RB Leipzig và câu chuyện về niềm tự hào của bóng đá Đức

Tác giả Fussballgott - Thứ Tư 21/09/2016 16:13(GMT+7)

Zalo
Chủ Nhật 10 tháng Chín vừa qua RB Leipzig đã làm nên lịch sử khi có chiến thắng đầu tiên ở Bundesliga trước á quân Bundesliga Borussia Dortmund. Đó hoàn toàn không phải là một chiến thắng may mắn, mà đến từ cách tiếp cận chiến thuật hợp lí, sự khát khao của tuổi trẻ và một chút tổn thương của đội bóng bị ghét nhất ở Đức. Tại sao một đội bóng có hành trình đáng ngưỡng mộ, 7 năm thăng 5 hạng như RB Leipzig lại phải chịu sự căm ghét của người Đức?
RB Leipzig va cau chuyen ve niem tu hao cua bong da Duc1
RB Leipzig và câu chuyện về niềm tự hào của bóng đá Đức
RB LEIPZIG TỪ ĐÂU ĐẾN?
 
Trước hết phải khẳng định rằng RB Leipzig nằm trong số chuỗi câu lạc bộ trên toàn cầu mà Red Bull đầu tư để qua đó quảng bá cho thương hiệu của họ. Họ đã các đội bóng ở Áo, Brazil và Mỹ, và Đức là đích đến mới nhất của họ.
 
Năm 2009 họ mua lại suất chơi ở giải hạng năm của một đội bóng vô danh SSV Markranstadt  có trụ sở ở Leipzig, đầu tư hơn 100 triệu euro vào cầu thủ và cơ sở hạ tầng kể từ đó để hiện thực hoá mục tiêu đưa hai chú bò (biểu tượng của Red Bull) xuất hiện ở Champions League.
 
Tuy nhiên kế hoạch của Red Bull bị cản trở bởi những luật lệ đặc biệt ở Đức. Đầu tiên là việc các đội bóng mới thành lập không được gắn tên với doanh nghiệp, thứ hai cũng như các đội bóng khác, họ phải đảm bảo điều luật “50+1”, tức ít nhất 51% quyền quản lí đội bóng phải thuộc về thành viên của câu lạc bộ, ở đây chính là những người hâm mộ của đội bóng có đăng kí thành viên với mức phí hàng năm khoảng 80 euro/năm.
RB Leipzig va cau chuyen ve niem tu hao cua bong da Duc3
RB Leipzig và chiến thắng trước Dortmund
Để tồn tại và duy trì ở Đức, những nhà marketing đại tài của Red Bull đã nghĩ ra nhiều cách thức ranh ma để lách luật. Cụ thể họ lấy tên câu lạc bộ là RasenBallsport  Leipzig (tức đội thể thao sân cỏ Leipzig), viết tắt là RB Leipzig. Và cũng chỉ ở Đức, Red Bull mới phải nhượng bộ điều này, nếu như chúng ta đã từng nghe tới những đội bóng như Red Bull Salzburg, Red Bull New York, Red Bull Brazil.
 
Với điều luật “50+1”, RB Leipzig cũng rất ‘tinh tế’ khi phát hiện ra kẽ hở của nó. Họ phát hành đăng kí thành viên với mức giá 800 euro/năm, đắt gấp 10 lần so với những gì tương tự ở Bayern Munich. Hậu quả (thành quả) là chỉ có 17 người dám đăng kí thành viên của RB Leipzig, và theo báo chí Đức tiết lộ, cả 17 người này đều là nhân viên của tập đoàn Red Bull!
 
Việc lách luật của RB Leipzig tất nhiên tạo ra làn sóng phản đối ở Đức, đặc biệt là những câu lạc bộ có truyền thống lâu đời, làm bóng đá bài bản và chật vật để tồn tại. Khi RB Leipzig được thăng lên 2.Bundesliga cách đây hai mùa giải, một phong trào mang tên “Nein Zu RB” (nói không với RB) được 19 nhóm cổ động viên của các đội bóng lập ra để phản đối sự hiện diện của RB Leipzig, hiện tại phong trào đã lan ra với những nhóm hoạt động không thuộc lĩnh vực bóng đá. Người Đức có những cách độc đáo để thể hiện sự phản bội của mình trên sân, như cổ động viên Hansa Rostock quyết định vào sân sau khi bóng lăn được 10 phút, cổ động viên Union Berlin mặc đồ đen và để 15 phút mặc niệm trong im lặng. Đầu mùa giải khi RB Leipzig bị Dynamo Dresden đánh bại ở DFB Pokal, cổ động viên của Dresden đã ném vào sân một cái đầu bò…
 
RB Leipzig va cau chuyen ve niem tu hao cua bong da Duc4
Từ khi chưa đối đầu nhau, cổ động viên Dortmund đã phản đối RB Leipzig
Với các đội bóng ở Bundesliga khi đó, họ chưa phải đối đầu cùng RB Leipzig trong khuôn khổ giải đấu nhưng đã có những hoạt động phản đối, đặc biệt là những nhóm ultras của Borussia Dortmund, bại tướng của RB Leipzig hôm chủ nhật.
 
Điều đặc biệt nhất của RB Leipzig là dù được hậu thuẫn tài chính vững vàng nhưng họ lại chọn làm bóng đá một bài bản và kiên nhẫn. Chính sách của đội bóng vài năm qua là không kí với những cầu thủ quá 23 tuổi và đòi lương hơn 3 triệu euro/mùa, mặt khác họ không quá áp đặt thành tích lên các đời huấn luyện. Chủ tịch đương nhiệm là Dietrich Mateschitz, phía dưới ông là những bộ não quản lí kiệt xuất của bóng đá đương đại như Gerard Houllier và Ralf Rangnick. Mùa giải trước khi Red Bull chưa tìm được HLV trưởng, Rangnick đã đứng ra dẫn dắt đội bóng thăng hạng, sau đó nhường lại vị trí dẫn dắt mùa này cho Ralph Hasentuettl đến từ câu lạc bộ Ingolstadt.
 
Với các câu lạc bộ “chị em” của RB Leipzig, nếu họ sở hữu những cầu thủ tài năng thì sẽ phải nhường lại cho người em út ở Leipzig. Cầu thủ ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Borussia Dortmund Naby Keita là một trường hợp như vậy, và để cân bằng các khoản phí chuyển nhượng, RB Leipzig sẽ gửi lại RB Salzburg 15 triệu euro!
 
NGƯỜI ĐỨC PHẢN ĐỐI CHO CÁI GÌ?
 
Với nhiều người Đức, câu trả lời rất đơn giản: niềm tự hào của bóng đá Đức! Không may thay trong thời buổi công nghệ tiến bộ chóng mặt hiện nay, chúng ta trở thành người hâm mộ của thứ bóng đá cách xa nửa vòng trái đất, nhìn thấy từng ngóc ngách trong phòng thay đồ nhưng lại không đủ khả năng thẩm thấu hết truyền thống của thứ bóng đá mà chúng ta say mê.
 
Khi nói về Bundesliga và bóng đá Đức, chúng ta ngay lập tức hình dung đến những khán đài đầy ắp khán giả, những trận đấu mà dù thắng dù thua thì các cầu thủ cũng sẽ ra chào cảm ơn những cổ động viên đã ủng hộ mình suốt 90 phút. Cùng với khán giả ở Ý và một số nước Nam Âu, cổ động viên ở Đức nổi tiếng là cuồng nhiệt, sẵn sàng bỏ qua những diễn biến dưới sân bóng để hò hét tạo ra bầu không khí đầy phấn khích.
RB Leipzig va cau chuyen ve niem tu hao cua bong da Duc2
 Sự cuồng nhiệt bất kể giải đấu tham dự. 50 nghìn cổ động viên đến sân ủng hộ Stuttgart mỗi tuần ở giải hạng nhì
 
Để làm được điều đó, DFB và các đội bóng đã phải nỗ lực để giữ mối liên kết với người hâm mộ. Một trong số đó chính là điều luật “50+1” bị RB Leipzig đã lách luật thành công. Luật “50+1” giữ cho đội bóng không bao giờ trở thành sở hữu tư nhân như những tỉ phú Ả Rập và nhà Glazer ở Anh. Hằng năm ban quản trị tổ chức các cuộc gặp gỡ với thành viên có đăng kí của câu lạc bộ, lắng nghe họ nói về các khía cạnh thể thao, tài chính và chiến lược phát triển. Họ còn có tham gia vào ban lãnh đạo nếu có đủ uy tín và tài năng để thu hút các phiếu bầu. 
 
Bại tướng của RB Leipzig, Borussia Dortmund là điển hình như vậy. Chủ tịch Reinhard Rauball và CEO ‘Aki’ Watzke là những người sinh ra tại Dortmund, giám đốc thể thao Michael Zorc, trưởng phụ trách đào tạo trẻ Lars Ricken, ngoài việc có gốc gác Dortmund còn từng là cầu thủ trọn đời (one-club man) của Vàng Đen. Có lẽ không ở đâu trên thế giới này, cổ động viên có sự gắn bó mật thiết (và quyền lực) như thế với đội bóng.
 
Bóng đá Đức lấy quyền lợi của người hâm mộ làm trọng vì họ hiểu rằng tồn suy phụ thuộc rất nhiều vào người hâm mộ. Những năm đầu khi bóng đá được du nhập vào Đức, nó vẫn bị cấm đoán và không thừa nhận. Đến thời Đức quốc xã, bóng đá trở thành một công cụ tuyên truyền cho chủ nghĩa Phát Xít. Rất nhiều chủ tịch đội bóng vì bất tuân lệnh của Adolf Hitler đã bị thủ tiêu bí mật. Sau thế chiến bóng đá Đức lại đứng trước thử thách khi Chiến Tranh Lạnh chia rẽ hai miền Đông-Tây, kéo theo nhiều hệ luỵ về kinh tế. Có lúc khủng hoảng thất nghiệp kèm theo cuộc sống bấp bênh đã khiến người dân ngoảnh mặt lại với bóng đá nhưng với các chiến thắng đầy khích lệ ở giải đấu lớn, bóng đá Đức dần hồi phục và trở thành nền bóng đá hàng đầu thế giới.
 
Lẽ vì vậy, bóng đá trở thành một phần mật thiết với mọi người Đức. Họ được bóng đá an ủi và vỗ về khi khó khăn khủng hoảng, ngược lại, người Đức đóng góp vào việc xây dựng và phát triển đội bóng với niềm tự hào.
 
Thứ tình cảm hai chiều của bóng đá Đức và người hâm mộ khiến cho khoảng cách giữa cầu thủ triệu phú và người hâm mộ luôn gần gũi nhất có thể, khác với vị thế ngôi sao như ở Anh hay Tây Ban Nha. Cũng vì thế nên giá vé ở Đức không bao giờ tăng một cách bừa bãi. Mỗi năm nó sẽ đem ra bàn luận một cách công khai trong đại hội thành viên, tính toán để mỗi người dù thuộc tầng lớp nào cũng có thể đến sân xem các đội bóng thi đấu. Tại các sân vận động Đức, họ còn bán cả bia và xúc xích làm tại địa phương, và đó là những thứ không bao giờ tăng giá.
 
Dù vậy truyền thống của bóng đá Đức cũng kéo theo một hệ luỵ là việc thống trị của Bayern Munich. Đội chủ sân Allianz Arena là tổng hợp của nhiều yếu tố hi hữu, như sự xuất hiện của thế hệ xuất chúng Franz Beckenbauer, Gerd Mueller và Sepp Maier, tài quản lí thể thao của Uli Hoeness hơn 40 năm qua và nền kinh tế Bavaria ổn định nhất tại Đức. Muốn vượt qua Bayern, các đội bóng như Dortmund hay Moenchengladbach cần lặp lại một quá trình ổn định xuyên suốt nhiều thập kỉ như Die Roten đã từng trải qua, một điều gần như không khả thi trong môi trường bóng đá hiện đại.
 
***
 
Khi sang Leipzig theo dõi trận đấu vòng hai Bundesliga, cây viết Stephan Uersfeld của ESPN thuật lại hai câu chuyện thú vị. Một cổ động viên có vé vào sân chìa cho ông coi thẻ thành viên của hội cổ động viên Borussia Dortmund tại Đông Đức, nhưng hôm nay người này khẳng định sẽ vào sân để ủng hộ RB Leipzig. Một người khác khoe với Uersfeld rằng mình đã mua vé cả mùa của RB Leipzig rồi, nhưng khi đến sân sẽ cổ vũ toàn bộ các đội khách!
 
RB Leipzig va cau chuyen ve niem tu hao cua bong da Duc5
Cổ động viên của RB Leipzig
RB Leipzig đã tồn tại và phát triển trong sự dung túng của DFB. Họ thừa sức nghĩ ra một luật mới nhằm ngăn chặn việc rót tiền đầu tư của Red Bull, nhưng họ đã không làm vậy. Để bóng đá Đông Đức phát triển, để Bundesliga thêm sự cạnh tranh, gần như không còn sự lựa chọn nào ngoài cách làm của RB Leipzig.
 
LUKASZ(TTVN)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

X
top-arrow