Việc bổ nhiệm nhà cầm quân 52 tuổi có khi lại mang đến chiến quả lớn nhất, nếu nhìn vào phong cách chơi bóng ăn ý, trôi chảy mà Ajax đã thể hiện dưới thời Ten Hag, nhất là khi họ lọt tới bán kết Champions League năm 2019.
Nhà báo Fabrizio Romano đã "here we go" thông tin Erik ten Hag là tân HLV trưởng Manchester United. Hợp đồng của HLV người Hà Lan dự kiến kéo dài đến tháng 6/2026, hoặc đến tháng 5/2025 cộng gia hạn thêm 1 năm.
Giữa hai bên đã đạt được thoả thuận với nhau trên hầu hết mọi khía cạnh, bao gồm cả chiến lược chuyển nhượng. Điều cuối cùng sẽ được thảo luận trước khi công bố chính thức được đưa ra: các điều khoản và chi tiết về việc thanh toán khoản phí giải phóng hợp đồng 2 triệu euro với Ajax.
Việc bổ nhiệm nhà cầm quân 52 tuổi có khi lại mang đến chiến quả lớn nhất, nếu nhìn vào phong cách chơi bóng ăn ý, trôi chảy mà Ajax đã thể hiện dưới thời Ten Hag, nhất là khi họ lọt tới bán kết Champions League năm 2019.
Tuy nhiên, sẽ là ảo tưởng nếu một đội bóng hàng đầu Premier League bổ nhiệm một chiến lược gia tài ba, chỉ để người đó copy y chang lối chơi được áp dụng ở đội bóng cũ cho đội bóng mới. Vì huấn luyện là công việc tìm ra sự cân bằng giữa phòng thủ và tấn công, giữa chủ động và phản ứng khi bị động. Trong trường hợp này là có một triết lý tổng thể, đồng thời điều chỉnh cách tiếp cận trận đấu cho các cầu thủ theo ý của bản thân.
Ví dụ, khi Pep Guardiola rời Barcelona để dẫn dắt Bayern Munich, nhiều người tin rằng ông sẽ lặp lại cách tiếp cận trước đây của mình tại Bavaria. Đúng là có nhiều điểm tương đồng, tuy vậy Guardiola lại tin dùng những cầu thủ chạy cánh có khả năng rê dắt hơn là những cầu thủ chỉ biết bám biên. Đồng thời ông cũng chuyển từ việc sử dụng một số 9 ảo sang việc dùng một tiền đạo thuần túy hơn, Robert Lewandowski.
Sự hồi sinh của Ajax và câu chuyện phi thường của Erik ten Hag (P1)Có một sự thật, Hag chưa bao giờ giấu diếm: ông và Pep rất hợp nhau, đặc biệt là những cuộc chuyện trò về bóng đá, về ý tưởng và triết lý bóng đá giàu tính...
Sự hồi sinh của Ajax và câu chuyện phi thường của Erik ten Hag (P2)Ông là kẻ “ngoại đạo” với Ajax, trong toàn bộ sự nghiệp bóng đá của mình. Nhưng Hag được kì vọng sẽ đưa Ajax trở lại với hình ảnh của một đội bóng từng khuynh...
Tương tự như vậy, bạn có thể thấy sự quen thuộc giữa Borussia Dortmund và Liverpool của Jurgen Klopp về cường độ và khả năng pressing, nhưng ông đã bỏ qua những cầu thủ chạy cánh chăm chỉ và hướng tới những cầu thủ đá rộng, cũng như không dùng một số 9 truyền thống để sử dụng một số 9 ảo. Theo cách này, Guardiola và Klopp đã có những hành trình trái ngược nhau, một phần vì họ đã truyền cảm hứng cho nhau.
Liệu Ten Hag có ‘đồng cân đồng lạng’ với Guardiola và Klopp hay không thì còn phải xem xét, mặc dù hành trang của ông tại Ajax là cực kỳ ấn tượng. Ajax là đội bóng lớn nhất Hà Lan, do đó nhiều người thường mặc định rằng họ sẽ vô địch giải quốc nội một cách đơn giản. Tuy nhiên, đội bóng thủ đô đã không vô địch trong ba mùa giải trước khi Ten Hag đến. Chiến lược gia 52 tuổi đã giành được hai chức vô địch (có thể là ba nếu mùa giải 19/20 không bị hủy bỏ vì Covid-19), và nhiều khả năng sẽ ra đi với một danh hiệu khác.
Cho dù Ten Hag chưa từng làm việc tại một giải đấu lớn nào ở châu Âu, những cột mốc đội bóng của ông đạt được ở Champions League cho thấy Ten Hag có thể gây dựng một đội bóng có khả năng cạnh tranh với các CLB ưu tú khác của châu Âu. Thất bại đáng tiếc trước ngưỡng cửa chung kết Champions League 18/19 có thể là nốt trầm trong sự nghiệp của Ten Hag, nhưng trên thực tế Ajax đã loại nhà ĐKVĐ giải đấu này (Real Madrid) và nhà ĐKVĐ nước Ý (Juventus) một cách xứng đáng. Ở vòng bảng, họ hai lần cầm hòa nhà ĐKVĐ nước Đức, Bayern Munich.
Mùa này, Ajax là một trong ba đội thắng cả 6 trận ở vòng bảng, trước khi bất ngờ gục ngã trước Benfica ở vòng 16 đội. Nhưng nếu như vậy đã bị coi là thất vọng, thì cần phải dành lời khen cho cách Ten Hag giúp Ajax ‘thay da đổi thịt’ ra sao ở đấu trường châu Âu. Trước triều đại của ông, Ajax thậm chí còn chẳng lọt tới vòng loại trực tiếp Champions League kể từ năm 2006.
Nhưng điều đáng nói là đội hình năm 2022 của Ajax rất khác so với phiên bản của họ ba năm trước. Noussair Mazraoui vẫn chơi ở vị trí hậu vệ phải, còn Daley Blind và Dusan Tadic vẫn có mặt nhưng ở các vị trí khác nhau. Sơ đồ chiến thuật và lối chơi tấn công đã thay đổi. Ten Hag hiện chơi với một số 9 cổ điển, dù trong năm 2019 - ít nhất là ở châu Âu – ông ấy chơi với một số 9 ảo. Vì Ajax của Ten Hag năm 2022 trông rất khác so với Ajax của ông năm 2019, nên nhiều khả năng Manchester United của Ten Hag cũng sẽ thay đổi khá nhiều so với khi ông còn dẫn dắt Ajax.
Dĩ nhiên, có những nguyên tắc cơ bản - không dễ để thay đổi chúng khi Ten Hag đến Manchester.
Cách triển khai bóng đa dạng
Ajax của Ten Hag triển khai bóng từ hàng thủ rất tốt, không chỉ trên khía cạnh cầm bóng và kéo bóng lên phía trên, mà còn ở cách kéo giãn đối thủ.
Một phần là do Ajax rất hiệu quả trong việc thay đổi cách kiểm soát bóng. Dưới đây là 4 tình huống từ trận thua Benfica ở Champions League, đội bóng thường xuyên pressing hàng thủ của Ajax với hai tiền đạo (đồng nghĩa với việc Ten Hag cần triển khai ba người ở hàng thủ để có lợi thế về người). Vị trí chính xác của 3 người luôn thay đổi, dù 3 người này luôn được rút ra từ 5 cầu thủ giống nhau: 4 hậu vệ và tiền vệ mỏ neo:
Ở đây, chúng ta có hậu vệ trái, trung vệ, trung vệ.
Hậu vệ trái, trung vệ, tiền vệ trung tâm.
Trung vệ, trung vệ, hậu vệ phải.
Cuối cùng là trung vệ, trung vệ và tiền vệ trung tâm.
Tất cả diễn ra chỉ trong 30 phút đầu tiên. Điều này khiến Benfica trở nên bối rối, khiến các khoảng trống được mở ra do hệ thống pressing của họ trở nên rời rạc.
Các hậu vệ chủ động
Ajax của Ten Hag tìm kiếm không gian quá tốt, phần vì các hậu vệ của họ được khuyến khích đi bóng lên phía trước. Không những các trung vệ của Ajax phân phối bóng tốt, họ còn cảm thấy thoải mái khi cầm bóng trên sân.
Điều này có thể rất phù hợp với các trung vệ của Man United: Harry Maguire rất nổi tiếng với việc đi bóng dũng mãnh lên phía trước ở Leicester, ngay cả khi chúng ta ít thấy điều này diễn ra thời gian gần đây. Victor Lindelof cũng có thể làm điều tương tự, còn Raphael Varane, dù là người giỏi nhất trong ba người ở kĩ năng này, lại có xu hướng thận trọng hơn một chút.
Trong khi đó, các hậu vệ cánh thay phiên nhau trở thành tiền vệ phòng ngự, thường xuyên bó vào trong để biến hàng tiền vệ ba người của Ajax giống như một viên kim cương hơn (bản thân họ cũng được khuyến khích dâng lên phía trước).
Hệ quả của sự táo bạo này là việc Ajax thường xuyên kết thúc tình huống tấn công với một số lượng lớn cầu thủ trên hàng công. Bàn thắng mà họ ghi được trong trận đại thắng Twente 5-0 gần đây là một ví dụ đáng chú ý, bởi các hậu vệ cánh của Ajax ban đầu đã ở đúng vị trí của họ, khi trận đấu chỉ còn 5 phút và chiến thắng đã ở rất gần.
Thế nhưng, 10 giây sau khi hậu vệ trái Nicolas Tagliafico suýt mất bóng ở sân nhà, anh đã đi bóng lên phía trước để tạo ra một pha tấn công. Vị trí cuối cùng cầu thủ người Argentina đứng là tiền đạo, trong khi hậu vệ phải Mazraoui đã ở rìa vòng cấm. Ajax có tới 7 cầu thủ trong 25m cuối sân, dù đã dẫn trước 3 bàn. Sebastian Haller, một tiền đạo thực thụ đã chuyển hóa thành công pha dàn xếp này.
Đó là cách mà đội bóng thủ đô Hà Lan tấn công: gia tăng số lượng cầu thủ tham gia tấn công nhiều nhất có thể. Ở đây, chúng ta có 6 cầu thủ Ajax trong 35m cuối cùng dù đã dẫn 3-1 trước Sporting Lisbon…
… hoặc 8 người tràn lên từ sớm trước Willem II…
… hoặc thậm chí là cả 10 cầu thủ trên sân ở 1/3 sân đối phương, khi đã dẫn trước AZ 1-0 ở phút 72 trên sân nhà.
Sự cơ động của hàng tiền vệ
Có một điều khá cơ bản trong cấu trúc của phiên bản Ajax suýt lọt vào chung kết Champions League năm 2019: Họ thường chơi với hai tiền vệ lùi sâu và một tiền vệ phía trước trong sơ đồ 4-2-3-1.
Nhưng ở Hà Lan, họ vẫn thường gọi đó là sơ đồ 4-3-3, không chỉ vì người Hà Lan yêu thích sơ đồ này, mà còn bởi các tiền vệ cánh luôn dâng cao thay vì phòng ngự như một lớp thứ hai ở cánh, cũng như cầu thủ đá số 10 (trong trường hợp này là Donny van de Beek, người hẳn sẽ vui nhất với sự xuất hiện sắp tới của Ten Hag tại Man United) thường lùi sâu và cho phép các đồng đội ở tuyến giữa dâng lên.
Tương tự, Frenkie de Jong sẽ lùi rất sâu để nhận bóng, trước khi đi bóng thẳng lên phía trước. Một lần nữa, giống như các biến thể trong cách lên bóng từ hàng thủ, điều này khiến đối phương lại phải căng não ra đoán, giúp Ajax rất khó bị áp sát.
Mùa giải này, mọi thứ đã bớt biến động hơn một chút, khi Edson Alvarez là người thường xuyên đá tiền vệ mỏ neo. Nhưng hai tiền vệ còn lại thì vẫn liên tục hoán đổi vị trí.
Ở đây, với việc Ajax đang tấn công từ cánh trái, Steven Berghuis lại đang ở trung lộ. Nhưng cầu thủ này nhanh chóng tham gia pha bóng bằng cách thực hiện một pha chạy chỗ bất thường…
… trước khi đập nhả với một số 8 khác trong sơ đồ 4-3-3 của Ajax, Ryan Gravenberch…
… dẫn tới bàn phản lưới nhà của đối phương sau đó.
Có cảm giác như bộ ba tiền vệ của Ten Hag sẽ không có một người giữ nhịp rõ ràng, một cầu thủ box-to-box và một tiền vệ công, mà là ba cầu thủ có khả năng chơi ít nhất hai trong số những vai trò đó. Ngoài Van de Beek, điều này hoàn toàn phù hợp với các tiền vệ hiện tại của United, những người không có vai trò cố định nào ở tuyến giữa.
Gegenpressing và bố trí kèm người sát sao
Ajax của Ten Hag nhìn chung rất năng nổ, quyết liệt khi không có bóng, ép chặt đối phương cũng như để hàng thủ dâng cao bất cứ khi nào có thể. Họ đặc biệt thành thạo trong việc chống phản công, bố trí người xung quanh trái bóng rất nhanh để cắt đứt các đợt phản công của đối phương, trước khi phản công ngược trở lại. Ví dụ như ở trận đấu với Feyenoord, họ có 4 người tập trung xung quanh cầu thủ đang cầm bóng ngay sau khi mất bóng.
Chiến thắng 3-2 trước Feyenoord là một ví dụ điển hình, cho thấy Ajax rất giỏi giành lại bóng nhanh và tạo ra những cơ hội ghi bàn.
Cầu thủ chạy cánh Antony để mất bóng và đang phải nằm sân. Feyenoord đã sẵn sàng phản công. Nhưng Mazraoui đã có mặt rất nhanh chóng…
… đoạt lại bóng trước khi Feyenoord có thể làm điều gì đó…
… để rồi sau đó bóng đến chân Tagliafico, người lập tức di chuyển xuống biên trước khi trả ngược cho Antony – vốn đang quằn quại trên sân 8 giây trước đó để cầu thủ người Brazil ghi bàn.
Vì Ajax phải bố trí nhiều tiền vệ để chống phản công, các hậu vệ của họ được giao nhiệm vụ kèm chặt tiền đạo đối phương, ngay cả khi họ lùi xuống dưới hàng tiền vệ.
Đôi khi, điều này tỏ ra hiệu quả như một phần của hệ thống pressing, nhưng nếu các hậu vệ không giành được quyền kiểm soát bóng và bị vặn sườn, Ajax sẽ để lộ ra những khoảng trống rất lớn. Đây là một trong những tình huống như vậy trước Feyenoord – khi một trung vệ của Ajax dâng cao nhưng bị bỏ lại, khiến hàng thủ của Ajax phải chịu trận.
Rõ ràng, Ten Hag tự tin rằng việc pressing dồn dập là hợp lí. Nhưng có những trường hợp đối thủ có thể vượt qua các trung vệ một cách tương đối dễ dàng, sau đó đi thẳng vào khoảng trống trung vệ đó để lại.
Tận dụng chiều rộng của sân
Ở mùa giải 18/19, các chuyên gia nhấn mạnh rất nhiều vào việc một cầu thủ chạy cánh của Ajax kết hợp với đồng đội ở cùng cánh, khiến đối phương không có đủ quân số ở hành lang cánh đó. Pha dứt diểm thành bàn của Hakim Ziyech vào lưới Tottenham là một ví dụ, khi anh kết hợp với Tadic ở biên trái.
Trong một số trường hợp khác, Ajax tập trung số đông quân số ở một bên, trước khi đột ngột đưa bóng sang phía hậu vệ cánh đối diện, người vốn ít được chú ý do đội hình đối phương đã bị kéo lệch sang một bên. Những pha chặt mu lai má của Ziyech để chuyển hướng đã trở thành thương hiệu là vì thế. Còn trong trận bán kết lượt đi với Tottenham, đây là sự chuyển đổi từ Van de Beek sang Tagliafico, trong bối cảnh cả hai cầu thủ chạy cánh của Ajax được bố trí xuống cùng một bên cánh.
Sự linh hoạt trên hàng công
Còn ở trên hàng công, chúng ta sẽ phải chờ xem.
Như đã đề cập ở trên, Ajax tại Champions League trong năm 2019 dựa vào Tadic như một số 9 ảo, nhưng ở giải đấu quốc nội, Ten Hag thường sử dụng một tiền đạo truyền thống.
Việc ông tin dùng Haller, bản hợp đồng thất bại từ West Ham là một bất ngờ, ngay cả khi họ đã làm việc cùng nhau ở Utrecht, vì điều đó có nghĩa là Ajax sẽ sử dụng một tiền đạo cắm thường xuyên hơn. Nhưng nó đã có tác dụng một cách kỳ lạ, với việc Haller ghi 11 bàn sau 8 trận tại Champions League và 31 bàn trong 43 trận tại Eredivisie.
Tadic đã trở lại vị trí cũ của anh ở bên cánh, cũng như ít phải đảo cánh hơn so với trước đây - một phần là để kéo dài chiều rộng đội hình, cũng như phục vụ Haller trong vòng cấm.
Nhưng rất khó để xác định Ten Hag sẽ muốn đội bóng của mình chơi như thế nào trong 1/3 cuối sân. Ông có khả năng điều chỉnh theo ý của những cầu thủ tấn công nhưng hiện tại, rất khó để biết chính xác họ là ai.
Jadon Sancho và Anthony Elanga nhiều khả năng sẽ là những lựa chọn ở hai cánh, nhưng tương lai của Cristiano Ronaldo là không chắc chắn, Edinson Cavani nhiều khả năng sẽ ra đi, Marcus Rashford đã xuống phong độ trầm trọng trong 18 tháng qua, Mason Greenwood thì xộ khám, còn Anthony Martial dù đang được cho mượn nhưng vẫn còn hai năm hợp đồng nữa.
Ở những vị trí phía dưới, các nguyên tắc về cơ bản sẽ không thay đổi.
Câu hỏi được đặt ra là Ten Hag sẽ áp dụng những nguyên tắc đó như thế nào tại một đội bóng, không giống như Ajax, chưa bao giờ có một triết lý rõ ràng và các cầu thủ của họ không quen chơi dưới một HLV có xu hướng hiện đại ở đẳng cấp cao. Nhưng đó chính là lý do tại sao việc bổ nhiệm của Ten Hag sẽ rất thú vị và thường xuyên có những bất ngờ.
Lược dịch từ bài viết “The football Manchester United fans should expect from Erik ten Hag” của Michael Cox (The Athletic)