Manchester United sẽ bớt phiêu lưu trên TTCN nếu có giám đốc bóng đá

Tác giả CG - Thứ Sáu 09/10/2020 17:00(GMT+7)

Zalo

Giám đốc bóng đá không phải một viên đạn bạc. Và tất nhiên trong phát biểu của Monchi hẳn sẽ có chút củng cố lợi ích cá nhân cho ông. Song, một giám đốc bóng đá là cần thiết. Những gì Manchester United đang làm lúc này cho thấy họ không ở vị thế hàng đầu và có thể họ sẽ còn phạm sai lầm trên thị trường chuyển nhượng.

Manchester United sẽ bớt hoang mang trên TTCN nếu có GĐKT hình ảnh
 
Hãy bắt đầu bằng West Ham. David Sullivan - đồng chủ tịch CLB West Ham United - khẳng định răng đội bóng của ông có thể tồn tại mà không cần một giám đốc bóng đá (hay giám đốc kỹ thuật/giám đốc thể thao hoặc vị trí tương đương). Trong khi đó, Karren Brady - phó chủ tịch West Ham - chia sẻ “Vai trò giám đốc bóng đá là hỗ trợ trong việc lựa chọn và đàm phán tất cả các thương vụ chuyển nhượng”.
 
Đó chính là vấn đề về mô hình giám đốc bóng đá. Một số CLB sử dụng vị trí này, trong khi có những CLB lại đảm bảo rằng họ phát triển hơn nếu không có nhân vật đó. Tháng 6 năm 2018, ban lãnh đạo West Ham đã từng bổ nhiệm Mario Husillos vào vị trí này do sự tiến cử của HLV Manuel Pellegrini. 
 
Sullivan tuyên bố Husillos sẽ nắm toàn quyền chiến lược về việc chuyển nhượng cầu thủ. Tuy nhiên sau đó, doanh nhân Xứ Wales cho biết ông hối tiếc vì đã để Husillos tự do mua Felipe Anderson, Andriy Yarmolenko, Carlos Sanchez và Roberto. Sullivan khẳng định 2 bản hợp đồng tốt nhất trong giai đoạn 18 tháng đó (Lukasz Fabianski và Issa Diop) là đề xuất riêng của ông. 
 
Tháng 12 năm 2019, sau khi HLV Pellegrini bị sa thải, Husillos cũng rời West Ham. Trong cuộc phỏng vấn gần đây trên talkSPORT, đồng chủ tịch Sullivan chia sẻ về việc sử dụng vị trí giám đốc bóng đá là “chúng tôi đã thử nhưng nó không hiệu quả”.
 
Nhưng xu hướng của những CLB không có giám đốc bóng đá thường là tranh giành trong những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng, cố gắng thực hiện những thương vụ mà trước đó vài tuần họ không dự tính mang về.
 
Gary Neville từng đăng lên Twitter vào ngày 31 tháng 8 năm 2012 rằng: “Những gì ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mang đến cho bạn là một dấu hiệu rõ ràng về cách vận hành rất tệ của các CLB bóng đá”. 
 
8 năm qua, không quá nhiều điều thay đổi ở West Ham, ngoại trừ lần này sau khi không thể theo đuổi James Tarkowski, họ đã lùng sục để tìm kiếm một trung vệ mới theo như yêu cầu mà HLV David Moyes coi là ưu tiên. Song, những lời đề nghị dành cho Jonathan Tah (Bayer Leverkusen), Duje Caleta-Car (Marseille) và Antonio Rudiger (Chelsea) đều không nhận được kết quả. Trong khi đó dù Sullivan đã đồng ý những yêu cầu của Chelsea để mượn Fiyako Tomori, hậu vệ này đã rút lui khỏi thương vụ này trước khi kỳ chuyển nhượng khép lại 10 phút.
 
Manchester United sẽ bớt phiêu lưu trên TTCN nếu có giám đốc bóng đá hình ảnh gốc 2
Ông David Gold và David Sullivan - 2 đồng chủ tịch CLB West Ham.

Trong lịch sử, West Ham thích những thương vụ muộn. Trong kỳ chuyển nhượng đầu tiên sau khi mua lại CLB vào năm 2010,  bộ đôi Sullivan và David Gold đã chiêu mộ 3 tiền đạo trong ngày cuối cùng của thị trưởng chuyển nhượng (Benni McCarthy với giá 2,25 triệu bảng, Mido theo dạng cho mượn và Ilan chuyển nhượng tự do), tổng cộng họ ghi 4 bàn cho CLB. Mùa hè năm 2011, họ mang về 6 tân binh trong tuần cuối cùng và 3 cầu thủ mới trong ngày cuối cùng kỳ chuyển nhượng vào tháng 1 năm 2012.
 
Và sau đó là một chuỗi những danh sách những tân binh mang về trong giờ chót. Tuy nhiên, ngoài Michail Antonio thành công (mang về 8 tiếng trước khi thị trường chuyển nhượng mùa hè 2015 kết thúc) thì đa số những gương mặt khác đều thất bại.
 
Với Manchester United, vài giờ trước khi thị trường chuyển nhượng khép lại, họ đã công bố các bản hợp đồng là Alex Telles, Edinson Cavani, Facundo Pellistri và Amad Diallo. Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward, giống như Sullivan, hoài nghi về ý tưởng sử dụng một giám đốc bóng đá. Thực tế 2 năm trước, Manchester United đã từng định mời một giám đốc bóng đá khi ông bất đồng với HLV Jose Mourinho. Nhưng sau khi Solskjaer ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng, một “ủy ban kỹ thuật” mới được lập ra do nhà cầm quân người Na Uy chỉ đạo. Gần 200 triệu bảng đã được chi ra cho Aaron Wan-Bissaka, Harry Maguire, Daniel James và Bruno Fernandes trong mùa giải trước.
 
Tuy nhiên, việc đổ tiền vào những ngày cuối cùng và nhất là vài giờ cuối cùng của thị trường chuyển nhượng sau khi không thể có được mục tiêu hàng đầu chưa bao giờ là một hình ảnh tốt. Đôi khi không thể tránh khỏi những tác động của thị trường nhưng những thương vụ dồn dập ở vài giờ cuối là hệ quả của việc Manchester United đã không thể có được Jadon Sancho dù đã theo đuổi suốt cả mùa hè.
 
Họ sẽ cố gắng thuyết phục bản thân, các cổ đông và cổ động viên rằng Telles, Cavani, Pellistri và Diallo là bằng chứng cho thấy “chúng tôi có thể làm những điều trên thị trường chuyển nhượng mà các CLB khác chỉ có thể mơ”, như lời của Woodward chia sẻ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2014. Song, thật khó để thuyết phục tất cả.
 
Alex Telles
Alex Telles là một trong các tân binh Manchester United chiêu mộ trong những ngày cuối cùng kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua.

Giám đốc kỹ thuật, giám đốc thể thao, giám đốc bóng đá hay bất cứ chức danh tương đương nào vẫn vấp phải quá nhiều nghi ngờ và còn mơ hồ trong bóng đá Anh. Cựu HLV Arsene Wenger chia sẻ vào năm 2017: “Tôi chưa bao giờ hiểu giám đốc bóng đá có mục đích gì. Đó có phải người đứng ở đường và chỉ đạo cầu thủ đi bên trái hay bên phải không?”.
 
Wenger được xem là một trong những bộ não mẫn tiệp nhất bóng đá Anh nhưng ông khá lạc hậu khi từng tuyên bố “Tôi là HLV trưởng Arsenal và chừng nào tôi còn là HLV trưởng, tôi sẽ quyết định những gì diễn ra trên khía cạnh chuyên môn”.

Nhưng bóng đá không còn vận hành theo cách đó nữa. Wenger và Sir Alex Ferguson là những mẫu manager cuối cùng kiểm soát toàn bộ yếu tố chuyên môn. Bóng đá đã thay đổi, HLV trưởng cần có sự hỗ trợ của 20-30 chuyên gia và một đội ngũ ekip. Tuyển trạch một bản hợp đồng tiềm năng đồng nghĩa phải lên đường, thực hiện 1 hoặc 2 bài kiểm tra cá nhân về cầu thủ trước khi đề xuất và xin ban lãnh đạo chi tiền.
 
HLV Jurgen Klopp trước đây đã từng làm việc với một Michael Zorc xuất sắc ở Borussia Dortmund và hiện tại là Michael Edwards ở Liverpool. Pep Guardiola thậm chí sẽ không đến Manchester City nếu không có sự hiện diện của Txiki Begiristain trên cương vị giám đốc bóng đá.
 
Mauricio Pochettino là trường hợp thú vị. Không thể phủ nhận rằng đa số những bản hợp đồng tốt nhất của Tottenham trong những năm gần đây như Toby Alderweireld, Dele Alli, Son Heung-min, Kieran Trippier là nhờ Paul Mitchell. Mitchell từng là trưởng bộ phận chuyển nhượng của Southampton, sau đó đảm nhận vị trí tương tự ở Tottenham từ năm 2014 đến 2016. Nhưng sau khi ông chuyển tới RB Leipzig, Pochettino đã từ chối ý tưởng tìm người thay thế.
 
Mitchell là một trong những chuyên gia chuyển nhượng và chiến lược nổi bật nhất trong thập kỷ này. Một vài cái tên nổi bật khác có thể kể đến như Stuart Webber - giám đốc thể thao Norwich City - hay Dan Ashworth - người đã rời West Bromwich Albion để đảm nhận vị trí giám đốc phát triển ưu tú của Liên đoàn bóng đá Anh trong 6 năm trước khi gia nhập Brighton & Hove Albion làm giám đốc bóng đá vào năm 2018.
 
Mitchell, Webber và Ashworth đều đã từng được cho là nằm trong danh sách tuyển dụng ở Manchester United. Tuy nhiên những xu hướng ở đội bóng chủ sân Old Trafford cho thấy việc thuê một giám đốc bóng đá không phải mục tiêu tối thượng. Họ có thể mời một ứng cử viên danh tiếng nhưng sau đó có thể sẽ vấp phải những cuộc đụng độ về quyền lực, tính cách và ý tưởng.
 
Sir Alex Ferguson Arsene Wenger
Mô hình của những manager như Sir Alex Ferguson và Arsene Wenger không còn phù hợp với bóng đá hiện đại.

Tất nhiên, câu chuyện không chỉ là có một giám đốc bóng đá mà vấn đề là người đó phải giỏi và phù hợp nữa. Và rõ ràng không phải một chuyên gia tiếng tăm nào cũng sẽ gặt hái thành công ở mọi đội bóng, ví dụ như Monchi - giám đốc thể thao Sevilla - từng bị coi là thảm họa ở AS Roma. Nhưng mô hình này là điều cần thiết.
 
Chẳng phải chúng ta vẫn biết rằng ngành công nghiệp bóng đá vẫn luôn khó lường hay sao? Và chẳng phải mục đích của mô hình giám đốc bóng đá là tìm ra một chuyên gia có thể giảm thiểu rủi ro, thay những canh bạc bằng thương vụ được tính toán kỹ lưỡng và đặt ra tầm nhìn xuyên suốt cho CLB bất chấp đội bóng có thay đổi HLV hay sao?
 
Manchester United tin lúc này họ đang có mô hình đó. Nhưng hãy nhớ lại những gì Gary Neville nói trên Sky Sports vào tháng 1 năm ngoái, anh khẳng định CLB ‘cần vài năm để đưa những nhà điều hành bóng đá giỏi nhất vào CLB - và họ đang không làm điều đó”. Hiện tại, ủy ban kỹ thuật của “Quỷ đỏ” bao gồm Solskjaer, Mike Phelan, Nicky Butt, Marcel Bout, Mick Court, John Murtough và được giám sát bởi Ed Woodward. Woodward thì lại tin tưởng Matt Judge - một chuyên gia tài chính - phụ trách đàm phán với các CLB, người đại diện và cầu thủ.
 
Hãy nhớ lại câu chuyện ở Liverpool. Sau khi chia tay giám đốc bóng đá Damien Comolli vào năm 2012, Liverpool đã lập ra một ủy ban phụ trách việc chuyển nhượng và các quyết định chiến lược. Tuy nhiên sau đó, họ đã bổ nhiệm Michael Edwards từ vị trí giám đốc phân tích và chuyên môn kỹ thuật làm giám đốc kỹ thuật rồi giám đốc thể thao. Suốt 4 năm qua, ông thể hiện xuất sắc ở vị trí của mình.
 
Manchester United sẽ bớt hoang mang trên TTCN nếu có GĐKT hình ảnh
 
Monchi chia sẻ với tờ Telegraph vào tuần trước là ông không hiểu tại sao một vài CLB hàng đầu, chủ yếu là ở Anh, không có một giám đốc thể thao. Giám đốc thể thao của Sevilla bày tỏ: “Khoảng 60-70% ngân sách được dành cho đội một, nếu bạn không có một chuyên gia xử lý điều đó thì thật khó hiểu. Tôi nghĩ càng ngày các CLB càng nhận thức rằng họ thực sự cần vị trí này và chúng tôi cũng là sợi dây kết nối giữa ban kỹ thuật, đội hình và ban lãnh đạo. Chúng tôi hiểu thị trường và có nhiều thông tin qua những tuyển trạch viên khác nhau”.
 
Tất nhiên một giám đốc bóng đá không chỉ tồn tại vì lợi ích của những ngày cuối cùng kỳ chuyển nhượng. Toàn bộ kế hoạch chuyển nhượng phải là kế hoạch dài hạn thay vì một ý tưởng nhất thời nào đó. Các đội bóng phải bước vào kỳ chuyển nhượng với chiến lược rõ ràng, xác định các ưu tiên chính và chiêu mộ họ thay vì phản ứng một cách luống cuống nếu điều đó không thành.
 
Giám đốc bóng đá không phải một viên đạn bạc. Và tất nhiên trong phát biểu của Monchi hẳn sẽ có chút củng cố lợi ích cá nhân cho ông. Song, một giám đốc bóng đá là cần thiết. Những gì Manchester United đang làm lúc này cho thấy họ không ở vị thế hàng đầu và có thể họ sẽ còn phạm sai lầm trên thị trường chuyển nhượng.
 
Lược dịch từ bài viết “Kay: A director of football won’t always work – but can cut deadline-day gambles” của tác giả Oliver Kay trên The Athletic.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào "Bộ 6 siêu đẳng" của ông đi nào, Gareth Southgate!

Trong một bài phân tích do đích thân mình viết gần đây cho The Athletic, cựu tiền đạo huyền thoại Alan Shearer đã đề xuất một ý tưởng xây dựng đội hình cho HLV trưởng của Tam Sư là Gareth Southgate, ông tin rằng nó sẽ hình thành một “bộ 6 siêu đẳng” trên tiền tuyến của tuyển Anh và giúp họ thăng hoa.

Giải mã thành công của Inter dưới thời Inzaghi theo góc độ chiến thuật

Inter Milan là á quân Champions League 2023 và đang chơi thứ bóng đá tuyệt vời để thống trị Serie A Italia. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các khía cạnh chính về mặt chiến thuật của HLV Simone Inzaghi, hi vọng có thể giúp các bạn hiểu được tại sao tập thể này tạo ra hiệu suất vượt trội đến thế.

X
top-arrow