PSG và 10 năm xây dựng đế chế của người Qatar

Tác giả CG - Thứ Ba 10/08/2021 19:17(GMT+7)

Tháng 6 vừa qua, Paris Saint-Germain kỷ niệm 10 năm được người Qatar mua lại. Tròn một thập kỷ, đội bóng nước Pháp đã chuyển mình và lúc này vươn lên thành một thế lực lớn của bóng đá châu Âu.

Paris Saint-Germain PSG và 10 năm xây dựng đế chế của người Qatar. Ảnh: Bongda24h.vn

Trước thềm trận chung kết chung Champions League 2020, hãng hàng không Qatar Airways đã gọi cuộc chạm trán giữa Paris Saint-Germain và Bayern Munich là một trận “Qlassico”. Đó là một phép chơi chữ, ghép giữa từ “Qatar” và “classico” (kinh điển). Những người Qatar đã là ông chủ của PSG từ năm 2011, trong khi Qatar Airways là đối tác bạch kim với Bayern Munich từ năm 2018. 
 
Người Qatar đang dần có tầm ảnh hưởng lớn trong thế giới thể thao. Năm 2010, họ giành quyền đăng cai World Cup 2022. Năm 2011, thông qua quỹ đầu tư Qatar Sports Investments (QSI), Thái tử Tamim bin Hamad Al Thani (hiện tại là Quốc vương Qatar) mua lại đa số cổ phần của PSG để trở thành ông chủ đội bóng. Năm 2019, đội tuyển bóng đá của họ vô địch Asian Cup. Tờ Del Spiegel tiết lộ người Qatar đang sẵn sàng tranh cử giành quyền đăng cai Asian Cup 2027, Asian Games 2030 và Olympic mùa hè 2032.
 
Trong đó, việc giành quyền đăng cai World Cup 2022 và thương vụ mua lại PSG chắc chắn là bước ngoặt lớn nhất mà những người Qatar đã tạo ra đến lúc này. Ngày 23/10/2010, chỉ 9 ngày trước vòng bỏ phiếu cuối cùng để lựa chọn ra hai quốc gia đăng cai World Cup 2018 và World Cup 2022, ông Michel Platini, lúc đó là Chủ tịch UEFA, được mời đến tham dự một cuộc họp riêng tại điện Elysee với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thái tử Qatar Tamim bin Hamad Al Thani.
 
Chính quyền của ông Sarkozy có mối quan hệ rất nồng ấm với Qatar. 9 ngày sau cuộc gặp ở điện Elysee, Platini dành lá phiếu của mình cho Qatar đăng cai World Cup 2022 dù trước đó lựa chọn của ông là Mỹ. Nhưng một trọng tâm khác trong cuộc họp của Sarkozy chính là việc để Hoàng gia Qatar mua lại PSG, đội bóng mà ông yêu thích và lúc đó đang gặp khó khăn.
 
“Tôi biết Sarkozy muốn những người Qatar mua PSG. Tôi hiểu Sarkozy ủng hộ việc Qatar đăng cai World Cup. Nhưng ông ấy chưa bao giờ yêu cầu tôi làm thế. Ông ấy biết tính tôi, tôi luôn lựa chọn vì lợi ích của bóng đá chứ không phải tôi hay nước Pháp”, Platini chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với The Guardian vào năm 2013. Dù cựu chủ tịch Platini một mực phủ nhận ông Sarkozy có ảnh hưởng lên quyết định mình, nhưng những nghi ngờ và đồn đoán là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi tháng 1/2012, con trai ông là Laurent Platini được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Burrda, một công ty đồ thể thao trực thuộc QSI.
 
Với sự mở đường của Sarkozy cùng tiềm lực tài chính quá lớn, người Qatar đã không gặp khó trong việc mua lại PSG, đầu tiên là 70% cổ phần vào tháng 6/2011 trước khi trở thành cổ đông duy nhất khi mua nốt 30% cổ phần còn lại. 

Ông Tamim bin Hamad Al Thani (giữa), ông chủ PSG, và ông Nasser Al-Khelaifi (bên trái), chủ tịch PSG. Ảnh: Getty Images
 
Thời điểm trước khi QSI mua lại, PSG đang thua lỗ dưới thời chủ sở hữu của họ lúc đó là Quỹ đầu tư bất động sản Colony Capital. Nasser Al-Khelaifi, một nhân vật uy tín ở Qatar, chủ tịch của QSI và là người bạn của Tamim bin Hamad Al Thani, trở thành chủ tịch CLB. QSI là công ty con của Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) thuộc sở hữu của Nhà nước Qatar. Al-Thani là chủ tịch QIA kiêm người sáng lập QSI, là người có tiếng nói cao nhất trong những quyết định trọng đại của PSG.
 
Sau này, ông Al-Khelaifi chia sẻ về việc QSI và ông Al-Thani chọn PSG: “Chúng tôi đã xem xét các CLB ở Tây Ban Nha và Anh, nhưng chúng tôi chọn Paris và muốn đầu tư vào đây. Paris có rất nhiều lợi thế. Đây là địa điểm du lịch số một thế giới. Paris là thành phố của thời trang, ẩm thực, nghệ thuật và rất nhiều bảo tàng hàng đầu. 
 
Và điều quan trọng là các thành phố lớn khác thường có ít nhất là 2 CLB - Madrid có Real Madrid và Atletico Madrid, Barcelona có FC Barcelona và Espanyol. London có 5 hay 6 CLB lớn. Trong khi đó, Paris chỉ có 1 CLB. Chúng tôi thấy đây là cơ hội và muốn tạo ra một CLB hàng đầu ở Pháp”.
 
3 tuần sau khi QSI mua lại PSG, đài Al-Jazeera đã cạnh tranh với Canal+ để mua bản quyền phát sóng Ligue 1. Trước đó, bản quyền Ligue 1 gần như không có sự cạnh tranh nào khi Canal+ luôn là đơn vị duy nhất. Sau này Al-Jazeera đổi tên thành beIN SPORTS và Al-Khelaifi chính là chủ tịch.
 
Có những ý kiến cho rằng việc Hoàng gia Qatar mua lại PSG chính là để làm thương hiệu, nâng cao vị thế đất nước sau khi họ đã giành quyền đăng cai World Cup 2022. Đó là điều có thể hiểu được bởi vào tháng 8/2012, PSG đã ký một hợp đồng khổng lồ với Cơ quan Du lịch Qatar để quảng bá hình ảnh đất nước này. Cơ quan này trả cho PSG 1,075 tỷ euro trong 5 mùa giải.
 
Những khoản tiền lớn liên tục được đổ vào PSG để xóa các khoản nợ, nhưng các khoản đầu tư quan trọng nhất chính là trên thị trường chuyển nhượng. Mùa hè 2011, họ chi 107 triệu euro để mang về 13 tân binh, trong đó Javier Pastore trở thành bản hợp đồng kỷ lục của CLB với mức phí 42 triệu euro. Tháng 11 năm đó, ban lãnh đạo bổ nhiệm Carlo Ancelotti làm HLV trưởng sau khi sa thải HLV Antoine Kombouare.
 
Nhưng bản hợp đồng được coi là đáng chú ý đầu tiên của PSG phải kể đến Zlatan Ibrahimovic. Năm 2012, với những khó khăn về tài chính, AC Milan phải bán cả Ibrahimovic và Thiago Silva cho PSG. Sau buổi họp báo tại Parc des Princes, tiền đạo người Thụy Điển được đưa tới tháp Eiffel để thực hiện buổi chụp hình ra mắt. Điều này được phía PSG giấu kín đến tận phút cuối cùng với tất cả mọi người, và khi Ibrahimovic xuất hiện, những du khách đang chụp hình lưu niệm ở tháp Eiffel mới nhận ra có một nhân vật đặc biệt xuất hiện.

Năm 2012, Ibrahimovic gia nhập PSG và được giới thiệu dưới chân tháp Eiffel. Ảnh: Getty Images
 
Dưới bầu trời Paris, Ibrahimovic cầm chiếc áo thi đấu của PSG và chụp hình chính thức trước khi trở lại xe để tới đại lộ Champs-Elysees nhằm hoàn tất việc ký hợp đồng. Những tiếng hô vang “Ibra, Merci Zlatan” vang lên không ngớt. Ông Michel Mimran, giám đốc marketing của PSG thời điểm đó, chia sẻ với Bleacher Report: “Hình ảnh Zlatan đứng trước tháp Eiffel là điều mà mọi người sẽ luôn nhắc tới”.
 
Ibrahimovic có thể coi là bản hợp đồng đánh dấu cho sự thay đổi của PSG, bởi trước đó dù các ông chủ Qatar đã đầu tư để nâng cấp đội hình, nhưng không cầu thủ nào có tầm vóc và thương hiệu lớn hơn tiền đạo người Thụy Điển. Nửa năm sau ngày Ibrahimovic cập bến, đến lượt David Beckham gia nhập sau 5 năm ở LA Galaxy. Thứ mà người Qatar cần ở Beckham không chỉ là chuyên môn mà chính là thương hiệu của anh. 
 
“Tầm vóc của David Beckham vượt khỏi lĩnh vực thể thao. Anh ấy là một đại sứ, một thương hiệu, một hình mẫu cho những người khác”, chủ tịch Al-Khelaifi chia sẻ với tờ L’Equipe. 
 
Song song với các hoạt động chuyển nhượng, PSG vẽ lại logo đội bóng với chữ Paris được đặt một mình ở phía trên tháp Eiffel. Họ nâng cấp sân vận động Parc des Princes, xây một trung tâm tập luyện mới, hiện đại và đầy đủ tiện nghi với chi phí 300 triệu euro và theo kế hoạch sẽ mở cửa vào năm sau. Năm 2017, PSG hợp tác với Warner Bros và xuất hiện trong trailer quảng báo của bộ phim Justice League tại thị trường Pháp. Các ngôi sao Neymar, Kylian Mbappe, Marco Verratti, Edinson Cavani và Laure Boulleau (đội nữ) lần lượt trong vai Batman, Flash, Cyborg, Aquaman và Wonder Woman. 
 
Đội bóng thủ đô Paris hợp tác với rất nhiều thương hiệu lớn và thường xuyên mời các ngôi sao hạng A trong giới giải trí tới dự khán. Theo blogger Swiss Ramble, mùa giải 2019/2020, PSG có doanh thu tài trợ và quảng cáo cao nhất Ligue 1 (287 triệu euro), cao hơn 100 triệu euro nếu cộng tổng doanh thu tài trợ quảng cáo của 19 đội Ligue 1 còn lại.

Neymar gia nhập PSG vào năm 2017 với giá 222 triệu euro. Năm 2020, anh giúp PSG lọt vào chung kết Champions League. Ảnh: Getty Images
 
Tất nhiên, với những hoạt động chuyển nhượng ồ ạt kể từ khi thuộc về tay người Qatar, PSG đã hai lần bị điều tra vì bị nghi ngờ luật Công bằng Tài chính. Nhưng các hình phạt được đưa ra sau đó cũng đều giảm nhẹ và đội bóng nước Pháp tiếp tục không ngần ngại bạo chi trên thị trường chuyển nhượng. 
 
Năm 2017, họ chiêu mộ Neymar và Mbappe, trong đó Neymar được kích hoạt điều khoản giải phóng hợp đồng từ Barcelona có giá 222 triệu euro còn Mbappe đến theo dạng mượn trước khi mua đứt từ Monaco ở mùa giải kế tiếp với giá 180 triệu euro. Suốt hơn 1 năm nay, tình hình đại dịch và giá bản quyền truyền hình xuống thấp khiến PSG chịu lỗ nặng, tuy nhiên nguồn từ những chiếc “túi không đáy” của ông chủ khiến PSG luôn sẵn sàng bạo chi nếu có thể.

Mùa hè này, PSG đã chiêu mộ các ngôi sao Georginio Wijnaldum, Achraf Hakimi, Sergio Ramos, Gianluigi Donnarumma trong khi các nguồn tin uy tín khẳng định Messi chuẩn bị kiểm tra y tế và ra mắt đội bóng chủ sân Parc des Princes. 
 
Tuy 4 trong 5 cái tên kể trên đã và sẽ đến theo dạng chuyển nhượng tự do (Hakimi gia nhập từ Inter Milan với giá 60 triệu euro) nhưng thực tế không có gì là miễn phí bởi tiền lót tay, tiền lương và phí hoa hồng cho người đại diện lại cực lớn. Tờ Marca ước tính, chưa bao gồm thương vụ chiêu mộ Messi, Paris Saint-Germain đã chi 250 triệu euro vào thị trương chuyển nhượng trong mùa hè này bao gồm lương, hoa hồng, phí chuyển nhượng, gia hạn hợp đồng (Neymar).
 
Với thương vụ Messi, theo Fabrizio Romano, các thỏa thuận đã được hoàn tất, siêu sao người Argentina gia nhập PSG với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm kèm tùy chọn gia hạn thêm 1 năm. Mức lương mà anh nhận là 35 triệu euro/mùa sau thuế, đã bao gồm phụ phí. Trước đó, The Athletic tiết lộ Messi sẽ nhận 25 triệu euro phí lót tay khi gia nhập gã khổng lồ nước Pháp.

Messi chuẩn bị hoàn tất việc gia nhập PSG. Ảnh: Bongda24h.vn
 
Có thể nói đây là một thương vụ lịch sử của PSG. Việc sở hữu chủ nhân của 6 Quả bóng Vàng thế giới, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử là lời khẳng định rằng họ đang rất muốn vươn mình lên tầm vóc mới. Sau 2 mùa giải lần lượt lọt vào chung kết và bán kết Champions League, PSG quyết tâm giành được chiếc cúp bạc để chứng minh vị thế của mình bên cạnh các ông lớn khác bóng đá châu Âu. Với một đội hình toàn sao mà bạn chỉ có thể tưởng tượng sẽ xuất hiện trong trò chơi điện tử, PSG không ngần ngại thách thức tất cả.
 
Trước khi những người Qatar đến, chỉ giành 2 chức vô địch Ligue 1. Sau khi được những người Qatar mua lại, PSG đoạt 7 Ligue 1. Nhưng tham vọng của họ không chỉ là bá chủ nước Pháp, họ muốn trở thành nhà vua của châu Âu. Việc 2 mùa liên tiếp lọt vào đến bán kết cho thấy đội bóng thủ đô nước Pháp đang đủ tiềm lực để tiến lên một nấc thang mới. 10 năm dưới thời ông chủ Qatar, PSG đã vươn mình mạnh mẽ và chắc chắn họ không muốn dừng lại. 

Như chủ tịch Nasser Al-Khelaifi từng nói: “Tầm nhìn của chúng tôi là biến PSG trở thành một từ đồng nghĩa với Paris, như New York Yankees với thành phố New York”.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.

Chelsea bay cao: Dấu ấn Enzo Maresca

Loạt trận thi đấu vòng 14 giải ngoại hạng Anh rạng sáng nay chứng kiến đội đầu bảng Liverpool đã đánh mất chiến thắng vào những phút cuối cùng trên sân của Newcastle, điều này giúp cho những kẻ bám đuổi phía sau có thể thu hẹp được khoảng cách với đoàn quân của Arne Slot.