Ralf Rangnick: Sự lựa chọn kì lạ nhất của ban lãnh đạo Manchester United

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Tư 01/06/2022 11:17(GMT+7)

Trong khi Liverpool và Real Madrid bận diễu hành các danh hiệu, vài ngày sau khi Manchester City làm điều tương tự, Manchester United lặng lẽ thông báo việc cắt đứt mọi ràng buộc với Ralf Rangnick. Một lời từ biệt và không có vẻ gì sẽ gặp lại.

 

 
Man United luôn là thương hiệu bóng đá khiến người ta phải nhớ đến. Họ từng giành những danh hiệu trong quá khứ. Họ từng thống trị bảng xếp hạng doanh thu bóng đá của Deloitte trong nhiều năm. Họ vẫn ăn nên làm ra ở các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok.
 
Nhưng ở khía cạnh bóng đá hiện tại, người hâm mộ chỉ muốn quên đi. Dưới thời Rangnick, Man United kết thúc mùa giải với 6 trận thua liên tiếp trên sân khách, hiệu hiệu số bàn thắng bại là 0 và kém nhà vô địch Man City 35 điểm.
 
Khi Rangnick được bổ nhiệm làm HLV tạm quyền vào tháng 11, GĐTT John Murtough của United hồ hởi miêu tả ông là “một trong những HLV và nhà cải cách bóng đá được kính trọng nhất ở bóng đá châu Âu.” Murtough cũng thông báo rằng Rangnick sẽ trở thành cố vấn trong hai năm, sau khi hoàn thành công tác huấn luyện. 
 
6 tháng sau, công việc cố vấn biến mất nhanh chóng. Rangnick trở thành HLV của ĐT Áo và sẽ không đảm nhận bất cứ công việc gì liên quan đến nửa đỏ thành Manchester.
 
Cái kết của câu chuyện đã biến Rangnick trở thành một trong những chương kì lạ nhất trong lịch sử đội bóng.
 
Không dễ để nói với các CĐV Man United rằng họ không nên kì vọng vào Rangnick trên cương vị HLV, nhất là khi họ vừa thoát khỏi thứ bóng đá dễ tổn thương, thiếu bài vở của Ole Gunnar Solskjaer. Tuy nhiên, có quá nhiều cảnh báo cho thấy đó sẽ là cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
 
 
Đầu tiên, Man United đã bổ nhiệm người chỉ làm công tác huấn luyện một đội bóng trong 10 mùa giải gần đây. Thật khó tin phải không? Dù chúng ta đều thấy Rangnick liên tục tham gia vào công tác làm bóng đá, không ai dám chắc ông có phải một HLV giỏi hay không, chỉ với hai nhiệm kì huấn luyện trong thập kỉ qua – đều ở RB Leipzig. Thành công có (giành quyền thăng hạng Bundesliga từ giải hạng hai Đức mùa 15/16), thất bại có (đứng thứ ba ở Bundesliga, thua trận chung kết cúp quốc gia Đức, đồng thời bị loại khỏi Europa League ở vòng bảng); quan trọng hơn, có quá ít mẫu để tin vào.
 
Kết quả sau khi mùa giải khép lại đã chứng minh nghi ngại này là đúng: Tỉ lệ thắng của M.U dưới thời Rangnick còn thấp hơn David Moyes. Không có bất cứ yếu tố nào được xem là tân tiến trong lối chơi của đội bóng này, điều Rangnick hứa hẹn sẽ mang tới. Xét về số đường chuyền đối thủ thực hiện trước khi để mất bóng (một thông số phù hợp để đánh giá khả năng gây sức ép của một CLB), Man United xếp thứ 14 ở Premier League dưới thời Rangnick.
 
Tiếp đến, từ giữa tháng 2 đến tháng 5, họ chỉ thắng 2 trong 9 trận tại giải VĐQG. Hai chiến thắng đều là những màn trình diễn rời rạc của cả đội, trước khi Cristiano Ronaldo trở thành đấng cứu thế với những cú hat-trick. Thật khó để nhận ra thứ bóng đá Rangnick vẫn hay đề cập trong các buổi họp báo.
 
Thế nhưng từ đó, chúng ta lại thấy sự bối rối của Man United: Bổ nhiệm một người được biết đến nhiều nhất với tư cách là một GĐTT làm HLV bóng đá chẳng khác gì nhờ bác sĩ làm thống kê kiểm toán. Trong khi đối thủ bổ nhiệm các nhà cầm quân từng dẫn dắt những đội bóng như Bayern Munich, Dortmund, PSG hay Inter Milan, Man United lại chọn người dẫn dắt đội bóng gần nhất là Molde và một GĐTT từ Lokomotiv Moscow - loại sơ yếu lý lịch có thể giúp bạn đủ điều kiện cho buổi phỏng vấn tại một CLB Championship hạng trung.
 
Thứ hai, Rangnick đến với tư cách là HLV tạm quyền, nhưng lại được giao nhiệm vụ đại tu CLB sau đó nửa năm. Thông thường, các HLV tạm quyền có nhiệm vụ giữ mọi thứ ổn định, trước khi nhường chỗ cho một người khác. Từ góc độ đó, công việc của Rangnick sẽ mang ý nghĩa ngược lại… 
 
… dẫn đến điều thứ ba, đó là liệu Rangnick có từ bỏ công tác huấn luyện, khi đã chuyển sang làm vai trò khác ở United hay không? Quá trình chuyển đổi vị trí ở Leipzig từng diễn ra không thực sự suôn sẻ, khi ông bổ nhiệm Ralph Hasenhuttl làm HLV, nhưng có vẻ vẫn huấn luyện đội bóng từ vị trí GĐTT, trước khi… tự bổ nhiệm mình làm người kế nhiệm Hasenhuttl mùa 18/19.
 
Không rõ ban lãnh đạo của Man United có nhận ra điều này, nhưng trong một thập kỉ trước khi Manchester United chọn Rangnick cho chiếc ghế nóng, ông mới được bổ nhiệm làm HLV trưởng hai lần. Đoán xem ai là người bổ nhiệm người đàn ông năm nay 63 tuổi? Chính ông!
 
Có lí do để các đội bóng khác không muốn mời Rangnick làm HLV. Chelsea và AC Milan từng liên hệ với ông trong quá khứ, nhưng không đội bóng nào coi đó là lời đề nghị nghiêm túc. Chelsea đã chọn Thomas Tuchel, một người giàu kinh nghiệm huấn luyện các đội bóng lớn. Trong khi đó, Milan chịu sự chỉ trích bởi chủ nghĩa ngắn hạn, khi từ bỏ kế hoạch bổ nhiệm Rangnick và gắn bó với Stefano Pioli, với lí do HLV người Ý đang làm tốt công việc của mình.
 

Nhưng cả hai đội bóng đều thu về thành quả đáng chú ý sau đó: Chelsea trở thành nhà vô địch châu Âu, còn Milan vô địch Serie A sau 9 năm. Nếu có bài học cần được rút ra từ những câu chuyện này, đó là cần phải tránh Rangnick - đặc biệt là trong trường hợp của Milan, nơi ông muốn đảm nhiệm một vai trò lớn theo kiểu Sir Alex Ferguson ngày trước, tức là một công việc kết hợp giữa HLV và GĐTT.
 
M.U đã làm điều các đội bóng né tránh, nhưng cũng không thể đảm bảo quyền lực tối thượng mà Rangnick muốn sở hữu. Những xung đột bắt đầu xảy ra, khi các cầu thủ M.U, những người được Rangnick bênh vực trong những ngày đầu tiên, bắt đầu bị lôi ra chịu đòn. “Ích kỷ, bị thổi phồng quá mức, thiếu những phẩm chất và sở hữu quyền lực thái quá” là những gì Rangnick miêu tả chính những người học trò của mình.
 
Rất trùng hợp, khi những “tâm sự” thẳng thừng của Rangnick đến vào thời điểm M.U đã chọn xong HLV mới (Erik ten Hag). Điều đó cho thấy Rangnick khi đó chẳng còn gì để mất; ông sẵn sàng biến đội bóng trở thành lò lửa nếu mọi thứ không đúng với ý mình.
 
Nó đã khiến ban lãnh đạo Man United ngạc nhiên thật sự. Chỉ vì muốn phòng thay đồ yên ả, họ chấp nhận từ chối Antonio Conte, một người nổi tiếng với việc biến không khí phòng thay đồ căng như dây đàn. Sau một mùa giải thất vọng, họ cũng muốn mọi thứ được tua nhanh nhất có thể, thay vì từng câu chuyện hậu trường được tung hê trên các mặt báo. Nhưng đó là điều đã xảy ra.
 
 
Hạn chế tầm ảnh hưởng của Rangnick là điều ban lãnh đạo Man United buộc phải làm. Cách làm bóng đá, đặc biệt là tầm nhìn về bản sắc của CLB có thể là điều họ muốn có ở Rangnick, nhưng rõ ràng M.U không phải Hoffenheim hay Leipzig để Rangnick trở thành mama tổng quản từ trên xuống dưới như vậy.
 
Nhưng nếu công việc Rangnick phải làm chỉ là trực điện thoại và nhấc máy khi United cần lời khuyên, rõ ràng ông sẽ không bỏ công việc mà ông chỉ mới bắt đầu tại Lokomotiv Moscow hồi tháng 7 năm ngoái. Thế nên, khi nhận được công việc ở ĐT Áo, Rangnick không mất nhiều thời gian để đoạn tuyệt với nửa đỏ thành Manchester.
 
 
Giờ đây, Ten Hag sẽ thừa hưởng một phòng thay đồ nghi ngờ khả năng của bản thân sau những lời chỉ trích từ chính người vừa dẫn dắt mình, cũng như chẳng dám nhìn mặt ai sau những thất bại toàn diện dưới sự chỉ đạo của một GĐTT lên làm HLV. Đó là lựa chọn, và chắc chắn rồi, là sai lầm của ban lãnh đạo đội bóng.
Ten Hag sẽ phải là sự kết hợp giữa Arsene Wenger và Jose Mourinho thời kỳ đầu - một nhà cải cách có tầm nhìn xa và một chiến lược gia đại tài - nếu muốn xoay chuyển tình thế. Có lẽ ban lãnh đạo của Man United tin rằng tân HLV của họ là một người như vậy. 
 
Hoặc sau những gì xảy ra với Rangnick, đơn giản là họ đang chọn một phòng thay đồ yên tĩnh một lần nữa.
 
Bài viết có sử dụng tư liệu từ các bài viết sau:
"Ralf Rangnick leaving Man Utd ends one of the oddest chapters in Premier League history as Erik ten Hag settles in" của Dave Kidd (The Sun)
“Six reasons why it’s difficult to predict how Rangnick will do at Manchester United” của Michael Cox (The Athletic)
“Rangnick has never been a top manager – this ‘era’ was a bizarre mistake by United” của Michael Cox (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.