Những sai lầm cơ bản của Man Utd mặc dù đã thay đổi chiến lược chuyển nhượng

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Năm 08/08/2024 21:44(GMT+7)

Manchester United luôn có ít nhất một thương vụ khó hiểu mỗi mùa hè. Năm ngoái, đó là 64 triệu euro cho một Mason Mount đang sa sút phong độ và chỉ còn một năm hợp đồng. Trước đó? 71 triệu euro cho Casemiro, một cầu thủ đã 30 tuổi. Còn một năm trước đó: Thảm họa từ lần trở lại của Cristiano Ronaldo.

 

Trong số những lý do khiến Man United không đạt được kết quả như kỳ vọng trong thập kỷ qua, lý do lớn nhất có lẽ là do họ lãng phí quá nhiều tiền trên TTCN.

Những người ra quyết định ở Man United dường như hoàn toàn không biết đến những yếu tố như tuổi tác, cách đàm phán, thời hạn hợp đồng cũng như giá trị của từng vị trí trên sân. Hết năm này đến năm khác, họ trả giá trên trời cho các ngôi sao đang trên đà sa sút, những người mà không ai quan tâm với mức giá tương tự, những người không còn nhiều năm trong hợp đồng hoặc không đáp ứng được những điều cần thiết ở vị trí của họ.

Mỗi động thái như vậy càng làm suy yếu lợi thế tài chính của Man United so với các đối thủ, để rồi cuối cùng tạo ra những gì chúng ta đã được thấy mùa trước: Một đội bóng đứng thứ 8 và để thủng lưới nhiều hơn số bàn thắng ghi được.

Nhưng với việc Jim Ratcliffe và Ineos, những chủ sở hữu mới sẽ giám sát hoạt động bóng đá cũng như Dan Ashworth được bổ nhiệm làm GĐTT của CLB, mọi thứ được cho là sẽ thay đổi. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy điều đó đã xảy ra: Hai bản hợp đồng đầu tiên của họ trong mùa hè này có tổng số tuổi là 41. Ngoài ra, các mục tiêu tin đồn khác đều là những cầu thủ đang ở độ chín của sự nghiệp, với kinh nghiệm chinh chiến tại Champions League.

Vậy đó có phải là tất cả? Manchester United sẽ chỉ cần hoạt động như một CLB bóng đá bình thường và nhìn thấy kết quả tốt lên để xứng đáng với nguồn lực của họ? Chưa hẳn. Hoặc ít nhất là chưa.

Có những sự thật cần phải nhắc lại nhiều lần: Manchester United là một trong những đội tệ nhất tại Premier League mùa trước.

 

Họ đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng, cả về điểm số (60) và hiệu số bàn thắng (âm 1). Nhưng mọi chuyện còn tệ hơn thế. Hiệu số bàn thắng kỳ vọng của họ là âm 12,5, thành tích đứng thứ… 15 tại giải VĐQG. Ngay cả khi hào phóng cho rằng Man United sẽ bước vào mùa giải mới với sức mạnh của một đội bóng có thể đứng thứ 10, vẫn còn một hành trình rất dài để họ trở thành ứng cử viên cho suất dự Champions League.

Mặc dù một đội bóng có quy mô như vậy không chỉ nên phấn đấu lọt vào top 4 mà còn phải cạnh tranh để vô địch giải đấu, Man United có lẽ không nằm trong hạng mục nào. Nó đồng nghĩa với hai điều: 1. Đội hình của họ vốn đã rất tệ, vì vậy họ có thể ký hợp đồng với bất kỳ ai ở bất kỳ vị trí nào và cho rằng đó là một sự nâng cấp và 2. Họ có thể nhắm đến các cầu thủ có khả năng giúp ích cho họ trong vài mùa giải, thay vì ngay bây giờ.

Tại sao Leny Yoro và Joshua Zirkzee đánh dấu một điều gì đó mới mẻ?

Bản hợp đồng đầu tiên của Manchester United trong mùa hè này là Joshua Zirkzee, tiền đạo 23 tuổi từ Bologna, đội bóng vừa trở thành hiện tượng ở Serie A.

Về cơ bản, Zirkzee là một tiền đạo cắm nhưng lại không mấy khi ghi bàn: 9 bàn không phải từ phạt đền từ xG 7,4 sau 32 lần đá chính ở giải VĐQG. Tính trung bình, anh đạt npxG 0,24 (bàn thắng kỳ vọng không phải phạt đền – ND) mỗi 90 phút – tức là chỉ hơn 1% so với thông số của Antony, bản hợp đồng tồi tệ của Man United mùa trước.  

Tuy nhiên, Zirkzee sở hữu vóc dáng to lớn, di chuyển linh hoạt và thành thạo hầu hết mọi khía cạnh khác. Thông thường, đây là mẫu cầu thủ mà các HLV dễ dàng phải lòng một cách mù quáng – những người trông rất ấn tượng trong các đoạn video highlight, nhưng lại không thực hiện được điều quan trọng nhất: Ghi bàn. Tất nhiên, vẫn có khả năng là Zirkzee sẽ tiến bộ hơn ở khâu ghi bàn, trong khi vẫn duy trì được tất cả các kỹ năng khác khi có bóng.

Joshua Zirkzee

Dù sao đi nữa, điều đó không thực sự quan trọng vào lúc này. Theo Transfermarkt, Man United đã chi 42,5 triệu euro để có được Zirkzee. Những tài năng trẻ hàng đầu thường tốn khoảng 10-15% doanh thu của một CLB, nhưng phí chuyển nhượng của Zirkzee chỉ chiếm 6% doanh thu gần nhất của Man United. Khoản phí này gợi ý rằng anh chưa phải là một ngôi sao trong đội hình.

Tuy nhiên, điều đó không đúng với Leny Yoro, trung vệ 18 tuổi từ Lille mà Man United đã bỏ ra 62 triệu euro – mức phí cao nhất được trả cho một cầu thủ cho đến thời điểm này. Phải đến tháng 11 Yoro mới tròn 19 tuổi, nhưng anh đã thi đấu gần 3.500 phút tại Ligue 1. Trong số các trung vệ từ 18 tuổi trở xuống, chỉ có 3 người đã thi đấu nhiều phút hơn tại một giải đấu hàng đầu châu Âu trong thế kỷ này: Rio Ferdinand, Kurt Zouma và Malang Sarr.

Những cái tên ở trên là ví dụ điển hình cho các kết quả có thể xảy ra với Yoro. Ferdinand là một cầu thủ đẳng cấp thế giới. Zouma là một cầu thủ hạng khá, còn Sarr vừa trở về Pháp sau những năm tháng thất bại tại Chelsea.

Mặc dù nhiều người cho rằng Yoro là trung vệ người Pháp vĩ đại tiếp theo, vẫn còn rất nhiều dấu hỏi cho một cầu thủ ở độ tuổi của anh. Số lần chiến thắng trong các tình huống không chiến của Yoro chỉ trên mức trung bình một chút, còn số lần tắc bóng ở dưới mức trung bình. Khi có bóng, anh hoàn thành hơn 90% các đường chuyền, nhưng chỉ xếp thứ 29 trong số các trung vệ tại Ligue 1 về giá trị mà các đường chuyền mang lại.

Bất chấp những nghi ngờ đó, đây vẫn là một canh bạc mà Man United có thể đáp ứng được. Phí chuyển nhượng của Yoro chiếm khoảng 8% doanh thu gần nhất của họ; tức là vẫn thấp hơn mức 10-15% để một đội bóng có thể sở hữu một tài năng hàng đầu.

Nếu căn cứ vào giá thị trường do người hâm mộ xác định trên Transfermarkt, cả Zirkzee (23 tuổi, 42,5 triệu euro) và Yoro (18 tuổi, 62 triệu euro) đều được định giá 50 triệu euro. Mặc dù có những lo ngại với cả hai cầu thủ, M.U đã trả mức phí không quá xa giá thị trường cho bộ đôi cầu thủ trẻ vẫn chưa đạt đỉnh cao phong độ. Đối với họ, đó là một bước đi đúng hướng.

Leny Yoro

Nhưng với Man United, luôn có một chữ ‘nhưng’

Kết quả khá ổn, nhưng quy trình thì không mấy ấn tượng.

Chúng ta sẽ bắt đầu với HLV. Tất cả chúng ta đều cho rằng Erik ten Hag sẽ không còn là HLV Man United vào lúc này, nhưng chức vô địch FA Cup có lẽ đã cứu ông. Dù lý do là gì, đội bóng đã kích hoạt điều khoản gia hạn thêm 1 năm trong hợp đồng của ông, nghĩa là hợp đồng của HLV người Hà Lan sẽ đáo hạn sau khi mùa giải 25/26 khép lại.

Đó không hẳn là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ten Hag. Nếu ban lãnh đạo ủng hộ ông tuyệt đối, đó sẽ là một bản hợp đồng mới đến ngay vào cuối mùa giải – thay vì một thông báo vào ngày 4/7. Man United không muốn bước vào mùa giải mới với một HLV đang đi đến năm cuối cùng trong hợp đồng, vì vậy họ đã ký thêm một năm nữa. Theo logic đó, hai năm còn lại trong hợp đồng thực chất vẫn chỉ là một năm còn lại trong hợp đồng mới.

Về cơ bản, Man United đang chuẩn bị bước vào một mùa giải không đòi hỏi quá nhiều về mặt thành tích. Nhưng họ lại có một HLV có lẽ đang cảm thấy cần phải đạt được thành tích ngay để để được gia hạn hợp đồng, qua đó không phải bước vào mùa giải tiếp theo với một năm còn lại trong hợp đồng của mình. Nói theo cách khác, ban lãnh đạo Man United muốn có tầm nhìn dài hạn cho CLB, nhưng họ chỉ trao cho nhà cầm quân của mình khoảng thời gian cam kết tối thiểu. Đó có thể là một vấn đề.

Erik ten Hag

Theo ESPN, khi Man United công bố gia hạn thêm một năm hợp đồng với Ten Hag, họ vẫn sẽ giữ nguyên các điều khoản hiện tại trong hợp đồng của Ten Hag, nghĩa là ông sẽ tiếp tục giữ quyền phủ quyết chuyển nhượng, điều đã được thỏa thuận khi ông đến từ Ajax vào năm 2022.

Sự rối loạn trong kỷ nguyên Ten Hag tại Man United có thể được tóm gọn bằng việc có bao nhiêu cầu thủ được chiêu mộ có mối liên hệ nào đó với Ten Hag. Trước mùa hè này, 4 trong số 16 cầu thủ được ký hợp đồng dưới thời Ten Hag từng được ông dẫn dắt trước đây (André Onana, Lisandro Martínez, Antony, Sofyan Amrabat). 3 người khác thì hoặc là người Hà Lan, hoặc từng chơi ở giải VĐQG Hà Lan (Tyrell Malacia, Wout Weghorst, Christian Eriksen). Ngoài ra, Rasmus Højlund có cùng công ty đại diện với Ten Hag.

Đối với Man United, một CLB có thể trả mức lương cạnh tranh với bất kỳ đội bóng nào khác trên thế giới, thật khó để cho rằng những mục tiêu hàng đầu trên TTCN của họ lại tình cờ có mối liên hệ trực tiếp với HLV. Hoặc Man United đã giới hạn việc tìm kiếm cầu thủ trong tầm hiểu biết của Ten Hag, hoặc họ đang sở hữu một HLV mà thành công trong quá khứ phụ thuộc vào một tập hợp tài năng. Không điều nào trong hai điều này tạo ra sự lạc quan.

Zirkzee cũng là một cầu thủ người Hà Lan khác. Ngoài ra, hai trong số những mục tiêu tiếp theo của Man United trong mùa hè này là trung vệ Matthijs de Ligt và hậu vệ cánh Noussair Mazraoui, những người đều đã được Ten Hag dẫn dắt tại Ajax. Tiền vệ phòng ngự của PSG, Manuel Ugarte được đại diện bởi siêu cò Bồ Đào Nha Jorge Mendes, người cũng đại diện cho Yoro.

Mục tiêu duy nhất ngoài nhóm này là trung vệ của Everton, Jarrad Branthwaite, nhưng anh không cho thấy sự khác biệt so với De Ligt. Trong hơn 3.000 phút thi đấu năm ngoái, Branthwaite hoàn thành 74 đường chuyền tịnh tiến. Trong chưa đầy 1.500 phút thi đấu cho Bayern, De Ligt hoàn thành 98 đường chuyền tịnh tiến. Về cơ bản, M.U đang có hai mục tiêu cho cùng một vị trí.

 

Ngay cả khi những động thái này cho thấy sự bi quan, nó vẫn tốt hơn những gì đã xảy ra trước kia.

Mazraoui đang ở độ chín sự nghiệp (26 tuổi), nhưng De Ligt (24 tuổi), Ugarte (23 tuổi) và Branthwaite (22 tuổi) đều còn rất trẻ. Các khoản phí dự kiến họ phải trả đều tương đối phù hợp với mức giá trên thị trường cũng như độ tuổi. Chỉ có mức giá hơn 70 triệu euro mà Everton muốn cho Branthwaite có vẻ sẽ không phù hợp.

Với sự có mặt của ban lãnh đạo mới, Man United đã có sự thay đổi khá rõ ràng trong cách tiếp cận. Mặc dù vậy, đó mới chỉ là phiên bản cải thiện của cách làm trước đây. Nếu người hâm mộ M.U đang hy vọng một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ, một cách tiếp cận mới và sáng tạo nhằm đưa đội bóng trở lại vị trí cạnh tranh cho chức vô địch Premier League và Champions League, họ sẽ phải chờ đợi. Ngay cả khi điều đó có thể xảy ra, nó sẽ chỉ ra xảy ra ít nhất là sau một mùa hè nữa.

Theo ESPN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Argentina đã sẵn sàng cho tương lai không có Messi?

Vài ngày sau khi bị Argentina đánh bại 1-0 trong trận chung kết Copa America 2024 tại Miami, hậu vệ Davinson Sanchez của đội tuyển Colombia đã tiết lộ về chi tiết mà anh cho là đã tạo nên sự khác biệt trong trận đấu cực căng thẳng này.

Làm thế nào để các đội bóng "yếu thế" có thể đánh bại Manchester City?

Manchester City rất ít khi thua. Trên thực tế, đoàn quân của Pep Guardiola chỉ để thua vỏn vẹn 17 lần ở Premier League trong 152 trận mà họ đã chơi trên cuộc hành trình tạo nên chiến tích vô tiền khoáng hậu 4 lần vô địch liên tiếp – từ mùa 2020-21 đến mùa 2023-24. Và họ đang bắt đầu mùa giải hiện tại với 6 trận bất bại ở đấu trường này.

Liverpool dẫn đầu EPL: Liệu có nên mừng sớm hay không?

Vài tháng trước đây, người ta thường đặt câu hỏi: liệu Liverpool không Jurgen Klopp có vấn đề gì không? Để trả lời cho câu hỏi đó cần một quá trình dài để kiểm chứng, nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có vấn đề gì với Liverpool.

Kompany đã giúp Bayern Munich "thay da đổi thịt" như thế nào?

Kompany đã trải qua 3 năm dưới sự dẫn dắt của cựu HLV Bayern, Pep Guardiola tại Manchester City và có rất nhiều dấu ấn của chiến lược gia người Catalan hiện hữu tại Burnley của Kompany. Sự khác biệt bây giờ là Kompany có những cầu thủ giỏi hơn để áp dụng phương pháp của mình. 

Tương lai nào cho Erik ten Hag?

Đến Manchester United với rất nhiều kỳ vọng của BLĐ đội bóng và người hâm mộ, thế nhưng sau tất cả thì Erik ten Hag cũng không thể vực dậy được đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh. Và có lẽ cái ngày ông phải rời Old Trafford cũng đã sắp cận kề.

Messi, Inter Miami và câu chuyện vươn mình của kẻ lót đường

Đánh bại Colombus Crew với tỉ số sát nút 3-2, Lionel Messi và các đồng đội tại Inter Miami đã chính thức trở thành nhà vô địch của danh hiệu Supporters’ Shield 2024. Supporters' Shield là giải thưởng được trao cho đội bóng tại MLS có thành tích tốt nhất ở giai đoạn vòng bảng 34 trận.