Mikel Arteta và công cuộc vực dậy Arsenal: Niềm tin và xây dựng văn hoá là chìa khoá

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 28/09/2020 18:00(GMT+7)

Cuộc chạm trán với một Liverpool đang hừng hực khí thế tại Premier League vào rạng sáng mai chắc chắn sẽ là một bài test khó nhằn hơn rất nhiều so với đội bóng đang “giảm tốc” mà The Gunner đã đánh bại ở Emirates vào tháng Bảy, hoặc một đối thủ chưa “nóng máy” mà họ đã vượt qua ở trận Community Shield. Nhưng ít nhất, lần đầu tiên sau 5 mùa giải, Arsenal đã có thể đặt chân đến Anfield với tinh thần đầy lạc quan rằng một kết quả tốt là mục tiêu hoàn toàn khả thi.

Sự tác động của Mikel Arteta tại Arsenal đã cho thấy, ngay cả trong một thế giới bị chi phối bởi tiền bạc và công tác phân tích, những nhà cầm quân cuốn hút vẫn rất được săn đón với một sự thèm muốn mãnh liệt.

 

Nằm sâu trong thế giới quan bóng đá của người Anh là tinh thần sẵn sàng sống chết với đức tin và niềm khát khao một vị cứu tinh. Các fan hâm mộ luôn muốn được nhìn thấy sự xuất hiện của những người hùng có khả năng giải quyết mọi vấn đề, giống như đoạn lyrics nằm trong ca khúc Cheer Up phiên bản gốc của các cổ động viên Sunderland, ra đời vào mùa giải 1997/1998: “Tất cả chúng ta đều mơ về cái ngày một vị cứu tinh xuất hiện trong cuộc hành trình của mình, ” (We all dreamed of a day when a saviour’d come our way). Người được nhắc đến trong trường hợp này là Peter Reid.

Có thể ý thức này đã được tạo nên bởi những nguyên nhân tâm lý xã hội phức tạp, liên quan đến yếu tố chính trị và tôn giáo, nhưng ít nhất thì chúng ta có thể xác định được rằng nó đã được đẩy mạnh hơn nữa bởi một thực tế là khi môn thể thao vua bước sang kỷ nguyên truyền hình với sự ra đời của Match of the Day vào năm 1964, nền bóng đã Anh đang được thống trị bởi những nhà lãnh đạo cuốn hút.

Những cái tên tiêu biểu nhất là Bill Shankly ở Liverpool, Matt Busby ở Manchester United và Don Revie ở Leeds. Ngoài ra, Brian Clough, Malcolm Allison và Tommy Docherty cũng sẽ sớm nổi lên để khuấy động Xứ Sở Sương Mù. Tất cả bọn họ, với những phong cách riêng của bản thân và có cả vô tình lẫn hữu ý, đều đã tạo nên một sự sùng bái mạnh mẽ xoay quanh mình. Họ được xem là hiện thân của câu lạc bộ và vận mệnh của đội bóng gắn chặt với họ.

Đó là một suy nghĩ rất được ưa chuộng bởi các fan hâm mộ, các cầu thủ, và các câu lạc bộ. Chẳng cần đến nhiều cá nhân nhận lãnh các trách nhiệm hay xem xét những vấn đề phức tạp như xây dựng các chương trình phát triển cầu thủ trẻ và trinh sát chất lượng cao, hoặc tạo dựng một nền văn hóa và môi trường có thể mang đến sự thành công lâu dài. Chỉ cần hy vọng sẽ có một thiên tài phù hợp ngồi vào chiếc ghế nóng, và nếu ông ta bảo tiền đạo trung tâm cần một ngụm rượu mạnh, cầu thủ chạy cánh cần chơi thấp hơn một chút hoặc cả đội cần kiểm soát bóng cẩn thận hơn một chút, cứ tin tưởng rằng những chỉ đạo đó sẽ phát huy hiệu quả. Còn nếu không, luôn có thể dễ dàng hy sinh “vị cứu tinh” này để dọn đường cho “vị cứu tinh” tiếp theo.

 

Có lẽ, vào nửa thế kỷ trước, tư tưởng đó thậm chí là một đường lối rất chuẩn. Các câu lạc bộ đã từng là những thực thể nhỏ bé hơn so với tầm vóc của hiện tại, bóng đá hồi ấy cũng ít phức tạp hơn so với bây giờ. Nhưng vào thời đại này, gần như tất cả mọi người đều nhận thức được rằng, “chỉ một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân”, một con người chẳng thể cáng đáng được tất cả mọi thứ. Các nhà quản lý (manager) vẫn là đầu tàu của câu lạc bộ, nhưng ông ta đã không còn thể hiện vị thế đó theo phương hướng như trong quá khứ. Bên cạnh ông còn có các bộ phận thương mại, marketing, và xây dựng thương hiệu, trưởng ban tuyển dụng và một mạng lưới cực kỳ rộng lớn của các trinh sát viên, các chuyên gia phân tích dữ liệu, đội ngũ huấn luyện viên trợ lý và các giám đốc kỹ thuật. Vào giữa thế kỷ trước, thời đại của những đội trưởng đã phải nhường chỗ cho các nhà quản lý, còn bây giờ, chúng ta đang ở trong thời đại của các CEO.

Mặc dù vậy, đối tượng phải đóng vai trò “vật tế thần” vẫn là những nhà quản lý – ông sẽ là người đầu tiên bị loại bỏ nếu các kết quả trở nên tệ đi. Việc tìm kiếm một gã ngốc để đổ lỗi và thay thế bao giờ cũng dễ dàng hơn nhiều so với phải thừa nhận những khuyết điểm to lớn hơn đang làm suy yếu một câu lạc bộ. Nhưng thỉnh thoảng, vẫn có những nhà cầm quân xuất hiện tại một đội bóng cùng với hình ảnh của một người hùng mang khả năng tạo nên một sự khác biệt hữu hình, giúp cho các fan hâm mộ có thể tạm quên đi bức tranh toàn cảnh đầy ảm đạm và bắt đầu có niềm tin trở lại.

Đó chính là điều sẽ đưa chúng ta đến với câu chuyện của Mikel Arteta. Khi ông ngồi vào chiếc ghế nóng tại Arsenal vào tháng 12 năm ngoái, gắn liền với nhà cầm quân này là danh tiếng về sự chu đáo. Arteta đã từng là một trong những cầu thủ khiến người ta vô cùng trông đợi được chứng kiến viễn cảnh ông bước chân vào công tác quản lý, đến mức cựu tiền vệ người Tây Ban Nha đã được đặt cho biệt danh là “coach” (huấn luyện viên) trong những năm tháng cuối sự nghiệp chơi bóng. Ông đã gây ấn tượng mạnh trong tư cách là trợ lý của Pep Guardiola tại Manchester City, nhưng sự ca tụng đó trước giờ luôn là một con dao hai lưỡi: Thế giới bóng đá vốn đã có vô số “number two” không bao giờ có đủ uy tín, năng lực hoặc sự may mắn để tiếp tục đạt được thành công trong tư cách là người trực tiếp “cầm lái”.

 

Khi còn là một cầu thủ, Arteta đã vạch ra kế hoạch chi tiết của ông về công việc điều hành một câu lạc bộ. Một trong những tiêu chí then chốt, theo quan điểm của ông, là như sau: “Tôi sẽ yêu cầu tất cả các cầu thủ tận tâm 120%, đó là điều đầu tiên. Nếu không làm được điều đó, bạn không nằm trong đội hình của tôi."

Ông đã làm việc đúng theo khuôn khổ đó. Trong giai đoạn lockdown, những cầu thủ từ chối tham gia một cuộc gọi video toàn câu lạc bộ để bàn luận về các quy chuẩn cần tuân theo cho kế hoạch đưa bóng đá trở lại đã phải nhận một tin nhắn thoại có những lời lẽ rất gay gắt từ Arteta. Matteo Guendouzi bị tước đi vị trí của mình trong đội hình. Mesut Özil thậm chí còn hoàn toàn trở thành một người thừa tại câu lạc bộ thành London.

 

Nhà cầm quân người Tây Ban Nha cũng có những cuộc đàm luận với phó chủ tịch Josh Kroenke về việc thay đổi nền tảng văn hóa của câu lạc bộ. Mặc dù vẫn còn tồn tại sự đáng lo về công tác tuyển dụng và đặc biệt là các ảnh hưởng của những người đại diện, nhưng ít nhất thì văn hóa của tập thể đội bóng đã thay đổi. Vào lúc này, sự tự tin là điều có thể được nhìn thấy rất rõ ràng tại Arsenal, trong cái cách mà The Gunner triển khai bóng từ hàng phòng ngự, trong cái cách mà họ duy trì sự điềm tĩnh để thực hiện một cuộc lội ngược dòng trước Chelsea ở trận chung kết FA Cup, và thậm chí là thứ phong thái mà họ thể hiện khi chạm trán những đối thủ top đầu.

 

Dĩ nhiên, quan trọng nhất chính là việc những thay đổi đó đã được chuyển hóa thành các kết quả tích cực trên sân cỏ. Từ tháng 8 năm 2016 cho đến khi Arteta được bổ nhiệm, Arsenal đã chơi 44 trận trước các đối thủ top 6 trên mọi đấu trường, họ chỉ giành được vỏn vẹn 8 chiến thắng và nhận đến 21 thất bại. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Tây Ban Nha, họ đã thi đấu 10 trận trước các đối thủ này, giành 4 chiến thắng, nhận 3 trận thua và, có lẽ điều đáng chú ý nhất, là họ đã thắng 3, hòa 1 (nhưng giành chiến thắng ở loạt sút luân lưu) trong 4 trận đấu gần đây.

 

Cuộc chạm trán với một Liverpool đang hừng hực khí thế tại Premier League vào rạng sáng mai chắc chắn sẽ là một bài test khó nhằn hơn rất nhiều so với đội bóng đang “giảm tốc” mà The Gunner đã đánh bại ở Emirates vào tháng Bảy, hoặc một đối thủ chưa “nóng máy” mà họ đã vượt qua ở trận Community Shield. Nhưng ít nhất, lần đầu tiên sau 5 mùa giải, Arsenal đã có thể đặt chân đến Anfield với tinh thần đầy lạc quan rằng một kết quả tốt là mục tiêu hoàn toàn khả thi.

 

 

Tuy nhiên, có một điểm kỳ lạ đang diễn ra. Ai cũng cảm thấy rằng Arteta đã giúp Arsenal pressing và chuyền bóng tốt hơn, nhưng các số liệu thống kê lại chỉ ra họ đang bị pressing tầm cao cao hơn và thường xuyên hơn thời Unai Emery, và thậm chí là còn hơn cả mùa giải cuối cùng Arsène Wenger nắm quyền. Các sequences có 10 đường chuyền trở lên đã giảm (Theo định nghĩa của Opta, sequence là “chuỗi các pha bóng của một đội bóng, được kết thúc bằng một cú sút, một hành động phòng ngự của đối phương, hoặc một pha thổi phạt”). Có lẽ, họ đang xem trọng tính liên kết hơn là số lượng. Sự tự tin và mục đích rõ ràng của từng đợt lên bóng là điều hoàn toàn có thể nhận thấy. Khi Arsenal triển khai tấn công từ hàng thủ, những tình huống đó luôn có định hướng cụ thể. Công tác pressing của họ đã diễn ra một cách rất tập trung.

 

Thống kê xG cung cấp bởi Understat cho thấy Arsenal sau 22 trận đấu tại Premier League dưới thời Arteta đã kiếm được nhiều hơn 9 điểm so với dữ liệu kỳ vọng. Đó là một thước đo cho vận may mà họ có được và nói lên rằng một giai đoạn “hồi quy về giá trị trung bình” hoàn toàn có thể diễn ra trong tương lai. Nhưng sự hiệu quả là điều mà công tác phân tích dữ liệu vẫn đang rất chật vật để làm sáng tỏ toàn bộ.

 

Có thể đó chỉ đơn giản là bản chất của những vị cứu tinh. Họ đến với sự tự tin và một kế hoạch, họ truyền tải chúng cho các cầu thủ, và khi sự tự tin trong đội tăng vọt, những kết quả tích cực sẽ sớm xuất hiện. Niềm tin dù không thể di chuyển được những ngọn núi, nhưng nó có thể – như đã diễn ra vào thứ Bảy tuần trước – xoay chuyển một màn trình diễn đầy nhọc nhằn trước West Ham thành một chiến thắng. Ngay cả vào thời đại này, trong một thế giới bị chi phối bởi tiền bạc và công tác phân tích, vẫn có một số nhà quản lý đạt được sự thành công chỉ bằng cách đơn giản là khơi dậy niềm tin.

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Mikel Arteta’s act of faith at Arsenal instils belief and purpose” của tác giả Jonathan Wilson, đăng tải trên The Guardian. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.