Mua sắm rầm rộ, Arsenal có sợ luật công bằng tài chính?

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Ba 11/07/2023 09:50(GMT+7)

Zalo

Không phải Real Madrid, Manchester City hay Paris Saint-Germain, mà chính Arsenal mới đang là đội bóng mạnh tay nhất trên thị trường chuyển nhượng. Sau khi công bố tân binh đầu tiên ở phiên chợ hè là Kai Havertz với mức giá 65 triệu bảng, Pháo thủ thành London tiếp tục gây sốt với việc sắp chiêu mộ thành công hai bản hợp đồng bom tấn mang tên Declan Rice (105 triệu bảng) và Jurrien Timber (40 triệu bảng). 

Thiet ke chua co ten (6)
Bộ ba Kai Havertz - Jurrien Timber - Declan Rice đã và đang trên đường đến Arsenal.

 

Tổng cộng khoảng 200 triệu bảng sẽ được chi ra cho 3 ngôi sao kể trên, qua đó cũng giúp chúng ta hình dung được tham vọng lớn lao của Arsenal trong mùa giải mới. Đó vốn dĩ không phải hình ảnh thường thấy của Arsenal trên thị trường chuyển nhượng, đặc biệt là với những gì chúng ta từng được chứng kiến trong hơn hai thập kỷ tại vị của HLV Arsene Wenger. Thế nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi.  

Sự khát khao trở lại vị thế của một đội bóng lớn tại Châu Âu của Arsenal thể hiện qua từng kỳ chuyển nhượng. Mùa hè 2021, BLĐ đội bóng duyệt chi 145 triệu bảng cho 7 tân binh. Trong số này nổi bật nhất là Ben White (50 triệu bảng), Martin Odegaard (35 triệu bảng), Aaron Ramsdale (30 triệu bảng) và Takehiro Tomiyasu (16 triệu bảng). Sang đến mùa hè 2022, ngân quỹ dành cho chuyển nhượng thậm chí đã tiêu tốn 165 triệu bảng cho 8 tân binh, với sự xuất hiện của những ngôi sao giàu kinh nghiệm như Gabriel Jesus (45 triệu bảng), Oleksandr Zinchenko (30 triệu bảng), Leandro Trossard (21 triệu bảng) hay Jorginho (11 triệu bảng). 

Và cho đến thời điểm hiện tại, cuộc cách mạng nhân sự ấy đã mang lại hiệu quả. Từ chỗ chỉ xếp thứ 8 tại Premier League trong hai mùa giải đầu tiên dưới triều đại Mikel Arteta, Arsenal đã có bước chuyển mình khi trở thành đối trọng lớn của Man City trong cuộc đua vô địch mùa trước. Đó chính xác là thành quả của đồng tiền khi được đặt đúng chỗ. Sau tất cả, kỷ nguyên chi tiêu thận trọng của nhà Kroenke đã kết thúc. Vào lúc này, những người vui nhất chắc chắn là các Gooners. Tuy vậy, vẫn còn không ít những sự hoài nghi về câu chuyện giới thượng tầng Arsenal sẽ xử lý chi phí như thế nào khi các khoản chi tiêu dành cho chuyển nhượng của họ tăng vọt? Nói cách khác, CLB liệu có sự rơi vào tầm ngắm của Luật công bằng tài chính?

Sự lo lắng là có cơ sở bởi lẽ tình hình kinh doanh của Arsenal trong vài năm trở lại đây có dấu hiệu tụt lùi. Việc nhiều năm làm khán giả tại Champions League khiến đại diện thành London mất đi nguồn thu lớn, từ tiền thưởng cho đến tiền bản quyền truyền hình. Mặt khác, công tác thanh lý cầu thủ của CLB cũng gặp vấn đề nghiêm trọng. Hàng loạt cái tên trong đội như Calum Chambers, Shkodran Mustafi, Mesut Ozil, Henrikh Mkhitaryan, Hector Bellerin hay Pierre-Emerick Aubameyang đều ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do trước khi hợp đồng của họ kết thúc. Cay đắng nhất là trường hợp của Aubameyang khi Arsenal vẫn phải gánh trên vai một phần lương của chân sút người Gabon trong suốt 6 tháng anh thi đấu cho Barcelona, để rồi cuối mùa chứng kiến đội chủ sân Camp Nou bán cho Chelsea thu lời 12 triệu bảng. Tính ra, trong 3 mùa giải gần nhất Arsenal chỉ thu về vỏn vẹn 63 triệu bảng từ công tác thanh lý cầu thủ, chỉ chiếm 16,5% so với tổng số tiền họ bỏ ra để chiêu mộ tân binh, tương ứng khoản chênh lệch lên đến 317 triệu bảng. Báo cáo tài chính 3 mùa giải gần nhất của Arsenal cũng chỉ ra khoản lỗ 226 triệu bảng. Chứng kiến điều đó, giới chủ nhà Kroenke đã có động thái gì?

Để giúp Arsenal giảm bớt gánh nặng lãi vay dài hạn, Stan Kroenke đã dùng tiền của chính ông từ công ty mẹ Kroenke Sports & Entertainment (KSE) để trả nốt nợ khoản vay ngân hàng 150 triệu bảng từ hồi xây dựng SVĐ Emirates. Về cơ bản, Arsenal vẫn phải trả lãi định kỳ cho KSE. Tuy nhiên con số này thấp hơn nhiều so với mức lãi vay ban đầu.

Theo những thông tin mới nhất, Arsenal không lọt vào tầm ngắm thuộc diện xem xét điều tra của Luật công bằng tài chính, khác với những trường hợp trước kia của Man City, Juventus, Inter Milan, AC Milan, AS Monaco, Barcelona hay PSG. Luật công bằng tài chính cải cách – hay còn được gọi với cái tên “Luật tài chính bền vững” (FSCLR) quy định rằng các đội bóng không được phép thua lỗ 60 triệu euro (tương ứng 48 triệu bảng) trong vòng 3 mùa giải liên tiếp. Với các đội bóng có tiềm lực tài chính, con số này sẽ là 70 triệu euro (tương ứng 55 triệu bảng). Câu hỏi đặt ra rằng Arsenal đã thua lỗ tới 226 triệu bảng trong giai đoạn 2019-2022, vậy sao họ không bị UEFA sờ gáy?

Vấn đề cốt lõi nằm ở chuyện UEFA cho phép các đội bóng có quyền chứng minh khoản lỗ tài chính. Nếu khoản lỗ đó được chứng minh là do tác động không mong muốn từ đại dịch Covid-19, nó sẽ bị loại bỏ. Kieran Maguire – giảng viên trường đại học Livepool, đồng thời là người đồng sáng lập ra tổ chức The Price Of Football, đã nói về vấn đề này của Arsenal như sau: “Tôi không nghĩ họ gặp rắc rối với FSCLR. Khoản lỗ 168 triệu bảng được ghi nhận trong mùa giải 2021/2022 được chứng minh 96% là do tác động của Covid-19. Vậy nên con số này không cần đưa vào quá trình giám sát của UEFA. Đúng là họ đã mua sắm mạnh tay hơn trên thị trường chuyển nhượng, nhưng việc về đích thứ hai tại Premier League 2022/2023, đồng thời trở lại tham dự Champions League 2023/2024 sẽ giúp mọi thứ trở nên cân bằng.”

Mua sắm rầm rộ, Arsenal có sợ luật công bằng tài chính 1
Việc trở lại Champions League sẽ giúp doanh thu tài chính của Arsenal tăng vọt.

 

Swiss Ramble – nhà phân tích tài chính nổi tiếng trong giới bóng đá, dự đoán rằng doanh thu của Arsenal trong mùa giải 2023/2024 sẽ phá kỷ lục 419 triệu bảng của chính họ ở mùa giải 2016/2017, tức mùa giải gần nhất Pháo thủ có vé tham dự Champions League. Thầy trò Mikel Arteta có thể thu về 70 triệu bảng từ việc trở lại với đấu trường danh giá nhất Châu Âu. Đồng quan điểm với Swiss Ramble, giảng viên trường đại học Sheffield Hallam là Dan Plumley nhấn mạnh con số sẽ đạt mức 70-80 triệu bảng, thậm chí sẽ còn nhiều hơn nếu Arsenal tiến sâu.

Như đã biết, “chiếc bánh ngọt” Champions League mang đến nguồn thu nhập mà không đội bóng nước Anh nào muốn từ chối. Báo cáo tài chính mùa giải 2021/2022 cho biết, doanh thu của các đội bóng cùng thành phố như Tottenham và Chelsea lần lượt vượt qua Arsenal tương ứng 70 triệu bảng và 114 triệu bảng. Phần nhiều trong đó đến từ nguồn thu từ Champions League.

Điều quan trọng tiếp theo giúp Arsenal tránh xa khỏi tầm ngắm của FSCLR đến từ quỹ lương khiêm tốn của họ. Luật quy định các đội bóng không được chi tiêu quá 70% doanh thu mà họ kiếm được. Chúng ta từng được chứng kiến chỉ riêng quỹ lương của PSG trong mùa giải 2021/2022 đã lên đến 629 triệu euro, chiếm hơn 90% tổng doanh thu. Điều này đã khiến đại diện nước Pháp bị cảnh cáo và phải nộp phạt 65 triệu euro.

Ở Premier League 2022/2023, quỹ lương của Arsenal chỉ là 139 triệu bảng/mùa (tương ứng 58% doanh thu), thấp nhất trong nhóm Big Six. Điều này đến từ những tác động trong năm 2022 khi giới thượng tầng tại Emirates chấp nhận tiễn chân các ngôi sao hưởng lương cao như Bellerin, Ozil hay Aubameyang ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do trước khi hợp đồng của họ đáo hạn. Dù không thu về khoản tiền nào đáng kể, nhưng điều này đã giúp giảm tải hóa đơn tiền lương một cách đáng kể. Rõ ràng việc sở hữu quỹ lương thấp giúp Arsenal hoàn toàn thoải mái trong việc chiêu mộ tân binh và gia hạn hợp đồng với các trụ cột. Ở chiều ngược lại, Man Utd và Chelsea là hai đội bóng đang phải vật lộn để giảm tải quỹ lương của họ (đều chạm ngưỡng 270 triệu bảng trong mùa giải 2022/2023), trước khi nghĩ đến việc chiêu mộ thêm tân binh trong phiên chợ hè.

Mua sắm rầm rộ, Arsenal có sợ luật công bằng tài chính 2
Việc chia tay bộ đôi Aubameyang và Ozil giúp Arsenal giảm tải rất nhiều quỹ lương.

 

Điều lưu ý cuối cùng, không chỉ mạnh tay ở chiều mua sắm, BLĐ Arsenal cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ bán người. Sau khi chắc chắn 100% về thương vụ Declan Rice, HLV Mikel Arteta và giám đốc Edu Gaspar đã đồng ý để Granit Xhaka hồi hương đầu quân cho Bayer Leverkusen với bản hợp đồng trị giá 21,5 triệu bảng. Pablo Mari cũng mang về 6 triệu bảng theo giao kèo trước đó sau khi Monza chính thức trụ hạng tại Serie A. Tiếp theo, những cái tên không nằm trong kế hoạch như Runar Alex Runarsson, Nuno Tavares, Cedric Soares, Sambi Lokonga, Nicolas Pepe…cũng đang tích cực được rao bán. Pháo thủ cũng sẵn sàng chia tay tiền đạo cực kỳ triển vọng là Folarin Balogun nếu nhận được một lời đề nghị hợp lý. Điều này cho thấy sự linh hoạt trong công tác chuyển nhượng của đội chủ sân Emirates.

Sau tất cả, sự kết hợp giữa bộ đôi Mikel Arteta và Edu Gaspar đã và đang mang đến những tín hiệu khởi sắc cho Arsenal từ trong lẫn ngoài sân cỏ. Không chỉ trưởng thành hơn trong từng trận đấu, họ còn sở hữu một nền tảng tài chính đủ tốt để từng bước trở lại với hình ảnh của một đội bóng lớn như trong quá khứ. Rất có thể bộ ba Havertz - Timber – Rice không phải là những bom tấn cuối cùng cập bến Emirates trong mùa hè 2023. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Vì sao Mikel Arteta khát khao sở hữu một trung phong đẳng cấp?

Arsenal hiện là đội bóng sở hữu hàng công ấn tượng nhất Premier League 2023/2024, với việc ghi tới 85 bàn thắng sau 35 vòng đấu, tức trung bình 2,4 bàn thắng/trận. Họ chỉ còn cách kỷ lục ghi bàn của chính mình từng thiết lập ở mùa giải trước vỏn vẹn 3 bàn và còn tới 3 vòng đấu nữa để chinh phục một cột mốc mới. Đó rõ ràng là thử thách không hề khó khăn với thầy trò HLV Mikel Arteta.

X
top-arrow