Xuất hiện trong nỗi buồn và ra đi cũng trong nỗi buồn, thậm chí là cả những nỗi đau. Hành trình nhiều thăng trầm của Roberto Mancini với đội tuyển Ý đã bắt đầu và kết thúc theo cách như thế.
Chia tay trong “sóng ngầm”
Việc Mancini chính thức từ chức HLV trưởng ĐTQG Ý hồi giữa tháng 8 khiến nhiều người cảm thấy vô cùng bất ngờ. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra sau sự ra đi được cho là đột ngột của vị chiến lược gia 58 tuổi.
Vì sao ông không xin nghỉ việc ngay sau khi Azzurri không thể giành vé dự World Cup 2022? Mà lại phải đợi tới khi chưa đầy 1 tháng nữa là tuyển Ý sẽ thi đấu trận thứ 3 tại vòng loại Euro 2024 hay nói cách khác là khi nỗi đau vắng mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã phần nào lắng xuống?
Thậm chí, khi Mancini và đoàn quân áo màu thiên thanh phải nhận thất bại trước đối thủ dưới cơ là Bắc Macedonia ở trận play-off hồi đầu năm ngoái, Liên đoàn bóng đá Ý (FIGC) còn mong ông sẽ không xin từ chức.
FIGC cũng mới chỉ vừa tìm được người thay thế Mancini là Luciano Spalletti và liệu HLV mới có đủ thời gian để làm quen với công việc của mình cũng như chuẩn bị các trận đấu còn lại của vòng loại Euro hay không?
Nhưng quyết định từ chức của nhà cầm quân sinh năm 1964 không hề đột ngột nếu xâu chuỗi những gì đã xảy ra. Dù cho tới thời điểm hiện tại, cả FIGC lẫn Mancini nếu chưa chính thức công khai lý do dẫn tới cuộc chia tay giữa đôi bên.
Báo chí Italy cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến đôi bên đường ai nấy đi. Đầu tiên là do Mancini nhận được lời đề nghị quá hấp dẫn từ Liên đoàn bóng đá Ả Rập Saudi (lương 30 triệu euro/năm, trở thành HLV ĐTQG hưởng lương cao nhất thế giới, gấp 6 lần mức lương ở ĐT Ý). Nguyên nhân còn lại là những mâu thuẫn xoay quanh cựu thuyền trưởng Manchester City.
Một trong những mâu thuẫn đó là việc trợ lý Alberico Evani xin rút lui khỏi ban huấn luyện Azzurri vì Mancini triệu tập Leonardo Bonucci cho 2 trận đấu hồi giữa tháng 6 năm nay.
Theo nhật báo Il Giornale, Evani cho rằng việc Mancini gọi một cầu thủ vừa lớn tuổi, vừa không có phong độ và thể trạng tốt như trung vệ sinh năm 1987 lên tuyển là quyết định thiếu hợp lý.
Ngoài việc không được lòng trợ lý, cũng có những tin đồn cho rằng mối quan hệ giữa Mancini và FIGC đã rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”. Những “cơn sóng ngầm” đã âm ỉ xuất hiện xung quanh Mancini trong thời gian qua. Đây chính là những uẩn khúc dẫn đến cuộc chia tay giữa cựu thuyền trưởng Fiorentina và Azzurri.
Từ thần tượng vĩ đại đến “cái gai” trong mắt nhiều người yêu bóng đá Ý
Tháng 5/2018, Mancini dũng cảm khi tiếp quản một ĐT Ý đầy rệu rã dưới thời người tiền nhiệm Gian Piero Ventura. Ở thời điểm đó, đoàn quân áo màu thiên thanh đang sa sút rõ rệt với việc không thể vượt qua vòng loại World Cup 2018.
Nhờ tài thao lược của Mancini, tuyển Ý “thay da đổi thịt” với chức vô địch Euro 2020 (thứ 2 trong lịch sử) sau 53 năm chờ đợi và kỷ lục 37 trận bất bại liên tiếp. Cựu tiền đạo Sampdoria nghiễm nhiên trở thành người hùng của làng túc cầu xứ sở mỳ ống. Truyền thông Ý tung hô ông như một tượng đài. Người dân tại đất nước hình chiếc ủng cũng coi Mancini như một vị anh hùng dân tộc.
Để rồi hai năm sau, cựu cầu thủ Leicester City trở thành một trong những nhân vật bị ghét nhất của bóng đá Ý.
Claudio Ranieri cho rằng người đồng nghiệp đồng hương của mình là kẻ hám tiền. “Nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ chọn Ả Rập Saudi như Mancini. Về mặt nghề nghiệp, ưu tiên hàng đầu của tôi là động lực làm việc, chứ không phải những đồng tiền”, Ranieri bày tỏ quan điểm với DAZN.
Claudio Ranieri |
Nhà cầm quân 71 tuổi vẫn còn có thái độ tương đối kiềm chế khi nói về cuộc chia tay giữa Mancini và Azzurri. Matteo Ricci - thị trưởng thành phố Pesaro thuộc vùng Marche - nơi xuất thân của Mancini có những phát biểu gay gắt hơn thế rất nhiều. Thậm chí, ông còn đề nghị Marche ngừng hợp tác về quảng bá du lịch với cựu HLV Lazio.
“Tôi cho rằng Marche nên chấm dứt hợp đồng với Mancini và thay thế bằng Gianmarco Tamberi (vận động viên nhảy cao người Ý từng giành huy chương vàng tại Olympic Tokyo 2020). Chúng tôi cần những nhân vật có thể lan tỏa thông điệp tích cực và tính thống nhất, chứ không phải gây chia rẽ”, tờ La Gazzetta dello Sport dẫn lời Ricci.
“Quá đau buồn cho quê hương của tôi! Vụ việc vừa xảy ra giữa Mancini và FIGC thật đáng xấu hổ! Tất nhiên, sẽ có hàng triệu người không thể từ chối mức lương khủng ở Ả Rập Saudi. Đó có thể là một trong những lời bào chữa. Nhưng ĐTQG thì không nên bị đối xử như một CLB! Azzurri là niềm tự hào của chúng tôi! ĐT Ý thuộc về nhân dân Ý! ĐTQG là đại diện cho ý thức mạnh mẽ về lòng yêu nước!”.
“Mancini - người đã được vinh danh vì thành tích vô địch Euro 2020 đã chọn làm giàu bằng một cách mà tôi cho là ông ta không còn coi trọng hình ảnh của bản thân. Đây là sự tổn hại!”.
Jordan Coraglia - chủ tịch của đội bóng các linh mục Ý cũng có những chỉ trích nặng nề nhắm vào Mancini. “Nếu đánh giá Mancini ở góc độ con người, tôi cho rằng đây không phải là một người tốt. Ông ta giờ chắc chẳng còn mặt mũi nào để trở lại bóng đá Ý. Mancini sẽ luôn bị coi là người đã quay lưng với chính đất nước của mình. Dante chắc chắn sẽ tống ông ta xuống địa ngục!”, linh mục Coraglia nói với hãng thông tấn Adnkronos.
(Chú giải: Dante là một trong những nhà thơ kiệt xuất của nước Ý nói riêng và toàn thế giới nói chung. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bản trường ca có tên “Thần khúc” (tựa gốc tiếng Ý là “Divina Commedia”). “Thần khúc” gồm có ba phần. Trong đó, “Địa ngục” là tên của phần đầu tiên).
Đối diện với làn sóng chỉ trích dữ dội, Mancini chỉ biết chua chát nói mình bị đối xử như một tên sát nhân. “Họ đối xử với tôi như thể tôi là Pietro Pacciani (tên tội phạm giết người hàng loạt có biệt danh là “Quái vật thành phố Florence”)”, trang tin Italpress dẫn lời cựu cầu thủ Bologna.
Không còn là sự ngưỡng mộ và sự yêu mến đầy ấm áp như khi còn chìm trong men say chiến thắng, người hâm mộ bóng đá Ý giờ đây đã nhìn Mancini với một con mắt khác hoàn toàn.
Chúng ta không ở trong nội bộ FIGC hay nội bộ ĐT Ý để biết rõ ai đúng, ai sai. Nhưng chắc chắn, tất cả đều cảm thấy đau buồn khi chứng kiến cuộc chia tay giữa Mancini và đoàn quân áo màu thiên thanh.
Ai cũng hiểu rằng chẳng có bất kỳ HLV nào có thể mãi gắn bó với một đội bóng. Nhưng có rất nhiều kịch bản để chia tay nhau và cuộc chia tay này đã diễn ra theo kịch bản tồi tệ nhất, đáng buồn nhất, đau đớn nhất.