Những câu hỏi lớn khi Julian Nagelsmann tiếp quản ĐT Đức

Tác giả Nam Giang - Thứ Ba 26/09/2023 11:19(GMT+7)

Nagelsmann là một HLV “tài không đợi tuổi”. Tài năng, sự tiến bộ về trình độ chuyên môn và những thành tích đáng ngưỡng mộ của ông dù còn rất trẻ, đó là những điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, Nagelsmann vẫn có những điều khiến người ta phải hoài nghi khi vị chiến lược gia này dẫn dắt ĐTQG Đức. 

 

Vì sao Hiệp hội bóng đá Đức (DFB) muốn Nagelsmann?

Nagelsmann năm nay mới 36 tuổi. Nhưng nhà cầm quân sinh năm 1987 không phải một vị chiến lược gia “còn non và xanh”. Thông thường, mỗi HLV phải trải qua ba giai đoạn chính, đầu tiên là theo nghiệp cầu thủ, tuyên bố giải nghệ, sau cùng mới đến theo học chứng chỉ HLV trưởng theo chương trình đào tạo của UEFA. Vậy nên ít nhất phải gần 40 tuổi, họ mới đủ thời gian và kinh nghiệm để dẫn dắt các đội bóng lớn.

Nhưng Nagelsmann là trường hợp rất đặc biệt và hiếm có. Ông sớm làm HLV trưởng của Hoffenheim khi mới 28 tuổi (2016), trước khi nâng tầm Leipzig trở thành một trong những đội bóng mạnh nhất nước Đức khi vừa bước sang ngưỡng đầu 3 (2019) rồi được Bayern Munich - đội bóng hùng mạnh nhất Quốc gia này ký hợp đồng năm 34 tuổi (2021).

Ở Leipzig, Nagelsmann đã để lại những dấu ấn rõ nét ở mùa 2019/20 khi lập “hat-trick” kỷ lục ở mùa giải 2019/20. Đầu tiên, cựu trung vệ Augsburg trở thành HLV trẻ nhất (32 tuổi 56 ngày) giành chiến thắng trong một trận đấu tại Champions League (trận Benfica 1-2 Leipzig tại vòng bảng). 

Nagelsmann sau đó giúp Leipzig có lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng loại trực tiếp, tứ kết và bán kết của giải đấu danh giá nhất châu Âu cấp CLB. Từ đó, nhà cầm quân sinh năm 1987 cũng đi vào lịch sử với tư cách HLV trẻ nhất tại vòng loại trực tiếp và vòng bán kết. 

Trước đó, Nagelsmann được mời dẫn dắt Hoffenheim năm 2016, lúc đó đang chìm sâu trong khủng hoảng với vị trí 17 trên BXH, cách nhóm an toàn 7 điểm. 

Dưới triều đại của cựu cầu thủ Augsburg, Hoffenheim giành được 7 chiến thắng sau 14 trận đấu và kết thúc mùa giải với 1 điểm nhiều hơn so với vị trí phải chơi trận play-off xuống hạng. 

Không dừng lại ở đó, Hoffenheim tiếp tục gây bất ngờ ở mùa giải 2016/2017 khi về đích ở vị trí thứ 4 tại Bundesliga, và lần đầu tiên giành vé dự Champions League trong lịch sử 118 năm thành lập đội bóng. 

 

Tới năm 2021, Nagelsmann được Bayern tuyển mộ với mức phí kỷ lục lên tới 25 triệu euro. Trong 2 năm gắn bó với CLB xứ Bavaria, ông giành được 3 danh hiệu (1 Bundesliga và 2 siêu cúp) - thành tích rất đáng khích lệ đối với một HLV trẻ.

Và giờ đây, Nagelsmann được DFB ký hợp đồng đến hết Euro 2024 dù mới ở tuổi U40. Nếu so sánh về tuổi đời, nhà cầm quân sinh năm 1987 chẳng bằng ai; nhưng nếu xét về tuổi nghề và sự am hiểu bóng đá Đức (7 năm dẫn dắt các CLB Bundesliga), Nagelsmann không hề bị lép vế. 

Ông có cả chuyên môn lẫn kinh nghiệm và kiến thức. Nhưng vẫn có những lý do để người ta hoài nghi về HLV này khi ông lên nắm ĐT Đức. 

Nagelsmann sẽ quản lý những cái tôi lớn như thế nào? Nhiệm vụ lớn nhất của ông ở ĐT Đức là gì?

Kinh nghiệm mà Nagelsmann đã tích lũy được là kinh nghiệm làm việc ở môi trường bóng đá Đức, chứ không phải kinh nghiệm dẫn dắt một ĐTQG. Đây mới chỉ là lần đầu tiên trong sự nghiệp cựu trung vệ Augsburg đảm nhiệm vai trò này. 

Trước đây, ông cũng chưa từng làm việc ở bất kỳ ĐTQG nào ở vai trò trợ lý. Vì vậy, cựu cầu thủ Augsburg chưa biết cách vận hành của một ĐTQG là như thế nào. 

Nagelsmann không phải quản lý quá nhiều ngôi sao ở đội bóng tầm trung là Hoffenheim và đội bóng tầm trung bình khá là Leipzig. Lý do đơn giản là bởi hai CLB này vốn không có quá nhiều cái tôi lớn trong phòng thay đồ như Bayern - bến đỗ tiếp theo trong sự nghiệp của Nagelsmann. 

Ở sân Allianz Arena, vị chiến lược gia sinh năm 1987 đã xảy ra mâu thuẫn với nhiều trụ cột. Manuel Neuer và Sven Ulreich không ưa Nagelsmann sau khi ông sa thải HLV thủ môn Toni Tapalovic. 

“Đối với tôi, đó là một cú sốc. Tôi đã ngã xuống đất. Tôi cảm thấy như trái tim mình đang bị xé toạc ra. Đây là điều tàn bạo nhất mà tôi từng trải qua trong sự nghiệp của mình”, Neuer trải lòng với The Athletic sau khi chứng kiến vị chuyên gia đã làm việc với mình hơn 11 năm bị cho nghỉ việc. 

 

Ngoài Neuer và Ulreich, tờ Bild còn cho biết, Serge Gnabry, Leroy Sane, Jamal Musiala, Joao Cancelo hay Sadio Mane cũng “bằng mặt, nhưng không bằng lòng” với Nagelsmann. 

Thomas Muller có quan điểm trung lập. Trong khi phía ủng hộ vị chiến lược gia sinh năm 1987 có Joshua Kimmich, Leon Goretzka, Matthijs de Ligt, Dayot Upamecano và Benjamin Pavard. 

Tóm lại, nội bộ Bayern đã chia bè, chia phái vì Nagelsmann. Sự lục đục này là một trong những lý do chủ yếu khiến ông bị sa thải hồi cuối tháng 3 năm nay. 

Tình trạng lắm sao số ở ĐT Đức cũng giống hệt Bayern. Bild cho hay, cách hành xử thiếu hợp lý của Hansi Flick đã gây ra mâu thuẫn ở nội bộ Die Mannschaft, qua đó khiến ĐT này bị loại.

Cụ thể, Bild cho biết người tiền nhiệm của Nagelsmann quá thiên vị cho "dây" Bayern để họ thể hiện "quyền lực ngầm" tại ĐTQG. Ngay từ trận đấu đầu tiên với Nhật Bản, dù nhiều cầu thủ không muốn thực hiện những cử chỉ mang tính chính trị, nhưng ba ngôi sao Bayern là Neuer, Goretzka và Kimmich lên tiếng, cả đội đã phải chấp nhận lấy tay che miệng lúc chụp ảnh vào sân.

Hành động trên khiến ĐT Đức phải chịu rất nhiều chỉ trích. Nhưng đó cũng chỉ là câu chuyện ngoài chuyên môn. Thay đổi và quyết định của Flick trong trận đấu mới là thứ khiến nhiều người khó hiểu. 

Ở trận thua Nhật Bản 1-2, nhà cầm quân sinh năm 1965 rút Ilkay Gundogan - cầu thủ đang đá tốt với 1 bàn thắng ở phút 33 ra sân để tung vào sân Leon Goretzka - một cầu thủ Bayern ở phút 67. Sau đó, Cỗ xe tăng mất đi người cầm nhịp và để Samurai xanh lội ngược dòng bằng 2 bàn thắng.

Chưa kể, việc Flick sử dụng cầu thủ chậm chạp như Niklas Sule cũng gây ra nhiều tranh cãi. Cựu cầu thủ Bayern mắc lỗi trực tiếp trong bàn thắng của Takuma Asano nhưng vẫn được sử dụng ở những trận đấu sau đó. Ngược lại, Nico Schlotterbeck - trung vệ thi đấu tương đối ổn lại phải ngồi dự bị khi chạm trán Tây Ban Nha.

Không chỉ Bild, bộ phim tài liệu “All or nothing” của Amazon Prime Video cũng tiết lộ những mâu thuẫn trong bội tuyển Đức ở kỳ World Cup diễn ra trên đất Qatar. Một cảnh quay đã cho thấy cuộc cãi vã giữa Kimmich và Antonio Rudiger.

“Tôi đang hướng dẫn cho cậu đấy!”, trung vệ thuộc biên chế Real Madrid nói.

“Nhưng anh không bao giờ dám nói thẳng vào mặt tôi!”, tiền vệ của Bayern đáp trả. 

Ở một cảnh quay khác, Rudiger đẩy thẳng vào người Goretzka trong một buổi tập. Còn Sule gay gắt với Kimmich: “Đừng có quát mắng tôi nữa! Tôi cảnh cáo anh đấy!”. 

 
Có thể dễ dàng nhận thấy, tình hình phòng thay đồ tuyển Đức ở giải đấu lớn gần nhất mà họ tham dự (bị loại từ vòng bảng) rối ren không khác gì những ngày cuối của Nagelsmann ở Bayern. 

Vị chiến lược gia sinh năm 1987 đã thất bại trong việc quản trị nội bộ Hùm xám. Và giờ đây, Nagelsmann bằng mọi giá không được phép bước vào vết xe đổ của Flick ở ĐT Đức - nơi hay được gọi là “Bayern phiên bản mở rộng”. 

Neuer, Gnabry, Musiala và Sane là 4 ngôi sao của Die Mannschaft đã “va nhau” với cựu trung vệ Augsburg ở Allianz Arena. Kimmich, Sule, Rudiger và Goretzka không như vậy nhưng họ lại từng cãi nhau như “mổ bò” tại kỳ World Cup hồi cuối năm ngoái. Đó là những “ông sao to đùng” mà Nagelsmann sẽ phải quản lý trong lần đầu tiên ông làm thuyền trưởng ở cấp độ ĐTQG. 

Không ai chê bai tài năng và sự tiến bộ về trình độ chuyên môn của Nagelsmann, nhưng khả năng quản trị phòng thay đồ của nhà cầm quân 36 tuổi vẫn đang là một dấu hỏi. Đây chính là công việc đầu tiên và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian đầu Nagelsmann lên nắm quyền ở tuyển Đức.

 

Tương lai của Neuer sẽ thế nào dưới thời Nagelsmann?

Nhóm 4 ngôi sao Neuer, Gnabry, Musiala và Sane có thể sẽ làm hòa được với Nagelsmann. Nếu suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, họ sẽ cố gắng đề cao lòng tự tôn dân tộc và niềm tự hào khi được khoác áo ĐTQG lên trên những hiềm khích trong quá khứ ở CLB. Tuy nhiên, Neuer lại là một trường hợp khác hoàn toàn. 

Những Musiala (20 tuổi), Sane (27) và Gnabry (28) vẫn còn ở độ tuổi sung sức. Họ vẫn có khả năng cống hiến lâu dài cho tuyển Đức. Nagelsmann có thể trọng dụng nhóm cầu thủ này cho tới khi ông hết hợp đồng với DFB, đặc biệt là Musiala - một trong những “viên ngọc quý” hàng đầu của bóng đá thế giới. 

Còn Neuer đã 37 tuổi (38 khi Euro 2024 - giải đấu lớn đầu tiên của Nagelsmann cùng Die Mannschaft khởi tranh). Nhưng tình hình còn nghiêm trọng hơn thế rất nhiều. Thủ môn sinh năm 1986 vừa ở tuổi U40, vừa đang phải nghỉ thi đấu dài hạn vì chấn thương. 

Hồi cuối tháng 12/2022, Neuer bị gãy chân khi… đi trượt tuyết. Theo dự kiến ban đầu, đội trưởng Bayern có thể tái xuất sân cỏ khi mùa giải 2022/23 khép lại. Nhưng sau đó, mọi chuyện chuyển biến theo chiều hướng tích cực khi Neuer cần nhiều thời gian hơn để hồi phục. Hiện tại, anh sẽ phải nghỉ thi đấu cho tới ít nhất là hết năm nay. 

Như vậy, tổng thời gian Neuer phải làm khán giả bất đắc dĩ lên tới 1 năm trời. Điều đó cho thấy, gánh nặng tuổi tác đã bắt kịp lão tướng sinh năm 1986. Tốc độ hồi phục và khả năng lấy lại phong độ của Neuer không được nhanh như thời trai trẻ. 

Trong khi đó, tuyển Đức lại đang có một người gác đền chất lượng khác là Marc-Andre Ter Stegen. Ngôi sao thuộc biên chế Barcelona vừa giành giải thưởng Zamora (dành cho thủ môn có số lượng bàn thua/trận thấp nhất trong một mùa giải tại La Liga) ở mùa vừa rồi. Vào lúc này, Ter Stegen đang là sự lựa chọn số một trong khung thành tuyển Đức. 

 

Vì vậy, dù có tập trung vào việc công và gạt bỏ việc tư, Nagelsmann vẫn có lý do để không trao niềm tin cho Neuer trong thời gian tới. Nếu điều này xảy ra, khả năng cao thủ thành 37 tuổi cũng sẽ sớm từ giã ĐTQG, bởi dù sao Neuer cũng đã luống tuổi và Nagelsmann thì lại luôn thích sử dụng cầu thủ trẻ. Ví dụ như việc Leipzig của ông là đội trẻ thứ 3 tại Bundesliga 2020/21 với độ tuổi trung bình 24,7, chỉ sau mỗi Cologne và Stuttgart.

Rất có thể, sự xuất hiện của Nagelsmann sẽ báo hiệu cho một cái kết buồn của Neuer tại ĐT Đức. 

Thực tế, cựu cầu thủ Augsburg biết rõ những sự hoài nghỉ mà mình phải đối mặt khi trở thành thuyền trưởng của tuyển Đức. Nhưng Nagelsmann vẫn đồng ý ngồi ghế nóng. Điều đó cho thấy, ông đã chấp nhận đối mặt với những thử thách ấy. 

Và một trong những thách thức đầu tiên của Nagelsmann là ổn định phòng thay đồ. Hãy cùng chờ đợi xem cựu HLV Leipzig sẽ làm điều này như thế nào và tương lai của Neuer sẽ ra sao trong quãng thời gian từ nay đến hết Euro 2024. 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Canh bạc tài năng trẻ của Barcelona

Hansi Flick kể rằng ông đã thề nhất định sẽ có ngày bản thân trở thành HLV trưởng của Barcelona vào đêm ngày 21 tháng 3 năm 2006. Ông và 67.000 người khác đã có mặt ở Camp Nou để chứng kiến đội bóng của Frank Rijkaard đánh bại Getafe với tỷ số 3-1, trong khi đám đông cổ động viên đội nhà hát vang ca khúc “Happy Birthday” gửi tặng Ronaldinho, người đã bước sang tuổi 26 vào ngày hôm đó.

Inter Milan: Đi tìm công thức kết hợp Barella và Frattesi

Phong độ xuất sắc của Davide Frattesi trong màu áo ĐT Italia đang thực sự khiến HLV Simeone Inzaghi phải suy nghĩ về việc nhanh chóng tìm ra một giải pháp kết hợp cựu cầu thủ Sassuolo với Nicolo Barella ở hàng tiền vệ Inter Milan.

Lật đổ nhà vua Man City là nhiệm vụ khó khăn dành cho Arsenal

Một mùa giải mới tại Premier League lại bắt đầu và Manchester City tiếp tục cho thấy sức mạnh không thể ngăn cản với chuỗi 3 chiến thắng liên tiếp. Mang thân phận của một kẻ bám đuổi với mong muốn lật đổ nhà vua, rõ ràng nhiệm vụ đó với Arsenal là vô cùng khó khăn.

Niềm tin sau cơn bão

Các tuyển thủ Việt Nam sẽ biến nỗi buồn do siêu bão số 3 vừa gây ra trên quê hương thành sức mạnh để quyết tâm giành chiến thắng trước ĐT Thái Lan ở trận giao hữu tổ chức trên sân Mỹ Đình vào ngày 10/9 tới. 

ĐT Việt Nam và “duyên nợ” với các đội bóng châu Âu

Từ những trang báo bạc màu, từ màn mình TV đen trắng, châu Âu đã luôn là đỉnh cao, là ước mơ của mọi đứa trẻ trót yêu quả bóng tròn trên thế giới này. Và Việt Nam - nền bóng đá nằm ngoài Top 100 FIFA (hạng 115) vẫn đã đang nung nấu giấc mơ ấy: cho lần đầu tiên ĐTQG giáp mặt đối thủ châu Âu ở một giải đấu chính thức.