Manchester City hiện tại rất giỏi thực hiện phạt góc, đến mức ngay cả Pep Guardiola cũng thừa nhận điều đó (hãy nhớ rằng, ông thường dành lời khen ngợi cho các đối thủ).
“Chuẩn đấy, đây chính là mùa giải tốt nhất của chúng tôi về các pha phạt góc và đá phạt trong mặt trận tấn công.”
Những yếu tố nào đang đứng sau sự thay đổi này?
“Chúng tôi xem xét và chỉ thực hiện chúng một cách thật đơn giản,” Guardiola nhấn mạnh. “Có những thời điểm không nên quá phức tạp hóa mọi thứ lên.”
Ai cũng biết rất khó có chuyện HLV trưởng của Man City chịu giảm bớt sự phức tạp, cầu kỳ trong hệ thống chiến thuật mà đội bóng của mình sử dụng, nhưng chiến thuật đá phạt góc của đội chủ sân Etihad đúng thật là khá đơn giản.
Nedum Onuoha, cựu hậu vệ của Man City, Sunderland, Queens Park Rangers và Real Salt Lake – đồng thời là cố vấn biên tập cho The Athletic – đã cùng với Sam Lee, một nhà báo chuyên về Man City, “mổ xẻ” chiến thuật thực hiện phạt góc của The Citizens ở mùa bóng này và kết quả mà họ rút ra là: Đơn giản nhưng hiệu quả.
***
Chúng ta sẽ bắt đầu với chính cú đá phạt góc và câu hỏi liệu Man City sẽ chuyền ngắn hay đưa quả bóng bay thẳng vào vòng cấm.
Điều này thường phụ thuộc vào việc liệu quân số của Man City ở góc sân đó có nhiều hơn đối thủ hay không. Nếu có, họ thường sẽ chuyền ngắn và cố đưa bóng vào vòng cấm từ một góc độ khác – bằng một trong hai cầu thủ tham gia vào cú đá ban đầu hoặc, ví dụ, bằng cách kéo Joao Cancelo nhập hội.
Theo thống kê, Man City đã thực hiện nhiều pha đá phạt góc ngắn hơn bất kỳ đội bóng nào khác tại giải đấu, bên cạnh việc họ đã nhận được nhiều tình huống phạt góc hơn mọi đội bóng khác.
Tuy nhiên, nhìn chung, hầu hết các pha đá phạt góc của Man City đã đưa bóng đi thẳng vào vòng cấm và tín hiệu cho điều này là người thực hiện cú đá giơ cánh tay lên rồi hạ xuống. Hành động đó, theo như những gì Sam Lee và Onuoha nhận thấy được, nhằm mục đích xác định thời điểm chứ không phải báo hiệu quả bóng sẽ bay đến cột trước hay cột sau.
Khi người thực hiện phạt góc bắt đầu chạy đà, đây chính là tín hiệu để các cầu thủ trong vòng cấm thực hiện động thái di chuyển của họ.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với cách dàn xếp bên trong vòng cấm, bao gồm một số phương thức, nhưng “bí quyết” thực sự duy nhất đằng sau mọi tình huống “thành công” là chúng có một cấu trúc rõ ràng và 3 ngòi nổ chính luôn chơi máu lửa để có thể giành chiến thắng khi đấu không chiến. Đó là 2 trung vệ và tiền vệ trụ.
“Chúng tôi rất mạnh trong khía cạnh này,” Guardiola khẳng định.
Phần còn lại về cơ bản là tạo ra khoảng trống cho các ngòi nổ chính, với những cầu thủ như Raheem Sterling và Bernardo Silva chiếm lĩnh các vị trí khác trong vòng cấm.
Ba nhân tố chính đều hoạt động cật lực để có thể thoát khỏi những kẻ truy cản và tạo ra một cú đánh đầu trong thế tự do.
Dưới đây là một ví dụ tuy hài hước nhưng đã diễn ra thường xuyên trước Leicester, trong trường hợp này là với Ruben Dias cố giữ chân 2 cầu thủ phòng ngự để một đồng đội khác được tự do di chuyển.
Aymeric Laporte, với một khuôn mặt hơi mờ trong ảnh dưới bởi tốc độ di chuyển của anh, đã thực hiện một pha lao tới cột gần. Trong khi đó, Fernandinho xoay người và chạy theo một lối khác, hướng đến cột xa.
Dias giành chiến thắng trước Hamza Choudhury trong pha không chiến sau đó và đáng lẽ ra đã có thể trở thành người ghi bàn, nhưng cú đánh đầu không tốt của anh đã trở thành một đường kiến tạo cho Sterling.
Hãy xem một số động thái di chuyển tương tự diễn ra trong trận đấu với Chelsea gần đây.
John Stones bắt đầu ở bên trong.
Sau đó rời ra ngoài.
Tiếp theo anh đột ngột đổi hướng di chuyển để lao tới cột xa trong khi Laporte chạy vòng ra phía trước cả bọn, hướng đến cột gần, “công tắc” kích hoạt những động thái này đã được “bật” khi người đá phạt góc là Kevin De Bruyne bắt đầu chạy đà.
Bộ ba này thường tụ tập ở phía cột gần vào đầu các tình huống phạt góc, sau đó thường thì một trong số họ sẽ đột ngột chạy tới cột xa với mong muốn có thể thực hiện một pha đánh đầu trong thế tự do.
Dưới đây là một ví dụ tiêu biểu khác từ chiến thắng của Man City trước Swindon Town ở FA Cup.
Nếu có một kẻ theo kèm không bị giữ chân vào lúc cả bọn chen chúc chật cứng với nhau, thì một động tác đẩy người đơn giản và chạy có thể trở thành chiêu hữu ích, như Rodri đã chứng minh.
Với việc các cầu thủ khác của Man City đều tập trung ở cột gần, điều đó tạo ra nhiều khoảng trống hơn tại cột xa để tung ra một cú đánh đầu trong thế tự do, nhưng trong tình huống này, pha tiếp xúc với bóng của Rodri đã không diễn ra tốt.
Ví dụ dưới đây cho thấy một chút biến thể khi lần này Man City có 4 cầu thủ to cao trên sân đấu, do Stones đảm nhận vai trò hậu vệ phải trước Leeds, vậy nên có 3 cầu thủ xuất hiện tại cột gần, còn Laporte ở phía sau.
Khi cầu thủ đá phạt góc chạy đà, Rodri bất ngờ chạy vòng ra sau đám đông…
Stuart Dallas, người theo kèm anh, đâm vào Stones và ngã ra sân, cho phép tiền vệ người Tây Ban Nha có một cú đánh đầu trong thế tự do ở cột xa, nhưng pha dứt điểm đã đưa bóng bay quá cao.
Nhân tiện, Guardiola cũng từng chia sẻ ông tin rằng đội bóng của mình có thể nâng cao khả năng tận dụng phạt góc tốt hơn nữa: “Phil (Foden), Riyad (Mahrez), Kevin, Gundo (Ilkay Gundogan) – chúng tôi phải cải thiện một chút để đưa quả bóng đến đúng chỗ, vì tôi tin rằng chúng tôi có thể trở nên cực nguy hiểm ở vị trí đó.”
Bên cạnh chiến thuật dàn xếp đơn giản nhưng hiệu quả, việc sở hữu những cầu thủ rất tích cực “săn” bóng và hoạt động cật lực để đánh bại những kẻ truy cản cũng là yếu tố góp phần rất lớn để biến Man City trở thành một “hung thần” phạt góc trong thời gian gần đây.
Vẫn còn một số phương thức khác, nhưng không diễn ra nhiều. Trong cuộc đối đầu với Arsenal vào trận đấu đầu năm mới, Man City đã giao cho Nathan Ake đảm nhận vai trò hậu vệ trái, thêm một phương án tốt nữa, vậy nên họ đã sử dụng một nhóm 4 cầu thủ để tấn công quả bóng. Trước Brentford gần đây, khi Stones chơi hậu vệ phải, họ đã sử dụng một nhóm 3 người ở cột xa và Stones đảm nhận cột gần.
Và hãy để ý đến Foden đang “ẩn nấp” ở những vị trí như sau:
Anh chỉ nhận được bóng ở một trong hai ví dụ trên, và một trong những lý do chính là vì hai cầu thủ xúm lại điểm phạt góc của Brentford đã chặn mất tuyến đường chuyền bóng dành cho Foden, trong khi Fulham để nó được thông thoáng. (Foden đã thường xuyên xuất hiện ở đó trong trận đấu với Brentford, nhưng phương án này đã không bao giờ được sử dụng.)
Kích hoạt “phương án Foden” cũng là một miếng đánh mà Man City rất thích thú, và họ đã có những lần nhận được kết quả tuyệt vời từ nó trong vài năm nay: Foden đã ghi bàn từ vị trí này trước Burnley vào tháng 6 năm 2020, cũng như Borussia Dortmund ở mùa giải trước và Wycombe vào đầu mùa giải này.
Cuối cùng, chúng ta sẽ đến với mục đích phía sau các động thái chọn vị trí của những cầu thủ không được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng khi đấu không chiến. Ngoài thu hút đám cầu thủ phòng ngự khỏi những ngòi nổ chính của đội, họ còn ở đó để đoạt lấy bóng hai hoặc sẵn sàng pressing chống phản công.
Điều này rất quan trọng, nhưng trong trận đấu với Wolves vào tháng 12, có lần Man City dường như đã bỏ mặc rìa vòng cấm, chẳng bố trí ai giám sát khu vực đó.
Bên trong vòng cấm, Bernardo đã chỉ dẫn, nhắc nhở Cancelo (ở ngoài khung hình) anh nên ở đâu (mặc dù hậu vệ cánh người Bồ Đào Nha hiếm khi đảm nhận vị trí đó).
Man City đã không khắc phục sai sót trong tình huống trên, nhưng trong 5 pha phạt góc tiếp theo từ phía cánh đó, Sterling đã chiếm lĩnh không gian này.
Rất hiếm khi những vấn đề như thế này nảy sinh trên sân đấu, khi Guardiola cho rằng hai thành viên trong ban huấn luyện của ông, Carlos Vicens và Carles Planchart, đã “thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đáng kinh ngạc”.
“Carlos Vicens là một bậc thầy giao tiếp,” ông khẳng định. “Các cuộc họp về những tình huống cố định rất đơn giản, đầy cảm hứng và thông thái, và tôi nghĩ các cầu thủ đang lĩnh hội chúng một cách suôn sẻ.”
Đơn giản nhưng hiệu quả.
Theo The Athletic