Một kỷ nguyên mới đang đến với Chelsea. Trong khi việc có chủ sở hữu mới sẽ giải quyết những bất ổn ngắn hạn tại Stamford Bridge, tương lai sau này của đội bóng vẫn chưa được đảm bảo.
Những ngày tháng các đội bóng khác ở châu Âu nhìn Chelsea mua sắm với ánh mắt thèm thuồng, những lần bổ nhiệm HLV tồi tệ, những bản hợp đồng thất bại đắt giá và cả những tổn thất tài chính nhưng chẳng khiến Roman Abramovich ngừng vung tiền đã qua. Dưới sự quản lí có phần tính toán hơn của Todd Boehly, Mark Walter, Hansjorg Wyss và công ty cổ phần tư nhân Clearlake Capital, mọi quyết sách sẽ đều mang ý nghĩa làm ăn trong tương lai.
Đó chưa hẳn đã là tin xấu; có nhiều cách để điều hành Chelsea hiệu quả hơn mà không cần phải tạm biệt cuộc đua Premier League và Champions League. Nhưng để chứng tỏ mình là những người giám hộ xứng đáng cho một thương hiệu thể thao toàn cầu, cũng như một tài sản quý giá của cộng đồng phía tây London, Boehly và các cộng sự sẽ phải nỗ lực nhiều hơn.
Một số nhiệm vụ dưới đây có thể được triển khai trước khi hoàn thành việc tiếp quản, trong khi những việc còn lại sẽ cần một kế hoạch dài hơi. Tất nhiên, chúng cần được hoàn thành nhanh chóng để giúp đội bóng đi đúng hướng.
Ổn định về mặt tài chính
Trong lúc tình hình tồi tệ nhất, các cầu thủ Chelsea vẫn chưa phải sang nước khác thi đấu bằng xe bus. Việc nới lỏng án phạt để cho phép công ty mẹ Fordstam Ltd “bơm” 30 triệu bảng vào kho bạc của CLB, cho thấy mong muốn của tất cả các bên để tránh một thảm họa tài chính tại Stamford Bridge.
Nhưng như thế vẫn là quá ít đối với nhà vô địch châu Âu. Trong bối cảnh Chelsea không còn liên quan đến khối tài sản khổng lồ của Abramovich, đội bóng này cần được bơm tiền ngay lập tức. Bởi trước mắt, họ cần trả quỹ lương cầu thủ cao thứ hai bóng đá Anh: 333 triệu bảng.
Trấn an nhân viên CLB
Chính những nhân viên đội bóng - chứ không phải các cầu thủ bạn thấy trên sân với mức lương cao ngất ngưởng - mới là những người đang gặp vấn đề về mặt tài chính.
Trong ngày lệnh trừng phạt của chính phủ Anh được công bố, các nhân viên tại cửa hàng lưu niệm bên ngoài sân Stamford Bridge bị cho về nhà; chưa có dấu hiệu cho thấy họ có thể quay trở lại. Sau đó, bộ phận nhân sự tham gia sản xuất nội dung truyền thông của CLB cũng bị cho nghỉ, trong nỗ lực cắt giảm các chi phí không cần thiết.
Tất cả những nhân viên đang làm việc ở Stamford Bridge hay Cobham đều muốn biết việc thay đổi chủ sở hữu sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Đây là một trong những vấn đề cần được xử lý tiên quyết.
Làm rõ cấu trúc ban lãnh đạo đội bóng
Chelsea có một trong những GĐĐH được nể trọng nhất ở châu Âu, Marina Granovskaia. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra với người phụ nữ 47 tuổi khi Abramovich quyết định bán CLB? Mối quan hệ của họ vốn đã khăng khít từ hồi Granovskaia còn làm việc cho vị tỉ phú 55 tuổi ở công ty dầu khí Sibneft của Nga vào những năm 90. Có lẽ chỉ có Granovskaia mới biết liệu tương lai của mình có còn gắn bó với Abramovich hay không.
Giữ lại Granovskaia sẽ là ưu tiên số một. Ngoài việc người phụ nữ đến từ xứ sở bạch dương rất được lòng nhân viên đội bóng, mối quan hệ của bà với những người đại diện và GĐĐH trên khắp châu lục sẽ đảm bảo cho Chelsea có một tâm thế chủ động và linh hoạt trên TTCN.
Điều tương tự cũng nên xảy ra với Petr Cech, người đang đảm nhiệm vai trò cố vấn kỹ thuật. HLV Thomas Tuchel muốn cả hai ở lại. Nếu không thể thuyết phục họ trở thành một phần của chế độ mới, việc thay thế họ sẽ là một thách thức đáng kể - và cần được thực hiện gần như ngay lập tức.
Trao quyền cho các nhà cầm quân chủ chốt
Boehly và các nhà đầu tư được thừa hưởng một di sản không nhỏ: Trong khi hầu hết các chủ sở hữu mới sẽ phải đưa về một tân HLV phù hợp hơn với kế hoạch của họ, những chiến lược gia Chelsea sở hữu đang làm rất tốt công việc của họ.
Tuchel chắc chắn là một trong năm HLV đội nam hàng đầu thế giới. Emma Hayes là HLV nữ thành công nhất ở Anh, còn Neil Bath là kiến trúc sư của học viện Cobham, nơi đang khiến cả châu Âu phải ghen tị.
Do đó, nhiệm vụ của họ trở nên đơn giản hơn rất nhiều: thuyết phục Tuchel, Hayes và Bath rằng Chelsea vẫn là nơi tốt nhất để thỏa mãn tham vọng nghề nghiệp của họ; dĩ nhiên là không chỉ thuyết phục bằng nước bọt rồi.
Tiếp tục các cuộc đàm phán với các cầu thủ đội một
Kỷ nguyên Abramovich chấm dứt ở thời điểm không thể tồi tệ hơn cho các cuộc đàm phán hợp đồng. Tất nhiên, không có gì sai nếu thắc mắc tại sao đội bóng lại cho phép gần như cả hàng thủ, gồm Antonio Rudiger, Cesar Azpilicueta và Andreas Christensen đồng loạt bước vào năm cuối hợp đồng.
Tuyển thủ Đức Rudiger đã quyết định ra đi, trong khi Christensen được cho là sẽ gia nhập Barcelona. Đội trưởng Azpilicueta đã được tự động kích hoạt gia hạn một năm, tuy nhiên khả năng anh nối gót trung vệ người Đan Mạch đến Nou Camp là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ưu tiên hiện tại là đảm bảo rằng tình huống tồi tệ và tốn kém này không lặp lại.
Quyết định sẽ cần được đưa ra nhanh chóng với trường hợp của N’Golo Kante và Jorginho, hai cái tên chủ chốt của đội một sẽ hết hạn hợp đồng sau mùa giải tới. Ngoài ra, Mason Mount, Mateo Kovacic và Christian Pulisic đều sẽ trở thành cầu thủ tự do vào năm 2024.
Nên nhớ, thời gian không chờ ai cả.
Bắt đầu lên kế hoạch cho kỳ chuyển nhượng mùa hè
Có chủ mới rồi, chuẩn bị nghĩ số áo cho Jules Kounde thôi nhỉ?
Bỏ qua trò đùa đó sang một bên, việc mua sắm của Chelsea vào mùa hè năm 2020 không chỉ dựa trên sự giàu có của Abramovich hay sự bạo chi giúp họ vượt qua hang loạt đối thủ trong bối cảnh nhà nhà bị ảnh hưởng bởi đại dịch, mà dựa vào một kế hoạch dài hạn. Kai Havertz đã được theo dõi trong hơn một năm, trong khi Timo Werner và Hakim Ziyech đã được ngắm nghía kĩ lưỡng.
Những tháng ngày không chắc chắn về tương lai của Chelsea đã khiến họ mất đi khoảng thời gian quý báu để chuẩn bị cho mùa hè này. Sẽ cần đến hai trung vệ mới khi Rudiger và Christensen ra đi. Vị trí tiền vệ trung tâm nên được ưu tiên, trong bối cảnh Kante và Jorginho đều đã ngoài 30 tuổi.
Tuchel không phải mẫu HLV kêu ca khi không có những cầu thủ mong muốn như Antonio Conte, nhưng Chelsea sẽ phải tỏ ra tích cực ở TTCN hè này nếu không muốn đội hình suy yếu nhanh chóng.
Kiểm soát quỹ lương
Chelsea dưới thời Boehly một mặt nên chuẩn bị tinh thần để trả những mức giá cao nhất trên TTCN cho những cầu thủ giỏi nhất, nhưng một mặt cũng cần thanh lý những cá nhân “việc nhẹ, lương cao” trong đội.
Romelu Lukaku đang được trả lương quá cao dù tỏ ra lạc lõng với đội hình Tuchel. Dù Kepa Arrizabalaga đang có phong độ không tồi, cầu thủ này đang nhận mức lương quá cao so với một thủ môn dự bị.
Rất nhiều người chỉ đóng kép phụ cần phải thải loại, đáng chú ý là trường hợp của Ross Barkley và Tiemoue Bakayoko. Thời kì cho mượn cầu thủ khắp nơi đã qua, giờ là lúc bán những cầu thủ xác định không bao giờ đá cho Chelsea ngay khi họ được giá.
Bán người trong một thị trường cầu thủ vẫn còn suy sụp bởi sự suy thoái tài chính sau đại dịch sẽ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, đó lại là một lý do thuyết phục khác để giữ Granovskaia ở lại - ngay cả khi người phụ nữ gốc Canada sẽ phải cố gắng không ngừng để đạt được lợi nhuận đã làm nên tên tuổi của bà ở thập kỉ trước.
Kiếm một nhà tài trợ chính mới
Hyundai và Three đã chọn phương án tạm dừng thay vì hủy bỏ các thỏa thuận tài trợ, sau khi Abramovich bị chính phủ Anh trừng phạt. Trong khi hợp đồng tài trợ tay áo của Hyundai sẽ hết hạn vào mùa hè này, Three vẫn còn một năm tài trợ với số tiền 40 triệu bảng/mùa (chưa kể có lựa chọn để gia hạn thêm hai năm).
Tuy nhiên, sau khi tạm dừng việc tài trợ, Hyundai và Three phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ người hâm mộ Chelsea. Trustpilot đã buộc phải tạm dừng đánh giá website của những tập đoàn này, do họ nhận một loạt đánh giá một sao. Do đó, có thể hiểu rằng logo của hai thương hiệu này sẽ không xuất hiện trên áo đấu của Chelsea mùa tới.
Chelsea đã công bố một thỏa thuận trị giá 20 triệu bảng/năm với Amber Group, một tập đoàn tiền điện tử. Logo nền tảng tiền điện tử Whalefin sẽ thay thế Hyundai trên tay áo của đội bắt đầu từ mùa giải 22/23. Nhưng tìm ra tập đoàn có thể thế chân Three lại là câu chuyện khác. Rất khó để tìm được một nhà tài trợ áo đấu sẵn sàng chi ít nhất 40 triệu bảng/năm như hãng viễn thông này đã làm cách đây hai năm.
Hồi sinh dự án sân vận động
Vấn đề mở rộng sân Stamford Bridge đã bao trùm Chelsea như một đám mây khổng lồ, kể từ khi Abramovich tạm dừng dự án này với lý do “môi trường đầu tư không thuận lợi” vào tháng 5/2018. CLB sẽ gặp khó khăn để tồn tại trong giới tinh hoa của châu Âu, một khi họ cứ tiếp tục hoạt động với doanh thu trong ngày thi đấu thấp hơn đáng kể so với các đối thủ của họ.
Khái niệm “thánh đường bóng đá” của Abramovich đã đội chi phí đáng kể, sau khi được hội đồng Hammersmith và Fulham cấp phép. Giờ đây người ta tin rằng sẽ cần ít nhất 2,2 tỷ bảng để ý tưởng trở thành hiện thực. Tuy nhiên, có những cách tiếp cận ít tốn kém hơn, điển hình như cách Fenway Sports Group đã hiện đại hóa sân Anfield của Liverpool.
Chelsea nhiều khả năng sẽ phải tạm thời thi đấu ở sân bóng khác (có thể là Wembley, như cách Tottenham đã thực hiện trong quá trình xây dựng sân vận động mới). Nhưng việc thiếu các địa điểm thay thế khả thi ở phía tây London, cùng với lập luận chính đáng của Chelsea Pitch Owners (tổ chức phi lợi nhuận thuộc Chelsea với nhiệm vụ bảo tồn sân bóng – ND), rằng Stamford Bridge vẫn là ngôi nhà lịch sử của họ, khiến ban lãnh đạo đội bóng không có nhiều lựa chọn.
Đó sẽ là một câu chuyện dài, vì vậy Boehly và các nhà đầu tư nên bắt đầu giải quyết các vấn đề cơ bản càng sớm càng tốt.
Lược dịch, có chỉnh sửa bài viết “Boehly’s in-tray at Chelsea: Empower Tuchel, keep Granovskaia and prioritise Stamford Bridge upgrade” của Liam Twomey (The Athletic)