Phân tích báo cáo tài chính Manchester City mùa giải 2019/2020

Tác giả CG - Thứ Sáu 09/04/2021 16:22(GMT+7)

Zalo

Blog Swiss Ramble - trang phân tích các hoạt động tài chính, kinh doanh trong bóng đá - có bài phân tích báo cáo tài chính của CLB Manchester City trong mùa giải 2019/2020. Đây là một mùa bóng mà CLB thành Manchester giành ngôi á quân Premier League, lọt vào tứ kết Champions League và bán kết FA Cup. Tuy nhiên đó cũng là mùa giải khó khăn với tất cả các CLB do ảnh hưởng của COVID-19.

Phân tích báo cáo tài chính Manchester City 2019/2020
Ảnh: Getty Images

- Manchester City đã lỗ 125 triệu bảng do tác động của đại dịch COVID-19 khiến doanh thu của họ giảm 57 triệu bảng (11%), từ 535 triệu xuống 478 triệu bảng, trong khi chi phí chi tiêu của họ tăng 81 triệu bảng (14%). Lợi nhuận từ việc bán cầu thủ tăng lên thành 40 triệu bảng (tăng 1 triệu bảng so với năm trước đó). Khoản lỗ sau thuế là 126 triệu bảng.  

- Nguyên nhân chính khiến doanh thu của Manchester City giảm nằm ở tiền bản quyền truyền hình: giảm 63 triệu bảng (25%) từ 253 triệu bảng xuống còn 190 triệu bảng. Trong khi đó, doanh thu trong ngày diễn ra trận đấu (matchday) của họ giảm 13 triệu bảng (24%) từ 55 triệu bảng xuống 42 triệu bảng. Tuy nhiên điều này được bù đắp lại một phần khi doanh thu thương mại của họ tăng 19 triệu bảng (9%) từ 227 triệu bảng lên 246 triệu bảng.
 
Doanh thu truyền hình của họ giảm ở cả các giải quốc nội (giảm 27% từ 168 triệu bảng xuống 123 triệu bảng) và Champions League (giảm 21% từ 86 triệu bảng xuống 67 triệu bảng). Tuy nhiên doanh thu truyền hình của họ vẫn cao thứ hai ở Anh, chỉ sau Liverpool.
 
Theo đánh giá của Swiss Ramble, có 2 lý do khiến doanh thu bản quyền truyền hình của Man City giảm trong mùa giải 2019/2020: Thứ nhất, việc hạ giá bản quyền truyền hình đã được thống nhất với các nhà đài trong bối cảnh các trận đấu bị hoãn và không có khán giả. Thứ hai, có những trận đấu diễn ra sau ngày 30 tháng 6 nên doanh thu được tính sang mùa giải 2020/2021.
 
Ước tính, Man City kiếm được 87 triệu bảng từ đấu trường châu Âu sau khi lọt vào tứ kết Champions League, cao nhất trong số các đại diện Anh ở châu Âu. Dù vậy con số này đã là giảm do việc hạ giá bản quyền truyền hình, các trận đấu diễn ra vào tháng 8 và họ bị phạt vì vi phạm luật công bằng tài chính (10 triệu euro).
 
- Tuy doanh thu suy giảm ở mùa giải 2019/2020 nhưng tính trong 4 năm qua doanh thu của Man City vẫn tăng 87 triệu bảng (22%), phần lớn từ hoạt động thương mại (68 triệu bảng). Do doanh thu từ bản quyền truyền hình giảm, hoạt động thương mại là nguồn doanh thu chính của Man City (chiếm 51%).
 
Nguồn thu từ thương mại của Man City tăng 19 triệu bảng (9%) từ 227 triệu bảng lên 246 triệu bảng, chủ yếu đến từ hai hợp đồng mới với Puma và Marathonbet. Man City là đội có nguồn thu thương mại cao thứ hai ở Anh, thu hẹp khoảng cách với Man United chỉ còn 33 triệu bảng. Nguồn thu thương mại của Man United đang chững lại, dao động khoảng 275 triệu bảng trong 5 năm qua.
 
Man City thu lợi nhuận từ tiền tài trợ trên áo đấu trị giá 45 triệu bảng mỗi mùa, trong khi quyền đặt tên sân vận động và sân tập ước tính khoảng 15-20 triệu bảng. Tiền tài trợ trên tay áo của Nexen Tire là 10 triệu bảng. Trong khi đó số tiền để nhà tài trợ Chevrolet xuất hiện trên áo đấu của Man United là 64 triệu bảng mỗi mùa, nhưng từ mùa sau đơn vị thay thế là TeamViewer (47 triệu bảng).
 
- Doanh thu ở matchday của Man City giảm 13 triệu bảng (24%) từ 55 triệu bảng xuống 42 triệu bảng vì họ đã đá 8 trận sân nhà không khán giả (6 trận ở Premier League, 2 trận ở Champions League). Doanh thu của họ cao thứ 6 ở Premier League nhưng ít hơn một nửa so với Tottenham (95 triệu bảng) sau khi đội bóng này chuyển sang SVĐ mới.

Phân tích báo cáo tài chính Manchester City 2019/2020
Như các đội bóng khác, doanh thu mùa giải 2019/2020 của Manchester City bị ảnh hưởng nặng nề khi không được đón khán giả tới sân. Ảnh: Getty Images
 
Lượng khán giả trung bình của Man City tăng nhẹ từ 54.132 lên 54.219 người (tất nhiên là chỉ tính ở những trận khán giả được vào), cao thứ 5 ở Premier League và thấp hơn khoảng 18.000 người so với Manchester United. Giá vé cả mùa 2019/2020 của Man City tăng 3%.
 
- Dù sụt giảm mạnh về doanh thu, chi tiêu của Manchester City lại tăng đáng kể, quỹ lương của họ đã tăng 36 triệu bảng (11%) từ 315 triệu bảng lên 351 triệu bảng. Phần khấu hao của cầu thủ tăng 19 triệu bảng (15%) từ 127 triệu bảng lên 146 triệu bảng. Những chi phí khác cũng tăng 27 triệu bảng (25%) từ 105 triệu bảng lên 132 triệu bảng.
 
Quỹ lương của Man City tăng vì sự xuất hiện của các tân binh cũng như gia hạn hợp đồng. Tổng tiền lương của Man City đã tăng 154 triệu bảng (58%) trong 4 năm qua, mức tăng cao nhất trong Big 6. Trong khi đó quỹ lương 351 triệu bảng của họ một lần nữa cao nhất Premier League (lần gần nhất là 2013). Thực tế, đây là quỹ lương cao nhất từng được báo cáo ở Anh, cao hơn nhiều so với 310 triệu bảng của Liverpool (mùa giải 2018/2019), 284 triệu bảng của Man United và 283 triệu bảng của Chelsea.
 
Tỷ lệ tiền lương/doanh thu của Man City tăng từ 59% lên 73%, mức cao nhất của họ kể từ năm 2013. Dù vậy mức tăng này bị ảnh hưởng đáng kể bởi COVID-19. Công bằng mà nói, con số được báo cáo này cũng không quá tệ và nằm ở mức trung bình ở Premier League.
 
- Khoản lỗ 125 triệu bảng của Man City rõ ràng không lớn. Nhưng tất cả các CLB đều bị tác động bởi COVID-19, không dưới 9 CLB ở Premier League đều chịu mức lỗ trên 50 triệu bảng ở mùa giải 2019/2020. Chỉ Everton chịu khoản lỗ lớn hơn Manchester City: 140 triệu bảng.
 
- Lợi nhuận từ việc bán cầu thủ là 40 triệu bảng (so với năm trước đó là 39 triệu bảng), chủ yếu từ việc bán Danilo cho Juventus, bán Douglas Luiz cho Aston Villa và bán Fabian Delph cho Everton. Con số này khá ổn, nhưng nhìn chung thì vẫn kém Chelsea (143 triệu bảng), Leicester City (63 triệu bảng) và Arsenal (60 triệu bảng).
 
Doanh số bán cầu thủ ở Man City không cao như nhiều CLB khác nhưng chúng ngày càng trở nên quan trọng, trung bình khoảng 38 triệu bảng trong 4 mùa giải vừa qua. Mùa giải này, doanh thu đó bao gồm số tiền thu về từ các thương vụ bán Leroy Sané cho Bayern Munich và bán Nicolas Otamendi cho Benfica.

Phân tích báo cáo tài chính Manchester City 2019/2020
Leroy Sane đã rời Manchester City trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái với số tiền chuyển nhượng được cho là lên tới 60 triệu euro. Ảnh: Getty Images
 
Khoản khấu hao của cầu thủ, khoản phí hàng năm với chi phí chuyển nhượng theo hợp đồng của cầu thủ, tăng 19 triệu bảng (15%) từ 127 triệu bảng lên 146 triệu bảng. Đây không chỉ là mức cao nhất ở Premier League mùa giải 2019/2020 mà còn là cao thứ hai trong lịch sử bóng đá Anh.
 
Man City đã chi 180 triệu bảng để mua cầu thủ, chỉ sau Man United (183 triệu bảng) và Arsenal (182 triệu bảng) trong mùa giải 2019/2020. Các bản hợp đồng của họ bao gồm Rodri từ Atletico Madrid, Joao Cancelo từ Juventus, Angelino từ PSV, Pedro Porro từ Girona và Zack Steffen từ Columbus Crew.
 
Điều này có nghĩa Man City đã chi gần 1 tỷ bảng (974 triệu bảng) vào việc mua cầu thủ trong 5 năm qua, giai đoạn trước đó 5 năm họ chỉ chi 535 triệu bảng. Mùa này họ đã chi số tiền lớn để chiêu mộ Ruben Dias, Nathan Aké và Ferran Torres cùng những cầu thủ trẻ triển vọng khác. Thực tế, số tiền Man City chi cho chuyển nhượng cao nhất Premier League trong 6 năm qua. 
 
Tiền nợ chuyển nhượng của Man City đã giảm xuống còn 73 triệu bảng, giảm một nửa so với 141 triệu bảng 2 năm trước. Số tiền mà Manchester City buộc phải trả là 7 triệu bảng vì các CLB khác nợ họ 66 triệu bảng.  Xét ở trên Premier League, con số này là thấp. Tuy nhiên Man City cũng tiềm ẩn khoản nợ lớn lên tới 158 triệu bảng dựa trên các điều khoản hợp đồng nhất định.
 
- Sau 5 năm liên tiếp làm ăn có lãi, một lần nữa Man City lại lỗ, dù CLB dự kiến sẽ thu lợi nhuận lập tức ở mùa giải 2020/2021 do ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn. Khoản lỗ 125 triệu bảng là cao thứ 4 trong lịch sử Premier League.
 
EBITDA (Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao), không tính tiền bán cầu thủ và các mặt hàng đặc biệt, của Man City giảm từ 118 triệu bảng xuống khoảng 2 triệu bảng - thấp nhất trong Big Six.
 
Khoản lỗ chi phí vận hành của Man City (tức là không bao gồm tiền bán cầu thủ và lãi) tăng từ 22 triệu bảng lên 160 triệu bảng, cao nhất mùa giải 2019/2020 ở Premier League.

Phân tích báo cáo tài chính Manchester City 2019/2020
Ảnh: Getty Images
 
Doanh thu tăng trưởng 87 triệu bảng từ năm 2016 của Man City đã bị Liverpool và Tottenham bỏ xa trong cùng giai đoạn (lần lượt 188 triệu bảng182 triệu bảng). Man City đã thu hẹp khoảng cách đối với Man United: từ 128 triệu bảng ở năm 2017 xuống chỉ còn 31 triệu bảng năm 2020.
 
Doanh thu 478 triệu bảng của Man City là cao thứ ba ở Anh, sau Man United (509 triệu bảng) và Liverpool (490 triệu bảng). Man City vẫn xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng Deloitte Money League (bảng xếp hạng doanh thu các CLB trên thế giới) nhưng chỉ hơn Paris Saint-Germain 8 triệu bảng
 
Champions League mang lại cho Man City 390 triệu euro trong 5 năm qua, cao nhất trong số các CLB Anh, xếp trên Liverpool (310 triệu euro), Tottenham (299 triệu euro), Chelsea (262 triệu euro), Man United (248 triệu euro) và Arsenal (214 triệu euro).
 
- Số dư tiền mặt của Man City giảm từ 130 triệu bảng xuống còn 18 triệu bảng, tất nhiên do tác động của COVID-19. Con số này thấp hơn nhiều so với Tottenham (226 triệu bảng), dù vậy số dư ngân hàng của Spurs tăng lên nhờ khoản vay hỗ trợ COVID-19 từ chính phủ trị giá 175 triệu bảng.
 
Man City đang dần trở nên tự chủ nên ông chủ đội bóng không chi vốn cổ phần trong khoảng 2 năm qua (lần gần nhất là 58 triệu bảng ở mùa giải 2017/2018). Điều thú vị là Man City không phải CLB được các ông chủ trực tiếp rót tiền nhiều nhất trong vài năm qua. Ví dụ, trong khoảng 5 năm tính đến 2019, họ chỉ nhận được 142 triệu bảng, thấp hơn nhiều so với Chelsea (440 triệu bảng), Everton (300 triệu bảng) và Aston Villa (193 triệu bảng).
 
Man City đã gặp rắc rối với luật công bằng tài chính, tuy nhiên CLB tự tin họ có thể đáp ứng những quy định đã được nới lỏng hơn khi kết quả tài chính sẽ được đánh giá sau 2 năm để xem xét tác động của COVID-19.

Như CEO Ferran Soriano khẳng định: “Rõ ràng các kê khai của mùa giải 2019/2020 không phải là đại diện tốt nhất để đánh giá thực tế một mùa bóng. Một bức tranh tài chính tốt hơn của các năm COVID sẽ được cung cấp sau mùa giải 2020/2021 khi hai mùa giải được kết hợp lại và bình thường hóa”.

(Theo Swiss Ramble)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow