"Moneyball" và câu chuyện chuyển nhượng của Arsenal dưới thời Mikel Arteta

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Năm 03/11/2022 16:42(GMT+7)

“Moneyball” – là một bộ phim về bóng chày được đoạt giải Oscar phim xuất sắc nhất 2012 với sự góp mặt của 2 tài tử hàng đầu Hollywood: Brad Pitt và Jonah Hills. Trong phim, đội bóng nhà nghèo của Brad Pitt bị những gã nhà giàu khác cuỗm sạch tài năng, phải bước vào một mùa giải mới với ngân sách cực kỳ eo hẹp. 

Tình cờ Billy (Brad Pitt) - giám đốc điều hành CLB Oakland Athletics - gặp được Peter Brand (Jonah Hills), chàng trai tốt nghiệp khoa kinh tế trường đại học Yale nhưng lại đang làm công việc phân tích thông số cầu thủ bóng chày tại một đội bóng khác. Peter đang nghiên cứu một trong những dự án kỳ lạ nhất trong làng bóng chày: “Đừng chuyển nhượng cầu thủ, hãy chuyển nhượng chiến thắng”. Vậy điều này có ý nghĩa là gì?

“Moneyball” là bộ phim cho người xem một góc nhìn khác biệt về quản lý các CLB thể thao.

Tức là đừng mua một cầu thủ vì chỉ vì anh ta đã thi đấu thành công ở đội bóng khác, mà hãy mua một cầu thủ đến với đội bóng của chúng ta và giúp cho chúng ta thành công. Hệ thống phân tích của Peter chỉ ra rằng có rất nhiều cầu thủ vì một vài lý do nào đó bị giới chuyên môn đánh giá thấp hơn thực lực thật sự của anh ta, và có thể mua được với giá rẻ bèo nhưng mang lại hiệu quả rất lớn nếu biết sử dụng anh ta đúng lúc. Và Billy đã quyết định kéo Peter về đội bóng của anh. 

Quay trở lại với Arsenal, điểm chung mà Oakland Athletics và Arsenal nhiều năm trước gặp phải, mặc dù họ thi đấu ở hai môn thể thao khác nhau, mà ai cũng có thể thấy rõ: đều bị núi tiền của các đội bóng nhà giàu đàn áp. Đặc biệt với Arsenal là sự trỗi dậy của những đội bóng Premier League được các tỷ phú từ Nga hay Trung Đông rót vốn đầu tư. Và kết quả là Pháo thủ không thể cạnh tranh nổi với Chelsea, Manchester City hay Manchester United trên thị trường chuyển nhượng. Ngược lại, cứ ngôi sao nào tỏa sáng trong màu áo Arsenal thì đều bị những “cá mập” kia tìm cách chiêu mộ.

Thế nhưng những ngày tháng u ám đó đã qua rồi. Cuối tháng 8/2018, gia đình nhà Kroenke chính thức sở hữu hoàn toàn đội bóng, bằng việc mua lại 30% cổ phần của Alisher Usmanov, qua đó kết thúc quãng thời gian gần một thập kỷ phân tranh quyền lực giữa hai gia đình tỉ phú. Cũng từ đây, “đứa con tinh thần” Arsenal mới được quan tâm đúng nghĩa. Chủ tịch Stan Kroenke – không phải là một người am hiểu bóng đá đúng nghĩa – thậm chí nhiều ý kiến cho rằng ông thờ ơ với việc lắng nghe nguyện vọng từ người hâm mộ về việc bạo chi nâng cấp đội hình. Tuy vậy với bản chất thực dụng của một nhà kinh doanh người Mỹ, Stan Kroenke chỉ thực sự đầu tư mạnh mẽ khi Arsenal hoàn toàn là tài sản của ông. Và quãng thời 3 năm trở lại đây chính là thời điểm vàng để ông chủ Arsenal lấy lại tình cảm từ người hâm mộ. 

Gia đình nhà Kroenke đã dành sự quan tâm cho Arsenal nhiều hơn kể từ năm 2018

Pháo thủ thành London đã chi ra tổng cộng 350 triệu bảng trong 3 mùa giải gần nhất, trong đó nếu chỉ tính riêng mùa hè vừa qua, con số này là 125 triệu bảng. Nhưng có một nguyên tắc mà Arsenal vẫn luôn muốn thực hiện từ thời Arsene Wenger. Đó chính là chú trọng vào công tác đào tạo trẻ. Ý tưởng đào tạo trẻ ở đây không có nghĩa là “bê nguyên” những sao mai từ lò đào tạo Hale End lên đội 1. 

Thay vào đó, bộ phận tuyển trạch viên với những con người có hệ tư tưởng giống như Peter Brand trong “Moneyball” sẽ tìm ra những sự lựa chọn tốt nhất trên thị trường chuyển nhượng. Mùa hè năm ngoái, cả 6 tân binh được đưa về Emirates đều có tuổi đời chưa đến 23. Có đến 4 cái tên trong số đó giờ đây đang là trụ cột của đội bóng dưới triều đại Mikel Arteta, bao gồm: Aaron Ramsdale, Takehiro Tomiyasu, Ben White và Martin Odegaard. Và cũng đừng quên Nuno Tavares đang có bước phát triển rất tốt khi được cho mượn tại Marseille. 

Mùa hè này, BLĐ đội bóng tiếp tục chiêu mộ Gabriel Jesus và Oleksandr Zinchenko – những người vẫn đang còn trẻ nhưng đã sở hữu bảng thành tích ấn tượng sau quãng thời gian dài chinh chiến trong màu áo Man City. Chính xác hơn, bộ đôi này sở hữu “DNA vô địch”, cũng như tinh thần và bản lĩnh của một nhà vô địch nước Anh. Đó là thứ giá trị vô hình mà tập thể các cầu thủ Arsenal trước đó không có được. Khi mùa giải sắp đi qua 1/3 quãng đường, các Gooners đã được chứng kiến tầm ảnh hưởng của cả Gabriel Jesus lẫn Zinchenko lên lối chơi chung của toàn đội. Ngoài ra, Fabio Vieira cũng là một bản hợp đồng giàu tiềm năng phát triển. 

Tại Premier League 2022/2023, Arsenal là đội bóng trẻ nhất giải đấu với độ tuổi trung bình chỉ 23,7. Thế nhưng họ cũng nằm trong số các đội bóng sở hữu tỉ lệ chiến thắng cao nhất Châu Âu. Trong khi ở chiều ngược lại, một thế lực từng thống trị là Liverpool vừa trải qua trận thứ 9 không thắng chỉ sau 17 trận đấu kể từ đầu mùa giải. Trong đó có thất bại muối mặt trước đội bóng bét bảng Nottingham Forest và mới nhất là việc thất thủ ngay tại thánh địa Anfield trước Leeds United. Chấn thương và việc già hóa đội hình là một trong những nguyên nhân để có thể lý giải cho sự sa sút của Liverpool. Mùa này, độ tuổi trung bình của nhóm cầu thủ ra sân của Liverpool là 27,1, cao thứ 3 tại Premier League.

Ngoài tư tưởng trẻ hóa đội hình, Mikel Arteta là một người đàn ông kiên định với những quyết định cứng rắn, khác ra với vẻ ngoài lịch lãm của mình. Từ quyết định loại bỏ Matteo Guendouzi và Pierre-Emerick Aubameyang vì thói vô kỷ luật, cho đến việc “tiễn chân” những cầu thủ không còn đáp ứng được chuyên môn, đồng thời mất đi động lực thi đấu cho đội bóng. Hector Bellerin, Lucas Torreira và Nicolas Pepe chính là những ví dụ điển hình nhất. 

Xét cho cùng, nếu một đội bóng muốn tiến lên phía trước để chinh phục các danh hiệu lớn, thứ họ cần không chỉ là tài năng của các ngôi sao. Sự đoàn kết của các cá nhân trong một tập thể cũng được xem như điều kiện tiên quyết. Không chỉ Arsenal, khi chúng ta nhìn sang Man Utd ở thời điểm hiện tại, cũng sẽ thấy đội bóng chủ sân Old Trafford đang chơi tốt lên từng ngày. 

Arsenal đang thi đấu cực kỳ thăng hoa ở mùa giải 2022/2023

 

Cả Arsenal và Man Utd cùng đang đi trên cùng một con đường để tìm lại ánh hào quang đã mất trong quá khứ. Tuy vậy, giữa Mikel Arteta và Erik ten Hag cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt. Nếu như Erik ten Hag muốn ngay lập tức ổn định những mắt xích yếu kém của hệ thống chiến thuật bằng việc đưa về những cầu thủ giàu kinh nghiệm như Christian Eriksen, Casemiro hay một bom tấn lên đến 85 triệu bảng như Antony, thì Mikel Arteta chấp nhận mạo hiểm xây dựng một tập thể trẻ – những người cần nhiều thời gian để trở thành phiên bản hoàn thiện trong tương lai. 

Minh chứng rõ ràng nhất là kể từ đầu mùa, trung vệ trẻ William Saliba đã đá chính trong toàn bộ 12 trận đấu cho Arsenal tại Premier League. Trên hàng công, bộ đôi chạy cánh tuổi teen Gabriel Martinelli và Bukayo Saka đã đóng góp dấu giày trong 16 bàn thắng. Nếu như Saka là niềm tự hào của lò đào tạo Hale End thì Martinelli lại là minh chứng cho tầm nhìn của hệ thống tuyển trạch của đội bóng. Cập bến Emirates từ đội bóng ở giải hạng 4 của Brazil là Ituano, cầu thủ chạy cánh người Brazil đã trưởng thành vượt bậc trong quãng thời gian 1 năm trở lại đây và dần trở thành cái tên không thể thay thế trong hệ thống chiến thuật mà HLV Mikel Arteta xây dựng.

 

Mới nhất, Facundo Torres cũng là cái tên được đưa vào tầm ngắm. Arsenal đã theo đuổi sao mai người Uruguay trong âm thầm suốt một quãng thời gian dài. Mọi thứ chỉ được bật mí trước truyền thông khi những cuộc thương thảo với CLB chủ quản Orlando City đã diễn ra. Facundo Torres đã đóng góp 9 bàn thắng và 8 pha kiến tạo thành bàn ở MLS mùa này. Nếu thương vụ này hoàn tất, HLV Mikel Arteta sẽ có thêm nhân sự chia lửa ở hành lang cánh trong giai đoạn lượt về. Quan trọng hơn, đó sẽ là một thương vụ không tiêu tốn quá nhiều tiền. Mức giá dự kiến chỉ rơi vào 8 triệu bảng. Và nếu Facundo Torres tỏa sáng tại nước Anh, hệ thống tuyển trạch của Arsenal với người đứng đầu là Edu Gaspar xứng đáng được vinh danh.

Có thể nói rằng Arsenal đang đi đúng hướng, từ chuyên môn cho đến chuyển nhượng. Đó chắc chắn là điều mà các Gooners mong chờ cả thập kỷ qua!

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Canh bạc tài năng trẻ của Barcelona

Hansi Flick kể rằng ông đã thề nhất định sẽ có ngày bản thân trở thành HLV trưởng của Barcelona vào đêm ngày 21 tháng 3 năm 2006. Ông và 67.000 người khác đã có mặt ở Camp Nou để chứng kiến đội bóng của Frank Rijkaard đánh bại Getafe với tỷ số 3-1, trong khi đám đông cổ động viên đội nhà hát vang ca khúc “Happy Birthday” gửi tặng Ronaldinho, người đã bước sang tuổi 26 vào ngày hôm đó.

Inter Milan: Đi tìm công thức kết hợp Barella và Frattesi

Phong độ xuất sắc của Davide Frattesi trong màu áo ĐT Italia đang thực sự khiến HLV Simeone Inzaghi phải suy nghĩ về việc nhanh chóng tìm ra một giải pháp kết hợp cựu cầu thủ Sassuolo với Nicolo Barella ở hàng tiền vệ Inter Milan.

Lật đổ nhà vua Man City là nhiệm vụ khó khăn dành cho Arsenal

Một mùa giải mới tại Premier League lại bắt đầu và Manchester City tiếp tục cho thấy sức mạnh không thể ngăn cản với chuỗi 3 chiến thắng liên tiếp. Mang thân phận của một kẻ bám đuổi với mong muốn lật đổ nhà vua, rõ ràng nhiệm vụ đó với Arsenal là vô cùng khó khăn.

Niềm tin sau cơn bão

Các tuyển thủ Việt Nam sẽ biến nỗi buồn do siêu bão số 3 vừa gây ra trên quê hương thành sức mạnh để quyết tâm giành chiến thắng trước ĐT Thái Lan ở trận giao hữu tổ chức trên sân Mỹ Đình vào ngày 10/9 tới. 

ĐT Việt Nam và “duyên nợ” với các đội bóng châu Âu

Từ những trang báo bạc màu, từ màn mình TV đen trắng, châu Âu đã luôn là đỉnh cao, là ước mơ của mọi đứa trẻ trót yêu quả bóng tròn trên thế giới này. Và Việt Nam - nền bóng đá nằm ngoài Top 100 FIFA (hạng 115) vẫn đã đang nung nấu giấc mơ ấy: cho lần đầu tiên ĐTQG giáp mặt đối thủ châu Âu ở một giải đấu chính thức.