Trước trận chung kết với Hàn Quốc, U17 Nhật Bản thắng 4 và hoà duy nhất 1 trận trước Uzbekistan. Không chỉ thắng, các chàng trai trẻ xứ sở Mặt trời mọc còn thể hiện sức tấn công huỷ diệt khi ghi đến 18 bàn (trung bình 4,5 bàn/1 trận). Mà đối thủ của họ là những ai? Ngoài Việt Nam thì đó đều là Australia, Iran, Hàn Quốc - những thế lực rất mạnh của bóng đá Châu Á.
Nhưng ấn tượng hơn cả số trận thắng, số bàn thắng còn là lối đá của U17 Nhật Bản. Ngoại trừ trận ra quân bất ngờ để Uzbekistan cầm hoà 1-1 do phung phí quá nhiều cơ hội hay các bàn thua có phần chủ quan trước Astralia thì có thể nói các học trò của HLV Yoshiro Moriyama đã mang đến U17 Asian Cup 2023 một lối đá gần như hoàn hảo.
Nói không ngoa thì lối đá của U17 Nhật Bản giống như trong tưởng tượng của thế 8x khi đọc bộ truyện tranh Jindo vậy. Hoặc dễ hình dung hơn thì nó tương tự như Tika Taka của Barca hay Manchester City trong tay Pep nhưng nhiệt huyết, hứng khởi và say mê hơn vì nó được tưới tắm bởi những tâm hồn đầy nhựa sống thanh xuân.
Xem các Samurai niên thiếu đan lát bóng khắp mặt sân, phối hợp bóng ngắn, bóng dài, biến hoá giữa đánh biên và trung lộ… một cách đầy nhuần nhuyễn và tự tin mới hiểu vì sao lúc này Nhật Bản đang có những Kaoru Mitoma, Kubo Takefusa, Minamino, Junya Ito, Ritsu Doan, Tanaka, Kamada, Itakura, … trong các đội bóng ở những giải VĐQG hàng đầu Châu Âu. Và không ít trong số đó đang là những ngôi sao Á Châu chói sáng, chiếm một vị trí quan trọng của CLB chủ quản, như Mitoma (Brighton & Hove Albion), Kubo (Real Sociedad).
2 kỳ World Cup liên tiếp gần nhất Nhật Bản đều vượt qua vòng bảng để cạnh tranh một vé đá tứ kết. Dẫu đều không thể đi tiếp nhưng việc khiến những Bỉ và Croatia của những Hazard, De Bruyne, Courtois, Modric, Perisic, Kovacic, Brozovic… phải hú vía, chật vật đã nói lên rất nhiều điều về sự thăng tiến một cách bài bản, chắc chắn của nền bóng đá hàng đầu Châu Á này.
Đè bẹp kỳ phùng địch thủ Hàn Quốc 3-0 tại trận chung kết vẫn bằng một lối đá phối hợp như trong sách, U17 Nhật Bản đang cho thế giới thấy họ chuần bị kỹ lưỡng ra sao cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh 3 năm tới đây và cả các kỳ sau đó nữa. Và sẽ không ai ngạc nhiên khi những cái tên đá chính của U17 Nhật Bản lúc này trong tương lai không xa sẽ có trong các dòng lệnh "Here We Go" của “Ông hoàng tin chuyển nhượng” Fabrizio Romano. Những Goto, Kosugi, Tsuchiya, Suguira, Michiwaki, Nawata, Mochizuki, Sato, Yamamoto, Honda, Shibata, Nakajima… sẽ là những cái tên đầy hứa hẹn để kế cận những đàn anh đã thành danh như Mitoma, Kubo, Minamino, Tomiyasu, Kamada, Yoshida… Và xa hơn thì có thể viết tiếp lịch sử chinh phục trời Âu của các bậc tiền bối lẫy lừng thập niên 2000s, 2010s như Nakata Hidetoshi, Nagatomo Yūto, Keisuke Honda.
Nhân tài có thể mỗi thời mỗi khác. Thành công của ĐTQG tại các kỳ Asian Cup và World Cup cũng tuỳ giai đoạn (vì nó còn là vấn đề tương quan lực lượng với các ĐTQG khác cùng thời điểm). Nhưng cách làm bóng đá của người Nhật thì vẫn luôn bài bản, thể hiện rõ tầm nhìn, chiến lược và rất có hệ thống. Những câu chuyện về bóng đá học đường xứ sở hoa anh đào hay chuyên luận về rê bóng của Kaoru Mitoma là những tham khảo rất giá trị cho các nền bóng đá vẫn đang còn vật lộn với đường hướng phát triển như Việt Nam.
Sẽ không có phép màu nào hô biến một nền bóng đá sau một đêm. Muốn đi xa phải đi từ từ và đi thật chắc từ những bước đi đầu tiên. Đầu tư bóng đá trẻ và kiên định, bền bỉ một triết lý bóng đá phù hợp thay vì biến hình liên tục theo những “ông thầy” là những gì bóng đá Việt Nam nên nghiêm túc suy ngẫm lúc này.