Sao Đỏ Belgrade: Vinh quang bất tử 1991

Tác giả CG - Thứ Năm 12/01/2017 17:41(GMT+7)

“Bức màn sắt” kéo xuống Đông Âu sau Thế chiến thứ hai khi Liên bang Xô Viết nắm quyền kiểm soát - hoặc chí ít là có sự kiểm soát - vùng đất mà họ đã có được sau khi chiến thắng phát xít Đức.
Sao Đỏ Belgrade: Vinh quang bất tử năm 1991
Điều này đã khiến không chỉ hệ thống chính trị của các nước Đông Âu bị ảnh hưởng mà toàn bộ xã hội cũng biến đổi theo. Nhiều người bị đàn áp, cảnh sát mật khủng bố nhân dân và những chỉ thị bí mật xuất hiện. Dường như những điều này đã có tác động không nhỏ với Liên đoàn bóng đá của các quốc gia tại khu vực này.
Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại một hậu quả không nhỏ khi nhiều cầu thủ giỏi bị làm ngơ ở trời Tây, đơn giản vì họ không bao giờ được truyền thông “soi tới”. Một điều cần lưu ý đó là hiếm khi các cầu thủ ngoại quốc xuất hiện ở đây trong suốt thập niên 60, chúng ta cũng hầu như ít khi được chứng kiến những cầu thủ Đông Âu xuất sắc vì tính chất biệt lập của các quốc gia theo mô hình Xô Viết. Thậm chí vào quãng thời gian cuối của chế độ Xô Viết, nhiều đội bóng lớn vẫn bị bỏ qua hoặc lãng quên.
Một trong những cái tên đó là là nhà vô địch châu Âu 1991: Sao Đỏ Belgrade - đội bóng đã đánh bại Marseille vốn được coi là Galácticos của những năm 90 trong trận chung kết. Thật kì lạ khi nói rằng nhà vô địch châu Âu bị lịch sử lãng quên nhưng quả thực, đội hình Sao Đỏ năm 1991 thường xuyên bị “đối xử” như vậy. Nếu bạn tra Google cụm từ “great football club sides” bạn sẽ không tìm thấy nhiều kết quả về họ. Thực tế trong một bài báo gần đây về 20 câu lạc bộ vĩ đại nhất đã mô tả những đội bóng điển hình như Totaalvoetbal của Ajax, Milan của Arrigo Sacchi hay đội hình Celtic 1967. Tuy nhiên Sao Đỏ chẳng được đề cập tới dù chỉ là một hay hai dòng.
Đội hình ngày ấy
Đó có lẽ là hậu quả của những gì xảy ra tại đất nước Nam Tư thời điểm đó. Thành tích của Sao Đỏ dường như không quan trọng bằng việc quốc gia này tan rã và rơi vào tình trạng hỗn loạn - kết quả của cuộc thanh lọc sắc tộc và căng thẳng tôn giáo từ những thế kỉ trước. Giống như Honvéd vĩ đại hay Real Madrid, chúng ta cần phải nhớ đội hình Sao Đỏ năm 91 vì họ đã chứng minh cho phương Tây thấy những gì bóng đá Đông Âu có thể làm được.
Họ đã chơi với phong cách mô phỏng gegenpressing hay counterpressing mà bóng đá hiện đại đang áp dụng. Một số ít bài viết còn tồn tại về đội bóng này đã mô tả đó là đội bóng chơi lùi sâu và phản công tốc độ nhưng điều này có vẻ không đúng như sự thật. Đúng là họ phản công với tốc độ cao nhưng cũng pressing rất mạnh ở hàng tiền vệ để tạo những đợt phản công. Nó thực sự gần với phong cách chơi bóng đang rất thành công của bóng đá hiện đại được áp dụng ở những câu lạc bộ như Barcelona, Borussia Dortmund và Leverkusen.
Người ta nhớ tới đội bóng này với hình ảnh của một lá chắn thép xuất sắc trong lịch sử bóng đá, một libero thượng hạng. Ông là Miodrag Belodedici, câu chuyện của ông là một phần trong “cuốn tiểu thuyết” Chiến tranh lạnh. Belodedici là người Romania đã từng vô địch Cúp Châu Âu cùng với Steaua Bucharest năm 1986 khi đánh bại Barcelona trong trận chung kết và trở thành đội bóng Đông Âu đầu tiên vô địch giải đấu này. Tuy nhiên tất cả không thực sự tốt đẹp khi Romania sống dưới chế độ tàn bạo độc tài của Nicolae Ceaușescu. Hệ quả là Belodedici đào thoát sang Nam Tư năm 1988. Sau khi tuyên bố mình sẽ chỉ đá cho Sao Đỏ khi từ chối kình địch Partizan, ông đã ngồi ngoài một năm (trong khi đó người Romania coi ông như một kẻ phản quốc và kết án 10 năm tù) trước khi trở thành nhân tố quan trọng của nhà vô địch châu Âu khi chỉ huy hàng phòng ngự với lối chơi rất hào hoa. Ông có biệt danh “Chú hươu” vì phong cách hoàn toàn thanh lịch của mình.
Một tên tuổi khác không thể nào quên của Sao Đỏ vĩ đại là Robert Prosinečki, ông chủ khu trung tuyến, cầu thủ mà vào thời điểm đó dường như ở một đẳng cấp khác với so với 21 người còn lại trên sân. Với kĩ thuật thượng thừa và sự tinh tế, Prosinečki kéo cả đội bóng đi lên, ông luôn đưa bóng về phía trước cho những tiền đạo như Dejan Savićević và Darko Pančev. Lại nói đến cặp đôi này, đây là một cặp đôi kiến tạo - dứt điểm xuất sắc nhưng để rồi sau đó bị lãng quên. Cả Savićević lẫn Pančev vẫn khẳng định rằng người còn lại chính là đối tác giỏi nhất mà họ từng chơi cùng.
Robert Prosinecki và Dejan Savicevic ngày ấy
Savićević được nhớ nhất với quãng thời gian ở AC Milan - nơi ông trở thành một cái tên quen thuộc của Serie A - nhưng Sao Đỏ mới là nơi lưu giữ quãng thời gian mà tốc độ cùng khả năng sáng tạo tuyệt vời của ông được kết hợp với Pančev - người có biệt danh Kobra [Rắn hổ mang] vì khả năng ghi bàn đáng sợ của mình. Khả năng ghi bàn ấy của Pančev tốt đến nỗi giúp ông giành được danh hiệu Chiếc giày vàng châu Âu và về nhì trong cuộc đua Quả bóng vàng cùng trong năm 1991. 
Và mảnh ghép cuối cùng là Siniša Mihajlović - người lên công về thủ bên cánh trái với một cái chân trái chết người từ những tình huống đá phạt.
Tuy nhiên chỉ tập trung vào một vài nhân tố chủ chốt là một sự bất công với những người còn lại trong đội hình Sao Đỏ năm 1991 ấy. Mỗi người là một thành tố nhỏ và tất cả làm việc cùng nhau vì lợi ích tập thể. Đây không phải là chủ nghĩa xã hội nơi chỉ cần một tập thể mạnh mà là 11 cầu thủ phải cống hiến tất cả mọi thứ vì đội bóng.
Họ mở màn chiến dịch cúp châu Âu với đội bóng Thụy Sĩ Grasshoppers và bị cầm hòa 1-1 ở Belgrade trước khi đánh bại nhà vô địch Thụy Sĩ 4-1 ở Zürich để tiến vào vòng tiếp theo. Đối thủ mà đội bóng Nam Tư  phải chạm trán là Rangers của Graham Souness. Trước trận đấu Souness đã cử trợ lý Walter Smith đi thăm dò Sao Đỏ và trở về với một thông báo rất đáng lo ngại: “Chúng ta sẽ bị hành cho ra bã.”
Smith đã không sai.
Sao Đỏ Belgrade: Vinh quang bất tử năm 19917
Souness nhớ rất rõ về hai trận đấu đó. Ông nói rằng vào thời điểm ấy Rangers đang thống trị bóng đá Scotland và quen với việc có bóng để kiểm soát trận đấu. Cựu tiền vệ Liverpool thừa nhận điều này không bao giờ xảy ra ở cả hai lượt của cuộc đối đầu và Rangers dễ dàng phải nản lòng trước kĩ thuật cùng kĩ năng của các cầu thủ đến từ đội bóng Nam Tư đã thể hiện.
Prosinečki là ngôi sao của trận đấu, Rangers bị đánh bại 3-0 trước 75,000 cổ động viên tại Marakana. Trận đấu lượt về ở Glasgow kết thúc vởi tỉ số hòa 1-1. Điều này đưa Sao Đỏ tiến vào vòng tứ kết, nơi sẽ kéo họ vào phía trong của “Bức màn sắt” khi phải đối đầu với nhà vô địch Đông Đức Dynamo Dresden.
Trận đấu lượt đi là màn ra mắt đấu trường châu Âu của Mihajlović, phía trước là 80.000 khán giả đang hô vang rất hùng tráng tại Marakana. Sao Đỏ Belgrade là đội bóng mạnh hơn Dresden và họ dễ dàng đánh bại đối thủ 6-0 chung cuộc với tỉ số 3-0 sau mỗi lượt trận.
Bước vào vòng bán kết, Bayern Munich - Gã khổng lồ của bóng đá châu Âu - đang chờ đợi được gặp một đội bóng nhỏ cách họ 900km.
Hai lượt trận với “Hùm xám” đã thể hiện được phong cách thi đấu của Sao Đỏ Belgrade năm 1991. Họ đã áp sát Bayern mạnh mẽ mỗi khi bóng xuất hiện ở khu trung tuyến và mỗi khi Sao Đỏ có bóng, họ tấn công trực diện, ghi bàn vào lưới đối thủ trong khoảng thời gian rất ngắn. Điều này đã được thực hiện hoàn hảo trong trận lượt đi tại sân Olympiastadion, nơi mà sự ăn ý đến đáng sợ của Savićević và Pančev đã được phô bày. Cả hai người ghi bàn từ những pha phản công tuyệt vời để giành chiến thắng 2-1 trước khi trở về Belgrade. Prosinečki là ông chủ ở hàng tiền vệ, thực hiện một đường chuyền đẳng cấp xuống cánh phải cho Binić để chuyền cho Pančev ghi bàn.
Lịch sử đã chứng minh rằng bạn không bao giờ được đánh giá thấp đội bóng nước Đức. Và đúng như thế, câu lạc bộ xứ Bavaria đã chiến đấu quật cường ở Belgrade trước một đám đông cuồng nhiệt, dẫn 2-1 cho đến những phút cuối cùng. Sao Đỏ đã khởi đầu trận đấu rất tốt khi Mihajlović mở tỉ số ở phút 25 với một cú sút phạt kinh điển khiến thủ thành Raimond Aumann của Bayern chỉ biết chôn chân tại chỗ. Tuy nhiên cục diện trận đấu xoay chuyển khi Stojanović cứu một cú đá phạt của Bayern và khiến bóng lăn qua người đi vào lưới. Năm phút sau, Manfred Bender nâng tỉ số lên 2-1 cho Bayern và đưa hai lượt trận về tỉ số hòa khiến các khán đài tại Marakana phải câm lặng.
Chỉ vài phút sau đó, trái bóng xuất hiện trong vòng cấm Bayern cùng với Prosinečki nhưng đã bị phá ra ngoài. Bóng đến chân Mihajlović lúc này đang dâng lên bên cánh trái. Anh thực hiện một quả tạt khi thấy  Pančev ở góc xa. Tất nhiên bóng không bao giờ đến được với Pančev vì đội trưởng Klaud Augenthaler của Bayern đã cố gắng phá bóng nhưng thay vào đó lại khiến nó đi vào lưới. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, tỉ số chung cuộc 4-3 nghiêng về phía Sao Đỏ đã đưa câu lạc bộ thành Belgrade đến trận chung kết European Cup đầu tiên nơi họ sẽ phải đối mặt với Marseille - đội bóng của những siêu sao.
Marseille thực sự là dream team của thời kì đó với niềm kiêu hãnh là những Abedi Pele, Chris Waddle, Jean-Pierre Papin, cựu cầu thủ Sao Đỏ Dragan Stojković và Jean Tigana. Quả thực là một nhiệm vụ khó khăn với một đội bóng mà như Siniša Mihajlović nói là “một đội hình toàn những đứa trẻ 21, 22 và 23 tuổi”.
Sao Đỏ Belgrade và trận chiến với Marseille
Đối mặt với thử thách này, huấn luyện viên Ljupko Petrović của Sao Đỏ đã thực hiện một quyết định liều lĩnh dù có phần tiêu cực đó là sẽ “giết chết” trận đấu và đưa nó đến loạt penalty. Đó có lẽ là nỗi xấu hổ lớn nhất trong lịch sử bóng đá, hai đội bóng xuất sắc chơi một trận đấu nhàm chán đến mức bế tắc trong 120 phút với kết thúc 0-0 và đi đến loạt luân lưu. Quyết định của Petrović có thể xem là lạ lùng, đặc biệt nếu nhắc tới sự may rủi của loạt luân lưu. Nhưng có lẽ tất cả sẽ trở nên rõ ràng nếu biết rằng ở giải Hạng nhất Nam Tư, tất cả các trận đấu kết thúc với tỉ số hòa đều sẽ phải sút penalty để tìm người chiến thắng. Kết quả là tất cả các cầu thủ Sao Đỏ đều đã quen với việc sút phạt đền và do đó họ giải quyết áp lực tốt hơn nhiều so với hầu hết các đối thủ khác.
Và chiến thuật đó đã giúp Sao Đỏ thắng 5-3 trên chấm luân lưu. Prosinečki, Binić, Belodedici, Mihajlović và Pančev đều đã thực hiện thành công, qua đó đưa Sao Đỏ Belgrade lên ngôi vô địch. Đó là thành tích đáng kinh ngạc với một đội bóng Đông Âu, đặc biệt khi vào thời điểm đó tình trạng hỗn loạn đang xảy ra ở Nam Tư  nhiều gia đình cầu thủ cũng bị ảnh hưởng) khi quốc gia đang tan rã theo đúng nghĩa đen của từ.
Đáng buồn thay, đội bóng cũng bị tan rã. Liên bang Nam Tư sụp đổ, các cổ động viên bóng đá đã bị cướp đi một đội bóng có lẽ là chơi phản công hay nhất mà thế giới đã từng chứng kiến. Bạn không thể thấy các cầu thủ Sao Đỏ đá với nhau cho đội tuyển quốc gia nữa, Nam Tư bị loại khỏi Euro 1992 do bạo lực nổ ra trong nước.
Prosinečki chuyển tới Real Madrid, Pančev, Mihajlović và Savićević lần lượt tới Italia để chơi cho Inter, Roma và AC Milan. Stojanović gia nhập Royal Antwerp, Refik Šabanadžović kí hợp đồng với AEK Athens và Slobodan Marović gia nhập đội bóng Thụy Điển Norrköping. Vladimir Jugović đến Sampdoria và Binić đến Slavia Prague. Đội bóng bị tan rã hoàn toàn trong một vài năm, họ không bao giờ có thể thi đấu cùng nhau nữa. Và một kỉ nguyên thậm chí đã kết thúc trước khi nó được bắt đầu.
Vinh quang ấy vẫn còn được nhớ mãi...
Tất nhiên, bóng đá chỉ là một yếu tố phụ của cuộc chiến đã nhấn chìm Nam Tư dẫn đến hàng loạt những bi kịch, nhưng là một cổ động viên của túc cầu giáo, hoàn toàn dễ hiểu khi chúng ta nuối tiếc về một Sao Đỏ Belgrade xuất sắc năm 1991. Thật tuyệt vời khi thấy rằng trong khi Nam Tư tan rã vì những vấn đề xã hội, chủng tộc, chính trị và lịch sử thì Sao Đỏ lại cực kì thành công với các cầu thủ đại diện cho các nhà nước khác nhau nằm trong Liên bang Nam Tư, các cầu thủ đã cùng sống và thi đấu với nhau để chinh phục châu Âu. 
Chiến thắng của họ là bất tử và đó vẫn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của bóng đá Đông Âu.
Dịch từ bài viết gốc Red Star and the immortal triumph of 1991 trên These Football Times

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.