Dưới đây là bài viết để nhìn lại hành trình vô địch của Pháp tại EURO 2000 trong loạt bài về những nhà vô địch EURO của The Athletic.
Giới thiệu
Trước khi bước vào giải đấu EURO 2000, chỉ có một đội tuyển duy nhất từng vô địch EURO và vô địch World Cup trong 2 năm liên tiếp. Và đội tuyển chúng ta đang muốn nhắc tới là Tây Đức - đội đã từng vô địch tại EURO 1972 và sau đó vô địch World Cup năm 1974. Và sau thành tích ấn tượng đó của Tây Đức, người Pháp cũng đã làm được điều tương tự nhưng theo một cách ngược lại - họ vô địch World Cup 1998 và sau đó là lên ngôi tại EURO 2000.
Đội tuyển Pháp vào thời điểm năm 2000 mạnh hơn rất nhiều so với năm 1998. Thời điểm thi đấu kỳ World Cup trên sân nhà, đội tuyển Pháp phải dựa khá nhiều vào hàng phòng ngự chắc chắn, thêm vào đó là việc thiếu vắng Zinedine Zidane ở một vài trận đấu do bị dính thẻ đỏ từ vòng bảng và cuối cùng chính là việc họ thiếu hẳn một tiền đạo đẳng cấp ở trên hàng công. Tuy nhiên khi bước tới năm 2000, đội tuyển Pháp lại sở hữu một lức lượng hoàn toàn khác biệt. Họ có được một Zidane với phong độ rất ổn định và một Thierry Henry đã cải thiện và hoàn thiện kỹ năng săn bàn của mình đạt đến trình độ xuất sắc vào thời điểm ấy. Ngoài hai cái tên kể trên thì những đóng góp từ Robert Pires, Christophe Dugarry, Sylvain Wiltord hay David Trezeguet cũng đều rất quan trọng với đội tuyển Pháp tại EURO năm ấy. Ở thời điểm EURO diễn ra, 4 cái tên phụ trợ cho màn trình diễn của Zidane hay Henry đều đang thi đấu ở giải VĐQG Pháp. Có thể nói năm ấy, Pháp đang sở hữu một nguồn tài năng không bao giờ cạn kiệt.
EURO 2000 là giải đấu mà Pháp sở hữu một thế hệ rất tài năng |
EURO 2000 phải khẳng định là một giải đấu mà Pháp đã chơi rất xuất sắc. Họ bước vào giải đấu với tâm thế hoàn toàn khác so với 2 năm trước đây. Pháp không còn phải dựa vào phòng thủ nữa mà giờ đây họ sẽ chơi bóng đá tấn công với những tài năng đang sở hữu. Nếu nhìn ngược về kỳ EURO trước đó thì chúng ta có thể nói rằng 4 đội góp mặt ở bán kết EURO 2000 (Pháp, Ý, Hà Lan, và Bồ Đào Nha) đều mạnh hơn 4 đội ở bán kết EURO 1996 (Đức, Cộng hòa Séc, Pháp, và Anh) . EURO 2000 có thể coi là bước mở đầu cho kỷ nguyên mới của bóng đá thế giới. Ở giải đấu đó chúng ta được chứng kiến những sự sáng tạo của cầu thủ thay vì phong cách thi đấu thận trọng trong phòng ngự.
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết điều này...
Trước khi đến với Hà Lan và Bỉ để lên ngôi vô địch, đội tuyển Pháp đã suýt nữa không thể giành được tấm vé trực tiếp đến tham dự EURO 2000. Điều đó là sự thật bởi ở giai đoạn vòng loại, đội tuyển Pháp đã gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên họ bị cầm hoà 1-1 trên sân của Iceland rồi sau đó là có trận thắng tối thiểu trước Nga bằng bàn thắng duy nhất Alain Boghossian. Sau 2 trận đấu vất vả đó, họ đã có chuỗi giành điểm tốt hơn khi có trận hoà 0-0 trước Ukraine, thắng Andorra và Armenia với tỉ số 2-0 trên sân nhà và sau đó là hạ gục cả 2 đối thủ này trên sân khách. Sau thời gian đó thì họ đã bị ngắt chuỗi giành điểm khi để thua đội tuyển Nga với tỉ số 2-3 trên sân nhà. Cuối cùng họ kết thúc giai đoạn vòng loại bằng cách đánh bại Iceland với tỉ số 3-2 tại Stade de France.
Tuy nhiên những điểm số họ chắt chiu được ở trước đó đều mang ý nghĩa rất lớn bởi chỉ cần Nga hoặc Ukraine giành chiến thắng trong cuộc đối đầu trực tiếp tại Moscow thì tấm vé vào thẳng EURO 2000 sẽ thuộc vè 1 trong 2 đội tuyển này (điều đó đồng nghĩa với việc Pháp sẽ phải thi đấu playoff để cạnh tranh vé đến EURO 2000 ở thời gian sau đó). Và như đã dự đoán thì trận đấu giữa Ukraine và Nga diễn ra rất căng thẳng, hai đội đều có được những bàn thắng từ các tình huống cố định. Nga là đội mở tỉ số trước bằng bàn thắng của Valeri Karpin trước khi Andryi Shevchenko ghi bàn gỡ hoà từ một tình huống mà thủ môn Filimonov gần như đã bắt hụt bóng ở phút 88. Nếu tình huống đó thủ môn của Nga chỉ cần bắt dính được bóng thì Pháp gần như đã phải chấp nhận việc sẽ phải tìm đường đến EURO 2000 bằng cách tham dự vòng playoff.
Pha bắt bóng không dứt khoát của Filimonov đã giúp Pháp có vé trực tiếp đến EURO 2000 |
Huấn luyện viên
Dường như không có ai biết quá nhiều về chiến lược gia Roger Lemere. Trên thực tế chuyện này nghe khá kỳ lạ bởi ông chính là người đầu tiên giành chức vô địch ở hai giải đấu quốc tế ở hai châu lục khác nhau dưới vai trò HLV. Ông đã có thành công với tuyển Pháp vào năm 2000 trước khi đến chinh phục giải đấu cấp cao nhất cho đội tuyển tại Châu Phi cùng Tunisia vào năm 2004.
Roger Lemerre ở thời còn thi đấu cũng có được 6 lần khoác áo ĐTQG Pháp trong vai trò của một hậu vệ. Ông có giai đoạn dẫn dắt CLB không quá ấn tượng từ năm 1970 đến 1986 với những đội bóng như Paris' Red Star, Lens, Paris FC và sau đó là Strasbourg.
Sau thời gian đó ông đã cống hiến 10 năm sự nghiệp của mình để giữ vai trò làm huấn luyện viên đội bóng đá của quân đội Pháp trước khi trở lại với Lens trong một thời gian ngắn vào năm 1997. Và cuối cùng là trở thành trợ lý của HLV Aime Jacquet tại World Cup 1998 diễn ra trên sân nhà. Ở thời điểm ông Aime Jacquet chia tay với đội tuyển Pháp, Lemere đã trở thành tân huấn luyện viên trưởng của Les Bleus do những ứng cử viên như Jean Tigana và Guy Roux lúc đó không được hai đội bóng Monaco và Auxerre cho phép rời đi để nhận công việc trên đội tuyển Pháp.
Huấn luyện viên Roger Lemerre ăn mừng chức vô địch EURO 2000 |
Đóng góp đáng chú ý nhất của Lemerre tại EURO 2000 chính là việc ông đã khăng khăng yêu cầu đội tuyển Pháp tẩy chay tất cả các hoạt động truyền thông trong phần lớn tuần đầu tiên của giải đấu. Ông cáo buộc các tờ báo đã đăng tin sai lệch và “phá vỡ sợi dây liên kết” giữa đội tuyển và người hâm mộ nước này. Việc Roger Lemerre tẩy chay các hoạt động truyền thông có thể là do ông muốn tạo ra cho cả đội một 'tâm lý bao vây (siege mentality) - tâm trạng của một nhóm hoặc tổ chức cảm thấy họ đang bị bao vây hoặc bị đe dọa bởi các yếu tố bên ngoài'. Tâm lý mà Lemerre tạo ra được cho là để kích thích tinh thần của cả đội và khiến các cầu thủ tập trung hơn vào giải đấu thay vì phải quan tâm tới những điều xảy ra trên báo chí.
Dẫu vậy, câu chuyện này cũng không phải quá xa lạ với một đội tuyển như Pháp bởi họ đã có những khoảng thời gian tương tự trong quá khứ. Đây cũng chính là lý do vì sao mà về sau này có tương đối ít bài viết hoặc thông tin liên quan đến Lemerre sau khi Pháp đăng quang tại EURO 2000. Việc công khai tẩy chay truyền thông khiến cho bản thân Lemerre có vẻ không được chú ý quá nhiều vào thời gian sau này so với những huấn luyện viên cũng đã có thành công với đội tuyển Pháp ở EURO hoặc World Cup. Thời điểm sau EURO 2000, mọi sự chú ý của truyền thông dường như chỉ đổ dồn vào những ngôi sao của Les Bleus mà ít ai đoái hoài tới tài dẫn dắt của Lemerre.
Chiến thuật
Tại EURO 2000, Roger Lemerre đã sử dụng hai hệ thống chiến thuật khác nhau cho đội tuyển Pháp. Khối sơ đồ thông thường ông bày cho các học trò sẽ là 4-2-3-1 với Zidane đá hộ công cho Henry, Youri Djorkaeff và Dugarry sẽ chơi ở hai cánh và thực hiện những pha di chuyển vào trung lộ để thực hiện những pha phối hợp tấn công với hai con người ở phía trên. Pháp ở năm đó chơi quanh vị trí số 10 nhiều hơn là đá về hai cánh nên họ thực sự là một đội tuyển có rất giàu sức sáng tạo ở những mảng miếng khu vực trực diện với khung thành đối phương. Thêm vào đó việc mở ra các không gian tấn công và tạo thời cơ ghi bàn của Pháp lúc đó cũng thường đến từ cái chân của Thierry Henry thay vì hai cầu thủ đá cánh là Djorkaeff và Dugarry.
Nhưng ở hai trận đấu với Cộng hoà Séc ở vòng bảng và Bồ Đào Nha ở bán kết, Lemerre đã thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận trận đấu của Pháp. Thay vì sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 như trên, ông đã xoay sang dùng hệ thống 4-3-1-2. Với đội hình này, Zidane vẫn giữ vai trò là một cầu thủ chơi hộ công, nhưng giờ đây anh sẽ không chỉ hỗ trợ cho Henry mà còn làm bóng cho một tiền đạo rất tốc độ khác là Nicolas Anelka. Phía sau bộ 3 tấn công, Lemerre bố trí 3 tiền vệ phòng ngự là Didier Deschamps, Patrick Vieira và Emmanuel Petit. Ở thời điểm đó, Deschamps thường bị mỉa mai là dạng cầu thủ 'xách nước bổ cam' trên tuyển Pháp cho những ngôi sao như Zidane. Nhưng khi tiến vào giải đấu, người đang tại vị trên ghế HLV trưởng tuyển Pháp bây giờ lại có những màn trình diễn rất xuất sắc ở vai trò tiền vệ phòng ngự.
Cũng chính vì những màn trình diễn đó của Deschamps mà HLV Roger Lemerre đã phải nài nỉ anh chàng số 7 rằng đừng nghỉ thi đấu quốc tế. Nhưng rốt cuộc, Deschamps vẫn chọn kết thúc sự nghiệp thi đấu quốc tế của mình và chỉ một năm sau đó ông đã chính thức dấn thân vào nghề huấn luyện với vai trò HLV trưởng của Monaco.
Roger Lemerre tại EURO 2000 cũng sở hữu một hàng phòng ngự có thể nói là ấn tượng bậc nhất trong lịch sử EURO. Dàn ngang 4 cầu thủ Lilian Thuram, Marcel Desailly, Laurent Blanc và Bixente Lizarazu tạo nên một bức tường thành cực kỳ vững chắc trước khung thành của thủ môn Barthez. Nhưng tường thành đó chỉ là trên giấy tờ khi chúng ta nhìn vào những tên tuổi đó mà thôi bởi trong giải đấu tại Bỉ và Hà Lan năm đó, Pháp chỉ có đúng 1 trận giữ được sách lưới (thắng 3-0 trước Đan Mạch ở trận ra quân).
Dưới đây là hệ thống chiến thuật mà Lemerre đã sử dụng cho đội tuyển Pháp trong trận chung kết với Italia.
Cầu thủ chủ chốt
Phải khẳng định Zinedine Zidane đã có một giải đấu trên cả tuyệt vời trên đất Bỉ và Hà Lan. Nói Zidane đẳng cấp trên cả tuyệt vời ở giải đấu đó là bởi ở mỗi đội tuyển góp mặt tại bán kết năm đó đều sở hữu một số 10 huyền thoại của bóng đá thế giới. Italia có Francesco Totti, Hà Lan có Dennis Bergkamp, Bồ Đào Nha có Rui Costa và cuối cùng là Pháp với một Zinedine Zidane chơi với phong độ tuyệt đỉnh xuyên suốt cả giải đấu.
Việc Zidane chơi rất hay tại EURO 2000 có phần khá bất ngờ với mọi người vào thời điểm đó bởi phong độ của anh ở cấp CLB khá tệ kể từ khi giành chức vô địch World Cup vào năm 1998. Trong cả mùa giải 1999/2000 với Juventus tại Serie A, Zidane chỉ có được 4 bàn thắng và 3 trong số đó đến từ tình huống đá phạt cố định. Thành tích kiến tạo thì mở màn rất ổn khi anh chỉ mất 30 phút bóng lăn để có được pha kiến tạo đầu tiên trong trận gặp Reggina. Nhưng sau pha kiến tạo đó thì Zidane đã im bặt trong cả 33 vòng đấu còn lại ở khâu kiến thiết cho đồng đội.
Dẫu vậy, hình ảnh tụt phong độ ở CLB và thăng hoa trên tuyển mới chính là hình mẫu khi chúng ta nhìn lại sự nghiệp của Zidane.
"Zidane thời điểm này thi đấu tốt hơn so với hai năm trước. Cậu ấy giờ đã tự tin hơn rất nhiều trong khâu kiểm soát trận đấu và cũng thể hiện tốt hơn với vai trò là một ngôi sao trên sân. Liệu cậu ấy có thể trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại hay không thì chúng ta vẫn phải chờ đợi thời gian trả lời" - Pele nhận xét về Zidane.
Zidane đã có một cú sút phạt thành bàn tuyệt đẹp trong trận tứ kết gặp Tây Ban Nha. Sau đó anh tiếp tục có một màn trình diễn đáng nhớ trong cuộc đối đầu với tuyển Bồ Đào Nha tại bán kết. Tại Stade Roi Baudouin, Zidane cứ di chuyển liên tục từ hành lang cánh phải sang hành lang cánh trái, không một lúc nào anh có một vị trí cố định trên sân. Những pha xử lý bóng nhẹ nhàng và uyển chuyển của Zidane khiến cho khán giả tại sân ngày hôm đó không ít lần phải ồ lên vì ngưỡng mộ. Dù có bị vây hãm bị rơi vào những tình thế khó khăn thì Zidane vẫn biết cách để thoát ra nhờ những kỹ thuật điêu luyện của mình. Chỉ cần đối phương lao vào là Zidane sẽ có những pha dừng bóng hoặc đảo hướng để vượt qua một cách vô cùng dễ dàng.
Một pha xử lý rất nghệ sĩ của Zidane trong trận đấu với Bồ Đào Nha |
Và sau những pha bóng đẹp mắt đó Zidane cũng chính là người kết liễu trận đấu bằng 'bàn thắng vàng' ghi được trên chấm phạt đền ở phút 117. Tình huống phạt đền diễn ra sau khi hậu vệ Abel Xavier đã cố tình dùng tay để cản trái bóng đang trên đường bay vào lưới ở trong vòng cấm của Bồ Đào Nha. Và tất nhiên với màn trình diễn chói sáng trước Bồ Đào Nha, Zidane cũng lại được so sánh với phong độ cực kỳ bay bổng của Michel Platini tại EURO 1984. Ở vòng chung kết EURO diễn ra tại Pháp năm đó, Platini cũng đã ghi bàn từ một cú đá phạt trực tiếp vào lưới Tây Ban Nha và kết liễu Bồ Đào Nha tại bán kết ở phút thi đấu gần như là cuối cùng của hiệp phụ thứ 2.
Nhưng đó chỉ là sự so sánh sau loạt trận bán kết bởi Zidane đã không thể có phút giây toả sáng như Platini ở trận chung kết. Trong trận chung kết với đội tuyển Italia, Zidane được bố trí chơi cao để làm hộ công cho Henry - cầu thủ chơi xuất sắc nhất của Pháp tối ngày hôm đó. Nếu có một cầu thủ có tốc độ hơn trên sân để tận dụng những pha căng ngang tầm thấp hướng tới vị trí cách khung thành khoảng 6m thì Pháp có thể đã có được những bàn thắng để kết liễu trận đấu. Và khi nhận ra tình hình đó, HLV Roger Lemerre đã quyết định điều chỉnh Zidane về thi đấu ở một vị trí lùi sâu trong hàng tiền vệ và tung những cầu thủ tấn công có thể tận dụng được những đường bóng của Henry. Và sự thay đổi này đã có tác dụng khi cả hai cầu thủ được tung vào sân đều có những bàn thắng quan trọng để giúp Pháp đánh bại Italia trong thời gian thi đấu của hiệp phụ.
Zinedine Zidane đều có những đóng góp rất đáng kể trong những trận chung kết của tuyển Pháp từ năm 1998 đến 2006. Tuy nhiên để chọn ra một giải đấu anh chơi hay hơn tất cả thì chỉ có thể là EURO 2000.
Trận chung kết
Italia đã tiến đến trận chung kết bằng cách chơi truyền thống của họ - một lối chơi phòng ngự cực kỳ chắc chắn. Italia năm ấy có những cầu thủ rất xuất sắc ở hàng thủ như Alessandro Nesta, Fabio Cannavaro cùng với một thủ thành Francesco Toldo chơi cực kỳ hay ở giải đấu năm đó khi được thế vào vị trí của Gianluigi Buffon bị chấn thương. Những người Italia năm đó gần như được gán vào cái mác những kẻ xấu xí chơi bóng, những tên có thể làm hỏng bữa tiệc bóng đá của đối thủ hay thậm chí là phá hoại một giải đấu chơi tấn công đẹp bằng cách chiến thắng từ lối chơi catenaccio truyền thống.
Nhưng nếu nhận xét phiến diện như vậy thì quả không công bằng cho những thành phần còn lại của Italia. Ví dụ đầu tiên có thể kể tới là Francesco Totti - một cầu thủ cũng chơi rất hay tại EURO 2000. Dẫu vậy thì lối chơi năm đó của Italia cũng chỉ xoay quanh việc cố gắng phất những đường bóng dài để cho anh chàng tiền đạo Marco Delvecchio đơn phương độc mã xử lý và ghi bàn.
Lối đá catenaccio của người Ý gây khó chịu cho không ít đội bóng tại EURO 2000 |
Pháp ở năm đó lại ở một vị thế mà họ không thường xuyên được thấy. Họ là đội được đánh giá cao bởi các đơn vị cá cược và được hầu hết người hâm mộ trung lập yêu thích. Năm đó, Pháp là đội tỏ ra chiếm ưu thế trong hiệp 1 khi mà Henry đã khiến người Ý phải toát mồ hôi hột khi cả hai đều đã phải nhận một thẻ vàng sau những pha phạm lỗi với 'đứa con của thần gió'. Ở trận đấu với Italia, Thierry Henry chơi giống với một cầu thủ kiến thiết lối chơi hơn là một tiền đạo có nhiệm vụ ghi bàn. Anh chủ động rê dắt bóng ở phạm vi rộng hơn và thực hiện những pha rê bóng đột phá tạo ra tình huống nguy hiểm cho đối thủ. Việc Henry thi đấu như vậy sẽ tạo ra nhiều tính đột phá hơn nhưng ở chiều ngược lại họ sẽ thiếu đi một cầu thủ có thể kết thúc pha bóng ở trong vòng cấm.
Sau khi hiệp 2 bắt đầu khoảng 10 phút, Italia đã có được bàn thắng vươn lên dẫn trước nhờ pha đánh đầu thành bàn của Delvecchio xuất phát từ quả tạt của Gianluca Pessotto bên cánh phải. Italia ở hiệp 2 gần như đã có những cơ hội để kết liễu trận đấu từ những pha tổ chức phản công, đặc biệt là thông qua những pha bóng liên quan đến Del Piero. Giống như người đồng đội tại Juventus là Zinedine Zidane, Del Piero cũng phải trải qua một đợt tụt phong độ do chấn thương khi đang ở trong giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp. Anh có hai lần nhận bóng từ những pha phát động phản công của Totti và Massimo Ambrosini. Ở cơ hội đầu tiên, anh đã có một pha dứt điểm bóng đi sệt và chệch hẳn ra khỏi khung thành. Và ở tình huống sau đó, anh có một cơ hội dứt điểm ngon ăn không kém lần đầu nhưng kết quả thì chẳng khá hơn là mấy. Lần này, Del Piero sút thẳng vào vị trí của thủ thành Barthez...
Sau khi bị đối thủ dẫn trước, Lemerre đã phải tung cả ba cầu thủ tấn công của Pháp trên hàng dự bị để hy vọng vào việc tìm kiếm bàn gỡ trước lối chơi phòng ngự đầy khó chịu của đội tuyển Italia. Trezeguet khi vào sân đóng vai trò như một target man, Wiltord thì mang lại tốc độ kèm theo khả năng mở rộng không gian triển khai bóng của Pires bên phía cánh phải. Và sau đường phát bóng của Barthez ở những phút cuối cùng, Trezeguet đã bật cao để đánh đầu như một pha chọc khe cho Wiltord xâm nhập vào vòng cấm của Italia. Wiltord với một nhịp khống chế bằng ngực trước khi tung ra cú sút chìm đã khiến Toldo đã bị khuất phục hoàn toàn. Ở một góc sút đã bị giới hạn khá nhiều như vậy thì rõ ràng lỗi nằm ở phía thủ môn như Toldo. Chỉ cần một tình huống cản phá tốt ở góc hẹp là Italia có thể giữ được kết quả thắng lợi 1-0 và đôi khi là giúp Toldo trở thành cầu thủ xuất sắc nhất của giải đấu năm đó. Nhưng câu chuyện thực tế lại không xảy ra như vậy, Toldo đã ôm đầu tiếc nuối còn người Pháp thì như được trở về từ cõi chết sau bàn thắng ở phút 90.
Khoảnh khắc quyết định
Đôi khi trong bóng đá bạn sẽ muốn ủng hộ một đội bóng như Pháp trong tình thế bị Italia dẫn bàn. Khi một đội đang bị dẫn trước 1-0 và đối thủ đẩy họ vào trạng thái buộc phải tấn công để tìm bàn gỡ thì chúng ta sẽ luôn có cảm giác nếu như đội bị tuột lại phía sau như Pháp tìm được bàn gỡ, họ gần như chắc chắn sẽ tìm kiếm được bàn thắng để kết liệu trận đấu. Và quả thật cảm giác đó hiếm khi nào lại trở nên mãnh liệt hơn thời điểm Pháp gỡ hoà trước Italia ở phút 90.
Sau khi sử dụng hết 3 quyền thay người cho 3 cầu thủ tiền đạo vào sân, Lemerre không còn lựa chọn nào khác ngoài tấn công trong thời gian sau đó của hiệp phụ. Và sau khi Wiltord góp công vào chức vô địch EURO 2000 bằng bàn thắng gỡ hoà rất quan trọng thì hai cầu thủ vào sân sau đó là Trezeguet và Pires đã phối hợp với nhau để ghi bàn thắng kết liệu trận đấu. Pires vào sân với vai trò là một cầu thủ tấn công bên phía cánh trái của Pháp thay thế cho Lizarazu. Về cơ bản, anh vào sân vừa với vai trò tiền vệ chạy cánh mà vừa làm một hậu vệ trái để hỗ trợ đồng đội phía sau. Nỗ lực đột phá của Pires ở bên phía cánh trái ở phút 102 đã được nối tiếp bằng một tình huống kiến tạo rất chuẩn xác cho Trezeguet đang di chuyển trong vòng cấm. Và ở một tư thế thuận lợi, Trezeguet đã tung ra một cú sút trái phá bằng chân trái làm tung nóc lưới của thủ thành Toldo. Có rất nhiều bàn thắng kinh điển mang tính chất quyết định tại EURO nhưng cú ra chân của Trezeguet ở trận chung kết với tuyển Italia năm đó được coi là pha làm bàn đỉnh nhất trong lịch sử giải đấu.
Đây là trận chung kết EURO thứ hai liên tiếp được kết thúc nhờ một 'bàn thắng vàng' trong hiệp phụ. Trezeguet trở thành người hùng của Pháp giống như cách Oliver Bierhoff kết liễu mọi thứ tại Wembley vào năm 1996. Và trùng hợp hơn là cả hai tiền đạo ghi bàn thắng vàng tại EURO 1996 và EURO 2000 đều mặc chiếc áo số 20.
Sau kỳ EURO 2000, Trezeguet đã đồng ý chuyển đến Italia để đầu quân cho Juventus. 6 năm sau khi làm người hùng cho Pháp trước người Ý, Trezeguet lại một lần nữa trở thành người quyết định cục diện của loạt sút luân lưu tại chung kết World Cup tại Đức, cũng với đối thủ là tuyển Italia. Anh là người duy nhất đá hỏng luân lưu trong loạt sút căng thẳng với Italia tại Berlin. Trezeguet bước lên chấm đá phạt đền và anh vẫn đá rất căng... Nhưng thật tiếc là cú sút của anh lại đi thẳng vào mép dưới xà ngang thay vì rung tung nóc lưới của Italia giống như năm 2000.
Trezeguet là cầu thủ duy nhất đá hỏng luân lưu tại chung kết World Cup 2006 |
Vậy Pháp có phải là đội chơi hay nhất tại giải đấu năm đó?
Chính xác, Pháp được coi là đội thi đấu hay nhất năm đó bất chấp việc phải cạnh tranh với đội chủ nhà Hà Lan - đội bóng đã bị loại bởi người Ý sau loạt đá luân lưu ở trận bán kết. "Chưa từng có một kỳ EURO nào mang đến một chất lượng chuyên môn cao như EURO 2000. Pháp xứng đáng giành chiến thắng vì họ là đội chơi hay hơn tất cả. Nó xuất phát ngay từ trận đấu đầu tiên với đội tuyển Đan Mạch ở vòng bảng. Pháp thực sự là một đội tuyển chơi rất ấn tượng vào năm đó" - nhận xét từ tạp chí World Soccer.
Pháp của EURO 2000 xứng đáng được coi là một trong những nhà vô địch xuất sắc nhất trong lịch sử EURO. Dẫu vậy, họ cũng không thể được coi là đội tuyển Pháp vô địch EURO xuất sắc nhất được bởi chức vô địch năm 1984 của Michel Platini và các đồng đội vẫn quá khó để vượt qua.
Roger Lemerre đã rất táo báo khi nhận xét về đội tuyển của mình sau giải đấu như thế này: "Đây là một chức vô địch của bóng đá tấn công. Tôi sẽ không giả vờ để nói bất kỳ điều gì khác ngoài chuyện này".