Sau giai đoạn nổi lên của những hậu vệ cánh sở hữu khả năng dâng cao tấn công hiệu quả thì đến bây giờ, người ta lại bất ngờ được chứng kiến Manchester City dưới thời Pep Guardiola thi đấu bùng nổ nhờ việc sử dụng các trung vệ bên hành lang cánh.
Trong quá khứ, bộ kỹ năng phòng ngự chính là tiêu chí đầu tiên để phản ánh sự xuất chúng của một hậu vệ truyền thống. Từ Maldini, Roberto Carlos, Cafu, Gary Neville… hay bất kỳ hậu vệ biên nào ở giai đoạn chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, trước khi nghĩ đến việc dâng cao, tạt bóng, phối hợp, dứt điểm… cũng đều phải đảm bảo sự chắc chắn trong các tình huống 1 vs 1 trước đã. Mặc dù vậy, khi kỷ nguyên của lối chơi kiểm soát bóng tấn công bắt đầu phổ biến từ nửa cuối thập niên 2000s thì những yêu cầu về một hậu vệ cánh toàn diện với khả năng leo biên đã dần trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hệ quả chính là sự xuất hiện như một lẽ tất yếu của những Dani Alves, Patrick Evra, Ashley Cole, Sergio Ramos, Philipp Lahm hay Jordi Alba…
Bước sang thập niên 2010s, khi mà ngày càng xuất hiện nhiều đội bóng hàng đầu ở châu Âu sử dụng phương án pressing tầm cao, việc các hậu vệ cánh thường xuyên phải dâng cao hỗ trợ tấn công và phòng ngự từ xa cũng trở nên cực kỳ phổ biến. Trải qua thời gian, những Joao Cancelo, Arnold, Robertson, Zinchenko, Ben Chilwell, Alphonso Davies… mặc dù được đánh giá rất cao ở khả năng tấn công và tham gia điều phối bóng nhưng đã dần đánh mất đi các kỹ năng phòng ngự cơ bản của một hậu vệ cổ điển. Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng, sự xuất hiện của sơ đồ 3 hậu vệ tại Premier League từ giai đoạn HLV Antonio Conte đặt chân tới xứ sở sương mù cũng phần nào mang đến một cuộc cách mạng chiến thuật vô cùng quan trọng, dẫn tới việc nhiều CLB sẵn sàng sử dụng các hậu vệ biên trong vai trò của những cặp wing-back thuần túy, được tự do dâng cao tấn công nhiều hơn.
Ngay cả Pep Guardiola, trước khi mùa giải 2022/23 diễn ra, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha vẫn được biết đến là một nhà cầm quân đặc biệt ưa thích đưa các hậu vệ cánh của mình vào vai trò “inverted-fullback” với điển hình là cặp Walker - Cancelo. Thế nhưng, sau sự ra đi của Zinchenko trong mùa Hè năm ngoái và tiếp theo là Cancelo ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm nay, hành lang cánh trái của Man City đã trở nên thiếu đi một cầu thủ chạy cánh giàu tốc độ và có thể mang đến những giải pháp tấn công phù hợp. Nhiều người tin rằng đây sẽ là điểm yếu then chốt khiến cho hệ thống của Pep sụp đổ bởi Cancelo đã thi đấu đặc biệt xuất sắc trong cả hai mùa giải gần nhất. Tuy nhiên, sự thật lại không hề như vậy.
Đội hình của Pep không hề bị sụp đổ sau sự ra đi của Joao Cancelo |
Sau khi giành chiến thắng 1-0 trước Chelsea hồi cuối tuần vừa rồi và nâng chiếc cúp vô địch Premier League thứ ba liên tiếp, đích thân Pep đã đưa ra những nhận xét về Nathan Ake, cầu thủ được tin tưởng thay thế Cancelo trong vai trò hậu vệ cánh trái ở mùa giải năm nay, “Ake ư? Cậu ấy là một cầu thủ rất cơ bản. Tôi có thể nói gì được nhỉ? Tôi đã chứng kiến Ake đối đầu với Saka, Vinicius, Martinelli, Salah hay trước đó là Mane. Bạn luôn cần một hậu vệ phù hợp, một người có khả năng phòng ngự thực thụ để giành được chiến thắng trong những tình huống tranh chấp tay đôi”.
“Tại các giải đấu ở cấp độ cao như Champions League, điều này càng trở nên quan trọng hơn. Ake có thể mang tới sức mạnh thể chất và động lực cho đội bóng, thứ mà chúng tôi không có trong quá khứ. Một hậu vệ phù hợp chính là chìa khóa để thúc đẩy toàn đội, trước đây Man City thiếu đi yếu tố này. Không chỉ Ake mà cả Akanji và Walker cũng giúp tôi thực hiện điều đó”, Pep nhấn mạnh.
Đánh giá ở một góc độ nào đó, Ake rõ ràng không sở hữu bộ kỹ năng leo biên “hoàn hảo” giống như Cancelo. Thế nhưng, so với một Cancelo thường xuyên bỏ lại khoảng trống phía sau thì ngôi sao người Hà Lan lại là mẫu cầu thủ chơi chắc chắn và kỷ luật hơn hẳn. Trên thực tế, Ake cũng có thể đá tốt trong cả hai vai trò trung vệ và hậu vệ trái, điều này giúp cho Man City dễ dàng luân chuyển giữa các sơ đồ 3 hậu vệ và 4 hậu vệ một cách linh hoạt. Tương tự là Akanji, một bản hợp đồng mới được đưa về sân Etihad để gia cố khu vực trung tâm hàng phòng ngự nhưng cuối cùng đã được Pep sử dụng nhằm trám vào hai hành lang cánh khi cần thiết. Xuất thân là một trung vệ thuần túy, cựu cầu thủ Dortmund hoàn toàn đủ khả năng mang đến sự yên tâm cho Pep ở các tình huống tranh chấp bóng, đặc biệt là trong một môi trường giàu tính thể chất như Premier League.
Về phần Walker, mặc dù từng chơi nhiều năm ở vị trí hậu vệ biên và cũng được đánh giá rất cao trong khả năng tấn công nhưng kể từ thời điểm chuyển đến khoác áo Man xanh, cựu ngôi sao Spurs đã dần trở nên quen thuộc hơn với vai trò trung vệ lệch phải. So với những trung vệ thuần túy, Walker không hề kém cạnh về mặt thể chất, thậm chí còn sở hữu một ưu điểm nổi bật hơn cả, đó là tốc độ đáng nể và minh chứng rõ nét nhất chính là ở hai trận bán kết gặp Real Madrid vừa rồi, khi cầu thủ này có thể khóa chặt ngòi nổ Vinicius bên phía đội bóng thủ đô Madrid. Bên cạnh đó, Walker cũng được đánh giá rất cao ở khả năng phát triển, tịnh tiến bóng. Trong mùa giải năm ngoái, khi Pep Guardiola xây dựng hệ thống làm bóng với cấu trúc 2-3 từ bên phần sân nhà thì Walker và Cancelo (những inverted-fullback) đã cùng với Rodri tạo thành bộ ba án ngữ ngay phía trước cặp trung vệ. Thời điểm hiện tại, sau khi John Stones bất ngờ được đẩy lên chơi như một tiền vệ phòng ngự bên cạnh Rodri thì Walker sẽ được kéo lùi lại phía sau để cùng với Ruben Dias và Ake tạo thành hàng ngang 3 người tham gia vào khâu triển khai bóng từ tuyến dưới.
Trên thực tế, ngay cả khi không cần phải sử dụng các hậu vệ biên tấn công thì HLV Pep Guardiola vẫn có thể tạo được chiều ngang tối đa cho đội hình của Man xanh trong giai đoạn luân chuyển bóng nhờ vào cặp winger truyền thống, thường là Jack Grealish và Riyah Mahrez/Bernado Silva. Ngược lại, khi phòng ngự, John Stones sẽ ngay lập tức lùi về cùng Dias tạo thành cặp trung vệ và những Ake, Akanji hay Walker lúc này sẽ là các hậu vệ cánh thuần túy, giữ nhiệm vụ khóa chặt đối phương trong các tình huống solo 1 vs 1. Giải pháp này nhằm đảm bảo cho hệ thống phòng ngự của Man City không bị để lộ ra những khoảng trống từ hai biên, điều mà họ không làm được ở mùa giải trước.
Tất nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng phát kiến đẩy John Stones lên chơi như một “libero” đã thực sự thành công mỹ mãn, một yếu tố quan trọng bậc nhất giúp cho hệ thống của Pep có thể vận hành trơn tru và hiệu quả. Khi mà cầu thủ người Anh vừa đủ khả năng cung cấp các giải pháp chuyền bóng ở tuyến giữa, vừa đảm bảo được yếu tố “cơ học” trong khâu phòng ngự thì đội bóng chủ sân Etihad cũng không cần thiết phải sử dụng cặp “inverted-fullback” để triển khai lối chơi. Thay vào đó, sự xuất hiện của những “hậu vệ cánh cổ điển” (Aka, Akanji hay Walker), như đã đề cập ngay từ đầu bài viết, chính là chìa khóa để Pep xây dựng một hàng thủ giàu sức chiến đấu hơn, sẵn sàng đối chọi lại những tiền vệ/tiền đạo cánh tốc độ đang bùng nổ ở châu Âu vào thời điểm hiện tại (Vinicius, Martinelli, Saka, Salah…).
Chưa ai biết Pep Guardiola có thể tiếp tục nâng cấp các phiên bản “hậu vệ cánh” của mình thay đổi ra sao trong khoảng thời gian sắp tới nhưng ít nhất thì ở mùa giải 2022/23, khi mà đội bóng thành Manchester đã giành chức vô địch Premier League và chuẩn bị bước vào hai trận chung kết (Champions League và FA Cup), tất cả đều phải thừa nhận rằng những ý tưởng chiến thuật của vị chiến lược gia người Tây Ban Nha là thực sự đáng kinh ngạc. Và nếu như Man City có thể hoàn tất cú ăn ba lịch sử ngay trong mùa giải năm nay thì việc Pep quyết định sử dụng các hậu vệ biên cổ điển để thay thế cho những cầu thủ chạy cánh tấn công vốn đã trở thành xu thế suốt nhiều mùa giải gần đây chắc chắn sẽ trở thành một phát kiến vĩ đại…
-Ole-