Đúng là Manchester United đã có một tháng 10 tốt đẹp. Và đúng là hiện họ đang đứng thứ 6 ở Premier League. Nhưng bạn có thường xem họ thi đấu không?
Trong 6 trận đấu gần đây, Man United đã giành 5 chiến thắng và tất cả 5 trận thắng đó đều diễn ra trước các đội bóng thuộc nhóm nửa cuối bảng xếp hạng. Mặc dù đội chủ sân Old Trafford chỉ cách vị trí thứ tư 2 bậc, nhưng hiệu số bàn thắng bại của họ chỉ đứng ở thứ hạng 12 tại một Premier League có 20 đội. Trong lịch sử Premier League, đội bóng top 4 có hiệu số bàn thắng bại tệ nhất là Everton, với con số -1 ở mùa giải 2004-05. Tệ thứ hai là Chelsea, +15 vào mùa giải 2019-20. Mức trung bình là +27. Còn con số của Man United hiện tại là -3.
Nói cách khác, ngay cả vị trí thứ 6 của họ cũng đã là một sự may mắn đáng kinh ngạc.
Tại Premier League, Man United mới để thua Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà. Và trận thua trước đó của họ là trước một Newcastle đang có phong độ chệch choạc, chịu nhiều tổn thất về nhân sự và bị lấn lướt bởi mọi đối thủ mà mình gặp. Vài ngày sau đó, họ phải chịu thêm một thất bại nữa trên sân nhà, lần này là trước Bayern Munich, qua đó khiến đoàn quân của Erik Ten Hag chính thức bị loại khỏi đấu trường Champions League. Sắp tới, Man United sẽ phải hành quân đến Anfield để đấu với đội đầu bảng Liverpool. Theo tính toán của ESPN BET, mặc dù đã kết thúc mùa giải trước với vị trí đứng trên đội bóng của Jurgen Klopp, nhưng xác suất chiến thắng của Man United trước Liverpool chỉ vỏn vẹn 15%.
Sau khi cán đích ở vị trí thứ 3 vào mùa giải trước và trải qua một mùa hè chi hơn 200 triệu Euro phí chuyển nhượng cho 4 cầu thủ tại những vị trí chủ chốt, tại sao đội bóng này lại đột nhiên sa sút trầm trọng đến vậy?
Sau đây, chúng ta sẽ cùng điểm qua các lý do dẫn đến tình cảnh này.
1. CÁC CHỦ SỞ HỮU: GIA ĐÌNH GLAZER
Đây chính là lý do quan trọng nhất và cũng nhàm chán nhất phía sau sự chật vật của Manchester United.
Tuy là một hướng nghĩ khá buồn tẻ về thể thao, nhưng không thể phủ nhận một sự thật rằng, khi chúng ta bàn luận sâu về lý do và cách thức để các đội bóng có thể thăng hoa trong một thời gian dài, thì chính những người chi tiền và đưa ra quyết định cuối cùng cho khâu tuyển dụng là động lực chủ chốt phía sau phong độ đó.
Nhà Glazer đã hoàn tất việc tiếp quản CLB này vào năm 2005 và còn Man United thì giành chức vô địch Premier League cuối cùng vào năm 2013, đó cũng là mùa giải cuối cùng của Sir Alex Ferguson tại đội chủ sân Old Trafford. Kể từ đó, đã có hai hằng số bất biến hiện hữu tại CLB này: Phong độ bất ổn định và gia đình Glazer.
Chú thích: Pts (điểm số) và GD (hiệu số bàn thắng bại) của Man United trong kỷ nguyên Premier League từ mùa giải 1995-96 đến nay |
Những CLB như Liverpool và Manchester City đã chuyên nghiệp hóa cách điều hành đội bóng của họ, đầu tư nhiều tiền bạc vào các bộ phận thu thập và phân tích dữ liệu, đồng thời xây dựng một bộ máy thượng tầng xuất sắc phía trên hai nhà cầm quân siêu phàm của họ. Còn Man United thì chẳng hề làm vậy. Cấu trúc của họ đã không có sự hiện diện của một vị giám đốc bóng đá cho tới tận sau đại dịch COVID-19, và tất cả những gì bạn nhận được mỗi khi đề cập đến hai khái niệm “phân tích” và “Manchester United” trong cùng một câu hỏi đặt ra cho bất kỳ ai đang làm việc ở bóng đá châu Âu sẽ chỉ là những tiếng cười mỉa mai.
Hầu như mọi hoạt động bóng đá của Man United dưới thời Ferguson đều do nhà cầm quân này trực tiếp kiểm soát, nhưng môn thể thao vua đã hiện đại hóa với tốc độ ánh sáng trong 1 thập kỷ sau thời kỳ đó. Các CLB có quy mô quá lớn và tính cạnh tranh trong thế giới bóng đá đã trở nên quá khốc liệt để một con người có thể một mình ôm đồm hết mọi công việc. Mặc dù những người đứng đầu CLB đã thực hiện rất tốt công việc hiện đại hóa và khai thác khía cạnh thương mại của Manchester United, nhưng nhà Glazer dường như đã trơ mắt đứng nhìn khoảng trống được hình thành sau khi Sir Alex nghỉ hưu trong suốt một thập kỷ.
Và vì thế, nhìn nhận một cách tổng quát, thì tình cảnh hiện tại hoàn toàn là do lỗi của họ. Các cầu thủ và HLV trưởng có thể khiến bạn thất vọng vài ba lần, các HLV hóa ra không giỏi như bạn nghĩ, những cầu thủ đầy hứa hẹn rốt cuộc lại gây thất vọng v.v… nhưng vấn đề là những chuyện này đã lặp đi lặp lại ở Man United trong suốt thập kỷ qua. “Mô hình phong độ” của đội chủ sân Old Trafford sau khi triều đại Sir Alex Ferguson kết thúc là như sau: Một khoảng thời gian ngắn khởi sắc, sau đó sa sút trầm trọng, một khoảng thời gian ngắn khởi sắc, sau đó sa sút trầm trọng – như thể một vòng lặp vô tận. Rất nhiều cầu thủ, HLV và những vị giám đốc đã đến và đi trong khi vòng lặp đó không ngừng tiếp diễn. Những người duy nhất luôn hiện diện trong suốt khoảng thời gian này chính là nhà Glazer.
Vào năm 2018, CEO khi ấy của CLB là Ed Woodward gần như đã tóm tắt lại thái độ của các chủ sở hữu CLB một cách hoàn hảo khi nói chuyện với một nhà đầu tư về hình ảnh tệ hại của Man United trên sân cỏ: “Chuyện phong độ thi đấu kém cỏi chẳng có ảnh hưởng gì lớn đến khía cạnh thương mại của chúng ta cả đâu.”
Kể từ năm 2013, Manchester United chính là CLB có mức doanh thu trung bình hàng năm cao thứ ba thế giới. Cũng trong khoảng thời gian đó, thành tích trung bình của họ tại Premier League là bên ngoài Top 4.
2. TUYỂN DỤNG TỆ HẠI
Doanh thu và quỹ lương của Man United lớn đến mức ngay cả việc cán đích ở vị trí thứ tư hoặc thứ ba cũng đáng bị xem là một thất bại đầy hổ thẹn. Nhưng trong suốt thập kỷ qua, phong độ của đội bóng này đã bất ổn tới mức mỗi lần họ lọt vào được top 4 đều mang đến cảm giác là một chiến thắng lớn, vì thành tích này thường đến sau một cuộc “thay tướng” và một mùa giải không giành được vé tham dự Champions League.
Và cứ thế, chu kỳ này đã không ngừng tiếp diễn: Cách đây 2 mùa họ cán đích tại vị trí thứ 6, mùa trước là thứ ba và đang tụt xuống lại thứ 6 ở mùa này. Tuy nhiên, đây có lẽ là mùa giải tệ nhất của Man United thời kỳ hậu Sir Alex.
Trong 16 trận đầu của 10 mùa giải trước, hiệu số bàn thắng bại của CLB chủ sân Old Trafford chưa bao giờ nằm ở mức âm. Còn mùa này, họ đã ghi 18 bàn và để thủng lưới tận 21 bàn. Ngoài ra, có một dữ liệu mang khả năng dự đoán cao hơn, kết hợp cả “chất lượng” và “số lượng” của những cơ hội mà Man United tạo ra được và những cơ hội mà các đối thủ của họ đã tạo ra, được gọi là bàn thắng (hoặc bàn thua) kỳ vọng (Expected Goals – xG). Khi xem xét hiệu số bàn thắng bại kỳ vọng, đây cũng là mùa giải mà đội bóng này có sự khởi đầu tệ hại nhất kể từ khi Sir Alex ra đi.
Man United đã tạo ra 23,3 bàn thắng kỳ vọng và phải nhận 25,4 bàn thua kỳ vọng, qua đó đạt một mức hiệu số kém hơn một chút so với giai đoạn này của mùa giải 2021-22 (mùa giải tệ thứ hai). Vậy là, trong khi yếu tố lớn nhất dẫn tới tình cảnh tệ hại của Man United chính là nhà Glazer, thì còn có những yếu tố khác đã kết hợp lại với nhau để tạo nên một thực tế nực cười: Đây là đội bóng có quỹ lương cao nhất Premier League, nhưng cũng là đội đứng thứ 13 giải đấu về hiệu số bàn thắng bại.
Bên cạnh sự rối loạn tổng thể do cách điều hành CLB của nhà Glazer, lý do lớn nhất khiến cho Man United chơi tệ đến vậy trên sân cỏ là do các cầu thủ của họ không giỏi cho lắm. Hãy nhìn vào danh sách 11 cầu thủ được sử dụng nhiều nhất ở mùa giải này: Bruno Fernandes, André Onana, Diogo Dalot, Marcus Rashford, Victor Lindelöf, Scott McTominay, Harry Maguire, Rasmus Hojlund, Alejandro Garnacho, Antony, và Casemiro.
Có bao nhiêu người trong số họ sẽ được đá chính nếu khoác áo Manchester City, Liverpool hoặc Arsenal? Câu trả lời là không ai cả!
Trong suốt 5 mùa giải qua, Bruno chính là nhân tố quan trọng nhất giúp cho Man United không bị loại bỏ khỏi cuộc đua Top 4, nhưng sẽ rất khó để lối chơi sặc mùi “chủ nghĩa cá nhân” của anh – rất nhiều đường chuyền liều lĩnh, rất nhiều pha mất bóng – phù hợp được với hệ thống của Pep Guardiola, Jurgen Klopp hoặc Mikel Arteta. Còn những người còn lại, gần như chắc chắn không một ai trong số họ sẽ được trọng dụng nếu khoác áo một trong 3 ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch của mùa giải này, và Man United đang trả cho họ những mức lương cực khủng.
Bruno chính là nhân tố quan trọng nhất giúp cho Man United không bị loại bỏ khỏi cuộc đua Top 4 |
Theo một cách nhìn “bao dung”, thì chuyện này đang giúp cho HLV trưởng Erik Ten Hag được miễn trừ phần nào trách nhiệm. Tuy nhiên, đừng quên rằng rõ ràng là nhà cầm quân người Hà Lan đã có tầm ảnh hưởng rất lớn trong công tác chuyển nhượng của Man United kể từ khi ông nắm quyền.
Man United không thua kém bất kỳ CLB nào trên thế giới về khả năng chi tiêu cả. Chẳng hạn, ngoài một nhóm 30 hoặc 40 cầu thủ vốn đang chơi cho những CLB giàu nhất thế giới, thì đội chủ sân Old Trafford có thể ký hợp đồng với khá nhiều người trong số những cái tên mà họ muốn. Kể từ mùa hè năm ngoái, Man United đã chiêu mộ 12 cầu thủ theo dạng hợp đồng lâu dài hoặc mượn người, và 8 trong số đó có mối liên hệ trực tiếp với chính Ten Hag.
Vậy, đây là một sự trùng hợp khủng khiếp, hay một cuộc tuyển dụng – có chủ đích rõ ràng – khủng khiếp? Chắc chắn là vế sau.
Antony, học trò cũ của Ten Hag tại Ajax, đã trở thành bản hợp đồng kỷ lục của Man United vào mùa hè năm ngoái, nhưng trong 37 trận Premier League đã chơi kể từ khi gia nhập CLB này anh mới chỉ ghi được 4 bàn và có 2 pha kiến tạo – đây rõ ràng là một thành tích quá tệ hại đối với một cầu thủ tấn công! Khả năng ngôi sao người Brazil trở thành một trong những bản hợp đồng tệ nhất lịch sử Premier League đang cực kỳ cao. Tuy hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để chúng ta khẳng định về tương lai của tiền đạo 20 tuổi Rasmus Hojlund, cầu thủ có cùng người đại diện với Ten Hag, nhưng anh đã khiến Man United chi ra đến 75 triệu Euro để chiêu mộ hồi mùa hè và vẫn chưa có bàn thắng hay pha kiến tạo nào ở Premier League.
Xét về mặt chi phí chuyển nhượng, khoản đầu tư của Man United vào Antony và Hojlund hiện đang mang về 1 bàn thắng cho mỗi 42 triệu Euro đã chi ra – và đây chính là con số mà Liverpool đã trả cho AS Roma để mua Mohamed Salah vào mùa hè năm 2017!
3. HLV TRƯỞNG ERIK TEN HAG: NHỮNG QUYẾT ĐỊNH TỆ HẠI, KHÔNG CÓ PHONG CÁCH
Chúng ta thường có xu hướng đánh giá quá cao vai trò của vị HLV trưởng đối với phong độ trên sân cỏ của một đội bóng, đơn giản là vì việc đổ lỗi hoặc khen ngợi nhân vật này sẽ dễ dàng hơn nhiều thay vì vật lộn với cái thực tế rằng bóng đá là một trò chơi phức tạp, đầy biến số và thường thì cực kỳ khó hiểu. Nói vậy không mang ý khẳng định rằng các HLV trưởng chẳng hề quan trọng hay họ không thể tạo ảnh hưởng quá lớn lên phong độ của đội, mà đúng hơn là chẳng ai trong chúng ta có thể biết rõ những khía cạnh nào của những gì mà chúng ta thấy hàng tuần thuộc về công hoặc tội của vị HLV trưởng. Vì thế, đừng nên chăm chăm khen ngợi hay đổ lỗi cho một vị HLV về thành công hoặc thất bại của một đội bóng.
Tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài, có hai khía cạnh cụ thể mà chúng ta có thể xác định là hoàn toàn do vị HLV trưởng định đoạt: Ai được ra sân và lối chơi của đội bóng. Thông qua 2 khía cạnh này, Ten Hag đã góp phần vào sự chật vật của Man United.
Trong mùa giải đầu tiên nắm quyền, Ten Hag đã đưa ra một quyết định rất rõ ràng và táo bạo về mặt nhân sự: Ông không muốn dùng Cristiano Ronaldo. Bất chấp thành tích ghi bàn ấn tượng, mức lương khổng lồ và danh tiếng cao ngất ngưỡng, Ronaldo đã khiến các đội bóng mà anh khoác áo trong vài mùa giải qua trở nên yếu đi, bởi vì anh không thể pressing hay thực sự đóng góp vào khâu phát triển bóng. Ten Hag nhận thấy điều này, thế là ông khơi mào một cuộc chiến với một trong những vận động viên thể thao vĩ đại nhất và nổi tiếng nhất hành tinh, loại bỏ anh ra khỏi đội và gần như ngay lập tức giúp Man United khởi sắc sau quyết định này, sau đó kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 3.
Tuy nhiên, vào mùa giải này, Ten Hag đã có những quyết định nhân sự rất khó hiểu.
Đầu tiên là cuộc xung đột với Jadon Sancho. Tuy chưa thể có những màn trình diễn xứng đáng với mức phí chuyển nhượng đắt đỏ của mình hay tái hiện lại hình ảnh thời chơi cho Borussia Dortmund, nhưng chắc chắn Sancho vẫn đủ năng lực để có những đóng góp đáng kể cho một đội bóng đang ghi bàn ít, thủng lưới nhiều.
Vào mùa hè, Ten Hag đã tước băng đội trưởng của Harry Maguire… và giờ thì Maguire đã trở lại đội hình đá chính, thậm chí anh đang là trung vệ số một của CLB. Chiếc băng đội trưởng đã được nhà cầm quân người Hà Lan trao cho Bruno – cầu thủ xuất sắc nhất đội, nhưng cũng là một người thường hay mất bình tĩnh mỗi khi Man United gặp khó khăn.
Bản hợp đồng được mua về từ Real Madrid cùng rất nhiều kỳ vọng là trung vệ Raphaël Varane đã chẳng còn được ra sân nữa, và rõ ràng lý do chủ yếu là vì Ten Hag đã không còn tin tưởng ngôi sao người Pháp. Mason Mount đã gia nhập Man United từ Chelsea với mức phí chuyển nhượng 64,2 triệu bảng, tuy đúng là anh đã bị những chấn thương cản trở, nhưng kể cả khi khỏe mạnh thì tiền vệ này cũng chẳng được góp mặt trong đội hình đá chính.
Mọi vị HLV đạt được thành công tại những CLB lớn đều đã từng có ít nhất một lần loại bỏ một tài năng lớn vì “đại cục” của tập thể. Vào mùa trước, Ten Hag đã làm vậy với Ronaldo và đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, ở mùa giải này, chẳng có quyết định nào mà ông đưa ra có thể cải thiện Man United cả, và điều này sẽ đưa chúng ta đến với khía cạnh dễ nhận thấy thứ hai của công tác huấn luyện khi nhìn từ bên ngoài: Lối chơi.
Khi Klopp, Guardiola và thậm chí là cả Arteta tiếp quản các CLB hiện tại của mình, lối chơi của những đội bóng này gần như đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm. Chuyện này cho thấy những nhà cầm quân này rất giỏi trong việc vạch ra một tầm nhìn mạch lạc, sau đó thực hiện bất kỳ nhiệm vụ hậu trường nào cần thiết để truyền tải những ý tưởng của mình đến các cầu thủ và yêu cầu họ hiện thực hóa chúng.
Vào đầu mùa giải trước, Ten Hag đã cố gắng mang thứ bóng đá mà mình yêu thích từ Ajax – triển khai bóng từ hàng thủ lên trên – tới Man United, và kết quả nhận về là một thảm họa. Nhà cầm quân người Hà Lan nhanh chóng thỏa hiệp, thế là Man United từ bỏ lối chơi này và chẳng còn cố gắng kiểm soát các trận đấu nữa. Thay vào đó, họ tập trung vào việc tìm cách tạo khoảng trống cho Marcus Rashford để anh thực hiện những tình huống đâm vào phía trong sân đấu từ cánh trái, và các tiền vệ sẽ thường xuyên xâm nhập vòng cấm.
Còn ở mùa giải này, Man United đang chơi như thể chẳng hề có định hướng, đường lối rõ ràng nào cả. Thật khó để hiểu chính xác họ đang cố làm gì. Có lúc họ cố kiểm soát bóng và pressing tầm cao, đôi khi họ cố đá nhanh, nhưng dù có chơi theo kiểu gì đi nữa thì đoàn quân của Ten Hag cũng chẳng hề có sự liên kết. Trong 4 trận đấu gần nhất ở đấu trường quốc nội, có tới 2 trận họ bị đối thủ “bắn phá” khung thành tận hơn 20 lần và cũng có 2 trận họ thực hiện hơn 20 cú dứt điểm. Trong khi đó, trung bình một trận đấu ở Premier League có tổng cộng 26 cú dứt điểm từ hai đội tham dự!
4. NHỮNG CHẤN THƯƠNG
Một trong những cách đơn giản nhất để khiến đội bóng của bạn trở nên tệ đi chính là sự vắng mặt của những cầu thủ giỏi nhất đội. Hiện tình trạng này đang xảy ra với 4 cầu thủ chủ chốt của Man United ở mùa giải trước. Nguyên nhân không chỉ đơn thuần là do chấn thương, nhưng Luke Shaw, Christian Eriksen, Casemiro và Lisandro Martínez đều đang có tần suất ra sân ít hơn đáng kể so với mùa giải trước.
- Shaw: Mùa trước góp mặt trong 74,6% số phút thi đấu của đội, mùa này đang giảm xuống còn 35,6%.
- Eriksen: Từ 59,9% xuống 42,2%
- Casemiro: Từ 62,1% xuống 45%
- Martinez: Từ 61,8% xuống 26%
Sự vắng mặt của Martinez là một tổn thất lớn, nhưng việc 3 người còn lại giảm sút tần suất ra sân thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Casemiro và Eriksen đều đã bước sang tuổi 31 vào đầu mùa giải, còn Shaw thì chưa bao giờ chơi hơn 2000 phút trong 2 mùa giải liên tiếp ở Premier League cả. Tất nhiên những chấn thương xảy đến với 4 cầu thủ này không phải là toàn bộ nguyên nhân dẫn tới sự sa sút của Man United, nhưng kể cả khi đúng là vậy, thì đây chính là những rủi ro tiềm ẩn mà bạn sẽ phải chấp nhận khi mua về những cầu thủ lớn tuổi như Eriksen và Casemiro.
Khi 3 trong số các cầu thủ quan trọng nhất của bạn già đi và/hoặc mẫn cảm với chấn thương, thì bạn cần phải có những phương án dự phòng thật tốt. Nhưng Man United thì lại chẳng có điều đó.
5. CÁC CẦU THỦ SA SÚT PHONG ĐỘ
Trong hàng ngũ Manchester United có 3 kiểu cầu thủ: 1/ Những người trên 30 tuổi, 2/ những người không đủ giỏi, và 3/Marcus Rashford, Bruno Fernandes, Luke Shaw và Lisandro Martinez.
Tôi sẽ không quy kết những cái tên như Victor Lindelof, Diogo Dalot, Aaron Wan-Bissaka hay Antony là nguyên nhân chính khiến Man United chật vật, bởi vì họ vốn dĩ đều là những cầu thủ quá tầm thường ở Premier League. Họ chỉ đơn giản là chẳng đủ trình độ để chơi cho một đội bóng có tầm cỡ như Man United. Vậy nên tầm ảnh hưởng của họ trong đội từ trước tới nay chẳng lớn đến mức có thể khiến Quỷ Đỏ đột ngột trở nên tệ hại trầm trọng sau một mùa giải chơi tốt chỉ vì họ sa sút phong độ.
Kế đến là nhóm cầu thủ trên 30 tuổi, bao gồm Casemiro, Eriksen, Maguire và Varane. Nhìn chung, việc 4 người họ tụt phong độ so với mùa giải trước là chuyện hoàn toàn có thể đoán trước ở những cầu thủ trên 30: Bạn chơi tệ hơn, bạn dính chấn thương, hoặc cả hai. Một lần nữa, tôi không nghĩ chúng ta có thể quở trách những cầu thủ ở độ tuổi này vì họ sa sút phong độ - chẳng ai có thể tránh được sự tàn phá của thời gian cả.
Vậy là, Man United thực ra chỉ có 4 cầu thủ chủ chốt trước đây từng thể hiện phong độ cao một cách ổn định và hiện vẫn ở độ tuổi dưới 30. Tầm ảnh hưởng của Shaw và Martinez đã giảm bớt so với mùa giải trước vì chấn thương. Cả hai người họ đều không ra sân đủ nhiều để có thể bị chỉ trích là đang trực tiếp khiến Man United gặp khó khăn do họ có phong độ kém cỏi. Vì thế, chúng ta còn lại Rashford, người đã bị loại khỏi đội hình đá chính trong vài trận đấu gần đây, và Bruno, người sẽ bị treo giò trong trận đấu với Liverpool.
Vai trò của Rashford trong đội bóng này là kéo dãn hàng thủ đối phương và tạo ra các bàn thắng. So với mùa giải trước, tần suất nhận được những đường chuyền phát triển bóng của anh trong các trận đấu đang cao hơn, và anh cũng đang chạm bóng nhiều hơn ở cả khu vực 1/3 cuối sân đối thủ lẫn bên trong vòng cấm. Nhưng ngôi sao người Anh lại không thể thường xuyên thực hiện các tình huống thoát ra phía sau hàng thủ - món vũ khí lợi hại nhất của anh. Mùa giải trước, anh đã nhận được 22 pha chọc khe, đứng thứ hai giải đấu về thống kê này, chỉ sau Erling Haaland của Manchester City.
Còn ở mùa giải này, sau khi đi qua gần nửa chặng đường, Rashford mới chỉ nhận được 3 pha chọc khe. Với việc chẳng thể thực hiện nhiều tình huống thoát ra phía sau hàng thủ và nhận bóng nữa, hiệu suất ghi bàn của anh đã tụt giảm đáng kể - từ 0,53 bàn (không tính penalty) mỗi 90 phút ở mùa trước xuống chỉ còn 0,08 ở mùa này. Xét trên dữ liệu bàn thắng kỳ vọng, thống kê xG non-penalty mỗi 90 phút của anh cũng sa sút từ 0,48 ở mùa trước xuống 0,32 ở mùa này. Đúng là Rashford đang không chơi tốt, nhưng anh cũng đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng rối loạn của tập thể Man United.
“Đầu ra” của Bruno trong khâu tấn công cũng đang sụt giảm so với mùa giải trước – mùa trước, chỉ số bàn thắng kỳ vọng (không tính penalty) + kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút của anh là 0,68, sang mùa này con số đó đã tụt xuống 0,54 – nhưng thật ra con số ở mùa này lại khớp với mức trung bình trong sự nghiệp khoác áo Man United của anh là 0,56. Ngôi sao người Bồ Đào Nha cũng đang thực hiện nhiều đường chuyền vào trong vòng cấm hơn bao giờ hết, đồng thời chạm bóng trong vòng cấm ít hơn bao giờ hết.
Tổng hợp lại các yếu tố trên, việc Rashford không thể thường xuyên thực hiện những tình huống thoát ra phía sau các hàng thủ và khuynh hướng chơi thấp hơn của Bruno đang nói lên những vấn đề nghiêm trọng về cấu trúc của tập thể Man United thay vì chỉ đơn thuần là sự sa sút của hai cá nhân này. Nhưng có một cách đơn giản hơn để chúng ta xem xét chuyện này.
Mùa giải trước, Rashford và Bruno đã thi đấu với phong độ thăng hoa, “gánh” Man United cán đích ở vị trí thứ 3. Sang mùa giải này, chẳng có cầu thủ nào trong đội bóng này chơi hiệu quả cả. Vì những chấn thương, sự tệ hại trong công tác quản lý từ ban huấn luyện cho đến công tác tuyển dụng từ thượng tầng CLB, và chịu đựng sự vô tâm từ các chủ sở hữu trong hơn một thập kỷ, chẳng một ai có thể cứu nổi đội bóng này cả.
Theo Ryan O’Hanlon, ESPN