Nếu để chọn những người dễ dàng thích nghi với trường phái bóng đá “chịu đựng“ của Antonio Conte, hẳn đó phải là CĐV Vitesse Arnhem. Bởi họ đã phải chịu đựng nhiều hơn tất thảy.
Cho đến năm 2017, họ chưa bao giờ thấy đội bóng của mình giành bất kì danh hiệu lớn nào trong nước. Bất cứ ai từng chứng kiến Vitesse lọt vào top 3 Eredivisie đều đã qua đời, bởi nó diễn ra vào năm 1915. Vitesse dành cả thập niên 80 để ngụp lặn ở giải hạng Hai, được đặt cho biệt danh không mong muốn là “FC Hollywood trên sông Rhine“ bởi mỗi ngày đều “như một vở kịch dài tập“, như lời một CĐV than phiền trên FourFourTwo. Vận may chỉ cải thiện đôi chút khi những cầu thủ như Dejan Curovic, Sander Westerveld và ngôi sao học viện Roy Makaay giúp họ đảm bảo suất dự UEFA Cup một cách thường xuyên.
Nhưng rồi đến chuyện chi tiêu. Vitesse sống tằn tiện như những bà nội trợ trong khoảng thời gian thành công của họ. Tuy nhiên, trong nỗ lực để lọt vào top 3 mùa giải 2000/01, họ đã chi tới 10 triệu bảng để rước HLV Ronald Koeman về với sân GelreDome. Kết quả sau đó không ổn chút nào: Vitesse chỉ đứng thứ sáu mùa đó; từ năm 2003 đến 2011 họ chỉ đứng ở nửa trên bảng xếp hạng đúng một lần, trong khi vẫn còn nhiều khoản phải chi.
Sau khi Karel Aalbers, chủ tịch đội bóng từ năm 1984 phải từ chức năm 2000 vì những cáo buộc trốn thuế, tình hình tài chính của CLB trở nên tồi tệ. Đội bóng đã gần như phá sản vào năm 2008, vì họ không thể trả lại các khoản vay mà nhà tài trợ AFAB Geldservice B.V đã cung cấp cho họ. Vào thời điểm doanh nhân người Georgia Merab Jordania xuất hiện năm 2010, có rất ít lựa chọn thay thế. Vitesse Arnhem trở thành đội bóng Hà Lan đầu tiên trong lịch sử có chủ sở hữu nước ngoài.
Niels, một người hâm mộ Vitesse gần 40 năm cho hay: “Vitesse là một trong những đội bóng lâu đời của Eredivisie, nhưng trong 15 năm, đội bóng ở trong trạng thái tồi tệ và không còn tiền. Vì vậy, khi một chủ sở hữu nước ngoài đến và nói ‘ Tôi có một giải pháp: rất nhiều tiền và mối liên hệ với Chelsea ’… thì đó là lựa chọn duy nhất.”
Vitesse
Merab Jordania là chủ sở hữu của CLB Valletta và có mối liên hệ chặt chẽ với chủ sở hữu Chelsea, Roman Abramovich. Mối quan hệ này đã giúp Vitesse kí hợp đồng với ba cầu thủ Chelsea (Nemanja Matic, Slobodan Rajkovic và Matej Delac) dưới dạng cho mượn. Đây là những cầu thủ đầu tiên chuyển từ Chelsea sang Vitesse.
Trong những năm sau đó, CLB trở nên ổn định hơn về mặt tài chính, thành công bắt đầu đến trên sân cỏ (hai năm dự Europa League) và tương lai có vẻ tươi sáng. Jordania được biết đến là một CĐV cực kỳ nhiệt thành của Vitesse. Ông đã mô tả quãng thời gian làm việc tại Vitesse là "dự án tuyệt vời nhất trong đời". Trong một cuộc phỏng vấn với De Telegraf, Jordania thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng anh yêu Vitesse nhiều như con mình.
Thế nên, khi tỉ phú người Nga Aleksandr Chigirinskiy (người cũng có quan hệ với Abramovich) mua lại Vitesse từ Jordania năm 2013, đã có những tin đồn cho rằng ông chủ của Chelsea muốn một người chỉ tuân theo mệnh lệnh của mình hơn là Jordania, người thực sự muốn tạo ảnh hưởng lên Vitesse.
Điều này khiến doanh nhân người Georgia cảm thấy tức giận. Năm 2014, Jordania bị buộc tội đe dọa Giám đốc điều hành của đội bóng, Joost de Wit. Theo phóng viên Richard van der Made của Omroep Gelderland, Jordania thậm chí đã dọa chặt các ngón tay của Joost de Wit. Những cáo buộc này khiến ông bị cấm đến sân Gelredome trong ba năm.
Như những tờ báo lá cải, Vitesse không quen với việc sống không có drama. Một năm sau, Jordania cáo buộc Chelsea, cụ thể là Abramovich đang tạo ra quá nhiều ảnh hưởng ở Arnhem. Theo ông, Chelsea không muốn Vitesse “trở nên quá mạnh“, và “không ai ở London muốn Vitesse trở thành nhà vô địch hoặc đủ điều kiện tham dự Champions League, trong trường hợp quyền sở hữu liên kết trở thành vấn đề với UEFA."
Cả hai CLB đều phủ nhận cáo buộc này. Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) đã điều tra vấn đề này – như họ đã từng làm ở thời điểm Jordania tiếp quản Vitesse. Kết luận vẫn không có gì thay đổi: “Không có bằng chứng nào cho thấy Chelsea kiểm soát các chính sách của Vitesse.“
Tuy nhiên, qua những cuộc trao đổi email được The Guardian công bố năm 2017, mối quan hệ giữa hai đội bóng này thân thiết hơn nhiều so với những gì được tiết lộ công khai. Giám đốc CLB Chelsea, Eugene Tenenbaum, người được mô tả trên trang web đội bóng là “một trong những cộng sự thân cận nhất của Roman Abramovich“ và Paul Heagren, thư kí hãng đầu tư Millhouse Capital của ông chủ người Nga đóng vai trò quan trọng trong việc mua lại Vitesse của Jordania. Alexander Chigirinsky, người tiếp quản đội chủ sân GelreDome năm 2013, sở hữu công ty Snegri Development, nơi Abramovich có 16% cổ phần.
Chủ sở hữu mới nhất của Vitesse là doanh nhân người Nga Valeriy Oyf, người đã tiếp quản đội bóng cách đây 3 năm. Oyf trước đây là phó chủ tịch của Sibneft, công ty năng lượng Nga do Abramovich sở hữu cho đến khi Gazprom mua lại vào năm 2005. Ông cũng từng là tổng giám đốc của Millhouse Capital và giám đốc điều hành của Highland Gold Mining Limited, công ty có sự góp mặt của Tenenbaum và Eugene Shvidler, một người bạn khác của Abramovich trong hội đồng quản trị.
“Thật là hài hước“, de Wit, người đã rời CLB vào năm 2019 trả lời The Athletic. “Các cầu thủ trên khắp châu Âu được cho mượn từ đội này sang đội khác. Chỉ vì người Nga tham gia, một số người miêu tả nó như thể điều gì kinh khủng lắm."
Tuy vậy, mối quan hệ giữa Chelsea và Vitesse Arnhem sẽ luôn được lấy làm ví dụ về dạng quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa hai đội bóng.
Bởi hàng năm kể từ năm 2010, Vitesse đều có ít nhất một cầu thủ Chelsea trong đội – thậm chí có khi lên đến 6 người như năm 2013 (Gael Kakuta, Patrick Van Aanholt, Lucas Piazon, Sam Hutchinson, Christian Atsu và Cristian Cuevas). Chelsea đã cho đội bóng áo sọc vàng và đen mượn 29 cầu thủ; một số cầu thủ thậm chí ở đó nhiều năm.
(Ảnh: The Athletic)
Người hâm mộ Vitesse luôn tỏ ra khó chịu khi bị chế nhạo việc họ đang trở thành một “Chelsea 2.0“. Phần vì Vitesse đã có danh hiệu lớn (chức vô địch KNVB Cup năm 2017), phần vì gọi Vitesse là đội bóng sân sau là sự xúc phạm tới những người ủng hộ đội bóng được thành lập từ năm 1892, trước Ajax Amsterdam, PSV Eindhoven, Feyenoord và cả chính Chelsea nữa.
Hơn nữa, cái tên Chelsea 2.0 giờ lại trở nên lỗi thời với họ. Từ đỉnh cao nhất cách đây 8 năm (6 người), con số này cứ giảm dần qua từng năm. Năm nay là lần đầu tiên sau hơn một thập kỉ, Vitesse Arnhem bắt đầu mùa giải mà không có cầu thủ Chelsea nào trong đội hình.
Nhưng mối quan hệ này chưa bao giờ chết. Như lời giám đốc kĩ thuật Johannes Spors của Vitesse khẳng định với The Guardian: “Mối quan hệ với Chelsea vẫn rất tốt, nếu không muốn nói là tuyệt vời. Chúng tôi đã đưa cho Chelsea yêu cầu về cầu thủ chúng tôi cần. Nhưng họ lại không có những cầu thủ phù hợp."
Cách đây hơn một thập kỉ, điều Chelsea đang làm có vẻ không được bình thường. Manchester United cũng đã làm điều tương tự với Royal Antwerp của Bỉ từ cuối những năm 1990 đến giữa những năm 2000, nhưng cũng chỉ để các cầu thủ rời khỏi vùng an toàn của mình, cũng như giúp các cầu thủ như Dong Fangzhuo và Souleymane Mamam đủ điều kiện để được cấp giấy phép lao động.
Ngày nay, các đội bóng lớn luôn có những đội bóng vệ tinh xung quanh để gửi gắm cầu thủ. Manchester City dẫn đầu một mạng lưới chính thức gồm 10 đội bóng trên toàn thế giới. Chỉ riêng mùa giải này, họ đã gửi 5 cầu thủ cho Troyes ở Pháp mượn, 3 cho Girona của Tây Ban Nha và 5 cho Lommel ở Bỉ.
Mối quan hệ giữa Watford và Udinese của Ý, hai đội thuộc quyền sở hữu của gia đình Pozzo được thiết lập tốt. Leicester City cũng cho các cầu thủ của mình sang OH Leuven, đội bóng Bỉ cũng thuộc sở hữu của Aiyawatt Srivaddhanaprabha để du học. Mối quan hệ giữa Wolverhampton và Grasshopper Zurich của Thụy Sĩ cũng trở nên gắn bó hơn.
Nhất là trong bối cảnh các CLB Premier League đang tìm mọi cách để vượt qua những hạn chế hậu Brexit trong việc ký hợp đồng với cầu thủ trẻ, thật kì lạ nếu nghĩ rằng mối quan hệ giữa Chelsea và Vitesse trở nên mờ nhạt.
Đánh bại đối thủ cùng thành phố trong trận derby Manchester, thầy trò Ruben Amorim đã giành được rất nhiều lời ca tụng. Chiến thắng này có ý nghĩa hơn một trận thắng thông thường, vì nó có thể mở ra một kỷ nguyên mới ở nửa đỏ thành Manchester.
Đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, đứng đầu về thành tích ghi bàn, và tuần nào cũng thi đấu với sự tự tin rõ rệt. Không có gì lạ khi giờ đây Chelsea đang được xem là một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Premier League 2024/25.
Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.
Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.