Manchester City đã có một mùa giải thành công, NHM cũng như BLĐ và bộ phận Marketing của họ rõ ràng đã phải làm rất nhiều. Tuy vậy, có lẽ đã đến lúc Manchester City cần phải hiểu rằng: tiếng tăm và truyền thống không thể mua được bằng tiền.
Khoảnh khắc quái lạ nhất trận chung kết FA Cup mùa này là khoảnh khắc khi Manchester City có được bàn thắng thứ 6, ống kính camera chiếu rõ cảnh Pep Guardiola đang ngồi thu mình trên băng ghế, tay ôm đầu.
Pep Guardiola khi ấy trông không giống một HLV vừa cùng CLB của mình đoạt cú ăn 3 quốc nội lịch sử mà trông giống một vị giáo sư vừa có một thí nghiệm hỏng hơn.
Có lẽ ông đã dần nhận ra giá trị thực của chiến thắng này. Dần nhận ra rằng Manchester City đang lui dần về những ngày khủng hoảng. Và thay vì đem lại những sự tán dương, chiến thắng này sẽ đem lại nhiều thêm sự ngờ vực, thậm chí là cáo tội lên đầu Manchester City.
Và những lo lắng của ông khi đấy đã thành sự thực. Phòng họp báo sau trận của ông ban đầu suôn sẻ, vẫn là những lời tán dương, vẫn là những lời khen ngợi. Nhưng rồi, bước ngoặt bắt đầu xảy ra khi một nhà báo đã đặt ra câu hỏi: liệu vị HLV người TBN có nhận thêm khoản tiền nào ngoài tiền lương giống như người tiền nhiệm Roberto Mancini hay không ?
Guardiola tỏ rõ sự giận dữ. Ông hỏi vặn tay nhà báo: "Anh có biết anh đang hỏi tôi cái gì không ?" Vị HLV người Catalan tiếp tục: "Nếu tôi có nhận thêm tiền, ngay bây giờ, ngay hôm nay ? Thực sự, anh có nghĩ rằng tôi xứng đáng với dạng câu hỏi này không ? Trong một ngày như thế này ? Nếu tôi có nhận thêm tiền không ? Ôi trời, anh cáo buộc tôi nhận tiền đó à ?"
Đáng lẽ ra câu hỏi này không nên được đặt ra. Với Pep, việc chuyển đến Manchester City ngay từ đầu đã là một cách để ông chứng minh rằng mình có thể thành công ở những đội bóng ít truyền thống. "Với một người đã là chứng nhân lịch sử. Manchester City có lẽ là một lựa chọn bất thường," Marti Perarnau viết trong quyển sách The Evolution (Tiến hóa), và cũng theo Perarnau, có lẽ "Pep cảm thấy bị hấp dẫn bởi các CLB ít câu nệ truyền thống...ở những CLB như thế, anh ta có thể làm việc tự do mà không sợ phá vỡ những truyền thống lâu đời."
Vậy, chúng ta có thể rút ra được điều gì từ trận đấu này ? Câu trả lời sẽ có ở bài phân tích dưới đây.
Công trình không bao giờ được thừa nhận :
Ở Barcelona, ông tiếp nối một truyền thống đã có từ thời Johan Cruyff, ở Bayern, ông thừa hưởng một lối chơi gần như "bất khả chiến bại" do Jupp Heynckes để lại. Ở Manchester City thì khác, ông không phải cạnh tranh hay vấp phải một huyền thoại hay một truyền thống lâu đời gì cả. Nói cách khác, theo Perernau "Manchester City là một tấm vải trắng chờ Pep Guardiola tô màu...tạo nên một lối chơi và một ngôn ngữ bóng đá, tạo nên một di sản đặc trưng của riêng anh ấy."
Có lẽ vì thế mà Pep cảm thấy bực bội khi "công trình" của ông không được công nhận. Gần đây nhất, ông thầy người Catalan đã phàn nàn rằng truyền thông Anh chống lại Manchester City nhằm bảo vệ các CLB giàu truyền thống hơn như Manchester United hay Liverpool.
Một dẫn chứng ông đưa ra đó là trước ngày thi đấu chung kết FA Cup, thay vì đưa tin về Manchester City, tờ Daily Mail lại đưa tin về...Paul Pogba. Dẫn chứng này của Pep có lẽ khá lịch sự so với cái cách mà fan Manchester City trút giận lên cabin truyền thông của sân Wembley hôm thứ 7: "Chúng tôi vừa mới thắng cú ăn 3 đấy, cú ăn 3 quốc nội chết tiệt đấy, thế nhưng ngày hôm sau sẽ chỉ có Mo Salah trên báo thôi !!!"
Truyền thông chỉ quan tâm tới...lượt view:
Thật sự dễ hiểu khi cánh truyền thông chỉ tập trung vào Liverpool hay Manchester United thay vì Manchester City. Hai CLB này có số lượng fan đông đảo hơn, họ được nhiều người quan tâm hơn. Nhưng đồng thời cũng phải thấy rằng, việc đưa tin Pogba va chạm với Mourinho hay va chạm với fan như sau trận đấu hạ màn trước Cardiff City vài tuần trước rõ ràng đáng quan tâm và hấp dẫn hơn những chiến thắng giòn giã và có phần quen thuộc của Manchester City.
Trên sân Wembley hôm đó, Manchester City đưa vào 3 sự thay đổi: Kevin De Bruyne, Leroy Sane và John Stones. Chẳng có gì quá khó đoán, đội hình của Manchester City quá mạnh. Họ có được nguồn tài chính dồi dào và đã tiêu tốn 1,2 triệu Bảng sau 11 mùa kể từ vụ mua lại của các ông chủ người Ả Rập vào năm 2008. Số tiền đó nhiều hơn PSG của Qatar và nhiều hơn nửa tỷ bảng so với Manchester United, đội đứng thứ 3.
Vượt qua Chelsea về mua bán.
Thế giới bóng đá chưa từng chứng kiến số tiền chuyển nhượng nào lớn như thế. Có lẽ gần nhất là Chelsea những năm đầu Abramovich nắm quyền. Nhưng việc chi tiêu của họ không có được sự ổn định như Manchester City. Đúng là 11 mùa đã qua, Chelsea luôn là đội chi nhiều tiền nhất, nhưng số tiền 751 triệu Bảng của họ chỉ hơn Man City đúng 10%, dù Manchester City chi tiêu rất ít trong khoảng thời gian từ năm 2003 tới năm 2007. Chi tiêu của họ xuyên suốt 11 mùa chỉ bằng 64% so với tổng chi của Real Madrid và Barcelona. Trong khi đó, Manchester City từ năm 2008 tới nay đã tiêu còn nhiều hơn cả Barcelona và Real Madrid cộng lại.
Guardiola tuy vậy, vẫn có quyền phản ứng khi việc chi tiêu của CLB bị đem ra mổ xẻ trong khi Manchester United dưới thời Sir Alex Ferguson, một Manchester United áp đảo trên mọi đấu trường, lại không bao giờ phải chịu cảnh tương tự.
Điều khác biệt ở đây là: thành công của Manchester United xuất phát từ thiên tài của Sir Alex Ferguson. Họ có được HLV tốt nhất, họ là CLB hiểu rõ được sức mạnh của thương hiệu. Họ đầu tư vào những hợp đồng quảng cáo, họ nâng tầm những ngôi sao trẻ của mình trở thành những thương hiệu hàng đầu. Nói cách khác, Manchester United biết cách "làm ăn" hơn Manchester City.
Tiếng tăm không thể được đem về từ...tiền dầu mỏ:
Dù thế nào đi nữa, thành công của Manchester City hoàn toàn có được nhờ...mua bán. Dù chưa thể tìm được gì mờ ám, người ta vẫn có quyền đặt ra câu hỏi về nguồn tài sản của Manchester City. NHM của Manchester City trong khi đó sẽ chỉ biết phản ứng với những lời soi mói bằng thái độ của một gã trúng số: "Trúng tôi trúng số, còn các ông...trúng gió...chấp nhận đi." Chấp nhận là một điều cần phải làm trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên, với những người hâm mộ bóng đá trung lập, thành công của Manchester City không phải là một dạng thành công đáng noi theo. Đó chỉ là một dạng thành công của những gã nhà giàu mới nổi. Kinh tế thị trường là một điều tốt, nhưng trong bóng đá, nó lại là một điều cực kỳ tồi tệ.
Thành công của Manchester City xuất phát từ việc bóng đá đã bị thao túng quá lâu tới mức không ai có thể ngăn cản được điều đó. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi mọi sự chú ý giờ đây được dồn hết cho nguồn tài chính của họ. Thực sự, nó đủ để khiến cho người ta đặt ra câu hỏi liệu số tiền của Manchester City có phải là nhằm để...tẩy rửa cho một hoạt động nào đó ? Hay là một cách để nâng tầm hoàng gia Abu Dhabi. Nhưng liệu có phải thế không, khi mà nhắc tới Abu Dhabi, người ta sẽ không nghĩ đến thành công của Manchester City, mà là...nạn đói ở Yemen hay cuộc Nội Chiến Syria.
Manchester City ít ra vẫn có được một nhóm CĐV ủng hộ mình trên các phương tiện truyền thông. Khi New York Time đưa tin rằng UEFA nhiều khả năng sẽ đưa ra đề nghị phạt Manchester City một năm chuyển nhượng. NHM Manchester City lập tức phản ứng: UEFA là một lũ tham nhũng, Công Bằng Tài Chính là một trò đùa, New York Time là một đám CĐV Liverpool, một điều khá có cơ sở khi New York Time từng có một khoảng thời gian sở hữu cổ phần ở Liverpool. Có lẽ nhiều NHM Manchester City sẽ giành nhiều thời gian quan tâm tới những thuyết âm mưu ba xu hơn là những diễn biến sắp tới. Đấy mới chỉ là Manchester City, một CLB ít truyền thống, giờ hãy thử tưởng tượng phản ứng sẽ còn lớn thế nào nếu Hoàng Gia Ả Rập mua lại Manchester United và phải chịu chung một cuộc điều tra ?
|
Manchester City: Khi tiền không mua được...tiếng |
Dù thế nào đi nữa, không thể phủ nhận Manchester City đã có một mùa giải thành công, NHM cũng như BLĐ và bộ phận Marketing của họ rõ ràng đã phải làm rất nhiều. Tuy vậy, có lẽ đã đến lúc Manchester City cần phải hiểu rằng: tiếng tăm và truyền thống không thể mua được bằng tiền.
Dịch từ bài viết gốc: "City’s domination has been bought – and they’re paying the price" của cây viết Ken Early đăng trên trang Irishtimes.com
KDNX (TTVN)