Mùa hè hỗn độn của Inter Milan

Tác giả CG - Thứ Năm 05/08/2021 19:24(GMT+7)

Có thể nói, bán một “họng pháo thượng hạng” như Romelu Lukaku tạo nên một dấu hỏi về tham vọng của Inter, nhất là khi trước đó những nhân vật có tiếng nói của CLB đã khẳng định họ không cần phải bán trụ cột nào nữa.

 
Đầu tháng 5, Inter Milan vô địch Serie A sau 11 năm chờ đợi. Đến tháng 8, họ chuẩn bị chia tay Romelu Lukaku, một trụ cột mang về scudetto cho Nerazzurri. Thương vụ chuyển nhượng Lukaku từ Inter Milan đến Chelsea đang được xúc tiến và nhiều khả năng sẽ hoàn thành. Đây chính là đỉnh điểm cho một mùa hè lẫn lộn nhiều cảm xúc của Inter và các Interista. Từ niềm vui tột đỉnh, các cổ động viên Inter bị kéo tụt cảm xúc xuống đáy và viễn cảnh tương lai đội bóng đang cực kỳ u ám.
 
Trước hết, hãy nhìn lại mùa hè này của Inter. Ngày 2/5, họ vô địch sớm 4 vòng đấu sau khi Atalanta bị Sassuolo cầm hòa. Ngày 23/5, thủ quân Samir Handanovic cùng các đồng đội nâng cúp trên sân nhà Giuseppe Meazza sau khi đánh bại Udinese với tỉ số 5-1. Đó là chức vô địch lịch sử khi chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Juventus và hứa hẹn mở ra kỷ nguyên tươi sáng cho Inter. Nhưng, điều tồi tệ bắt đầu xảy ra sau đấy.
 
Ngày 26/5, HLV Antonio Conte rời Inter. Đó thực sự là một cú sốc trong bối cảnh ông vừa dẫn dắt đội bóng giành chức vô địch và người hâm mộ kỳ vọng ông sẽ tiếp tục cùng đội bóng gặt hái những thành công từ nền tảng ấy. Ngày 6/7, Achraf Hakimi rời Inter và gia nhập Paris Saint-Germain với giá 60 triệu euro.
 
Ngày 28/7, Gabriele Oriali chia tay đội bóng. Oriali từng có 13 năm chơi bóng trong màu áo Inter, sau đó là giám đốc kỹ thuật của Nerazzurri từ năm 1999 đến 2010. Mùa hè năm 2019, ông trở lại đội bóng cùng thời điểm Conte được bổ nhiệm làm HLV trưởng. Oriali là một nhân vật uy tín ở Inter, được các cầu thủ và ban huấn luyện hết sức tôn trọng, vai trò của ông vừa là người hỗ trợ Conte đồng thời là cầu nối giữa cầu thủ, ban huấn luyện và ban lãnh đạo.

Chức vô địch Serie A mùa giải trước tưởng như mở ra tương lai tươi sáng cho Inter Milan. Ảnh: Getty Images
 
Và vài ngày qua, thông tin Lukaku chuẩn bị trở về Chelsea với mức giá chuyển nhượng lên tới 130 triệu euro đang dần trở thành sự thật. Những nhà báo chuyên về tin chuyển nhượng với những nguồn tin uy tín ở Chelsea và Inter đã xác nhận điều này. Tiền đạo người Bỉ cũng đã gật đầu đồng ý và phía Inter chỉ còn chờ đợi một lời đề nghị chính thức từ The Blues. Tờ Corriere dello Sport đưa tin CEO Beppe Marotta và Giám đốc Thể thao Piero Ausilio cũng sẵn sàng từ chức.
 
Khi Inter đoạt scudetto, có lẽ không ai nghĩ đến những cuộc chia tay như vậy cả. Và rõ ràng điều đó đang gây ra những bức xúc và nỗi thất vọng lớn trong cộng đồng người hâm mộ Inter. Tất cả mọi vấn đề đều bắt nguồn từ “sức khỏe tài chính” đáng lo ngại của CLB.
 
Tài chính đã là vấn đề nhức nhối của Inter và Suning, chủ sở hữu CLB, suốt 1 năm nay. Giữa tháng 12 năm ngoái, Reuters đưa tin giá cổ phiếu của tập đoàn Suning đạt ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 11/2014. 
 
Đầu năm 2021, Financial Times đưa tin các ông chủ người Trung Quốc của Inter phải gấp rút vay ít nhất 200 triệu USD sau khi tài chính CLB bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch và những khoản chi tiêu mạnh tay vào thị trường chuyển nhượng. 

Suning, chủ sở hữu của Inter, đang gặp khó khăn về tài chính. Ảnh: Getty Images
 
Thời điểm đó, chủ tịch Steven Zhang đã có các cuộc thương thảo với các quỹ tài chính từ Mỹ và Ả Rập để bàn thảo về việc mua lại một phần đội bóng nhằm giảm bớt áp lực tài chính.Tình hình của Suning cũng không hề khá khẩm khi họ phải tái cơ cấu lại các hoạt động của tập đoàn nhằm cân đối tài chính, điển hình nhất chính là việc CLB Jiangsu, nhà vô địch Trung Quốc do Suning tài trợ, bị giải thể. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng có những chính sách siết chặt với các nguồn đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn.
 
Ngày 21/5, quỹ tài chính Oaktree của Mỹ cung cấp khoản vay trị giá 275 triệu euro cho Great Horizon, công ty đại diện của Suning quản lý Inter, ngược lại phía Suning thế chấp phần lớn cổ phần của mình ở đội bóng. Sau 3 năm, nếu Inter không thể trả nợ, số cổ phần mà Suning đã đem ra thế chấp đó sẽ thuộc về Oaktree và quỹ đầu tư này sẽ vừa là chủ nợ kiêm ông chủ đội bóng. Một tình cảnh tương tự như AC Milan vài năm trước.

Ngày 12/7, ông Zhang Jindong, người đồng sáng lập tập đoàn Suning, từ chức chủ tịch tập đoàn sau khi đã phải nhượng lại phần lớn cổ phần để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 1,36 tỷ USD và Taobao (thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba) trở thành những người quản lý chính của Suning. 
 
Mới đây, Bloomberg đưa tin Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank Corp.) đã thay mặt các chủ nợ kiện Suning Appliance Group, một công ty con của tập đoàn Suning và chủ sở hữu của họ, hai cha con ông Zhang (Zhang Jindong và Steven Zhang), bị liệt vào danh sách bị đơn. Theo đó, vào tháng 7, Suning Appliance Group đã bị cáo buộc vỡ nợ sau khi đã vay hơn 200 triệu USD.
 
Khi công ty mẹ gặp khó khăn, tất nhiên các công ty con cũng bị ảnh hưởng, trong đó có Inter Milan. Có thể nói những gì đang diễn ra hiện tại ở Inter là điều khá đáng tiếc với Steven Zhang cùng các cộng sự. Năm 2016, Suning Holding Group (công ty con của tập đoàn Suning), thông qua công ty đại diện của họ ở Luxembourg là Great Horizon, đã mua lại phần lớn cổ phần của Inter Milan từ ông Erik Thohir và trở thành chủ sở hữu đội bóng. Năm 2018, ông Steven Zhang được bổ nhiệm làm chủ tịch CLB. 

Conte, Hakimi đã rời Inter, và sắp tới nhiều khả năng là Lukaku. Ảnh: Getty Images
 
Phải thừa nhận rằng chủ tịch Zhang và Suning đã có những cải tổ mạnh mẽ để Inter bước ra khỏi vũng bùn dưới thời Thohir. Họ đã mời Beppe Marotta, một “cáo già” của bóng đá Italy, làm CEO phụ trách thể thao của CLB. Họ mời Conte, người đã thiết lập kỷ nguyên thống trị của Juventus ở Italy, ngồi vào ghế HLV trưởng. Họ không ngần ngại chi tiền mang về những ngôi sao như Lukaku, Alexis Sanchez, Arturo Vidal,… để hiện thức hóa mục tiêu vô địch Serie A.
 
Tuy nhiên, đại dịch ập đến cùng những khó khăn của Suning ở Trung Quốc khiến Inter chịu tác động hưởng nặng nề. Conte đã ra đi khi cảm thấy đội bóng không thể đầu tư vào những mục tiêu chuyển nhượng ông mong muốn. Không những thế, Inter còn phải bán Hakimi cho PSG để đổi lấy 60 triệu euro nhằm cân đối lại tài chính của mình.
 
Sau đó, ông Marotta tự tin tuyên bố Inter sẽ không cần bán thêm trụ cột nào nữa, đặc biệt là Lukaku, người được xem là không thể đụng đến. Chính vì vậy Việc Lukaku chuẩn bị được bán với mức giá 130 triệu euro cho Chelsea giống như giọt nước làm tràn ly. Bên ngoài trụ sở của Inter, các ultra (nhóm cổ động viên cuồng nhiệt, cực đoan) của CLB treo một băng rôn với nội dung: “Này ban lãnh đạo… hãy chú ý… các ông nói lời phải giữ lấy lời”. 

Trong khi đó, tờ Gazzetta dello Sport đưa tin CEO Marotta cùng tân HLV Simone Inzaghi kịch liệt phản đối chủ tịch Zhang cùng ban lãnh đạo khi gật đầu đồng ý cho Lukaku ra đi. Có thể nói, HLV Inzaghi đang bị đặt vào một tình thế khó khăn khi phải chuẩn bị cho mùa giải mới trong bối cảnh những trụ cột của đội lần lượt ra đi, còn tương lai của một cầu thủ quan trọng khác là Christian Eriksen vẫn chưa rõ ràng khi việc anh có thể thi đấu ở Italy hay không sau khi đã lắp máy khử rung tim vẫn là dấu hỏi.

Biểu ngữ phản đối bên ngoài trụ sở Inter Milan. Ảnh: Daniele Mari
 
Có thể nói, bán một “họng pháo thượng hạng” như Lukaku tạo nên một dấu hỏi về tham vọng của Inter, nhất là khi trước đó những nhân vật có tiếng nói của CLB đã khẳng định họ không cần phải bán trụ cột nào nữa. Ở Inter dưới thời Conte, tiền đạo người Bỉ đã thực sự nâng cấp lối chơi của mình. Hai mùa giải vừa qua, anh lần lượt ghi 23 và 24 bàn ở Serie A. Lukaku đã tiến bộ rõ rệt về khả năng chạm bóng, trở thành một cầu thủ toàn diện hơn nhờ sức mạnh, tốc độ, khả năng tì đè và săn bàn.
 
Nhưng dường như quãng thời gian của anh ở Nerazurri sắp hết khi các nguồn tin uy tín đều khẳng định anh đang rất gần với Chelsea. Đó có lẽ cũng là lời giã biệt cho một quãng thời gian đẹp mà ngắn ngủi của Inter. 9 năm trước, AC Milan cũng buộc phải bán Zlatan Ibrahimovic và Thiago Silva cho PSG vì những khó khăn tài chính, và họ trượt dài từ đó. Chắc chắn, các Interista không muốn chứng kiến điều ấy ở đội bóng của mình.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.