Năm 2020 ngọt ngào của AC Milan: Bất ngờ nhưng xứng đáng

Tác giả CG - Thứ Năm 24/12/2020 15:36(GMT+7)

Năm 2020 đã khép lại theo cách không thể ngọt ngào hơn với AC Milan. Mới đây nhất, AC Milan đã đánh bại Lazio để đòi lại ngôi đầu bảng xếp hạng Serie A từ tay Inter Milan.

Họ dẫn đầu bảng và vẫn đang bất bại ở đấu trường này tính từ tháng 6 mùa giải trước - kể từ cuộc chạm trán Lecce, trận đấu đầu tiên sau khi bóng đá trở lại trong thời COVID-19. Tính trên mọi đấu trường, kể từ thời điểm đó đến nay họ cũng chỉ thua duy nhất 1 trận. Họ là đội bóng đầu tiên kể từ sau Barcelona năm 1948 ghi ít nhất 2 bàn trong 16 trận liên tiếp ở giải VĐQG trong 1 năm.
Năm 2020 với thế giới là một thảm họa, nhưng với cá nhân AC Milan thì lại là năm họ đang đạt phong độ cao nhất sau những năm tháng chìm trong lụn bại.

NHỮNG LÃO TƯỚNG MANG TỚI CHỖ DỰA

Sau khi AC Milan thuộc về quyền sở hữu của Quỹ đầu tư Elliott và ông Ivan Gazidis trở thành Giám đốc Điều hành, AC Milan đã xác định đường hướng tập trung vào tương lai hay nói cách khác là đầu tư trên thị trường chuyển nhượng vào các cầu thủ trẻ. Nhưng sau đó, những kết quả không tốt trên sân chỉ ra một phần lý do nằm ở việc Milan thiếu kinh nghiệm của những lão tướng.
Ai cũng hiểu đầu tư vào các cầu thủ trẻ là đi đường dài, song trên sân cần những người đàn anh đủ kinh nghiệm, trình độ và uy tín để làm chỗ dựa cho toàn đội cả về chuyên môn lẫn tinh thần. Đội trưởng Alessio Romagnoli cũng chỉ sinh năm 1995 và chưa thể mang tầm vóc của một người một mình làm thay đổi đội bóng.
Chính điều đó đã khiến trong ban lãnh đạo xảy ra những mâu thuẫn. CEO Gazidis đã từng xung khắc với Giám đốc Kỹ thuật Paolo Maldini và Giám đốc Phụ trách Bóng đá Zvonimir Boban về vấn đề chuyển nhượng. Gazidis thì muốn cầu thủ trẻ trong khi Maldini và Boban kiên quyết rằng đội bóng cần phải đưa về những cầu thủ có kinh nghiệm.
Đỉnh điểm của câu chuyện này là khi Boban lên báo “tố” Gazidis hồi đầu năm nay đã bí mật đàm phán với HLV Ralf Rangnick, một HLV với chiến lược tập trung vào cầu thủ trẻ, để thay thế HLV Stefano Pioli. Tuy nhiên, phong độ lẫn màn trình diễn của Milan suốt năm 2020 cho thấy việc tập trung vào những lão tướng đã đúng. Zlatan Ibrahimovic và Simon Kjaer đều đã mang lại diện mạo khác biệt cho Rossoneri. Sự xuất hiện của cả 2 cầu thủ Bắc Âu này chính là kết quả từ sự kiên định của Boban, Maldini và các cộng sự vào việc bổ sung những gương mặt kinh nghiệm.
“Tôi không đến đây chỉ để làm linh vật (mascot)”, đó là tuyên bố của Ibrahimovic trong buổi lễ ra mắt ở AC Milan vào ngày 3 tháng 1. Thông điệp mạnh mẽ của tiền đạo người Thụy Điển gửi đến những người nghi ngờ liệu anh có thể mang đến khác biệt ở tuổi 38 hay không. Khi Ibra mới tới, Milan xếp thứ 11 trên bảng xếp hạng.
Tất nhiên những nghi ngờ là có cơ sở. Cựu tiền vệ Massimo Ambrosini, đồng đội cũ của Ibrahimovic tại chính AC Milan, chia sẻ với FourFourTwo: “Với tôi, việc cậu ấy lựa chọn trở lại Milan khá nguy hiểm, đó là một thử thách lớn. Cậu ấy mong muốn điều đó, cậu ấy ổn về thể chất và không sợ những thử thách, nhưng rõ ràng đó là một rủi ro”.
Kết quả, Milan đã thành công với thương vụ Ibrahimovic. Ngay trong trận đấu đầu tiên sau khi trở lại CLB, anh đã ghi bàn vào lưới Cagliari. Chân sút người Thụy Điển ghi bàn ổn định và là những bàn thắng quan trọng để giúp Milan băng băng tiến về phía trước. Thống kê chỉ ra kể từ khi bước vào thế kỷ 21, không cầu thủ nào từ 38 tuổi trở lên ghi 10 bàn trong 1 mùa giải ở bất cứ giải đấu nào thuộc 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Ibra đã làm điều đó 2 lần kể từ khi trở lại Italy thi đấu.
Ít được chú ý hơn Ibrahimovic, song Simon Kjaer cũng thể hiện tầm ảnh hưởng không cần phải bàn cãi. Đến Milan sau quãng thời gian không thành công ở Atalanta, trung vệ người Đan Mạch ban đầu chỉ được mượn bởi ban lãnh đạo Milan chỉ xem anh như một giải pháp ngắn hạn. Sự xuất hiện của Kjaer lúc đó vốn chỉ là dự phòng cho Matteo Musacchio, đối tác phòng ngự của đội trưởng Romagnoli.
Nhưng Kjaer đã nắm trọn lấy cơ hội của mình, anh chiếm vị trí chính thức một cách xứng đáng mà không ai có thể phàn nàn. Cầm bóng chắc chắn, tranh chấp mạnh mẽ, không chiến và lựa chọn vị trí chính xác, đội trưởng tuyển Đan Mạch như một lá chắn thép phía trước thủ môn Gianluigi Donnarumma.
Thậm chí sau khi Romagnoli trở lại sau chấn thương cuối mùa giải trước, phong độ của Kjaer còn ổn định hơn cả đội trưởng Milan. Mức giá 3,5 triệu euro mà ban lãnh đạo Rossoneri bỏ ra để mua đứt cầu thủ người Đan Mạch được xem là mức giá quá hời cho phong độ tuyệt vời của anh.

Tuy nhiên sự khác biệt của những lão tướng không chỉ nằm ở chuyên môn mà tất nhiên cả kinh nghiệm và tâm lý. Ibrahimovic là một sự kích thích về tinh thần cho cả đội. Gần 40 tuổi, anh có thừa kinh nghiệm và cả cá tính để làm tấm gương cho các đồng đội noi theo. Đã có quá nhiều bài viết nói về tầm ảnh hưởng của tiền đạo người Thụy Điển với tập thể Milan trẻ trung.
Trong khi đó, Kjaer từ lâu đã được xem là linh hồn hàng phòng ngự Milan. Trong quãng thời gian Romagnoli chấn thương, trung vệ người Đan Mạch trở thành thủ lĩnh hàng phòng ngự, chỉ huy những hậu vệ trẻ trong đội. Hậu vệ 31 tuổi nói: “Tôi xem mình là thủ lĩnh cả trong trận đấu lẫn các buổi tập. Tôi luôn cố gắng làm gương và khiến người khác lắng nghe. Tôi cố gắng truyền tải thông điệp đến các cầu thủ trẻ”.
Sự kiên định của Maldini, Giám đốc Thể thao Frederic Massara và trước đó là cả Boban giúp Milan không mù quáng vào việc chỉ tin các cầu thủ trẻ.

NHỮNG CẦU THỦ TRẺ TÀI NĂNG VÀ PHÙ HỢP

Trong trận đấu với Lazio vừa qua, cú đánh đầu của Theo Hernandez giúp AC Milan ấn định chiến thắng trong phút bù giờ. Vòng đấu trước với Sassuolo, anh có cú bứt tốc từ phần sân nhà đến tận vòng cấm đối phương để kiến tạo nên bàn dẫn trước 2-0 cho AC Milan. Vòng 11, cú đúp của hậu vệ người Pháp giúp Milan giữ lại 1 điểm trong cuộc tiếp đón Parma.
Theo Hernandez đã duy trì phong độ ấn tượng như vậy kể từ mùa giải trước sau khi anh gia nhập từ Real Madrid. Anh đến Milan sau khi đã gặp gỡ trực tiếp với chính Giám đốc Kỹ thuật Maldini mùa hè năm ngoái ở Ibiza. Từ một cầu thủ không được trọng dụng ở Real Madrid, Hernandez đang là một trong những hậu vệ cánh trái hay nhất châu Âu ở thời điểm hiện tại.
Mùa giải 2019/2020, trước khi Ibrahimovic trở về, đã từng có thời điểm Hernandez là chân sút số một của Rossoneri. Trong một tập thể AC Milan thi đấu rệu rã và đáng thất vọng ở thời điểm đó, hậu vệ người Pháp là một điểm sáng hiếm hoi trong đội hình. Hernandez chỉ là một trong những gương mặt trẻ sáng giá của AC Milan lúc này. Thống kê của CIES Football Observatory chỉ ra AC Milan đang là đội bóng có độ tuổi trung bình trẻ nhất ở Serie A và cả 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
Đội hình chính thức mà HLV Stefano Pioli thường sử dụng khi có đầy đủ lực lượng là một đội hình rất trẻ: Gigo Donnarumma mới 21 tuổi nhưng đã khẳng định tài năng sáng giá ở khung gỗ nhiều năm qua; Hernandez (23 tuổi) và Davide Calabria (24 tuổi) ngày càng chững chạc ở 2 vị trí hậu vệ cánh; đội trưởng Romagnoli mới 25 tuổi ở vị trí trung vệ.
Phía trên, Franck Kessie (24 tuổi) và Ismael Bennacer (23 tuổi) là bộ đôi tiền vệ trung tâm số một. Trong khi đó, Alexis Saelemaekers (21 tuổi) là một phát hiện thú vị sau khi đã được mượn và mua đứt từ Anderlecht, cầu thủ người Bỉ mang tới nguồn năng lượng bên cánh phải và khả năng gây áp lực tốt lên hàng phòng ngự đối phương.
Ngoài ra, Milan còn có Sandro Tonali, cầu thủ vừa đoạt danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Italy mùa trước; Pierre Kalulu, hậu vệ phải được mua về trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua và cũng là phát hiện thú vị khi thi đấu ấn tượng trong vai trò trung vệ những trận vừa qua; Jens Petter Hauge, cầu thủ chạy cánh người Na Uy được nhiều Milanista so sánh với Kaka,…
Một đội hình trẻ trung kết hợp cùng những cầu thủ đang ở độ chín như Hakan Calhanoglu, Ante Rebic và các lão tướng giàu chuyên môn và kinh nghiệm đang giúp Milan chơi hay, họ không thi đấu quá hoàn hảo nhưng thực sự đoàn kết và giàu khát khao.

STEFANO PIOLI - NGƯỜI NHẢY VÀO LỬA VÀ ĐANG NHẬN THÀNH QUẢ

Stefano Pioli ngồi vào chiếc ghế nóng của AC Milan với nhiệm vụ giải cứu đội bóng khỏi cơn khủng hoảng dưới thời Marco Giampaolo. Ban đầu, ông chỉ được nhắm là phương án tạm thời với một hợp đồng ngắn hạn. Sự linh hoạt của ông được ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề mà một Giampaolo cứng nhắc không làm được.
Trong suốt vài tháng đầu sau khi chiến lược gia người Italy dẫn dắt, CEO Ivan Gazidis vẫn luôn âm thầm liên hệ với Ralf Rangnick với mong muốn đưa vị “kiến trúc sư” trong hệ thống thể thao của tập đoàn Red Bull về dẫn dắt.
Song, Pioli không cần lên tiếng về vị thế của mình, ông chỉ tập trung làm việc, chứng minh bằng những màn trình diễn tích cực và chiếm được lòng tin của toàn đội. Đúng là ông đã cần thời gian đầu để loay hoay lắp ghép những con người mà mình có trong tay, thử nghiệm những sơ đồ. Nhưng sau đó, Pioli đã tìm ra được một công thức cho Milan.
Lối chơi của Milan mạch lạc hơn hẳn dưới thời Giampaolo. Pioli đã sử dụng bộ đôi Kessie và Bennacier trong một trục kép thay vì hàng tiền vệ ba người. Bennacier ngày càng chứng minh là một cầu thủ điều phối bóng xuất sắc trong khi Kessie - người chơi ở bên trái của trục kép - có khả năng mở ra không gian để Theo Hernandez băng lên tham gia tấn công. Bộ đôi này là bệ đỡ, tạo nhịp và cả năng lượng cho các cầu thủ phía trên.
Pioli hiểu các vấn đề của đội bóng mình. Ibrahimovic là một cầu thủ tấn công đẳng cấp và chứng minh vì sao anh phải có mặt trong đội hình xuất phát. Nhưng dù bền bỉ thế nào thì có một điều phải thừa nhận thể lực của tiền đạo người Thụy Điển không thể đáp ứng việc pressing suốt cả trận đấu.
Chính vì vậy, Pioli đã tin tưởng sử dụng Saelemaekers bên cánh phải, một cầu thủ xử lý bóng chắc chắn, thi đấu bền bỉ, chạy không biết mệt mỏi để hỗ trợ việc pressing và bọc lót cho người đàn anh. Ở bên cánh trái là một Ante Rebic cũng chịu khó chạy và biết cách tạo ra đột biến.
Tất nhiên, AC Milan còn nhiều vấn đề cần giải quyết dù vẫn đang duy trì chuỗi bất bại rất dài. Lối chơi của họ chưa phải hoàn hảo nhất. Chiều sâu đội hình là một vấn đề. Những trận vừa qua, Milan không thể có lực lượng mạnh nhất do chấn thương và thẻ phạt của các cầu thủ, và hệ quả là những trận đấu mà họ giữ lại 1 điểm hoặc giành chiến thắng trong những khoảng thời gian cuối theo cách kịch tính. Có thể nói khoảng cách giữa đội hình chính và dự bị còn nhiều chênh lệch.
Việc bổ sung thêm tân binh trong kỳ chuyển nhượng mùa đông là điều cần thiết cho phần còn lại của mùa giải 2020/2021. Và sau tất cả, có lẽ các Milanista lý trí đều không quên rằng mục tiêu đầu mùa bóng này của AC Milan là top 4. Từng trận một vẫn là một trận chung kết với thầy trò Pioli. Nhưng dù sao đi nữa, năm 2020 khép lại một cách ngọt ngào là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và cả hy sinh của cả một tập thể AC Milan.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói "chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại"?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.