Phong Phú Hà Nam: Niềm tự hào về người con gái

Tác giả SW - Thứ Sáu 20/05/2016 14:40(GMT+7)

Zalo
“Bóng đá là môn thể thao vua” điều này thì không ai có thể phủ nhận, đó đã là một chân lý với mọi người yêu và theo dõi thể thao. Nhưng danh từ “bóng đá” ở đây dường như chỉ dành cho bóng đá nam, bóng đá nữ chưa bao giờ được mọi người quan tâm và có được vị thế như những môn thể thao phổ biến khác chứ chưa nói đến là so với bóng đá nam. Hầu hết các quốc gia và các địa phương có thể bỏ ra cả đống tiền để đầu tư cho bóng đá nam nhưng với bóng đá nữ thì không. Dù thế có những nơi bóng đá nữ dường như lại trở thành một thứ “đặc sản riêng”.
 
Phong Phu Ha Nam Niem tu hao ve nguoi con gai hinh anh
Phong Phú Hà Nam là một trong những biểu tượng của bóng đá nữ Việt Nam
THỨ ĐẶC SẢN VÀ NIỀM TỰ HÀO CỦA NGƯỜI HÀ NAM
 
Ở đâu cơ? Có gần Hà Giang không…
 
Đó là câu trả lời bạn rất dễ nhận được khi nói về Hà Nam. Một tỉnh còn kém phát triển với nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp từ lâu đời, không có những danh lam thắng cảnh nổi bật và không nhiều những điều đáng để nhớ tới. Nhưng ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những đơn vị có tiềm lực về kinh tế xã hội vô cùng mạnh, thì Hà Nam vẫn duy trì và phát triển được bóng đá nữ. Có thể bạn chỉ biết đến Phong phú Hà Nam trên một vài trang troll bóng đá với tư cách “thứ mua vui” thì với không ít những người dân ở đây bóng đá nữ như một thứ đặc sản, một niềm tự hào. Chả thế mà kể từ khi sân vận động tỉnh Hà Nam được hoàn thành, BTC giải bóng đá nữ vô địch quốc gia thường xuyên lựa chọn nơi đây làm đơn vị đăng cai. Vì sao ư? Đơn giản vì nếu như chọn những địa phương khác sẽ khó có thể thu hút được lượng cổ động viên như ở Hà Nam. Bóng đá nữ có lẽ là một trong những giải thể thao hiếm hoi mang tầm quốc gia được tổ chức ở Hà Nam và lẽ đương nhiên nó sẽ được chú ý và “trân trọng” hơn ở những thành phố lớn khác.
 
Bóng đá nữ Hà Nam được nhen nhóm phát triển từ những năm cuối thập niên 90 khi nhìn thầy tiềm năng phát triển của bóng đá nữ của tỉnh nhà. Những người đứng đầu ngành thể thao đã quyết định cho thành lập các câu lạc bộ phong trào ở địa phương. Dùng từ câu lạc bộ nhưng sự thực đó là tập hợp các em nữ chơi bóng ở các đồng ruộng sau gặt hay các bãi đất trống. Dù khó khăn nhưng đến tháng 9 năm 1999, câu lạc bộ bóng đá nữ Hà Nam chính thức được thành lập với thành phần từ các câu lạc bộ địa phương thông qua những trận giao hữu và nội dung bóng đá nữ trong giải Thể Thao tuổi thơ của Tỉnh. Bóng đá nữ Hà Nam kể từ đó trở thành một gương mặt quen thuộc trong tất cả các giải đấu trong hệ thống thi đấu của liên đoàn bóng đá Việt Nam. Với không ít thành tích đáng nhớ với 2 lần giành ngôi Á quân giải vô địch Quốc Gia hay chức vô địch giải U19 Quốc gia năm 2010. Và hơn thế bóng đá Hà Nam đã giới thiệu được những gương mặt vàng cho bóng đá nước nhà.
 
TỪ VĂN THỊ THANH…
 
Phong Phu Ha Nam Niem tu hao ve nguoi con gai hinh anh 2
Văn Thị Thanh từng là trụ cột của Phong Phú Hà Nam và ĐTQG
Sea Games 2003 tại Việt Nam. Văn Quyến đã làm mê say biết bao trái tim người hâm mộ bóng đá nước nhà bằng những bàn thắng đầy cảm xúc. Năm ấy, người người Văn Quyến và nhà nhà Văn Quyến. Nhưng ở mảnh đất chiêm trũng Hà Nam, người hâm mộ còn không thể nào quên một cái tên nữa, đó chính là Văn Thị Thanh.

Nhỏ bé, nhanh nhẹn và dẻo dai. Cánh trái của đội tuyển nữ Việt Nam năm ấy thực sự “sống động”, chơi tốt cả hai chân cùng khả năng tạt bóng. Nhưng điều mà người ta không thể quên về cô chính là những pha đi bóng vào trung lộ rồi tung ra một đường bóng nhằm thẳng vào góc cao khung thành. Năm ấy, Văn Thị Thanh là nhân tố quan trọng bậc nhất của đội tuyển và trở thành cầu thủ trẻ nhất đạt quả bóng Vàng Việt Nam (tính cho đến tận bây giờ) ở tuổi 18. Và năm ấy cô trở thành niềm tự hào, thần tượng có lẽ của không ít những đứa trẻ ở vùng quê nghèo Hà Nam
 
…ĐẾN TUYẾT DUNG
 
Ngày 4 tháng 5 năm 2015. Sân vận động Thống nhất. Trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia. Hai đường cong từ chấm phạt góc được vẽ lên và găm thẳng vào khung thành Malaysia. Báo chí trong nước và thậm chí nước ngoài đã phải sửng sốt vì hai pha làm bàn đó. Thậm chí cho đến lúc ấy người ta mới nhớ được cái tên Tuyết Dung. Nhưng với những ai theo dõi bóng đá nữ và đặc biệt là bóng đá nữ Hà Nam thì cái tên ấy không còn xa lạ. Quả bóng vàng Việt Nam 2014 cùng với Lê Thu Thanh Hương, Tuyết Dung là nhân tố chủ chốt giúp Phong phú Hà Nam có cuộc đua song mã đến vòng cuối cùng với Hà Nội 1 ở giải vô địch Quốc Gia mùa giải 2014. 
 
Phong Phu Ha Nam Niem tu hao ve nguoi con gai hinh anh 3
Liệu Tuyết Dung có thể lặp lại hình ảnh của người đàn chị?
Thực ra đây không phải lần đầu tiên một cầu thủ nữ của Việt Nam ghi được bàn thắng từ chấm đá phạt góc. Tại Sea Games 25 năm 2009 một tiền vệ khác của tuyển nữ Việt Nam cũng đã từng làm được điều tương tự vào lưới Thái Lan, đó chính là… Văn Thị Thanh. Như Tuyết Dung đã từng thừa nhận chính Văn Thị Thanh là thần tượng và nguồn cảm hứng giúp cô quyết tâm theo nghiệp bóng đá đầy trắc trở này. Và giờ ở tuổi 22, cô chính là người thừa kế xứng đáng của người đàn chị ở cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia. Đều thuận hai chân, đều thi đấu kỹ thuật và đều là một phong cách giản dị và chân thật mỗi lần tiếp xúc với báo giới
.
CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ NHỮNG HY VỌNG MỚI
 
Câu chuyện về những thiệt thòi của bóng đá nữ so với những người đồng nghiệp nam cũng không còn mới mẻ nhưng với bóng đá nữ tại một tỉnh nghèo như Hà Nam lại càng rõ nét. Văn Thị Thanh đã từng chia sẻ về quãng thời gian khốn khó tại câu lạc bộ. Không có nơi tập trung chính thức, nhà ở cấp 4, sân tập không đủ tiêu chuẩn và suất ăn 9000 đồng một ngày là những gì các cầu thủ từng phải trải qua. Thật may đó chỉ còn là quá khứ với sự đầu tư của nhà tài trợ và các đơn vị khác. Sân vận động đã có, phòng ở từ 20m2 đã thành 40 m2 cho 8 cầu thủ và suất ăn giờ đã là 120 nghìn một ngày. Có thể đó chưa phải là tiêu chuẩn hoặc chưa thể bằng các địa phương khác có điều kiện hơn. Nhưng thực sự với không ít những cô gái “sinh ra” từ đồng ruộng đó đã là một điều đáng mong ước. Dường như chính những khó khăn của cuộc sống nông nghiệp đã tạo nên sự mạnh mẽ, quyết tâm hơn cho những cô gái đến từ vùng đất này. Và việc chấp nhận con cái theo nghiệp bóng đá để thoát khỏi “chân lấm tay bùn” dường như cũng dễ dàng hơn so với những nơi khác.
 
Bóng đá nữ, những cầu thủ nữ dường như vẫn luôn quen với những thiệt thòi. Dù họ chính là những người mang lại vinh quang cho quê hương và đất nước. Có lẽ cần hơn nữa những sự quan tâm đến họ, những người mà khi đã chấp nhận theo đuổi con đường này là chấp nhận mạo hiểm và chấp nhận đánh đổi không ít những thứ khác. Như những người phụ nữ Hà Nam vẫn thường ngồi nói chuyện với nhau…
 
“Có mấy đứa bỏ học theo bóng bánh đấy nhưng có phải đứa nào cũng theo được đâu. Một vài năm không theo được lại phải bỏ về xin học lại, lỡ làng hết cả rồi còn đâu…” 

SW

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow