Quá nhiều 0-0, nhưng Man Utd có thực sự tiêu cực đến vậy trong các trận đấu lớn?

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 07/03/2021 09:57(GMT+7)

Ole Gunnar Solskjaer sẽ bước vào trận derby Manchester cuối tuần này trong bối cảnh bị chỉ trích dữ dội về cách tiếp cận chiến thuật của ông trong các trận đấu lớn ở mùa giải này.

Bất cứ ai đã theo dõi hai trận hòa 0-0 của Manchester United với Chelsea cả trên sân nhà và sân khách, trận hòa 0-0 trên sân nhà với Manchester City, trận hòa 0-0 trên sân Anfield với Liverpool và trận hòa 0-0 trên sân Emirates với Arsenal sẽ không đặc biệt hào hứng với cuộc hành quân của họ đến Etihad vào cuối tuần này. 
Trong khi đó, nếu không tính quả penalty của Pierre-Emerick Aubameyang, thì cuộc đụng độ với Arsenal trên sân Old Trafford cũng đã kết thúc mà không có bàn thắng nào được ghi. 
“Mẫu chung” là rất rõ ràng, và điều này hoàn toàn trái ngược với cuộc đụng độ đầu tiên của Manchester United trước một đối thủ lớn ở mùa giải này, trận thua thảm họa với tỷ số 6-1 ngay trên sân nhà dưới tay Tottenham Hotspur. Phải chăng Solskjaer đã quá ám ảnh với thất bại nhục nhã này và kể từ đó đã luôn ưu tiên việc không cho phép nó lặp lại lên hàng đầu? Tâm lý thiếu tham vọng của nhà cầm quân người Na Uy và sự thiếu năng lực ở các cầu thủ tấn công của Man United, liệu những vấn đề đó đang ở mức độ nào thông qua sự phản ánh của tình trạng thiếu vắng bàn thắng này?  
Đầu tiên, cần phải chỉ ra rằng, câu chuyện về Man United của Solskjaer ở mùa giải này rất khác so với các mùa giải trước, khi Quỷ Đỏ thường thể hiện tốt trong các trận đấu lớn nhưng lại chật vật trong việc tìm cách đánh bại những đội bóng “cửa dưới”. Ở mùa giải trước, họ đã giành 7 chiến thắng trong số 12 trận đấu với các CLB hàng đầu (vì mục đích của bài viết này, chúng tôi đã xác định nhóm các đối thủ đó là Manchester City, Liverpool, Chelsea, Tottenham, Arsenal và Leicester – những đội bóng có tổng số điểm cao nhất trong 3 mùa giải trước).
Mặc dù trận hòa không bàn thắng với Crystal Palace vào giữa tuần là một trận đấu thực sự đáng thất vọng của Man United, các học trò của Solskjaer đã đánh bại phần lớn những đối thủ mà họ được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng ở mùa giải này. Nhưng đội bóng của Solskjaer vẫn chưa thể thắng được “các đối thủ hàng đầu” kể trên, qua đó chỉ thu về được 6 điểm trước họ.
Chú thích: PL (Số trận đấu đã trải qua với các đối thủ hàng đầu), W (thắng), D (hòa), L (Thua), GD (hiệu số bàn thắng bại), PTS (số điểm kiểm được), PPG (Số điểm kiếm được trung bình mỗi trận).
6 điểm mà Man United kiếm được đều là từ các trận hòa, 5 trong số đó là những trận hòa không bàn thắng. Nhưng hãy nhìn vào các con số chuyên sâu hơn, chúng sẽ cho thấy rằng chuỗi trận hòa 0-0 về cơ bản là một chuyện hết sức kỳ lạ.
Về khâu phòng ngự, không ai có thể nghi ngờ, Man United đã chơi chắc chắn hơn hẳn trong các trận đấu lớn kể từ sau trận thua thảm họa trước Spurs. 
Mặc dù số cú dứt điểm – không tính penalty – trung bình mỗi trận mà họ phải nhận trong các trận đấu lớn (11,9 mỗi 90 phút) là nhiều hơn so với khi đối đầu với phần còn lại của giải đấu (9,7 mỗi 90 phút) kể từ sau trận thua 6-1 ở Old Trafford trước đoàn quân của José Mourinho, nhưng chất lượng của những cơ hội đó (trung bình xG của mỗi cú sút) thì thấp hơn một chút so với khi chạm trán nhóm đối thủ còn lại.
Chú thích: Các chỉ số phòng ngự của Man United trong những trận đấu lớn kể từ sau thất bại trước Spurs. Goals Against (số bàn thua trung bình mỗi 90 phút), xG Against (bàn thua kỳ vọng trung bình mỗi 90 phút), shots Against (số cú sút phải nhận mỗi 90 phút), xG per shot (giá trị xG trung bình của mỗi cú sút phải đối mặt)
Một phần là nhờ may mắn, có những lúc là nhờ thủ môn đã chơi tốt, và có lẽ còn nhờ đối phương đã dứt điểm tệ, chắc chắn Man United cũng đã được hưởng lợi bởi những yếu tố đó, vì dữ liệu “bàn thua kỳ vọng” của họ (hay còn gọi ngắn gọn là xGA) cho thấy họ đáng lẽ đã để thủng lưới nhiều hơn một hoặc hai bàn thua so với số liệu thực tế. Tuy nhiên, họ thực sự đang chơi cẩn trọng và chặt chẽ hơn rất nhiều kể từ trận thảm bại trước Spurs. 
Những gì diễn ra ở mùa giải trước – khi Man United giành được 7 chiến thắng từ 12 trận đấu với những đối thủ hàng đầu – thì hoàn toàn ngược lại, và con số 1,2 xGA mỗi 90 phút được ghi nhận trước các đối thủ danh tiếng ở Premier League 2019/2020 là cao hơn hẳn, nó cho thấy bản thân các trận đấu lớn ở mùa giải 2019/2020 đã diễn ra cởi mở hơn nhiều so với mùa giải này.
Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng Man United đã phòng ngự chắc chắn hơn trước các đội bóng hàng đầu ở mùa giải này, nhưng chất lượng của họ trong khâu tấn công thì sao? 
Tương tự như trên, chúng ta có thể đào sâu vào những dữ liệu chuyên sâu của Man United để nêu bật lên một sự thật rằng, đội chủ sân Old Trafford có thể than thở là mình đã thiếu may mắn vì đã không thể ghi được thêm một vài bàn thắng trong những trận đấu mà họ đã trải qua với các đội bóng hàng đầu, với việc xG của Quỷ Đỏ cho thấy họ đáng lẽ đã có thể chọc thủng lưới đối phương nhiều hơn so với con số thực tế.
Chú thích: Các chỉ số tấn công của Man United trong những trận đấu lớn kể từ sau thất bại trước Spurs. 
Không thể phủ nhận một sự thật rằng, trong các trận đấu lớn, Man United đã “thử thách” thủ môn đối phương ít hơn so với khi đối đầu với các đối thủ còn lại – với việc họ đã tung ra ít hơn trung bình 5 cú sút mỗi trận so với khi chạm trán với phần còn lại của giải đấu.
Tuy nhiên, thật thú vị, thống kê “thực hiện trung bình 10 cú sút mỗi trận” trước các đối thủ hàng đầu này là tương đương với mùa giải trước – đủ để Quỷ Đỏ ghi được trung bình 1 bàn mỗi trận trong những trận đấu đó. 
Hơn nữa, xG trung bình của họ trong những trận đấu lớn ở mùa giải trước thực sự …  thấp hơn một chút so với mùa giải này, với 0,86 mỗi 90 phút. 
Chính vì vậy, vấn đề không thực sự nằm ở những chiến thuật đầy thận trọng của Solskjaer – nó nằm ở khả năng tận dụng cơ hội của các cầu thủ. 
Tham vọng tấn công của Man United được thể hiện rõ nhất trong cuộc đối đầu với Chelsea, trận đấu mà Quỷ Đỏ đã có 11 lần cướp được bóng ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương – con số cao nhất của họ ở mùa giải này. Tuy nhiên, những đường chuyền tiếp theo sau thường đi không chính xác. 
Đó chính là câu chuyện của những trận đấu lớn kết thúc với tỷ số hòa 0-0 mà Man United đã trải qua – các cầu thủ tấn công liên tục có được những tình huống ngon ăn, nhưng không tận dụng được chúng, khi mà các pha dứt điểm hay những quyết định quan trọng trong các tình huống phản công đã khiến họ phải thất vọng. 
Trong trận hòa 0-0 đầu tiên, diễn ra trên sân nhà trước đối thủ Chelsea, có một tình huống mà Bruno Fernandes đoạt được bóng ở vạch giữa sân và một cơ hội 1 chọi 1 đã được tạo ra cho Marcus Rashford …
… Nhưng cú dứt điểm của Rashford đã bị cản phá bởi chân của Edouard Mendy. Đó có lẽ là cơ hội ngon ăn nhất của trận đấu này.
Trong trận hòa 0-0 thứ hai, với đối thủ Manchester City, Man United đã không phát huy tối đa được những tình huống đầy hứa hẹn mà họ có. Solskjaer đã triển khai một tuyến giữa hình kim cương, cùng hai tiền đạo chơi rộng là Rashford và Mason Greenwood, và kiểu kịch bản diễn ra trong trận đấu này chính xác là những gì mà ông mơ ước.  
Tuy nhiên, trong ví dụ dưới đây, mặc dù một khoảng trống “mênh mông” và đầy tiềm năng đã xuất hiện để đưa bóng vào đó, nhưng đường chuyền hướng đến Greenwood của Fernandes đã được thực hiện quá nhẹ, và Kyle Walker đã có một pha cắt bóng cực kỳ quan trọng cho Manchester City.
Trong một tình huống giàu tiềm năng khác diễn ra sau đó, Fernandes đã làm đúng điều mà anh cần làm, thực hiện một đường chuyền không có gì để chê. Pha đưa bóng ra phía sau hàng thủ đối phương tuyệt vời cho Rashford ban đầu đã mang về “phần thưởng” là một quả penalty, tuy nhiên, quyết định đó đã bị hủy bỏ vì tiền đạo người Anh đã mắc lỗi việt vị. Nếu Rashford “hoãn” pha di chuyển của anh trong một tích tắc ở tình huống này, có thể một câu chuyện khác sẽ diễn ra.
Man United có lẽ là đội có được nhiều tình huống nguy hiểm hơn trong trận hòa 0-0 thứ ba, với đối thủ Liverpool trên sân khách, đặc biệt là trong giai đoạn cuối trận. Trong ví dụ dưới đây, Luke Shaw đã thực hiện một tình huống overlap (chồng cánh) với Rashford …
… để sau đó tung ra một pha cut-back (chuyền trả ngược) cho Fernandes. Mặc dù Liverpool đang có 2 hậu vệ, cũng như Alisson án ngữ trước khung thành, nhưng đây vẫn là một cơ hội ghi bàn rất ngon ăn.
Sau đó, Man United đã lại một lần nữa không đưa ra những quyết định chính xác trong một pha phản công đầy tiềm năng ở giai đoạn cuối trận. Rõ ràng, tình huống dưới đây trông cực kỳ hứa hẹn …
… nhưng Rashford và Cavani đã không hành động ăn ý với nhau, và tiền đạo người Anh cuối cùng đã “đâm đầu vào ngõ cụt”, với 3 hậu vệ bao vây quanh anh.
Rashford có lẽ cũng là cầu thủ có được cơ hội ngon ăn nhất trong trận hòa 0-0 thứ tư, với đối thủ Arsenal trên sân khách – anh đã không thể kiểm soát tốt được pha căng ngang của Shaw, và rồi sau đó chẳng thể nào tung ra được một cú dứt điểm vì các cầu thủ đối phương đã vây chặt lấy anh.
Trong khi đó, trong trận hòa 0-0 thứ năm và gần đây nhất, diễn ra vào cuối tuần trước tại Stamford Bridge, chúng ta lại một lần nữa chứng kiến Man United không thể tận dụng được một cơ hội cực kỳ ngon ăn trong một pha phản công. Trong tình huống dưới đây, Rashford thực sự tuyệt vời khi nghĩ đến việc chuyền bóng sang cho Greenwood đang hoàn toàn được tự do cùng một khoảng trống đầy hứa hẹn, nhưng cú lốp bóng của anh là quá thấp và Ben Chilwell đã chặn được nó.
Sau đó, trong hiệp hai, Fernandes đã có thêm một đường chuyền không tốt khác trong một tình huống phản công. Đây rõ ràng là một pha phản công 3 chọi 2 đầy tiềm năng, nhưng đường chuyền dành cho Rashford của Fernandes đã được thực hiện quá mạnh, và nó đã đưa bóng ra khỏi sân.
Fernandes đã có hai lần trở thành “kẻ có tội” trong những trường hợp mà bài viết này đã nêu, đây là một điều đáng ngạc nhiên nếu xét về phong độ chung của ngôi sao người Bồ Đào Nha ở mùa giải này.
Như bạn có thể lường trước, chẳng có gì kỳ lạ với chuyện output của các cầu thủ giảm đáng kể trong những cuộc đụng độ với các đối thủ hàng đầu – và với khả năng của Fernandes, sẽ không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy các đội bóng hàng đầu tìm cách vô hiệu hóa ngôi sao người Bồ Đào Nha trong nỗ lực ngăn cản Man United có được các cơ hội ghi bàn.
Tuy nhiên, với những tiêu chuẩn rất cao của Fernandes, việc output sáng tạo và ghi bàn của anh đã giảm nhiều đến mức nào trong những trận đấu lớn vẫn là một điều đáng chú ý. 
Kể từ khi gia nhập Manchester United một năm trước, các con số của Fernandes đã trở nên bình thường hơn một chút trong những cuộc chạm trán với các đối thủ hàng đầu – chỉ ghi được duy nhất 1 bàn thắng từ bóng sống. Có thể ngôi sao người Bồ Đào Nha đang bị đánh giá không công bằng một chút, với việc dữ liệu xG của Fernandes cho thấy anh đáng lẽ đã có thể ghi được nhiều bàn thắng hơn, nhưng vấn đề vẫn sẽ còn đó. Một khi bạn loại bỏ các quả penalty – vốn là một nguồn không đáng tin cậy để đánh giá về khả năng ghi bàn – thì thành tích của Fernandes trong các trận đấu lớn sẽ càng trở nên ảm đạm hơn.
Chú thích: Các chỉ số của Bruno Fernandes trong các trận đấu lớn vs trong các trận đấu còn lại ở Premier League tính từ tháng Hai năm 2020 – không tính các quả penalty. Minutes (số phút đã chơi), Goals (số bàn thắng trung bình mỗi 90 phút), xG (bàn thắng kỳ vọng trung bình mỗi 90 phút), shots (số cú sút trung bình mỗi 90 phút), assists (số pha kiến tạo trung bình mỗi 90 phút), xA (kiến tạo kỳ vọng trung bình mỗi 90 phút), chances created (số lần tạo cơ hội trung bình mỗi 90 phút), touches in opp. box (số lần chạm bóng bên trong vòng cấm đối phương trung bình mỗi 90 phút)
Khâu sáng tạo của anh trước các đối thủ hàng đầu cũng giảm sút đáng kể so với khi chạm trán những đối thủ còn lại, chúng ta có thể thấy điều này qua các dữ liệu “kiến tạo kỳ vọng” (xA) và “tạo cơ hội” của ngôi sao người Bồ Đào Nha.
Tất nhiên, việc một cầu thủ tạo ra ít cơ hội hơn trước các đối thủ hàng đầu là chuyện chẳng có gì lạ. Nhưng nếu chúng ta so sánh Fernandes và Kevin De Bruyne, cầu thủ đảm nhận vai trò tương đương với anh ở Manchester City, chúng ta có thể thấy một output ổn định hơn nhiều trong các trận đấu với 2 nhóm đối thủ. Thậm chí, có thể nhận định rằng, các con số của De Bruyne trong những trận đấu lớn tốt hơn một chút so với trong các trận đấu còn lại.
Chú thích: Các chỉ số của Kevin De Bruyne trong các trận đấu lớn vs trong các trận đấu còn lại ở Premier League tính từ tháng Hai năm 2020 – không tính các quả penalty
Trước các đối thủ lớn của Manchester City, De Bruyne đã thực hiện nhiều cú sút hơn, ghi nhiều bàn thắng hơn, và có chỉ số xG cao hơn. Trên cơ sở này, De Bruyne đích thực là một “cầu thủ của những trận đấu lớn”, còn Fernandes thì không – hoặc ít nhất là “chưa”. 
Chúng ta có nên đinh ninh về một trận hòa không bàn thắng khác vào cuối tuần này hay không, sau khi cân nhắc về thành tích của Man United trong các trận đấu lớn? Chà, có lẽ là không. Từ 5 trận hòa 0-0 trước đó, Manchester United đã tạo ra các cơ hội ghi bàn có giá trị 4,5 xG, và phải đối mặt với những cơ hội ghi bàn có giá trị 4,7 xG của các đối thủ. 
Nói cách khác, trong khi những chiến thuật của Solskjaer trong các trận đấu lớn đã không còn hiệu quả như những mùa giải trước, Man United cũng không hề quá thiên về phòng ngự như các tỷ số khiến chúng ta nghĩ vậy. 
Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “Plenty of 0-0s, but are Manchester United really that negative in big games?” được thực hiện bởi các tác giả Michael Cox và Mark Carey, đăng tải trên The Athletic. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.