Những đội bóng nào chi tiêu khôn ngoan nhất trong các năm vừa qua?

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 28/07/2024 07:18(GMT+7)

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thành công khi nói đến một thương vụ chuyển nhượng: Số phút thi đấu, số danh hiệu giành được, số bàn thắng ghi được, số áo đấu bán ra, số lượng người theo dõi trên Instagram…

 

Nhưng không có định nghĩa nào trong số đó tính đến thực tế rằng mỗi CLB – kể cả những CLB được điều hành bởi các quỹ đầu tư quốc gia – đều chỉ có một số tiền giới hạn để chi ra theo các quy tắc có phần mơ hồ và luôn thay đổi được đặt ra bởi các cơ quan quản lý thể thao.

Nếu bạn chi 100 triệu euro cho một cầu thủ, điều đó có nghĩa là bạn đã không chi 100 triệu euro cho 2 hoặc 3 cầu thủ. Mỗi quyết định đều có chi phí cơ hội. Có một công thức đơn giản xác định thành công của một đội bóng: Số tiền chi cho cầu thủ nhân với giá trị mang lại cho mỗi đồng tiền đã chi.

Bạn chi tiêu càng nhiều, bạn càng có thể tỏ ra thiếu hiệu quả. Bạn chi tiêu càng ít, bạn càng phải tỏ ra hiệu quả hơn. Nhưng ngay cả những CLB giàu nhất cũng được hưởng lợi từ việc sử dụng hiệu quả số tiền của họ. Kỷ nguyên mới của sự thống trị của Real Madrid phần lớn đến từ cách tiếp cận hiệu quả mới trên TTCN. Manchester City hiếm khi thực hiện các động thái chuyển nhượng thực sự thảm họa. Ngoài ra, những ngày tháng thành công của Liverpool dưới thời HLV Jurgen Klopp phần lớn là nhờ giai đoạn mua sắm cầu thủ xuất sắc.

Để định nghĩa phù hợp, chúng ta sẽ so sánh mức phí một CLB trả cho một cầu thủ với giá trị chuyển nhượng ước tính của cầu thủ đó trên Transfermarkt một năm sau khi cầu thủ đó được mua. Giá trị chuyển nhượng càng tăng, cầu thủ đó sẽ càng được xếp hạng càng cao.

Điều này không tính đến lương – một điểm mù lớn trong cách định nghĩa này – và các yếu tố khác ngoài việc “cầu thủ này giỏi như thế nào” cũng có thể xác định giá trị chuyển nhượng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều thông tin từ các khoản phí chuyển nhượng. Các con số trên Transfermarkt phản ánh khá sát các khoản phí chuyển nhượng thực tế. Nhưng nên nhớ rằng, càng xa rời giao dịch thực tế, các giá trị thị trường ước tính sẽ càng trở nên không chính xác.

Vì vậy, nếu một đội bóng ký hợp đồng với một cầu thủ với mức phí khoảng 40 triệu euro, sau đó màn trình diễn trên sân hoặc các yếu tố kinh tế khác đã đẩy giá trị thị trường của anh ta lên 70 triệu euro một năm sau đó, chúng ta sẽ đánh giá đó là một thương vụ tuyệt vời.

Những thương vụ tệ nhất và tốt nhất là gì? Chúng ta sẽ bắt đầu với 5 thương vụ hàng đầu:

  1. Erling Haaland, 21 tuổi, Manchester City, 60 triệu euro. Đến từ Borussia Dortmund, giá trị thị trường một năm sau đó: 180 triệu euro, tăng 200%
  2. Jude Bellingham, 17 tuổi, Borussia Dortmund, 30,15 triệu euro. Đến từ Birmingham City, giá trị thị trường một năm sau đó: 70 triệu euro, tăng 132%
  3. Nicolò Barella, 23 tuổi, Inter Milan, 32,5 triệu euro. Đến từ Cagliari, giá trị thị trường một năm sau đó: 70 triệu euro, tăng 115%
  4. Eduardo Camavinga, 18 tuổi, Real Madrid, 31 triệu euro. Đến từ Rennes, giá trị thị trường một năm sau đó: 60 triệu euro, tăng 93,5%
  5. Enzo Fernández, 21 tuổi, Benfica, 44,25 triệu euro. Đến từ River Plate, giá trị thị trường một năm sau đó: 80 triệu euro, tăng 80,8%
Enzo Fernandez

Điểm chung của những cầu thủ này là gì? 4 trong số họ là tiền vệ trung tâm và cả 5 người đều được mua trước khi họ bước vào những năm tháng đỉnh cao (24 đến 28 tuổi).

Phí chuyển nhượng thấp của Haaland được lý giải bởi một điều khoản giải phóng. Theo ước tính từ trang FBref, anh là cầu thủ có thu nhập cao thứ hai tại Premier League (khoảng 23 triệu euro/năm). Bất chấp tất cả điều đó, thương vụ này vẫn là một món hời. Có thể coi Haaland là cầu thủ có giá trị nhất thế giới. Anh đã mang lại cho Man City hai trong số những mùa giải xuất sắc nhất từ trước đến nay của một tiền đạo tại Premier League.

Trong khi đó, sẽ là quyết định không tồi nếu đặt cược các tiền vệ trẻ ở trên trở thành ngôi sao.  Các tiền vệ chạm bóng rất nhiều. Vì lý do đó, một tiền vệ trẻ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến màn trình diễn của đội bóng hơn so với các cầu thủ ở vị trí khác, nên các tiền vệ phải là những cầu thủ xuất sắc. Các HLV có thể mạo hiểm với một tiền đạo hoặc cầu thủ chạy cánh trẻ trung, tài năng nhưng không ổn định vì họ không chạm bóng nhiều. Nhưng một tiền vệ không thể chuyền hoặc giữ bóng sẽ ảnh hưởng lớn đến màn thể hiện của đội bóng.  

Về những thương vụ tệ nhất, đây là 5 thương vụ tồi tệ nhất theo thứ tự tăng dần:

  1. Wesley Fofana, 21 tuổi, Chelsea, 80,4 triệu euro. Đến từ Leicester City, giá trị thị trường một năm sau đó: 40 triệu euro, giảm 50,2%
  2. Randal Kolo Muani, 24 tuổi, PSG, 95 triệu euro. Đến từ Eintracht Frankfurt, giá trị thị trường một năm sau đó: 45 triệu euro, giảm 52,6%
  3. Robert Lewandowski, 33 tuổi, Barcelona, 45 triệu euro. Đến từ Bayern Munich, giá trị thị trường một năm sau đó: 20 triệu euro, giảm 55,6%
  4. Marc Cucurella, 24 tuổi, Chelsea, 65,3 triệu euro. Đến từ Brighton, giá trị thị trường một năm sau đó: 28 triệu euro, giảm 57,1%
  5. Casemiro, 30 tuổi, Manchester United, 76,5 triệu euro. Đến từ Real Madrid, giá trị thị trường một năm sau đó: 30 triệu euro, giảm 60,8%
 

Những thương vụ này đều có khoản phí rất lớn và hầu hết các cầu thủ đều đã hoặc qua thời kỳ đỉnh cao phong độ. Với Fofana, Chelsea đã trả một khoản phí khiến anh phải trở thành một trong những trung vệ xuất sắc nhất thế giới thì mới tương xứng với giá trị thị trường. Tương tự với Cucurella và Kolo Muani, những người đều chưa phải ngôi sao khi ký hợp đồng, nhưng tất cả các khoản phí đều cho thấy họ đã là những ngôi sao.

Trong khi đó, M.U và Barcelona đã trả các khoản phí lớn cho Lewandowski và Casemiro, những cầu thủ lớn tuổi và đã qua thời kỳ đỉnh cao. Cả hai thương vụ đều không còn cơ hội tiến bộ cũng như đều không thành công.

Chúng ta có thể học được gì về cách thức TTCN vận hành?

Trung bình, 100 thương vụ trong danh sách các bản hợp đồng đắt giá nhất đã giảm 1,8% giá trị một năm sau đó.

Vì vậy, nếu bạn đạt tỉ lệ phần trăm thấp hơn bằng một thương vụ, bạn đang vượt qua những thương vụ thành công nhất. Có 43 thương vụ ở danh sách này hoặc giữ nguyên giá trị, hoặc tăng giá trị một năm sau đó. Liverpool và Manchester City dẫn đầu với 4 thương vụ mỗi đội: Luis Díaz, Diogo Jota, Dominik Szoboszlai và Ibrahima Konaté cho Liverpool, và Haaland, Ferran Torres, Jérémy Doku và Rúben Dias cho Manchester City.

Tuy nhiên, Manchester City cũng có một loạt các thương vụ có giá trị âm khác, còn Liverpool mất một lượng lớn giá trị (25%) từ thương vụ Darwin Núñez. Trong khi đó, Real Madrid có 3 thương vụ trong top 100 trong 4 năm qua và tất cả đều cho thấy sự tích cực. Các thương vụ mua Camavinga, Bellingham và Aurélien Tchouaméni đã tăng trung bình 60,2% giá trị.

Ở chiều ngược lại, Manchester United đã thực hiện 9 thương vụ trong top 100 và chỉ một trong số đó (Raphaël Varane từ Real Madrid) tăng giá trị sau 1 năm. 9 thương vụ này đã mất trung bình 26,7% giá trị sau một năm. Trong khi đó, Chelsea dẫn đầu với 13 thương vụ trong top 100. Mặc dù có lợi nhuận hơn 70% từ việc mua Cole Palmer vào mùa hè năm ngoái, họ vẫn mất trung bình 19,4% giá trị từ những thương vụ đó.

 

Nhưng điều gì thực sự thúc đẩy những giá trị này? Có những yếu tố nào khiến một thương vụ chuyển nhượng có khả năng thành công hơn không? Và các đội bóng có thể nhắm đến các cầu thủ đáp ứng những tiêu chí nhất định để tăng cơ hội thành công hay không?

Dường như các tiền vệ trung tâm có khả năng thành công trong chuyển nhượng hơn bất kỳ vị trí nào khác. Những cầu thủ này đã thấy giá trị của họ tăng 8,8% sau một năm gia nhập đội bóng mới. Giá trị các trung vệ giảm 0,4%, nhưng vẫn tốt hơn mức trung bình mà chúng ta đã đề cập trước đó. Các vị trí khác đều giảm nhiều hơn mức cơ bản 1,8%.

Tuy nhiên, mối quan hệ thống kê giữa giá trị sau một năm và vị trí của cầu thủ không đủ mạnh để chúng ta tin chắc rằng đó không chỉ là ngẫu nhiên. Thay vào đó, các yếu tố chính chi phối dường như là tuổi, mức phí phải trả và giá trị trên thị trường của cầu thủ đó trên Transfermarkt vào thời điểm giao dịch.

Về tuổi tác, các cầu thủ từ 21 tuổi trở xuống đã thấy giá trị của họ tăng 17,2%, trong khi các cầu thủ trên 21 tuổi đã giảm 8,1%. Xét một cách cân bằng hơn, các cầu thủ từ 24 tuổi trở xuống có giá trị tăng 2,8%, trong khi các cầu thủ từ 25 tuổi trở lên giảm 13,2%.

Mối quan hệ với phí chuyển nhượng khá đơn giản: Bạn trả càng nhiều, thỏa thuận càng có khả năng giảm giá trị theo thời gian. Đối với các thương vụ hơn 50 triệu euro, chúng ta đã thấy giá trị giảm trung bình 12,4%. Đối với các thương vụ 50 triệu euro hoặc ít hơn: Giá trị tăng 8,3%.

Giá trị thị trường thì ngược lại. Các cầu thủ có giá trị thị trường hơn 50 triệu euro đã thấy giá trị tăng 6,4%, trong khi những cầu thủ có giá trị 50 triệu euro hoặc ít hơn giảm 5,8%.

Michael Olise đạt được thỏa thuận gia nhập Bayern

Chúng ta có thể sử dụng những hiểu biết nhỏ này để dự đoán khả năng thành công của một thương vụ. Hãy sử dụng hai thương vụ của Bayern Munich trong mùa hè này làm ví dụ:

  • Michael Olise: 22 tuổi, giá trị thị trường 55 triệu euro, phí chuyển nhượng 53 triệu euro
  • João Palhinha: 29 tuổi, giá trị thị trường 55 triệu euro, phí chuyển nhượng 51 triệu euro

Thương vụ Olise được dự báo sẽ tăng giá trị 20%, trong khi thương vụ Palhinha được dự báo sẽ giảm 18,4%. Đây chỉ là những ước tính, nhưng bạn có thể thấy mặc dù cả hai thương vụ đều dưới giá trị thị trường, yếu tố tuổi tác vượt trội rất nhiều so với những khác biệt nhỏ này.

Real Madrid biết điều này và Liverpool cũng vậy. Nếu bạn muốn chiến thắng trên TTCN, hãy ký hợp đồng với các cầu thủ trẻ có thành tích chuyên nghiệp đáng kể với mức giá thấp. Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng nếu thực sự dễ dàng như vậy, chẳng phải tất cả các đội bóng khác đã làm rồi sao?

Theo ESPN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.