegri trước trận đấu với Monza. “Không những còn hợp đồng, Max còn có một chương trình để phát triển trong 4 năm.”

Tuy nhiên, 18 tháng sau “chương trình” đó, rất khó để nhận ra bất kỳ sự cải thiện nào. Juventus thậm chí còn thụt lùi so với tập thể dưới thời Andrea Pirlo, mặc dù CLB đã chi rất nhiều cho những cái tên Allegri yêu cầu.

Vì vậy, thay vì tính xem phải trả bao nhiêu để sa thải nhà cầm quân 55 tuổi, có lẽ nên hỏi điều ngược lại: Juventus có dám giữ Allegri lại không? Mặc dù bị loại ở vòng 16 đội, báo cáo của The Swiss Ramble cho thấy Bianconeri đã kiếm được 73 triệu euro từ Champions League mùa trước. Nhưng nếu cứ tiếp tục phong độ hiện tại, khả năng họ không thể lọt vào top 4 đang hiển hiện trước mắt. 

 

Allegri là người luôn đặt vấn đề phòng ngự lên hàng đầu, nhưng đội bóng của ông chỉ có 3 lần giữ sạch lưới sau 9 trận. Ông đang dẫn dắt một CLB sợ thua đến tê liệt, chơi bóng mà không có chút sáng tạo nào.

Ông được sử dụng tiền đạo nguy hiểm nhất nước Ý và biến anh ta thành người ngoài cuộc. Nếu tình hình tiếp tục, không sớm thì muộn Vlahovic sẽ yêu cầu ra đi giống như De Ligt, sau khi cảm thấy mình không thể tiến bộ hơn nữa.

Sa thải Allegri có thể mất một số tiền không nhỏ, nhưng ban lãnh đạo Juventus sẽ phải suy tính trước bối cảnh có thể mất tất cả nếu không làm vậy.

 

Bài viết có dựa trên tư liệu từ:

“Can Juventus Afford NOT To Sack Max Allegri?” của Adam Digby (Forbes)

“'F*ck off, Allegri!' - Juventus coach should be sacked but Agnelli to blame for institutional crisis” của Mark Doyle (Goal)

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

Lửa khủng hoảng đang lan nhanh ở Etihad?

Manchester City đã phải nhận thất bại muối mặt 1-4 trên sân Jose Alvalade trước Sporting Lisbon trong loạt trận thứ 4 Champions League rạng sáng hôm nay. Đây đã là trận thua thứ 3 liên tiếp của đoàn quân Pep Guardiola trong vòng một tuần, khi trước đó họ để thua Tottenham ở Carabao Cup và Bournemouth ở giải ngoại hạng. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang ngầm lan nhanh ở Etihad?

Liverpool đứng đầu Premier League: Niềm tin cho Arne Slot

Lội ngược dòng trước Brighton với chỉ 3 phút bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng của Cody Gakpo và Mohamed Salah, Liverpool của Arne Slot đã giành lại ngôi đầu giải ngoại hạng Anh sau khi vòng đấu thứ 10 khép lại. Khoảng cách giờ là 2 điểm với những nhà đương kim vô địch Manchester City và là 7 điểm đối với kẻ được xem là ứng cử viên số 2 mùa này Arsenal.

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Hành quân đến Newcastle với tâm thế không thật sự thoải mái sau những lần hụt chân liên tiếp gần đây khiến cho kết quả mà Arsenal phải nhận trước những người chủ nhà thực ra không quá bất ngờ với những ai am tường về Arsenal lẫn ngoại hạng Anh. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang dần lan rộng ở Emirates?